Thứ Năm 28/11/2024 -- 28/10/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Luân hồi, nghiệp, nhân quả - Phần 1: Luật nhân quả)

HT.Thích Thiện Hoa

Mỗi tôn giáo đều có một giáo lý riêng, để giải thích sự sống. Giáo lý ấy có khi hoàn toàn dựa trên đức tín thuần túy, có khi dựa trên sự tưởng tượng hoang đường, có khi dựa trên lòng ước mơ tha thiết của loài người.

 

Riêng về đạo Phật, giáo lý về sự sống đặt căn bản lên lý trí và thực nghiệm. Giáo lý ấy mệnh danh là Nhân Quả Luân Hồi.

 

Luật nhân quả không xa lạ gì đối với những ai có một chút nhân xét và suy luận; luật nhân quả lại càng rất gần gũi với giới khoa học. Nhờ tin chắc ở luật nhân quả mà nhà khoa học khám phá ra biết bao nhiêu điều huyền bí của vũ trụ và phát minh được những cái kỳ lạ cho cõi đời, nhưng nhà khoa học chỉ áp dụng luật nhân quả trong phạm vi vật chất. Đức Phật đi xa hơn, chứng minh luật nhân quả cả trong phạm vi tinh thần.

Nhà khoa học chỉ áp dụng luật nhân quả trong một khoảng thời gian nhất định. Đức Phật đi xa hơn, chứng minh rằng luật nhân quả trong suốt thời gian: quá khứ, hiện tại và tương lai. Luật nhân quả chứng minh qua thời gian vô hạn định cả trong phạm vi tinh thần ấy, đức Phật gọi bằng một cái tên riêng là "Luân hồi". Nói một cách khác, luân hồi là nhân quả liên tục trong phạm vi tinh thần.

Đã tin nhân quả tất nhiên không thể phủ nhận luân hồi. Vì thế, ngày nay trên thế giới, không phải chỉ có tín đồ Phật giáo mới tin lý nhân quả luân hồi, mà các nhà thông thái Âu Mỹ cũng đã lãnh nạp giáo lý ấy. Trong các báo chí và sách vở ở khắp năm châu, vấn đề nhân quảlLuân hồi đã được đem ra nghiên cứu một cách đứng đắn và chân thành.

Ở Việt Nam, vấn đề này không xa lạ gì với độc giả, nhất là đối với độc giả Phật tử, thì lại càng quen thuộc. Tuy thế vấn đề nhân quả luân hồi, một vấn đề căn bản trong giáo lý nhà Phật, nói bao nhiêu cũng vẫn thấy còn bổ ích.

Vì nhận thấy sự quan trọng của vấn đề này, nên Thượng tọa Thiện Hoa đã soạn lại những bài giảng của Thượng tọa, sắp đặt lại thành hệ thống trong tập sách này và lấy nhan đề chung là: "Nhân quả Luân hồi".

Đặc điểm của tập sách này là sự trình bày rất sáng sủa, phổ thông và khoa học.

Với đặc điểm trên, chúng tôi tin chắc rằng tập sác nhỏ này sẽ ổn định được tinh thần những ai đang băn khoăn, thắc mắc về vấn đề sống chết, về ý nghĩa của cuộc đời, và sẽ gây thêm lòng tin tưởng vững chắc cho hàng Phật tử và giúp họ thêm hăng hái trong việc tu hành để chóng thoát khỏi cảnh sanh tử luân hồi.

Với lòng tin tưởng ấy, chúng tôi hân hạnh xin giới thiệu tập sách nhỏ này với toàn thể qúy vị đọc giả thân mến.

 

 

 

ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong cõi mông lung, vô cùng vô tận của trời đất, con người thật bé nhỏ, như một hòn sỏi, như một hạt cát; trong cái vĩnh viễn không đầu không cuối của thời gian, con người xuất hiện và mất đi nhanh như ánh sáng chợt đỏ, chợt tắt của con đom đóm, như ánh sáng của một làn chớp. Nhưng khổ thay, con người bé nhỏ và chóng tan biên ấy lại mang trong đầu óc những câu hỏi quá to lớn: "Ta từ đâu đến đây? Ta đến đây để làm gì? Đến đây rồi ta sẽ chấm dứt cuộc hành trình sau hơi thở cuối cùng ở đây, hay còn tiếp tục đi nữa? Đi đâu? Đi hay về? Đi theo một con đường thẳng hay đường cong? Đi xuống hay đi lên?". Quá khứ đã không hay; tương lai cũng sẽ không biết, còn hiện tại thì quá ngắn ngủi phù du!

