Thứ Năm 28/11/2024 -- 28/10/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Dụng Công Tu Thiền - Phần 06 - Chương 05 : Tổng Quan Dụng Công Tu Tập Thiền - Cái Biết

 CHƯƠNG 5:

TỔNG QUAN DỤNG CÔNG TU TẬP THIỀN – CÁI BIẾT

 1. DẪN NHẬP.

Con người khác với vạn vật là có hiểu biết. Chư Phật, thánh nhân sáng biết, an lạc diệu thường. Chúng ta cũng biết, nhưng lại dẫy đầy khổ đau. Đồng thời là biết, nhưng tại sao lại còn đau khổ và hết đau khổ không đồng. Như vậy là do ở người này còn khổ, người kia thì không, hay tại mỗi chúng ta? 

 

 2. ĐỨC PHẬT LUẬN VỀ CÁI BIẾT RỐT RÁO.

Trên đường tầm đạo, đức Phật Thích Ca Mâu Ni lúc này còn là Thái tử Sĩ-đạt-ta đã tìm gặp và học hỏi với nhiều vị tiên nhân. Hễ đến với bất kỳ vị nào, trong một thời gian không lâu, Ngài đều chứng đạt được những gì mà những vị tiên nhân đó đã chứng đắc. Đến vị tiên nhân cuối cùng là Uất-đầu-lam-phất (Ràmaputta), vị này đã đạt được định phi tưởng phi phi tưởng xứ. Đây là định tối cao của các tiên nhân ở Ấn Độ thời bấy giờ. Và không bao lâu, Thái tử Sĩ-đạt-ta cũng chứng đạt được định ấy. Nhưng ngài vẫn thấy chưa ổn, còn thắc mắc:

“Cõi trời phi tưởng phi phi tưởng là hữu ngã hay vô ngã? Nếu là vô ngã thì không thể nói là phi tưởng phi phi tưởng. Nếu nói là hữu ngã thì ngã đó là hữu tri hay vô tri? Nếu nói vô tri là đồng với cây cỏ? Còn nếu nói ngã là hữu tri (có biết) thì có phan duyên. Có phan duyên là có nhiễm trước, mà còn nhiễm trước thì chưa được giải thoát sanh tử?”. [1]

Ông Uất-đầu-lam-phất không giải đáp được, Thái tử từ giã ra đi.

Đạt được định này vẫn còn ngã tưởng vi tế; cho nên câu trả lời ở đây là có ngã. Nếu có ngã thì ngã là có biết hay không biết? Nếu nói vô tri là đồng với cây cỏ. Thực tế khi chạm vào vật gì thì con người liền biết, không thể là vô tri như cây đá được. Như vậy là hữu tri. Nếu nói ngã là hữu tri (có biết) thì có phan duyên. Tức là khi biết, nghĩa là con người đang biết về vật gì hay việc gì đó. Biết về tập sách, đợi có sự việc mới biết; đó là biết theo hiện tượng bên ngoài, là còn phan duyên (vin theo duyên). Có phan duyên là có nhiễm trước, mà còn nhiễm trước thì chưa được giải thoát sanh tử.

Như vậy, là con người thì ai cũng đang nhận biết, thánh nhân cũng sáng biết chứ không ai vô tri như cây đá cả. Vậy thì biết như thế nào là còn phan duyên, còn sanh tử, khổ đau? Và biết như thế nào là giác ngộ, giải thoát khổ đau sanh tử?

 

3.  LỰA RA CÁI BIẾT CỦA CHƠN VÀ VỌNG.

3.1. Biết thế nào thì khế hợp tánh chơn, biết như thế nào thì rơi vào vọng động sanh diệt?

Các bậc đạt đạo bặt hết vọng tưởng nghĩ suy, nhưng quý ngài vẫn sáng biết rõ ràng, không thiếu sót. Trong khi tất cả chúng ta ai cũng đang biết, nhưng lại kèm theo vọng tưởng, nghĩ suy. Chính do vọng tưởng này sanh khởi cho nên tạo nghiệp, chịu khổ. Nhưng cũng chính nó giúp cho những người còn mê muội như chúng ta nhận biết. Vậy, chúng ta phải biết như thế nào để chỉ có biết mà không vọng, không tạo nghiệp sanh tử?

Kinh Lăng Nghiêm, đức Phật dạy: “Nếu rời tiền trần mà có tánh phân biệt; đó là tâm ông. Nếu tánh phân biệt, rời tiền trần mà không có thực thể; đó là bóng dáng phân biệt tiền trần”.

Nếu rời tiền trần mà có tánh phân biệt; đó là tâm ông.

Nghĩa là khi đọc bài này, chúng ta đang biết. Khi đặt tập sách xuống, chúng ta vẫn đang sáng biết rõ ràng. Đây là rời tiền trần (tập sách) mà vẫn có tánh phân biệt (tánh sáng biết), thì tánh sáng biết này chính là bản tâm chân thật của chính mình.

Nếu tánh phân biệt, rời tiền trần mà không có thực thể; đó là bóng dáng phân biệt tiền trần.

Ngược lại, khi đang đọc tập sách này, chúng ta đang biết nó. Nhưng khi thình lình điện đèn vụt tắt, tất cả đều tối om, chúng ta cho rằng mình không còn thấy biết. Như vậy là khi trời tối, rời cuốn sách thì cái thấy biết trước kia khi đang đọc sách không còn (bởi mình nói không còn thấy biết nữa). Như vậy, cái biết trước đó là bóng dáng phân biệt tiền trần (phân biệt tập sách, phân biệt vạn vật...), không phải là bản tâm chân thật.

Chúng ta thử đừng thèm khởi biết, nhưng không mê mờ thì tự mình đang sáng biết. Đưa tập sách lên thì vẫn sáng biết như thế. Hạ tập sách xuống, chúng ta vẫn sáng biết như thế. Khi chưa cầm tập sách, khi đưa tập sách lên và cả khi hạ tập sách xuống, tập sách (vạn vật) có thể thay đổi, nhưng tánh sáng biết nơi mỗi chúng ta chưa hề biến động, đổi dời. Đây là cái thấy biết lưu xuất từ bản thể thanh tịnh vốn sẵn nơi mỗi chúng ta. Không cần khởi tâm động niệm mà vẫn sáng biết không sót, cho nên nó là cái thấy biết chân thật, không bị biến hoại.

