Thứ Năm 28/11/2024 -- 28/10/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Dụng Công Tu Thiền (Phần 07): Nói Thêm Về Tâm Tánh - Cái Biêt

 TT.Thích Tâm Hạnh

A. NÓI THÊM VỀ TỰ TÁNH GIÁC SÁNG 

1.  CHƯA NGỘ, CÒN TRONG SANH DIỆT.

Qua các phần trên cho thấy, gạn tột cùng công phu, sẽ nhận ra “Giác là tu”. Có thể chưa tột được nguồn tâm, nhưng khi còn trong quá trình hạ thủ công phu tu tập thì giác sáng là cách dụng công thẳng đến tâm tánh. Sống ngay tánh giác sáng đó mới khế hợp tự tâm, mới có lúc đủ duyên bừng ngộ. Sẽ thấy rõ, công phu như thế là đã khế hợp với chỗ Thiền sư Hàm Thị nói: “Ngoài phân biệt vẫn lưu lại căn tánh để chờ đợi phát minh”.

 

2.  ĐÃ TỎ NGỘ.

2.1.  Nhận ra tánh thấy nghe.

Thông qua căn mắt thì nhận ra tánh thấy, thông qua căn tai nhận lại tánh nghe… Nhận tánh qua một căn nào đó thì được gọi là tánh của căn ấy. Kinh Lăng Nghiêm nói đây là “Mặt trăng thứ hai”. Tổ Bá Trượng nói là “Lối rẽ tạm thời”. Do còn hạn cuộc trong căn ấy, chưa suốt thông, trùm khắp.

2.2.  Thể tánh hiện tiền.

Các căn suốt thông, thể tánh hiện tiền. Kinh Lăng Nghiêm gọi là đập vỡ sáu cái lu (tánh thấy biết qua sáu căn) đồng về một. Nhân sáu mà có một. Khi sáu đã hết thì tên gọi một cũng không còn. Đây là thể tánh suốt thông, viên dung, trùm khắp hiện bày. Tuy nhiên, lúc này trí thể trong ngần, linh thông tự tại, nhưng diệu dụng chưa phát huy đúng mức cho nên hành giả còn phải bảo nhậm.

Ví như ngôi nhà có sáu cửa, bên trong thắp một ngọn đèn. Ngọn đèn dụ cho bản tâm chân thật. Sáu cửa ví dụ cho sáu căn. Có người đứng bên ngoài, thông qua một ô cửa nào đó để thấy ánh sáng của ngọn đèn qua ô cửa đó chứ chưa nhận ra ngọn đèn. Đây là dụ cho hành giả ngộ qua một căn nào đó, chưa ngộ tột tự tánh nên gọi là mặt trăng thứ hai. Tức là gần giống rồi, nhưng chưa phải, chưa thấu triệt tự tánh.

Có người thông qua một cửa nào đó, thấy suốt ngọn đèn bên trong chứ không chỉ thấy ánh sáng ngay cửa của ngọn đèn. Vị này kiến tánh, không còn bị hạn cuộc vào một căn nào cả, nhưng chưa thấu triệt.

Một người khác vào thẳng trong nhà, cầm lấy ngọn đèn và thấy biết suốt hết từ trong ra ngoài, không còn hạn cuộc vào một ô cửa nào cả. Đây là ví dụ cho hành giả thấu triệt tự tánh, suốt thông trong ngoài, thấy biết như thị, vượt thoát căn và cảnh, sở và năng, không còn ngăn ngại.

2.3.  Thể dụng không hai, hay sanh muôn pháp.

Công phu đắc lực, tánh này thuần thục, thể dụng không hai. Khắp nơi chính là nó, tức tướng tức tánh, không có chỗ cho tình thức mê mờ xen vào. Nhồi đi ép lại thành một khối, diệu huệ vô thượng hiện tiền. Đến đây, tánh này vốn tự không động chứ không phải do tu mà được định. Bất động, nhưng lại linh thông đến chủ động, hay sanh muôn pháp, diệu dụng bất khả tư nghì.