Và than ôi! ngay trong cái hiện tại ngắn ngủi ấy, cũng đã chứa đựng không biết bao nhiêu sự bất công, vô lý:

- Tại sao người ấy đẹp mà ta xấu? người kia giàu mà ta nghèo? người ấy sướng mà ta khổ? Tại sao có người chết yểu, có người sống lâu? có người thông minh có người ngu muội? có người hiền lương, có kẻ ác độc?

- Tại sao và tại sao!

Bao nhiêu câu hỏi xoay tít trong đầu, như những cái chong chóng, gầm thét kêu gào, đòi hỏi, làm cho người ta điên đầu, lộn não. Để chấm dứt sự hoành hành của những câu hỏi ấy, có người đã tìm cách chấm dứt đời mình với thuộc độc; có người lẫn tránh trong thuốc phiện, trong rượu nồng dê béo, trong sóng mắt làn môi...

Đề cho khỏe não, có người tự bảo mọi sự mọi vật đều do ý Trời sắp đặt; có người bảo là do một mãnh lực tiền định, có người bảo là sự may rủi trớ trêu, không có nguyên do, luật lệ gì cả.

Nhưng những câu giải đáp gượng gạo trên, không làm thỏa mãn được những tâm hồn thiết tha muốn tìm hiểu sự thật:

Bảo rằng do ý một vị Thần sắp đặt thì ý vị thần ấy thật mâu thuẫn, phi lý, độc tài. Xưa, đức Phật đã nói như sau đây, khi đề cập đến thần Brahma:

"Người đã chứng kiến bao sự đau khổ ở trước mắt, tại sao không làm cho chúng sanh được an vui? Nếu người ấy có nhiều thần lực, tại sao không dùng thần lực để cứu độ chúng sanh? Tại sao những con sanh của người ấy lại phải chịu lắm điều khổ sở? Tại sao người ấy không ban phước lành đến cho con họ? Tại sao những xảo quyệt giả dối, mê lầm vẫn tồn tại mãi mãi? Tại sao gian xảo càng ngày càng tăng tiến, còn chân lý và công bằng lại phải lu mờ? Ta xem thần Brahma như một người vô cùng bất công đối với kẻ bị sanh ra trong thế giới đầy dẫy nhơ bẩn, xấu xa này". (Kinh Bhùcidatta Jataka).

Nếu bảo rằng mọi sự vật ở đời đều do một sức mạnh tiền định, chi phối tất cả, thì thử hỏi sức mạnh ấy là sức mạnh gì? Của ai? Có sáng suốt hay mù quáng? Nếu không giải đáp được những câu hỏi phụ thuộc ấy, mà cử quyết đoán như thế, thì thật là quá nông nổi.

Còn nếu bảo rằng sự hiện hữu của cõi đời này, không do một nguyên nhân gì cả, thì thật là vô cùng phi lý! vì chúng ta hãy nhìn chung quanh ta, có một cái gì sanh ra mà không có nguyên nhân không?

Riêng nói về sanh mạng con người, có hai quan niệm thông thường, trái ngược nhau:

- Quan niệm chấp đoạn, cho rằng con người chỉ có một đời trong hiện tại, trong khoảng một trăm năm; đến khi nhắm mắt xuôi tay, thân thể tan ra tro bụi và kiến văn, tri giác cũng không còn gì hết. Chết là hết, là hoàn toàn mất hẳn.

- Quan niệm chấp thường, cho rằng linh hồn bất tử: sau khi chết, thân thể tan rã, nhưng linh hồn thường còn mãi mãi, sẽ lên cõi Thiên đường để thọ hưởng vĩnh viễn những sự an vui khoái lạc (nếu trong đời hiện tại ăn ở hiền lương) hay sẽ bị đoạ xuống địa ngục chịu khổ mãi mãi (nếu trong đời hiện tại làm nhiều điều tội lỗi).

Hai quan niệm trên này đều không đúng!

Chềt là mất hẳn! Sao lại mất hẳn được? Hãy nhìn chung quanh ta có cái gì mất hẳn đâu? Một hạt cát, một mảy lông còn không thề mất hẳn được, huống chi con người là một sinh vật có khả năng tri giác nhất trong chúng sanh!

Nhưng bảo rằng linh hồn là thường còn, ở mãi trên thiên đường hay dưới địa ngục cũng không đúng. Sự nhận xét thông thường cho chúng ta thấy rằng, trong vũ trụ, không có một cái gì có thể vĩnh viễn và ở yên một chỗ, mọi sự vật đểu biến đời và xê dịch. Vả lại, có gì bất công hơn là chỉ vì những cái nhân đã gieo trong một đời hiện tại ngắn ngủi, mà phải chịu cái quả vĩnh viễn tốt hay xấu trong tương lai.