Còn nếu đợi có cảnh vật mới có thấy biết, cảnh mất thì ngỡ là mình không còn thấy biết gì, cho nên nói không thấy. Đây là cái biết do phân biệt theo tiền trần, theo hoàn cảnh bên ngoài mà có. Nó phụ thuộc theo hoàn cảnh chứ không phải là chính mình. Nó sanh, diệt, có, không, còn, mất theo cảnh cho nên Phật dạy đây là bóng dáng phân biệt tiền trần, chứ không phải bản tâm chân thật.

Khi không có cảnh, nói là “không thấy biết”. Vậy thì ai đang biết là “không thấy biết” để trả lời? Không thấy, là không thấy biết tập sách, còn mình thì lúc nào mà chẳng thấy biết?

3.2. Giải mã giai thoại Thái tử Sĩ-đạt-ta luận đạo với Tiên nhơn Uất-đầu-lam-phất.

Chúng sanh phần nhiều quên mình, khởi niệm biết theo vật. Do đó khi có vật thì mới biết, lúc không vật thì bảo là không còn thấy biết. Nếu thực sự là không biết thì ai đang nhận biết là “không biết” để trả lời là “không biết” đó? Cất tập sách này đi là không còn có tập sách, nhưng cái thấy biết của chúng ta thì vẫn thường còn, mới biết để trả lời là “không thấy biết”. Do đợi có vật mới bảo là biết, khi không vật thì bảo là không, nhận lầm cái biết theo vật này làm mình cho nên gọi là phan duyên; do đó còn sanh tử, chịu khổ.

Ngược lại, hành giả nếu hay nhận ra cái sáng biết nơi chính mình thường hằng, không động, không bao giờ thiếu vắng. Khi chưa có tập sách này, chúng ta đã sẵn sáng biết chưa từng thiếu vắng. Khi có tập sách này, cũng đang sáng biết. Và khi tập sách này không còn nữa, vẫn đang sáng biết như thế. Chưa có tập sách, đang có tập sách và không còn tập sách ấy nữa, tâm này vốn tự sáng biết như vậy, không bị biến đổi hay sai khác. Đó là không đợi có vật mới biết, do đó cái biết này không phải biết về vật, lệ thuộc theo vật, cho nên không phan duyên. Cái biết này không bị sanh tử chi phối, là giải thoát sanh tử.

Cho thấy, không phải nhất thiết đợi có vật mới biết. Không phải cố định bao giờ biết cũng là biết theo một vật gì đó, hoặc phan duyên. Và không phải nhất thiết phải khởi niệm phân biệt mới biết. Cái biết không phan duyên theo vật, không khởi niệm phân biệt, không động nhưng không có gì là không sáng biết, suốt tột, linh thông. Đây chính là tự tánh sáng biết sẵn nơi mỗi người, khéo nhận lại thì liền đó được giác ngộ, không còn bị sanh tử chi phối, được tự tại giải thoát.

 

4.  BA LOẠI PHÂN BIỆT.

Tùy vào việc còn mê hay đã tỏ ngộ, động hay không động mà cái biết bị biến đổi, không đồng nhau, chứ không phải có nhiều cái biết tồn tại trong một con người. Căn cứ vào đó, chư vị Tổ sư tạm chia ra làm ba loại phân biệt (nhận biết).

4.1.  Căn thức.

Căn thức mới sanh tùy niệm phân biệt.

Đây là chỉ cho đứa bé mới sanh chưa nhận hiểu được gì nhiều, nhưng theo hướng dẫn của cha mẹ, nó cũng biết những điều tối thiểu. Đó là theo niệm mà biết. Khi lớn khoảng 5-6 tháng, cũng chưa nhận thức rõ ràng, nhưng đưa vật gì nó cũng oằn mình nhìn theo và phân biệt. Vui thì cười, la rầy thì nó khóc. Đây là do căn thức, cái biết còn trong sự mê mờ của căn thức ngầm sâu kín bên trong, theo niệm mà phân biệt, nhận biết.

Tuy tinh khôi, nhưng còn trong mê mờ của căn thức. Nếu là cái biết của chân tâm đã hiển lộ thì khi trưởng thành, không cần tu tập mà cháu phải tự biết rõ chân tâm hiện tiền, không còn mê lại nữa. Nhưng thực tế con người không được như vậy, cho nên cái biết lúc nhỏ là căn thức chứ chưa phải chân tâm.

4.2. Ý thức.

Ý thức liễu biệt kế độ (suy lường) phân biệt.

Đây là cái biết của những người trưởng thành như chúng ta. Nhìn một vật gì thì biết và suy lường phân biệt. “Cái này đẹp” là do có một cái xấu trước đó đã được nhìn thấy và ghi nhận trong đầu đem ra so sánh với cái hiện tại để biết nó đẹp. Khi nghe một vấn đề gì thì cần phải suy nghĩ, tư duy mới biết; chứ không biết rằng, không thèm khởi nghĩ, chúng ta vẫn sáng biết nhận ra một cách đầy đủ và đặc biệt hơn. Trí tuệ thế gian là do kế thừa cái cũ để phát huy cái mới. Như thế, không thể biết được cái của ngày mai cho nên nó mang tính hạn hữu, cục bộ, không thể lô-gic với điều của ngày mai chưa biết. Và cứ thế ngày mai lại có cái mới khác hơn, do đó nó mang tính không cùng. Việc này như hứng từng giọt nước trên mái nhà tranh, so với biển cả kia không thấm vào đâu. Đây là sự giới hạn của ý thức liễu biệt kế độ (suy lường) phân biệt.

4.3. Chân tâm.

Chân tâm ứng vật, như gương chiếu hình tượng, sáng suốt rõ ràng; giống như phân biệt mà không phải là cái phân biệt của ý thức.

Đây là cái biết của người sống được bằng bản tâm chân thật nơi chính mình. Tâm thể thênh thang, sáng biết suốt khắp tất cả. Như gương không có ý soi vật, mà có vật thì hiện hình, vật đi thì vẫn sáng trong, không thay đổi. Cái thấy biết này cũng vậy, không cần phân biệt, không động mà vẫn thấy biết suốt tột bình đẳng, có và không không hai.

Cây lặng yên, gương cũng chiếu soi. Cây bị gió thổi phất phơ, gương cũng sáng soi như thế. Gương không bị thay đổi theo tướng động và tĩnh của cảnh vật. Tâm sáng soi nơi mỗi chúng ta cũng vậy. Cảnh thì có động và tịnh, nhưng tánh sáng soi vẫn thế, không bị đổi thay theo hai tướng động tịnh bao giờ.