3.  TÂM NÀY CHỈ MỘT, NGỘ CÓ CẠN SÂU.

Tâm này chỉ một, nhưng do căn cơ và công phu tu tập mà thể ngộ có cạn, có sâu. Thực tế hành giả không phải ngộ một lần liền được rốt ráo viên mãn, mà hầu hết phải ngộ nhiều lần mới thấu tột. Sau đó phải khéo bảo nhậm mới thường hiện tiền và phát huy được diệu dụng phi thường. Vì vậy, Thiền sư Đạo Giai Phù Dung nói:

Ngộ vô sanh tử, bất như khế vô sanh tử.

Khế vô sanh tử bất như nhập vô sanh tử.

Nhập vô sanh tử bất như dụng vô sanh tử.

Đã ngộ được chỗ “Không còn sanh tử”, nhưng chưa viên mãn, vì chưa bằng khế được chỗ “Không còn sanh tử”. Bởi buổi đầu mới tỏ ngộ chỉ là bất chợt hay ra. Theo thời gian, công phu thuần thục, tiến sâu hơn mới phát minh đầy đủ, khế hợp với tâm tánh vô sanh này. Cho nên Thiền sư Đạo Giai Phù Dung nói: “Ngộ vô sanh tử, bất như khế vô sanh tử” là vậy.

Tiếp tục sống và công phu như thế cho đến khi thực sự thuần thục thì tự tánh mới hiển lộ trọn vẹn sờ sờ ra đó, đuổi dẹp không thể được. Mãn mục thanh sơn; khắp nơi là một màu của núi xanh, không có kẻ hở cho màu khác của tình thức xen vào. Đến đây ngài gọi là “Nhập vô sanh tử ”.

Sống trọn vẹn bằng thể tánh ấy là tu hành. Lúc này, nhúc nhích, động tịnh gì cũng chính là “kẻ ấy”. Cho đến khi chín muồi, diệu dụng mới phát huy đúng mức, sống động, chủ động nhưng không còn động nữa. Thiền sư Đạo Giai Phù Dung gọi là: “Dụng vô sanh tử ”.

4. KHÔNG THỂ NÓI ĐẾN TỘT CÙNG TÂM TÁNH.

Thiền sư Vân Nham Đàm Thạnh nói với ngài Đạo Ngô Viên Trí: “Nói tột cùng lời nói, chỉ nói được tám phần”. Phần còn lại là việc của mỗi người phải nhận lại, tự hay ra và thấy rõ ngay nơi chính mình, chứ không phải từ bên ngoài, từ ngôn ngữ mà được.

-   Tâm tánh vốn vô tướng cho nên không phải có một hay có nhiều tâm tánh khác nhau.

-   Ngộ nhập thì không phải do tính toán, tạo tác hay theo một khuôn mẫu nào đó đã được định sẵn.

-  Ngộ sâu hay cạn là tùy thuộc vào công phu tu tập và phương pháp dụng công của hành giả từ nhiều đời trước cho đến nay, chứ không phải nhờ ai hay do bất kỳ lý do nào khác mà được. Có người một ngộ liền xong. Nhưng có nhiều người phải ngộ nhiều lần mới thấu tột. Đây là chuyện rất bình thường và thực tiễn.

Qua những thực tế trên cho thấy, tâm tánh vốn đã sẵn đủ nơi mình, cho nên rất gần gũi, bình dị. Nhưng lại rất phi thường, cao vót bởi vô tướng, thênh thang. Và cũng rất sâu mầu, bởi nó là thể vô sanh, sâu kín.

Sẵn nơi chính mình, lẽ ra khéo nhận lại liền xong. Nhưng do nó vô tướng, sâu mầu; căn cơ của chúng sanh thì có cao thấp, mức dụng công thì có cạn sâu khác nhau, cho nên ngộ cũng có sâu cạn không đồng, không phải tỏ ngộ một lần liền đạt được rốt ráo viên mãn.

Do vậy, khó có thể bàn nói đến được tột cùng tâm tánh, cũng không thể nào dùng cái hiểu biết của thức tình suy lường phân biệt để hiểu về tâm tánh được. Chỉ là đến để thấy, chứ không thể đứng từ xa để tư duy, nhìn nhận, hiểu biết và bàn nói về nó. Vì thế hành giả cần nắm vững pháp hành và hướng tiến, quyết chí hạ thủ công phu thì mới có ngày uống nước nóng lạnh tự rõ ràng.