Cho nên những loại giải đáp nói trên, đều không thể đứng vững được trước ánh sáng chân lý.

Những vần đề trên này, giáo lý nhà Phật đã giải đáp một cách rõ ràng, khúc chiết, mạch lạc. Những lời giải đáp này không dựa vào oai lực của thần quyền, không dựa vào những tín điều độc đoán, cũng không dựa vào trí tưởng tượng mơ hồ, mà bằng cứ vào những nhận xét xác đáng trong hiện cảnh, những cái tai nghe mắt thấy, những điều có thể chứng nghiệm được. Đức Phật bao giờ cũng dựa trên thực tế để lập luận, vì thế, mặc dù những lời dạy của Ngài đã nói ra trên hai ngàn năm trăm năm rồi, mà bây giờ vẫn còn đúng đắn và vô cùng giá trị; có đủ năng lực làm thỏa mãn sự khát khao hiểu biết của những ai băn khoăn đi tìm chân lý và ý nghĩa của cuộc đời.

Trong tập sách nhỏ này, chúng tôi không có tham vọng giải đáp tất cả những vấn đề trọng đại, hàm chứa trong những chữ "siêu hình", "vũ trụ quan", "nhân sinh quan" v.v... chúng tôi chỉ xin trình bày cái kiếp sống của con người, qua thời gian và không gian, những nguyên nhân và kết quả đã tạo cho mỗi người một hoàn cảnh giống nhau hay khác nhau; đồng thời chúng tôi sẽ giải đáp một số những thắc mắc có liên quan mật thiết đến kiếp người.

Trong khi trình bày, chúng tôi sẽ giữ một thái độ hoàn toàn khách quan và nêu lên những bằng chứng cụ thể, có thể nhận xét được rõ ràng, chứ không dựa vào những tín điều độc đoán hay mượn uy lực của thần quyền đề bắt độc giả phải cúi đầu tin theo.

 

 

 

PHẦN 1
LUẬT NHÂN QUẢ

I.- ĐỊNH NGHĨA
1.- Luật:
Có người cho rằng đã gọi là luật thì tất phải có một đấng thiêng liêng nào, người nào, hay xã hội đặt ra. Quan niệm này có nghĩa hẹp hòi và nông cạn. Luật ở đây là luật thiên nhiên, luật tự nhiên, nó bao trùm cả vũ trụ, vạn vật, chớ không nằm trong phạm vi của loài người, hay trong một xã hội nào. Người ta có thể khám phá ra luật ấy, chứ không thể đặt ra luật ấy được. Đức Phật, mặc dù là một đấng giác ngộ, cũng không đặt ra luật ấy, ngài chỉ là người đã dùng trí huệ sáng suốt của mình, để vạch cho mọi người thấy rõ ràng cái luật nhân quả đang điều hành trong vũ trụ mà thôi. 

2.- Nhân quả:
Nhân là nguyên nhân, quả là kết quả. Nhân là cái hạt, quả là cái trái do hạt ấy phát sinh. Nhân là năng lực phát động, quả là sự thành hình của năng lực phát động ấy. Nhân quả là một định luật tất nhiên, có tương quan mật thiết với nhau và chi phối tất cả mọi sự mọi vật. 

II.- NHỮNG ĐẶC TÍNH CỦA LUẬT NHÂN QUẢ
1.- Nhân quả là một định luật nằm trong lý nhân duyên:
Nhân quả là một định luật, mới ngó thì rất giản dị, nhưng nếu càng đi sâu vào sự vật để nghiên cứu thì lại càng thấy phức tạp, khó khăn. Trong vũ trụ mọi sự vật không phải đơn thuần tách rời từng món, mà có liên quan mật thiết với nhau, xoắn lấy nhau, đan lấy nhau ảnh hưởng lẫn nhau, tương phản nhau, thừa tiếp nhau. Để nói đúng trạng thái chằng chịt giữa sự vật, đạo Phật thường dùng danh từ "Nhân duyên", nghĩa là mọi sự, mọi vật có ra là nhờ duyên với nhau, nương vào nhau, hay tương phản nhau mà thành, chứ không có một cái nào đứng biệt lập được. Trong sự phức tạp của sự vật ấy, tìm ra được cái nhân chánh của quả, hay cái quả chính của nhân, không phải là việc dễ. Do đó mà nhiều người không quen suy nghĩ tìm tòi sâu xa, sanh ra nghi ngờ thuyết "Nhân quả". Thí dụ: hạt lúa có thể làm nhân cho những chẹn lúa vàng là quả trong mùa gặt sau, nếu người ta đem gieo nó xuống đất; nhưng nó cũng có thể làm cho người ta no bụng, biến thành máu thành thịt trong cơ thể và thành phân bón cho cây cỏ, nếu chúng ta đem nấu nó để mà ăn. Như thế một nhân chính có thể thành ra quả này hay quả khác, nếu những nhân phụ khác nhau: muốn hạt lúa ở mùa này thành chẹn luá ở mùa sau, thì phải có đất, có nước, có ánh sáng, có không khí, có thời gian, có nhân công; muốn nó thành máu huyết thì phải nấu, phải ăn, phải có bộ máy tiêu hóa. Cho nên, khi nói nhân quả là tách riêng sự vật ra khỏi cái chung cùng toàn thể của vũ trụ, lấy một khía cạnh nào đó, để dễ quan sát, nghiên cứu, chứ muốn nói cho đúng thì phải dùng hai chữ "Nhân Duyên". Cũng như một nhà khoa học, khi muốn nghiên cứu một bộ phận nào trong cơ thể, khu biệt, cắt xén bộ phận ấy ra khỏi cơ thể, để nghiên cứu cho dễ, chứ thật ra bộ phận ấy không phái biệt lập, mà trái lại có liên quan mật thiết đến toàn cả cơ thể. 