Khi đang sáng ngời thấy biết tất cả, nhưng cũng không thấy có cái biết để thấy biết, mà vốn tự là sáng biết như vậy. Tâm không, cảnh tịch mà vẫn thấy biết linh hoạt, giống như đập vỡ gương mà tánh sáng soi không mất. Không động, như nhiên mà linh thông. Mỗi vật mỗi việc đều thấy biết rành rẽ rõ ràng, không lẫn lộn nhưng vẫn bất động. Chủ động, phát huy, sáng tạo nhưng không phải sự suy lường phân biệt có tướng của ý thức. Tất cả đều từ cái thấy biết của chân tâm.

4.4. Tóm lại.

Ba loại phân biệt trên, hai loại đầu còn nằm trong phàm mê. Loại thứ ba của bậc giác ngộ. Không phải có cái phân biệt này mặc định là của thánh, kia là của phàm. Cũng không phải trong một con người có ba loại phân biệt đồng thời cùng tồn tại. Mỗi một chúng sanh chỉ có một tâm tánh sáng biết. Khi mê thì tâm biến thành thức, khởi tưởng phân biệt cho nên biến thành hai cái biết của phàm mê như vừa nêu trên. Còn nhỏ thì căn thức tùy niệm phân biệt. Người đã trưởng thành thì ý thức suy lường khởi hiểu phân biệt. Cũng ngay cái biết này, nếu khéo tu tập, chuyển vọng niệm phân biệt trở lại bản tánh thì thức chuyển thành trí, cái biết lúc này là chân tâm biết, là cái biết của bậc giác ngộ. Cái biết trong mê thì còn bị chi phối, khổ đau. Cái biết của chân tâm, giác ngộ thì tự tại, an vui, giải thoát.

 

5. NÓI THÊM VỀ CĂN THỨC.

Căn thức chỉ là cái mê mờ, không rõ ràng, không hình tướng. Nó không có tướng như ý thức phân biệt để nhận biết. Khi mê thì ở trong khói mây mù mịt ấy, bừng ngộ thì như vén màng mỏng vô hình. Vì vậy, người chưa ngộ thì đang sống trong sự phủ che của căn thức mờ mịt này cho nên khó nhận ra. Chỉ khi bừng ngộ thì hay ra mình vừa qua khỏi, tất thảy đã được rơi rụng, vượt thoát.

Căn cứ vào người mới sanh ra hay đã trưởng thành; vào việc đã tu tập hay chưa tu tập; và căn cứ vào công phu tu tập đã tiến bộ rốt ráo hay chưa, chúng tôi sẽ nói thêm về căn thức cho cặn kẽ để hành giả dễ bề nhận biết và tu tập.

5.1. Còn mê, trong tự nhiên, căn thức được phát hiện qua hai phần.

5.1.1. Cách ấm liền mê, căn thức mới sanh tùy niệm phân biệt.

Đời này có thể thông minh tài giỏi, nhưng khi chết rồi sanh lại thì bị mê mờ, không nhớ và lanh lợi trọn vẹn như kiếp trước. Khi thân của kiếp này chết, tái sanh sang một thân khác của kiếp sau (cách ấm) thì bị mê mờ. Do đó đứa bé sống trong căn thức mới sanh tùy niệm phân biệt, như vừa nêu trên.

5.1.2. Hiện tại, căn thức là sự mê mờ ngầm, không hình tướng.

Đây là nói đến người đã trưởng thành.

Nhìn vật liền phân biệt, so sánh, suy lường đúng sai, phải trái, trắng đen... Đó là thức phân biệt của bề nổi mà ngầm sâu thẳm bên trong là căn thức, cội gốc của sự mê mờ. Chính căn thức này tự hoạt động tinh vi khiến cho người đang mờ mịt trong nó không thể nhận ra. Từ hoạt động đó mới có sự phân biệt trắng đen hiển lộ ra bên ngoài. Đây là thành quả của căn thức và con người chỉ kịp nhận thấy được hiện tướng của kết quả đã thành này mà thôi. Nếu ngộ bản tâm, căn thức tự dứt bặt, niệm phân biệt theo đó cũng không còn sanh khởi. Lúc này rõ biết tất cả nhưng không phải khởi phân biệt như lúc còn mê trong căn thức. Để thấy, tất cả chúng sanh chưa ngộ, đều sống trong căn thức mê mờ ấy và không thể thấy ra, cho đến khi tỏ ngộ mới phát hiện.

5.2.   Với người đã có công phu tu tập thuần tịnh.

Là người có công phu tu hành miên mật, đạt đến tâm thanh tịnh tuyệt đối, trong ngần, nhưng trí chiếu phá sinh tử chưa hiển hiện, như trời đã rạng sáng nhưng mặt trời chưa lên. Đến đây các Thiền sư gọi là đầu sào trăm trượng, nước chết không chứa được rồng. Quý ngài chưa chấp nhận chỗ này, bởi đại pháp chưa sáng, còn thiếu một cái “à”. Là đầu sào trăm trượng phải thêm bước nữa, mười phương thế giới mới hiện toàn thân. Mới là đầy mắt núi xanh, không có chỗ cho màu khác của thức mê chen vào. Thiền sư Pháp Thành ở Hương Sơn nói: “Dù cho thuần thanh tuyệt điểm vẫn còn là chơn thường lưu chú”. Chữ lưu chú là chỉ cho vọng tưởng. Ở đây ngài nói, dù cho tu hành đạt đến thanh tịnh tuyệt đối rồi, nhưng vẫn còn sự trôi chảy nhỏ nhiệm trong tánh chân thường kia, khó thấy. Như từ xa nhìn thác nước thì thấy như dải lụa trắng bất động. Nhưng khi đến gần thì thấy bọt bắn tung tóe. Đồng chỉ cho chỗ đã thanh tịnh nhưng chưa phát minh đại pháp thì căn thức hãy còn. Chỗ này còn gọi là Bạch Tịnh Thức. Tức là đã sạch hết, thanh tịnh tuyệt đối rồi, nhưng vẫn còn gọi là thức, chưa phải đã chuyển thành trí rốt ráo, trọn vẹn.

 

6.  ĐỨC PHẬT DẠY VỀ CÁI BIẾT.

* Tiểu Bộ Kinh, đức Phật dạy:

“Này Bàhiya, đây là điều ngươi cần phải học tập. Trong cái thấy chỉ là cái thấy, trong cái nghe chỉ là cái nghe, trong cái thọ tưởng chỉ là cái thọ tưởng, trong cái thức tri chỉ là cái thức tri. Do vậy, này Bàhiya, ngươi đâu phải là cái ấy, là chỗ ấy? Thì ngươi không còn là đời này, không còn là đời sau, không còn là đời chặng giữa…”.