 

B. NÓI THÊM TÂM TÁNH

1.  CHỈ BÀY CHÂN TÂM.

Kinh Lăng Nghiêm, đức Phật dạy: “Nếu rời tiền trần mà có tánh phân biệt; đó là tâm ông. Nếu tánh phân biệt, rời tiền trần mà không có thực thể; đó là bóng dáng phân biệt tiền trần”. Nghĩa là, khi đưa nắm tay lên mình đang sáng biết. Khi hạ nắm tay xuống, đó là rời tiền trần, chúng ta cũng đang sáng biết rõ ràng như thế, không bị biến động, thay đổi. Phật nói: “Đó là tâm ông”, đó là tâm tánh chân thật nơi chính mỗi người.

2.  CHỈ RA TÁNH THẤY (MẶT TRĂNG THỨ HAI):

Cũng cùng một ví dụ đưa nắm tay như trên, nhưng lúc này đức Phật kết luận đó mới chỉ nhận ra tánh thấy, giống như thấy mặt trăng thứ hai. Mặt trăng thứ hai là khi dụi mắt lòa, thấy mặt trăng bị nhòa làm hai, chúng ta chỉ mới thấy được bóng của mặt trăng cạnh bên mặt trăng thật.

3. TÂM TÁNH VÀ MẶT TRĂNG THỨ HAI.

Cùng là cái thấy biết, nhưng tại sao có khi Phật chỉ thẳng và khẳng định đó là bản tâm chân thật chính mình, là mặt trăng thật. Như Tổ Ca-diếp nhìn hoa sen mỉm cười liền được ấn chứng. Nhưng đối với trường hợp khác thì Phật nói đó mới chỉ là mặt trăng thứ hai, tức là mới gần giống thôi. Vì sao như vậy? Chúng ta cùng tham khảo thêm một vài giai thoại thiền dưới đây.

3.1.  Tức tâm tức Phật – Phi tâm phi Phật – Phi vật.

Mã Tổ Đạo Nhất nói: “Tức tâm tức Phật”. Ngay tâm mình là Phật. Thiền sư Pháp Thường ở Đại Mai nghe câu này liền đại ngộ, Mã Tổ ấn chứng: “Trái mai đã chín”.

Nhưng tại sao sau này Mã Tổ phải nói: “Phi tâm phi Phật”? Bởi có người chấp vào và hiểu rằng có một tâm tánh vô tướng nơi mình, chính là Phật thật. Như thế, vô tình thầm thầm đã thấy có một cái tâm vô tướng nơi mình, là đã biến thành tướng vi tế, không thể ngộ nhập. Hiểu thì đúng, nhưng chỉ hiểu bên lề của Phật tánh chứ chưa thể thấy ra Phật tánh. Vì phá cái chấp này cho nên Mã Tổ nói: “Phi tâm phi Phật”.

Và cuối cùng Ngài buộc phải nói: “Phi vật”. Bởi khi nói cả Phật cũng chẳng phải thì hành giả lại cho rằng, không còn tên gọi là tâm, là Phật, nhưng vẫn thấy in tuồng một vật trong hông ngực mình. Thấy như thế cũng đã biến tâm vô tướng thành cái tướng của vô tướng trong vi tế để gìn giữ. Do đây, khi vào thiền đường thì có mà đi ra ngoài thì không, chưa được tự tại vô ngại. Vì muốn dẹp phá tận cùng chỗ này cho hành giả thực sự ngộ nhập, do đó Mã Tổ nói tiếp: “Phi vật”.

Lời khai thị lẽ ra phải nhất quán, trước sau như một. Nhưng do từng thời điểm có những hành giả chưa thể ngộ nhập thấu tột cho nên Mã Tổ phải uyển chuyển phá dẹp, đưa hành giả trở về chỗ tột cùng.