2.- Một nhân không thể sinh ra quả:
Như chúng ta đã thấy ở đoạn trên, sự vật trong vũ trụ này đều là sự tổ hợp của nhiều nhân duyên. Cho nên không có một nhân nào có thề tự tác thành kết quả được, nếu không có sự giúp đỡ của nhiều nhân khác. Nói rằng hạt lúa sinh ra cây lúa, là nói một cách giản đị cho dễ hiểu, chứ thật ra hạt lúa không thể sinh ra gì được cả; nếu để nó một mình giữa khoảng trống không, thiếu không khí, ánh sáng, đất, nước, nhân công. 

Cho nên, khi nghe ai tuyên bố rằng mọi vật do một nhân sinh ra, hay một nhân có thể sinh ra vạn vật; ta có thể chắc chắn rằng người ấy nói sai. 

3.- Nhân thế nào thì quả thế ấy:
Nếu ta muốn có quả cam thì ta phải ương hạt giống cam; nếu ta muốn có hạt đậu thì ta phải gieo giống đậu. Không bao giờ ta trong cam mà lại thấy đậu, hay trồng đậu mà lại được cam. Người học đàn thì biết đàn, người học chữ thì biết chữ. Nói một cách khác nhân với quả bao giờ cũng đồng một loại với nhau. Hễ nhân đổi thì quả cũng đổi. Nếu nhân đổi ít thì quả cũng đổi ít, nếu nhân đổi nhiều thì quả cũng đổi nhiều. 

Quả còn tùy thuộc ở những duyên phụ, mà trong đạo Phật gọi là tăng thượng duyên hay trợ duyên. Thí dụ: Hạt lúa là nhân; đất, nước, không khí, ánh sáng, nhân công, là trợ duyên. Nếu trồng lúa mà thiếu nước thì hạt lúa bị lép. Khi chúng ta muốn có những trái cam thật to, chúng ta hãy ghép cái mụt cây cam vào gốc cây bưởi. Vậy cái kết quả tốt đẹp là những trái cam to lớn, nhiều nước ấy, không phải chỉ do cái mụt cam, mà còn do gốc bưởi nữa. Cho nên khi chúng ta muốn có cái kết quả như thế nào đó, thì phải hội cho đủ điểu kiện, nghĩa là cho đủ nhân duyên, thì kết quả mới được như ý ta mong muốn. Có nhiều người muốn được kết quả như thế này, nhưng lại không hội đủ nhân duyên như thế ấy, nên kết quả đã sai khác với ý mong muốn của mình, và do đó, họ đâm ra nghi ngờ sự đúng đắn của luật "Nhân quả". 