Đây là điều ngươi cần phải học tập.

Đây là điều quan trọng, ông cần phải để tâm, không được xem thường. Trong đó có chúng ta, cũng không được xem thường lời đức Phật chuẩn bị nói ra.

Trong cái thấy chỉ là cái thấy, ...

Thấy thế nào thì được gọi “chỉ là cái thấy”? Thấy chỉ là thấy, không khởi thêm phân biệt mà vẫn sáng biết rõ ràng. Cụ thể ngay đây, đang nhìn thấy tập sách này, đừng thèm chú tâm, cũng không phải phớt lờ đi, cũng chẳng khởi tâm mặc kệ, không suy nghĩ phải làm như thế nào cả, bặt hết đi, bình thường đi, chúng ta vẫn thấy biết và đọc sách bình thường. Lúc này, thấy biết chỉ là thấy biết một cách rành rẽ rõ ràng, không cần khởi tâm để phân biệt mới thấy biết. Đây là “Trong cái thấy chỉ là cái thấy”. Và nghe, thọ tưởng, thức tri cũng tương tự.

Do vậy, ngươi đâu phải là cái ấy, là chỗ ấy?

Như ví dụ nhìn thấy biết tập sách vừa nêu trên, chúng ta đang tự sáng biết rõ ràng chứ không phải có ý biết theo cuốn sách. Chưa có tập sách, mình vẫn sáng biết, không thiếu. Đang cầm tập sách, chúng ta cũng sáng biết như vậy. Cất tập sách đi rồi, cái sáng biết này cũng không bị biến động thay đổi theo tập sách, cảnh vật. Cái sáng biết này riêng sáng, không đợi có tập sách nó mới có, không lệ thuộc vào bất cứ gì, cho nên nói: “Do vậy, ngươi đâu phải là cái ấy”. Nghĩa là mình không phải là  tập sách hay cảnh vật bên ngoài.

Cũng chẳng phải là “chỗ ấy”. Không đợi chú tâm mới biết. Chỉ là bình thường, mất hút các tướng là mình, là sách mà vẫn sáng biết. Đọc hiểu từng chữ, từng nghĩa rõ ràng, nhưng vẫn không động. Lúc này, mình không còn là tướng trạng gì cả, mà là thênh thang, bàng bạc khắp tất cả. Không phải ở chỗ chú tâm vào cuốn sách mà bỏ quên những sự hiện diện khác; cho nên nói, mình “không phải là chỗ ấy”.

Nói tóm lại, tắt đèn tối thui, không có vật gì, mình vẫn thấy biết chứ không phải như xác chết. Đèn sáng lên, chúng ta vẫn sáng biết như thế. Có khác chăng chỉ là thấy có vật và không thấy có vật. Còn cái sáng biết này thì có vật hay không vật, nó cũng vốn tự sáng biết như đã sẵn vậy. Ngàn xưa chưa có vật gì, nó cũng chưa từng thiếu vắng bao giờ.

Cho thấy, không phải đợi có cảnh vật, có tập sách mới thấy biết, cho nên mình không phải là tập sách, cảnh vật; đây là nghĩa “Do vậy, ngươi đâu phải là cái ấy”. Không phải đợi chú tâm vào tập sách hay một vật nào đó mới thấy biết; đây là nghĩa “Do vậy, ngươi đâu phải là chỗ ấy”. Nếu đã như thế, “Thì ngươi không còn là đời này, không còn là đời sau, không còn là đời chặng giữa…”.

Thì ngươi không còn là đời này, không còn là đời sau, không còn là đời chặng giữa.

Nghĩa là “thấy, nghe, cảm nhận, hiểu biết chỉ là thấy, nghe, cảm nhận, hiểu biết như thế”, là không còn nằm trong ba thời (quá khứ, hiện tại, vị lai); là đã vượt thoát ba đời (đời này, đời sau, đời chặng giữa). Vượt khỏi ba thời, ba đời, nghĩa là đã giải thoát sanh tử.

*Thiền sư Thần Hội nói:

Vô niệm mà niệm, tức niệm chân như,

Vô sanh mà sanh, tức sanh thực tướng.

(Vô niệm niệm giả, tức niệm chân như,

Vô sanh sanh giả, tức sanh thực tướng).

Vô niệm mà niệm, tức niệm chân như.

Chữ “niệm” đầu là chỉ cho niệm tưởng. Hai chữ “niệm” sau nghĩa là nhớ nghĩ, hay nhận biết. Chữ nhớ nghĩ, nhận biết trong trường hợp này không phải đợi có khởi tâm động niệm mới nhận biết, không phải hồi tưởng để nhớ nghĩ thành tướng của niệm. Bởi trước đó ngài đã nói “vô niệm mà niệm”. Không tâm mà tự nhớ vô số, không còn tướng của vọng niệm phân biệt mà vẫn nhận biết, quan tâm, từ bi một cách đáo để; đó là cái nhận biết, nhớ nghĩ được lưu xuất từ chân như. Như đức Phật sau khi thành đạo, Ngài không khởi niệm mà biết suốt tất cả, cho nên Ngài là bậc nhất thiết chủng trí. Nghĩa là bậc có trí tuệ thấy biết hết tất cả, nhưng không phải vọng tưởng mà là diệu dụng, bởi lúc này tâm Ngài không còn khởi niệm vọng động như chúng sanh. Ngài nhớ lại vô số kiếp về trước mà không phải hồi tưởng.

Chỉ khi nào không còn niệm tưởng thì mới có thể thấy, biết, hiểu, từ bi, quan tâm một cách sáng suốt, chu đáo, đầy đủ, trọn vẹn mà vẫn không động niệm, không rơi vào sanh diệt tạo tác. Bởi đó là diệu dụng được lưu xuất từ chân như. Ngược lại, chúng sanh mê tánh chân như này cho nên rơi vào tình thức phân biệt, có niệm tưởng. Hễ nhúc nhích gì cũng nằm trong cái mê ấy. Và có ở không, không làm gì cả cũng tự mê mờ, vọng động.

Vô sanh mà sanh, tức sanh thực tướng.

Ba chữ “sanh” nằm ở các vị trí khác nhau, đóng hai vai trò và ý nghĩa khác nhau tương tự như chữ “niệm” ở câu trước.

Vô sanh, không còn sanh diệt, nhưng không phải không còn gì, mà là sống dậy sức sống động trong thể vô sanh không còn động ấy, đó là sự sống động từ thật tướng.