Ban đầu nói thẳng một cách rất thật và đơn giản: “Tức tâm tức Phật”. Ngay tâm mình là Phật, Thiền sư Pháp Thường ở Đại Mai nghe câu này liền đại ngộ. Cũng câu này, nhưng người sau thì nghe theo lời do đó sự ngộ nhập chưa thấu đáo. Mã Tổ phải phá dẹp để người học tiến sâu hơn, do đó nói: “Phi tâm phi Phật”. Ngay câu nói này, cũng có vị đại ngộ, nhưng lại có người chưa thấu triệt, vì vậy ngài nói tiếp: “Phi vật”.

Tâm vốn sẵn đó, vô tướng. Pháp không cao thấp. Nhưng ngộ thì có cạn sâu, đều là do căn cơ và việc hạ thủ công phu của hành giả.

3.2. TÂM – PHẬT – CHÚNG SANH, ĐẲNG VÔ SAI BIỆT.

Bậc Tổ đức dạy: “Tâm – Phật – Chúng sanh, bình đẳng không sai khác”. Bản tâm chân thật này nơi phàm không thiếu, nơi Phật cũng không thêm. Mê tâm này gọi là chúng sanh, chứng ngộ trọn vẹn tâm này, diệu dụng bất tư nghì thì gọi là thành Phật. Từ ngàn xưa chư Phật, nhiều đời chư vị Tổ sư, cho đến hiện nay những bậc tu hành đắc đạo, mãi đến ngàn sau, hễ ai về trong tâm này đều đồng một thể tánh như nhau, không khác. Căn cứ nơi mê và ngộ mà có phàm và thánh. Thực chất tất cả đều chỉ một tâm thể này xuyên suốt, nhất quán và bình đẳng không hề mảy may sai lệch chút nào.

Nếu đã như thế, ngộ tâm cạn hay sâu, rốt ráo hay chưa là do căn cơ hoặc công phu sâu hay cạn, chứ không ai có quyền can thiệp vào cả. Không đức Phật nào có thể giác ngộ giúp cho mình. Không phàm phu nào có thể ngăn cản chúng ta trực ngộ bản tâm. Do đó, hành giả tin thẳng tâm này, ngay đây nhận tánh giác sáng, thẳng đó tu hành. Khi công phu chín muồi thì tâm tự bừng ngộ. Không nhất thiết phải đi từng thứ bậc từ thấp tới cao. Nếu chưa như thế thì khéo léo dụng công, muôn duyên buông xuống. Thời cơ chín muồi, bất chợt đất trời như vỡ tung, rơi rụng sạch, không còn gì. Chỉ là một thể của tâm này hiện bày; sáng ngời, không tướng mà tự tại biết khắp, không còn ngăn ngại.

3.3. CHỈ TẠI NGƯỜI NHẬN.

Phật Tổ từ bi đáo để, lúc nào cũng hết tâm vận dụng mọi thiện xảo phương tiện để vạch bày, chỉ thẳng tâm tánh cho người học ngộ nhập. Nhưng sở dĩ ngộ có thứ lớp cao thấp là do căn cơ và công phu của hành giả chứ không phải tại bản tâm có phân chia sâu cạn, thấp cao. Do đó mới có mặt trăng thứ hai và mặt trăng thật.

Hơn nữa, tâm tánh vốn vô tướng, trùm khắp, không ngằn mé, do đó không nên tưởng tượng ra thứ lớp cố định thành tướng. Cũng vậy, nếu công phu đắc lực thì ngay đây ngộ thẳng bản tâm chân thật chính mình. Không ai ngăn cản được cho nên cũng đừng hoạch định là mình phải ngộ từ từ bắt đầu bằng tánh thấy trước. Với công phu còn yếu thì buổi đầu cảm ngộ chưa mạnh do đó tự rơi vào ngang tánh thấy nghe vậy thôi. Đó là do sức công phu và ngộ nhập của mình, chứ không phải Phật Tổ vạch ra từng bậc buộc mình phải tuân theo và trải qua thứ lớp như thế. Tiếp tục hạ thủ công phu, còn nhiều lần ngộ nữa, rồi cuối cùng cũng ngộ nhập trọn vẹn bản tâm chân thật này.

 

 

 

 

 

 

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

1216968
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
1520
4135
17810
1175483
101971
118095
1216968