4.- Trong nhân có quả, trong quả có nhân:
Chính trong nhân hiện tại đã có hàm chứa cái quả vị lai; cũng chính trong quả hiện tại đã có hình bóng của nhân quá khứ. Một sự vật mà ta gọi là nhân, là khi nó chưa biến chuyển, hình thành ra cái quả mà ta quan niệm; một sự vật mà ta gọi là quả là khi nó biến chuyển hình thành ra trạng thái mà ta đã quan niệm. Một vật đều có nhân và quả: đối với quá khứ thì nó là quả, nhưng đối với tương lai thì nó là nhân. Nhân và quả đắp đổi nhau, tiếp nối nhau không bao giờ dứt. Nhờ sự liên tục ấy, mà trong một hoàn cảnh nào, người ta cũng có thể đoán biết quá khứ và tương lai của một sự vật hay một người. Trong kinh thường nói: "Dục tri tiền thế nhân, kim sanh thọ giả thị; yếu tri hậu thế quả, kim sanh tác giả thị" (muốn biết cái nhân đời trước, thì cứ xem quả đời nay đương thọ; muốn biết cái quả về sau thế nào thì cứ xét cái nhân đang tác động trong hiện tại). Cũng như thấy trong kho lẫm, năm nay có chứa lúa (quả) thì biết năm vừa qua có làm ruộng (nhân). Còn muốn biết sang năm trong lẫm có lúa không (quả) thì cứ xem năm nay có làm ruộng hay không (nhân) (trừ trường hợp bỏ tiền ra mua lúa non, thì không kể). 

5.- Sự phát triển mau và chậm từ nhân đến quả:

Sự biến chuyền từ nhân đến quả có khi mau khi chậm, chứ không phải bao giờ cũng diễn tiến trong một thời gian đồng đều. 
Có những nhân và quả xảy ra kế tiếp nhau, theo liền nhau, nhân vừa phát khởi thì quả đã xuất hiện. Như khi ta vừa đánh xuống mặt trống (nhân) thì tiếng trống liền phát ra (quả), hay khi hai luồng điện âm và dương vừa gặp nhau, thì ánh sáng liền bừng lên. 

Có khi nhân đã gây rồi, nhưng phải đợi một thời gian, quả mới hình thành, như từ khi gieo hạt giống cho đến lúc gặt lúa, cần phải có một thời gian ít nhất là bốn tháng. 

Có khi từ nhân đến quả cách nhau từng chục năm, như đứa bé mới cắp sách đi học cho đến ngày thành tài, phải qua một thời gian ít nhất là mười năm. 

Có khi cần đến một vài trăm năm, hay nhiều hơn nữa, quả mới xuất hiện, chẳng hạn như từ ý niệm giành độc lập của một quốc gia đến khi thực hiện được nền độc lập ấy, cần phải trải qua bao thế kỷ. 

Vì lý do mau chậm trong sự phát hiện của các quả, chúng ta không nên nóng nảy hấp tấp mà cho rằng cái luật nhân quả khônghoàn toàn đúng, khi thấy có những cái nhân chưa phát sinh ra quả. 

III.- PHÂN TÍCH HÀNH TƯỚNG CỦA NHÂN QUẢ TRONG THỰC TẾ
Như các đoạn trên đã nói, nhân quả chi phối tất cà vũ trụ vạn hữu, không có một vật gì, sự gì, động vật hay thực vật, vật chất hay tinh thần, thoát ra ngoài luật nhân quả được. 
Đến đây, để có một quan niệm rõ ràng về luật nhân quả, chúng ta hãy tuần tự phân tách hành tướng của nhân quả trong các chủng loại nằm trong vũ trụ: 

1.- Nhân quả trong những vật vô tri vô giác:
Nước bi lửa đốt thì nóng, bị gió thổi thì thành sóng, bị lạnh thì đông lại. Nắng lâu ngày thì đại hạn, mưa nhiều thì lụt, gió nhiều thì sanh bão. 

2.- Nhân quả trong các loài thực vật:
Hạt cam thì sanh cây cam, cây cam thì sanh trái cam. Hạt ớt thì sanh cây ớt, cây ớt thì sanh trái ớt. Nói một cách tống quát: giống ngọt thì sanh quả ngọt, giống chua thì sanh quả chua, giống đắng thì sanh quả đắng, giống nào thì sanh quả ấy. 

3.- Nhân quả trong các loài động vật:

Loài chim sanh trứng; nếu ta gọi trứng là nhân, khi ấp nó thành con là quả; con chim ấy trở lại làm nhân, sanh ra trứng là quả. 
Loài thú sanh con, con ấy là quả. Con thú lớn lên trở lại làm nhân, sanh ra con là quả. 

4.- Nhân quả nơi con người:
a.  Về phương diện vật chất: Thân tứ đại là do hấp thụ khí huyết của cha mẹ, và do hoàn cảnh nuôi dưỡng. Vậy cha mẹ và hoàn cảnh là nhân, người con trưởng thành là quả và cứ tiếp nối vậy mãi, nhân sanh quả, quả sanh nhân không bao giờ dứt. 
b.  Về phương diện tinh thần: Những tư tưởng và hành vi trong quá khứ tạo cho ta những tánh tình tốt hay xấu, một nếp sống tinh thần trong hiện tại; tư tưởng và hành động quá khứ là nhân, tánh tình, nếp sống tinh thần trong hiện tại là quả. Tánh tình và nếp sồng này làm nhân để tạo ra những tư tưởng và hành động trong tương lai là quả. 
Phương diện tinh thần này, hay nói theo danh từ nhà Phật, phương diện nội tâm, là phần quan trọng. Vậy chúng ta phải đặc biệt chú ý đến hành tướng của nó.