Thật tướng thì vô tướng. Bởi khi buông sạch tất cả không còn gì, ngay đó đã vô tướng, nhưng vẫn còn đây cái sáng biết không động. Cái này ở nơi mình, là chính mình, không bị vọng động vô thường sanh diệt cho nên gọi là thật tướng. Tức là cái vô tướng mà hay thấy biết suốt thông các tướng. Dù có thấy biết tất cả, nhưng nó vẫn bất động, không tướng. Hơn nữa, nó nằm ngay nơi mình, nó là chính mình. Chính vì những lý do đó cho nên gọi là tướng chân thật (thật tướng), là cái không tướng hình sanh diệt (vô tướng).

Ngộ tâm thì tâm tự vô (không), tức là vô sanh. Trong thể vô sanh không động ấy không phải không ngơ, mà nó linh hoạt và chủ động vô cùng. Hơn thế nữa, tâm tánh này hay sanh muôn pháp mà vẫn không thấy có pháp được sanh. Đó chính là diệu dụng từ thật tướng, là vô sanh mà sanh, mới là cái sanh của thật tướng.

Đây là Thiền sư Thần Hội chỉ cho chúng ta nhận ra cái thấy biết chân thật, sống động nhưng bất động.

 

7. TU TẬP – SỐNG VỀ BẰNG CÁI SÁNG BIẾT CHÂN TÂM.

Nhận lại tâm mình, tựu trung có hai đường cơ bản. Hoặc là ngay đây liền nhận thẳng, gọi là đốn ngộ. Nếu chưa thể như thế thì tu tập, gạn lọc vọng tưởng phiền não dần dần rồi cũng nhận ra, gọi là tiệm tu.

7.1.  Ngay đây liền nhận.

7.1.1. Ngay đây liền nhận thẳng tự tánh giác sáng là thế nào?

Người tu hành đốn ngộ tự tâm, không qua thứ lớp mà ngay đây khéo nhận thẳng tánh giác sáng. Không màng đến vọng tưởng, phàm tình, tập khí, phiền não còn hay không còn; không bàn đến việc phải diệt trừ hay bằng lòng với những tình tệ ấy.

Ví như khi bị kim chích, có đau. Nhưng không chỉ có cái đau thôi, mà chúng ta còn có cái biết đau. Cái biết đau này không liên quan đến cái đau. Bởi khi chưa đau nó cũng sáng biết; khi đang đau nó cũng sáng biết như thế; và khi hết đau rồi, cái biết kia vẫn thế, không bị biến đổi. Cái đau thì có còn, có hết. Cái biết đau thì luôn sẵn đó. Vì vậy, ngay đây nhận thẳng cái biết này, không màng đến có bị đau hay không đau gì cả. Đó là nhận thẳng, không qua thứ lớp, không liên quan đến việc còn đau hay đã hết đau.

Đối với phiền não, phàm tình, vọng tưởng cũng tương tự như sự đau đớn này vậy. Tất nhiên, khi nhận tánh sáng biết thì vọng tưởng, phiền não, tập khí không thể còn như cái đau do kim chích vào cơ thể được. Khi chứng ngộ thì tất cả đều sạch hết. Nhưng khi đang còn trong quá trình dụng công tu tập, chưa tỏ ngộ, nếu khéo léo, dám tự tin thì chúng ta vẫn có quyền nhận thẳng đến tánh giác sáng này như vậy. Không màng đến vọng tình, vọng tưởng có còn hay phải hết sạch. Gọi là con đường trực chỉ, đốn ngộ; là đường chim, thẳng tắt, là do nghĩa này.

(Xem đầy đủ tại mục 2, chương 3).

7.1.2. Người nhận thẳng tự tánh giác sáng là trừ vọng tưởng phiền não để nhận hay ngay vọng tưởng phiền não để nhận?

Nếu nói phải trừ dẹp hay ngay vọng tưởng phiền não để nhận, đều chưa rời vọng tưởng phiền não để nhận hiểu và bàn nói, là đã quên tự tánh, không thể nhận được tánh giác sáng này.

7.1.3. Không trừ phiền não, vậy người nhận tánh có bằng lòng chấp giữ phàm tình tập khí phiền não hay không?

Không những tập khí phiền não, hễ có tâm bằng lòng chấp giữ bất kỳ một điều gì, đều không thể nhận được tánh này.

Hơn nữa, nếu thích ở trong phàm tình tập khí phiền não thì người này không đủ thiện căn phước đức và túc duyên; không đủ khí phách, bản lĩnh, ý chí xuất trần để nhận được tánh giác sáng này. Dù có nói thao thao bất tuyệt về thiền về đạo mà đắm trong vọng tập, đầy dẫy phàm tình thì đó là người bị thiền bệnh, là khẩu đầu thiền. Người như thế là đã đánh mất cơ hội để nhận ra tự tánh giác sáng này rồi.

Mặt khác, nhận tánh thì tánh này vốn tự giác sáng. Tánh giác sáng này thanh thoát, cao thượng. Tự nó khiến cho hành giả hướng thượng, không chấp nhận phàm tình, tập khí, phiền não. Giống như bóng đêm không thể cùng tồn tại giữa ban ngày khi trời quang mây tạnh, không bị nhật thực.

Nếu cho rằng đã nhận tánh giác sáng mà còn chấp giữ những tình tệ như trên thì rõ ràng là người bên ngoài để tưởng tượng về việc này, chưa từng nếm vị cam lồ đặc biệt trong tự tánh giác sáng sẵn đó của chính mình.

7.1.4. Nếu vậy thì đối với phàm tình, tập khí, phiền não làm sao trừ dẹp?

Nếu nói trừ dẹp thì không thể trừ được. Bởi phàm tình tập khí phiền não là thuộc về sanh diệt. Khởi tâm trừ dẹp cũng là một hành động, là thuộc về tạo tác sanh diệt. Đồng một tính chất là sanh diệt cho nên không thể hàng phục được tập khí phiền não. Bởi không thể dùng cái sanh diệt để trừ dẹp được sanh diệt. Chỉ có cái vô sanh mới tiêu dung được cái sanh diệt. Nếu tu hành như thế thì chỉ vô tình tạo thêm nhiều thứ sanh diệt rối rắm mà thôi, công phu sẽ tối tăm, mờ mịt, không tiến bộ. Do đó, Thiền sư Nham Đầu Toàn Khoát dẫn lời cổ đức: “Chẳng phải trần chẳng xâm phạm ta, nhưng khi ta vô tâm thì nó cháy” là yếu chỉ này.