5.- Nhân quả của tư tưởng và hành vi không tốt:
•    Tham: Thấy tiền của người nổi lòng tham lam, sanh ra trộm cắp, hoặc giết hại người là nhân; bị chủ đánh đập hoặc chém giết, phải mang tàn tật, hay bị nhà chức trách bắt giam trong khám đường, chịu những điều tra tấn đau khố là quả. 
•    Sân: Người quá nóng giận đánh đập vợ con phá hạị nhà cửa, chém giết người không gớm tay là nhân; khi hết giận, đau đớn nhìn thấy vợ con bịnh hoạn, nhà cửa tiêu tan, luật pháp trừng trị phải chịu nhiều điều khổ cực, là quả. 
•    Si mê: Người say mê sắc dục, liễu ngõ hoa tường không còn biết sự hay dở, phải trái, đó là nhân. Làm cho gia đình lủng củng, thân thể suy nhược, trí tuệ u ám, là quả. 
•    Nghi ngờ: Suốt đời cứ nghi ngờ việc này đến việc khác, ai nói gì cũng không tin, ai làm gì cũng không theo đó là nhân. Kết cuộc không làm nên được việc gì cả, đến khi lâm chung, buông xuôi hai bàn tay trắng, đó là quả. 
•    Kiêu mạn: Tự cho mình là hơn cả, khinh bỉ mọi người, chà đạp nhân phẩm người chung quanh, là nhân; bị người ghét bỏ, xa lánh, sống một đời lẻ loi, cô độc là quả. 
•    Nghiện rượu trà: Chung nhau tiền bạc ăn nhậu cho thỏa thuê là nhân, đến lúc say sưa, chén bát ngổn ngang, ghế bàn nghiêng ngã, nhiều khi rầy rà chém giết nhau, làm nhiều điều tội lỗi, phải bị phạt vạ và tù tội là quả. 
•    Say mê cờ bạc: Thấy tiền bạc của người muốn hốt về mình, đắm đuối quanh năm suốt tháng theo con bài lá bạc, là nhân; đến lúc của hết, nhà tan, nợ nần vây kéo, thiếu trước hụt sau, là quả.
6.- Nhân quả của tư tưởng và hành vi tốt:
Như trên chúng ta đã thấy, những tư tưởng hành vi xấu xa, tạo cho con người những hậu quả đen tối, nhục nhã, khổ đau như thế nào, thì những tư tưởng và hành vi đẹp đẽ tạo cho con người những hậu quả sáng lạn, vinh quang và an vui cũng như thế ấy. 

Người không có tánh tham lam, bỏn xẻn thì tất không bị tiền của trói buộc, tất được thảnh thơi. Người không nóng giận, tất được sống trong cảnh hiền hòa, gia đình êm ấm; người không si mê theo sắc dục, tất được gia đình kính nể, vợ con quí chuộng, trí tuệ sáng suốt, thân thể tráng kiện; người không hay ngờ vực, có đức tin, thì hăng hái trong công việc, được người chung quanh tin cậy và dễ thành tựu trong đường đời; người không kiêu ngạo thì được bạn bè quí chuộng, niềm nỡ tiếp đón, tận tâm giúp đỡ khi mình gặp tai biến. Người không rượu chè, cờ bạc thì không đến nỗi túng thiếu, bà con quen biết kính nể yêu vì... Những điều trên này, tưởng không cần phải nói nhiều, quí độc giả cũng thừa biết. Hằng ngày, quanh chúng ta, những cảnh tượng nhân và quả ấy diễn ra không ngớt. Mở một tờ báo hằng ngày ra, chúng ta thấy ngay những bài học nhân quả: trước vành móng ngựa kẻ này bị hai năm tù vì tội ăn trộm; kẻ kia giết người cướp của bị lên máy chém; kẻ nọ say mê cờ bạc thụt két bị tịch biên gia sản; cô kia ngoại tình bị chồng chém v.v... 

Nói một cách tổng quát, về phương diện vật chất cũng như tinh thần, người ta gieo thứ gì thì gặt thứ ấy. Người Pháp có câu: "Mỗi người là con đẻ của công nghiệp mình" (chacun est le fils de son oeuvre). 

IV.- LỢI ÍCH DO SỰ HIỂU BIẾT LUẬT NHÂN QUẢ ĐEM LẠI CHO CHÚNG TA
Khi chúng ta đã biết rõ luật Nhân quả, nhưng nếu chúng ta không đem nó ra ứng dụng trong đời sống của chúng ta, thì sự hiểu biết ấy trở thành vô ích. Cho nên chúng ta đã hiểu rõ luật nhân quả thì phải cố gắng thật hành cho được bài học ấy trong mọi trường hợp. Nếu chúng ta biết đem luật nhân quả làm một phương châm hành động và suy luận, thì chúng ta sẽ thuộc lượm được rất nhiều lợi ích: 

1.- Luật nhân quả tránh cho ta những mê tín dị đoan, những tin tưởng sai lầm vào thần quyền:
Luật nhân quả cho chúng ta thấy được thực trạng của sự vật, không có gì là mơ hồ, bí hiểm. Nó vén lên tất cả những cái màn đen tối, phĩnh phờ của mê tín, dị đoan đang bao trùm sự vật. Nó cũng phủ nhận luôn cái thuyết chủ trương vạn vật do một vị Thần sinh ra và có uy quyền thưởng phạt muôn loài. Do đó, người hiểu rõ luật nhân quả sẽ không đặt sai lòng tin tưởng của mình, sẽ không cầu xin một cách vô ích, không ỷ lại thần quyền, không lo sợ, hoang mang. 

2.- Luật nhân quả đem lại lòng tin tưởng vào chính con người:
Khi đã biết cuộc đời là do nghiệp nhân của chính mình tạo ra, mình là người thợ tự xây dựng đời mình, mình là kẻ sáng tạo, mà không tin tưởng ở mình thì còn tin tưởng ở ai nữa? Lòng tự tin ấy là một sức mạnh vô cùng quí báu, làm cho con người dám hoạt động, dám hy sinh, hăng hái làm điều tốt, vì những hành động tốt đẹp ấy, họ biết sẽ là những cái nhân quí báu đem lại những kết quả đẹp đẽ. 

3.- Luật nhân quả làm cho chúng ta không chán nản, không trách móc:
Người hay chán nản, hay trách móc, là vì đã đặt sai lòng tin của mình, là vì đã có thói quen ỷ lại ở kẻ khác, là vì đã hướng ngoại. Nhưng khi đã biết mình là động lực chính, là nguyên nhân chính của mọi thất bại hay thành công, thì còn chán nản trách móc ai nữa? Đã biết mình là quan trọng như thế chỉ còn lo tự sửa mình, thôi gieo nhân xấu để khỏi phải gặt quả xấu, thôi tạo giống ác để khỏi mang quả ác. 

V.- MỘT THÁI ĐỘ CẦN THIẾT TRONG KHI ÁP DỤNG LUẬT NHÂN QUẢ: NGHĨ ĐẾN QUẢ TRƯỚC KHI GÂY NHÂN
Chúng ta đã thấy rõ những ích lợi do sự hiểu biết luật nhân quả đem lại cho mỗi chúng ta. Đến đây chúng tôi muốn dành riêng một đoạn, để nhấn mạnh vào một điểm vô cùng quan trọng, mà nếu chúng ta biết triệt để khai thác trong khi áp dụng luật nhân quả, thì lợi ích sẽ vô cùng rộng lớn. Đó là trong mọi hành động của chúng ta, bao giờ cũng nên nghĩ đến quả, mà trồng nhân. Những người không nghĩ đến quả mà cứ gieo nhân bừa bãi, thì thế nào cũng gặt nhiều tai họa, gây tạo cho mình những điều phiền phức, có khi làm ung độc cả cuộc đời, cả sự sống. Chỉ có những người nông nỗi, liều lĩnh mới không nghĩ đến ngày mai, mới sống qua ngày. Chứ những người sáng suốt làm việc có kế hoạch khôn ngoan, thì bao giờ cũng nhắm cái đích, rồi mới đi tới, hình dung rõ ràng cái quả rồi mới trồng nhân. 

Câu chuyện sau đây có thể chứng minh một cách hùng hồn ý nghĩa nói trên: 
Xưa có một vị hiền giả nêu ở giữa chợ một tấm bảng như sau:
"Ai chịu trả một ngàn lượng vàng, 
Tôi sẽ bán cho một bài học".
Tấm bảng treo đã nhiều ngày mà không ai thèm hỏi đến. Một hôm, một vị vua, nhân đi dạo chơi ngang qua chợ, trông thấy, động tánh hiếu kỳ, mới đến chỗ hiền giả, lấy một ngàn lượng vàng, hỏi mua bài học ấy. 
Sau khi nhận đủ số vàng, nhà hiền triết đưa bài học ra. Bài học vỏn vẹn chỉ có một câu giản dị như sau: "Phàm làm việc gì, trước phải xét kết quả của nó về sau:. 