Như trừ bóng tối, chẳng phải làm gì, chỉ cần mở đèn thì bóng tối tự tan. Cũng vậy, người đã nhận tánh như có ánh sáng. Không khởi tâm thấy có phàm tình tập khí phiền não là thật để dẹp trừ. Bởi dẹp trừ là đã rơi vào tạo tác, không thể trừ dẹp thành công. Nhưng không phải bằng lòng chấp giữ nó, bởi tánh giác sáng không chứa được phàm tình dở tệ. Cụ thể hằng ngày sống thẳng tánh ấy, khéo tùy thuận tốt trên các cảnh duyên và tiêu dung được phàm tình tập khí. Nói là tiêu dung mà thực sự là không làm thêm gì, chỉ sống thẳng bằng tánh giác sáng thì mọi thứ tự nó tan biến, tiêu trừ. Không khởi niệm thấy có một cái tâm riêng, cũng không thấy có tập khí thật. Trong tánh sáng ấy, thấy biết suốt tột, rõ ràng, mọi thứ tự tiêu dung. Không thấy có một cái tánh này để dẹp trừ một cái tập khí kia thật, cho nên không có chỗ cho phàm tình xen vào để phân tích hiểu biết đến được.

Chính sống bằng tánh giác sáng này thì tất cả tự tiêu trừ. Do đó, tuy không nói đến dẹp trừ phàm tình, tập khí, phiền não; chỉ nói nhận tánh và sống thẳng bằng tánh giác sáng ấy. Nhưng đây lại là phương pháp dẹp trừ phàm tình, tập khí, phiền não đúng nghĩa, thiết thực và hữu hiệu. Vì vậy, tu không phải để dẹp trừ phàm tình, tập khí, phiền não. Bởi thực tế có cố gắng nỗ lực dẹp trừ thì chỉ có giảm bớt chứ không thể sạch hết được. Mà tu là để nhận lại tự tánh giác sáng nơi chính mình.

Nhưng nói tu để dẹp trừ phàm tình, tập khí, phiền não cũng được. Bởi tu là nhận lại tự tánh giác sáng. Chính tánh này tự tiêu trừ phàm tình, tập khí, phiền não một cách hiệu quả thực sự. Trừ mà không có tướng trừ. Không thấy có tâm này để trừ dẹp một cái phiền não kia thật. Bởi thấy thật có phiền não để trừ thì mê tâm này, không thể giác sáng đúng nghĩa, do đó cũng không thể tiêu dung phàm tình tập khí được. Chỉ sống với tánh giác sáng này thì mới tiêu dung tột cùng tập khí, phiền não.

Tóm lại.

Người tu tập pháp viên đốn này, ngay đây nhận thẳng tánh giác sáng. Sống ngay tự tánh giác sáng ấy là chân thật tu hành. Hằng ngày tùy duyên tiêu dung tập khí... Khi thời tiết nhân duyên chín muồi, bất chợt tâm này bừng sáng. Tất cả đều sạch sành sanh, bày trơ trơ. Sống thẳng tánh ấy là sống bằng chánh nhân vô sanh. Trải qua nhiều kiếp, công viên quả mãn, sẽ thành tựu quả vị vô sanh mà chư Phật đã viên thành.

7.1.5. Đã nhận và sống ngay tự tánh giác sáng thì tại sao còn có ngày bừng ngộ tự tánh?

Cụ thể: Đã nhận và sống ngay tự tánh giác sáng thì tại sao còn có ngày bừng ngộ tự tánh. Nếu chỉ là một tự tánh thì nhận thẳng liền xong, không có ngày bừng ngộ. Nếu có bừng ngộ thì tánh giác sáng trước đó đã nhận là chưa phải tánh. Nếu tánh giác sáng đã nhận và khi bừng ngộ đều phải, thì không lẽ trong một con người lại có hai tự tánh khác nhau. Nếu vậy thì một người tu hành lẽ ra phải thành hai vị Phật, vì có hai tự tánh? Nhưng thực tế thì không phải vậy. Cuối cùng nghĩa này thế nào?

Như trẻ em mới được sinh ra là một con người, nhưng chưa làm được các việc như người trưởng thành. Khi lớn, cậu ấy làm đủ mọi việc. Tuy không còn là cháu bé ngày xưa, nhưng anh chàng thanh niên hôm nay cũng chính là cậu bé của ngày xưa trưởng thành chứ không phải một con người nào khác.

Cũng vậy, nhận tánh giác sáng ban đầu cũng chính là tự tánh. Nhưng do lực dụng chưa đầy đủ, trí sáng chưa mạnh, định lực còn khiêm nhường cho nên hành giả chưa phát huy hết diệu dụng của nó. Lúc này vọng tưởng phàm tình vẫn còn xâm lấn, nhưng do đã nhận tánh giác sáng cho nên không mê lầm. Đồng thời, có khả năng làm chủ và tu tập, tiêu dung nó dễ dàng hơn. Đây là điểm đặc biệt của Thiền tông trực chỉ, hay còn gọi là Thiền tông Đốn Ngộ, ngay trước mắt chỉ thẳng, nhận thẳng. Thiền sư khéo đẩy thẳng vào, hành giả ngay đó ngộ thẳng. Nếu chưa triệt ngộ, sống thẳng bản tâm đã nhận là tu hành. Khi công phu đúng mức, thời tiết nhân duyên chín muồi thì tánh này bùng vỡ, hiển hiện đầy đủ rõ ràng. Tự mình hay ra tất cả lực dụng bất tư nghì, như người sáng mắt xem chỉ tay trong lòng bàn tay mình vậy.

Trong Tổng Luận Kinh Thủ Lăng Nghiêm Trực Chỉ, Thiền sư Hàm Thị nói: “Ngoài phân biệt vẫn lưu lại căn tánh để chờ đợi phát minh”. Phân biệt là vọng tưởng. Căn tánh là tự tánh giác sáng. Chờ đợi phát minh là bừng ngộ, tánh thể hiện tiền. Nghĩa là, dù đang còn vọng tưởng phân biệt, nhưng để yên, để ngoài vọng tưởng phiền não, đừng can thiệp, quan tâm. Nên ngay đây khéo nhận và sống thẳng tự tánh giác sáng. Tự tin sống thẳng như thế là “lưu lại căn tánh”, sẽ có lúc bừng ngộ bản tánh, bản tâm chính mình. Do đã nhận ra, thấy rõ như thế cho nên vững tin một cách chắc chắn, quyết đoán và mạnh mẽ. Từ đây, lòng đã an, chí đã quyết, một mực thẳng đó hạ thủ công phu để có lúc bừng ngộ nữa thôi, không còn do dự chần chừ gì nữa. Cho nên nói “chờ đợi phát minh”, chứ không phải ngồi đó mà có tâm trông mong, chờ đợi. Vì như thế sẽ vọng động, không thể bừng sáng, phát minh được. (Xem đầy đủ tại mục 5, chương 2).