Các quan tùy tùng thấy vậy, xầm xì với nhau: "Nhà vua bị gạt! Một câu nói như thế, có hay ho gì đâu mà phải mua đến một ngàn lượng vàng?"
Trong lúc đó, nhà vua cũng phân vân, không hiểu bài học giản dị ấy, tại sao lại đắt giá đến thế? 
Khi về cung, nhà vua cứ suy nghĩ mãi về câu nói ấy. Trong lúc ấy như mọi đêm khác, trong cung đều có mở yến tiệc linh đình, cung phi mỹ nữ ca hát suốt đêm, để nhà vua mặc tình vui chơi với tửu sắc. Nhưng hôm nay, vì bị bài học của nhà hiền triết ám ảnh, bắt vua suy nghĩ: 
"Nếu ta say mê tửu sắc mãi như thế này, thì kết quả sẽ ra sao? Thân thể sẽ suy nhược tinh thần tiều tụy và mau chết, việc triều đình phế bỏ, rồi sẽ đi đến chỗ mất nước, dân chúng trở thành nô lệ cho ngoại bang, đời đời nhục nhã và khổ đau! ..."

Nhận thấy rõ cái kết quả xấu xa nghuy hiểm của tửu sắc như thế, vua liền truyền lịnh dẹp ngay yến tiệc, ca hát, và bd từ đó vua lo chỉnh đốn lại nước nhà, sửa sang binh bị... 

Hai năm sau, một nước láng giềng đem binh đến cướp nước, nhà vua nhờ sớm giác ngộ, lo xây dựng cho nước được hùng cường, nên đã đuổi lui được quân giặc. Bấy giờ nhà vua mới tự bảo: "Bài học của nhà Hiền triết quý giá lắm! Một ngàn lượng vàng còn rẻ".

Nhà vua bèn ra lịnh chép bài học ấy, dán khắp tất cả mọi nơi, cho đến mâm cơm, chén nước cũng truyền khắc vào. 

Một hôm có người trong hoàng thân muốn tiếm đoạt ngôi vua, nên thuê quan Ngự y một số tiền lớn để thừa lúc vua đau, tráo dâng thuốc độc. Lãnh tiền xong, quan Ngự y sau khi chế thuốc độc xong, lén rót vào chén, định dâng lên vua uống, nhưng khi nhìn thấy mấy chữ khắc trong chén:
"Phàm làm việc gì, trước phải xét kết quả của nó về sau".
Quan Ngự y sực tỉnh và suy nghĩ: "Tội thí vua này, nếu bị phát giác ra, sẽ bị tru di tam tộc, chứ không phải tầm thường". Quan Ngự y sau khi xét kết quả việc làm của mình gớm ghê như thế, nên đã đổ chén thuốc và thú tội với nhà vua. Nhà vua thấy quan Ngự y đã biết ăn năn hối cải như thế, nên rộng lòng ân xá và còn ban cho một số tiền bạc to tát nữa. Nhờ bài học này, nước nhà khỏi mất, dân tộc khỏi làm nô lệ cho ngoại bang, nhà vua khỏi chết, nên vua cho bài học này là vật báu vô giá. 
Vậy chúng ta cũng nên đem bài học này áp dụng vào mọi công việc hằng ngày của chúng ta. Khi chúng ta ham mê cờ bạc, nên nhớ cái kết quả của nó sẽ là vong gia bại sản, thiếu trước hụt sau, nợ nần đòi hỏi. Khi lăm le muốn gần tửu sắc, hãy xét đến kết quả của nó sẽ làm thân thể hao mòn, đa mang tật bệnh, danh giá chôn vùi. Khi nóng giận muốn làm hại người, nên xét cái kết quả của nó về sau là "oan oan tương báo", hại người tất sẽ bị người hại lại. Khi móng niệm tham lam tiền bạc của cải của người, nên xét kết quả về sau là tù tội gông xiềng v.v... 

Tóm lại, nếu chúng ta biết đem bài học nhân quả này mà áp dụng trong tất cả mọi công việc làm hằng ngày của đời mình, thì chúng ta sẽ thấy tánh tình và hành vi của chúng ta mỗi ngày cải tiến, các việc sái quấy sẽ giảm bớt, và từ địa vị người vượt lên địa vị thánh, hiền, không phải là điều không làm được.
Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

1217446
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
1998
4135
18288
1175483
102449
118095
1217446