7.1.6. Thiền sư Huyền Giác nói: “Giác liền xong, chẳng ra công”. Vậy xong ở đây là đã hết tập khí hay còn tập khí?

Nếu nói còn tập khí hay hết tập khí là còn nhằm trên tập khí để thấy, là đã bỏ quên tự tánh giác sáng này. Chỉ là không màng đến tập khí còn hay không, ngay trước mắt đây nhận thẳng tự tánh giác sáng thì vọng tập, phiền não sẽ tự dứt trừ. Nếu có mảy may chần chừ, tư lự thì liền rơi vào trong hang ổ của các pháp hữu vi sanh diệt, tạo tác, không thể tiêu trừ được tập khí, phiền não. Cho nên ngài Huyền Giác nói: “Giác liền xong, chẳng ra công, tất cả pháp hữu vi chẳng đồng”. Nhận thẳng tự tánh giác sáng thì liền xong, không lo gì tập khí phiền não không tiêu dung. Những suy nghĩ hiểu biết còn trong tạo tác sanh diệt của hữu vi không thể hiểu thấu đến được. Đây là Thiền sư Huyền Giác nói thẳng đến chơn tông của giáo viên đốn.

Không tu thì không thể chứng đạo, cho nên khi mê thì phải dụng công tu tập vậy thôi. Khi chứng đạo rồi thì mới hay ra, thể đạo ấy vốn đã sẵn vậy lâu rồi, việc hạ thủ công phu tu tập hoàn toàn không dính dáng. Vì vậy Ngài nói: “Giác liền xong, chẳng ra công” là vậy. Đây là Khúc Ca Chứng Đạo thì tất nhiên là Ngài nói đến chỗ rốt ráo của bậc tu hành đã chứng ngộ. Nhưng không hẳn chỉ có vậy. Vì đây là lời nói và việc làm của bậc chứng đạo quan tâm đến người sau, chứ không phải nói cho quý Ngài. Bởi người chứng đạo thì đã chứng đắc rồi và ai chứng đạo cũng đã tự rõ biết suốt hết như vậy. Nếu chưa rõ biết việc này thì người ấy chưa chứng đạo. Hơn nữa, đối với người chưa chứng đạo thì có nói đến đâu đi nữa, họ cũng không thể đặt chân vào được chân trời giác ngộ rốt ráo này. Bởi đây là thể đạo chân thật, chỉ có đạt đến hoặc hay ra, chứ không thể qua học hiểu mà đến được. Cho nên, yếu chỉ của việc chỉ thẳng, nhận thẳng đối với người còn đang hạ thủ công phu là ngay đây chúng ta có quyền nhận thẳng tánh giác sáng như vừa nêu trên. Cho dù chưa được trọn vẹn như bậc đã chứng đạo, nhưng phải bắt đầu từ đây để công phu thì mới có ngày bừng ngộ và chứng đạo được, chứ không thể là con đường tạo tác, sanh diệt nào khác.

7.1.7. Vì sao gọi là viên đốn?

Viên là tròn đầy, không khuyết, không nghiêng về một bên; lý sự viên dung, không thiên lệch. Đốn là ngay đây nhận thẳng, không qua thứ lớp từ từ.

Cụ thể hành giả hay khéo ngay trước mặt đây nhận thẳng tự tánh giác sáng, liền xong. Không nghĩ suy hay bàn đến dẹp trừ và không dẹp trừ vọng tưởng phiền não. Đó là mặt thể, là lý tánh.

Tuy vậy, nhưng không phải chấp nhận vọng tình, phiền não. Sau khi nhận thẳng tánh giác sáng này rồi, hằng ngày sống thẳng tánh ấy, khéo léo tùy duyên trên mọi sai biệt và tiêu dung tập khí phiền não. Người này đã có nanh vuốt hướng thượng, tùy thời nhổ đinh tháo chốt cho người, gọi là giáo hóa độ sanh. Đây là mặt dụng, là thuộc về sự.

Lý thì thấu tột tâm tánh, sự thì không bỏ sót một pháp nào. Nhưng không có tâm khởi phân biệt chia làm hai, đây là lý, kia là sự. Lý sự dung thông, thể dụng không hai mà rạng ngời, mỗi mỗi rõ ràng nhưng vô tướng, không dấu vết. Do đó gọi là Chơn tông giáo viên đốn. Đây cũng chính là diệu chỉ của pháp đốn ngộ, ngay đây nhận thẳng.

7.2. Tu tập dần dần.

7.2.1. Dụng công tu tập thiền.

a)    Tu tập trong cảnh tịnh, tọa thiền.

Hành giả thực hành công phu tu tập và tọa thiền qua các bước cơ bản như đã nói ở chương trước. Đó là: Sổ tức, Tùy tức, Tri vọng, Biết là chân tâm.

- Không phải trải qua hết bốn bước là được ngộ đạo.

Bởi ngộ đạo là tỏ ngộ tâm tánh vô sanh, tánh này không nằm trong tạo tác, loạn động, sanh diệt, do đó không phải do làm gì hay tính toán mà đạt đến được. Nhưng khi còn mê, nếu không làm gì, không tu tập thì bị vọng tình khuấy động, vô minh che lấp, cũng trái với thể này, cho nên cũng không thể ngộ. Chỉ là trong quá trình còn mê thì không cách nào khác hơn là phải dụng công tu tập đúng pháp. Khi thời tiết nhân duyên chín muồi thì tâm này tự bừng ngộ. Do đó, không phải cố định trải qua hết bốn bước như trên là được ngộ đạo, như kiểu tốt nghiệp xong khóa học là được ngộ.

Cũng chẳng phải đợi trải qua hết bốn bước trên mới được ngộ đạo.

Bởi không nằm trong tạo tác và tính toán tiên liệu, mà khi công phu đắc lực, thời tiết nhân duyên chín muồi thì bất chợt tâm tánh tự bừng sáng. Do đó khi còn mê thì chỉ nhất mực quyết chí hạ thủ công phu. Khi công phu đắc lực, chín muồi thì tâm tự bừng ngộ bất cứ lúc nào, chứ chưa hẳn phải đợi trải qua hết bốn bước thực hành cơ bản trên mới được thể ngộ.

Chỉ là dụng công đúng pháp, công phu đắc lực, chín muồi, bất chợt tâm này tự bừng ngộ. Có khi là đang sổ tức, đi làm vườn, hoặc bất kỳ nhân duyên nào khác, chứ không phải cố định đi qua hết bốn bước căn bản trên mới được quyền tỏ ngộ; và cũng không hẳn đi qua hết bốn bước trên thì công phu sẽ chín muồi và ngộ đạo.

Và vì hai lý do trên, cho nên cũng không phải bỏ băng vượt bậc để dụng công pháp cao hơn thì mau ngộ đạo.

Biết vậy, hành giả không nên thấy pháp này thấp, pháp kia cao rồi nóng vội bỏ băng, vượt bậc. Như thế là mất căn bản, công phu lâu ngày sẽ sanh chướng ngại, bệnh hoạn, trở ngại việc tiến đạo của mình. Rồi cũng phải trở lại từ đầu để điều trị, nhưng sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với buổi đầu chúng ta thực hành cho thật căn bản.

Cho thấy, tâm này chẳng phải do tu, vì tu là tạo tác; cũng chẳng phải không tu, bởi không tu là vô minh. Cả hai đều không thể ngộ được đạo chân thật này. Chỉ khéo léo dụng công đạt đến “tu mà không tu, không tu mà tu” thì tự khế hợp tâm này, khi công phu đắc lực, chín muồi thì bừng ngộ. (Xem đầy đủ tại mục 3, chương 2).

b) Dụng công tu tập trong cảnh động, sinh hoạt.

Trong một ngày đêm 24 giờ, thời gian tọa thiền rất ít, còn lại dành cho các sinh hoạt khác nhiều hơn. Nếu đợi đến khi tọa thiền mới tu thì ít quá. Do đó, trong sinh hoạt hằng ngày, chúng ta cũng phải khéo léo vận dụng thực hành công phu tu tập thì mới tiến bộ, đắc lực. Tùy vào căn cơ đã thuần thục được bao nhiêu để dụng công. Nếu chưa thuần thì làm việc gì biết việc đó, không thất niệm, lo ra. Nếu bất giác thì tỉnh lại. Đó là khéo tu trong cảnh động. Với hành giả đã thuần thục rồi thì chỉ cần giác sáng, suốt biết rõ ràng, mỗi vật mỗi việc không lẫn lộn nhưng vẫn không động. Sống ngay tánh đó để làm các công việc, đang làm việc mà không khác tánh ấy. Đó là đang sinh hoạt mà cũng là đang tu, đang tu cũng là đang làm tốt mọi công việc. Lưu ý là đừng thấy có tâm giác sáng khác với công việc để phải vừa làm việc, vừa giữ gìn tánh giác. Chỉ là mất hút các tướng, bình thường, tự nhiên, như nhiên. Không đợi khởi nghĩ mới biết, mà khi tâm thư giãn, bình thường thì tự nó sáng biết tốt hơn cả cố tư duy. Sống và làm việc như thế thì tâm này tự bàng bạc, thênh thang; tâm và việc không hai, công phu sẽ nhẹ nhàng, đắc lực. (Xem đầy đủ tại mục 3, chương 2).

 

8.  MUÔN DUYÊN BUÔNG XUỐNG.


Hành giả tu thiền, nếu chưa thể một nghe liền ngộ thì phải hạ thủ công phu tu tập, gạn lọc thân tâm, ngay đây buông sạch xuống, từ chuyên môn gọi là “Đương cơ phóng hạ”. Điều cần nhận biết cho rõ khi công phu là buông xuống chứ không phải buông bỏ. Bởi có khi cố bỏ vật bên ngoài, nhưng trong tâm còn dính thì coi như vẫn còn, chưa bỏ được. Hơn nữa, khi tâm còn dính mắc bất cứ vật gì thì nó sẽ tự dính mắc các vật khác, dù có tồi tệ hơn. Vật vừa lòng thích ý chúng ta dính mắc đã đành. Đối với những thứ không hề ưa thích chút nào, mình cũng dính. Bởi có dính mắc cho nên mới cho ta cảm giác không ưa. Đồng thời, buông bỏ là hành động, là tạo tác, là đã rơi vào sanh diệt. Dụng công tu tập còn trong tạo tác sanh diệt như thế thì không khế hợp với tự tánh vô sanh nơi chính mình, do đó công phu sẽ không đắc lực.

Buông bỏ thì trái với tự tánh, công phu không đắc lực. Không buông thì vọng tưởng, phiền não tràn bờ, che lấp bản tánh, không thể ngộ được tâm. Vì vậy, khi hành giả công phu tu tập, buông xuống chứ không phải buông bỏ theo kiểu lấy cái chân tánh này, bỏ cái vọng động phiền não kia.

Buông xuống sạch, thân tâm sẽ rỗng suốt. Có khi ngay đây liền được an nhiên, giác sáng. Nhưng có lúc bất chợt tất cả như rơi rụng, vỡ vụn, toàn bày thể giác sáng – an nhiên. Nếu công phu mạnh, sâu và đắc lực hơn thì ngay đó tự tánh toàn bày. Nếu chưa như thế thì tiếp tục sống ngay sức giác sáng an nhiên đó là tu hành. Khi công phu đắc lực thì bản tánh tự hiển lộ rõ ràng.

Khi đã thể ngộ tự tánh, sống ngay tánh ấy là đang công phu tu tập. Đến khi thuần thục, thấy biết vượt năng sở, căn cảnh, có không. Tất cả vốn tự như thị, tự tại, vô ngại. Sống là tu, tu là sống, nhúc nhích là tâm này, không hai, không khác. Không tự mãn, tiếp tục sống như thế cho thật mạnh mẽ, miên mật, nhồi đi ép lại mới thành một khối. Đuổi cũng không được, dẹp cũng không xong, chừng đó diệu huệ vô thượng hiện tiền. Lúc này mới đầy đủ diệu dụng, mất hút các tướng là tâm là pháp, lìa cả động tịnh mà hoạt dụng đến chủ động, hay sanh muôn pháp nhưng các pháp chưa từng sanh diệt bao giờ.

Tóm lại: Khởi đầu là buông xuống để an nhiên, giác sáng, đó là ngưỡng đầu tiên hành giả phải chạm đến. Bắt đầu từ đây, sống ngay sức giác sáng đó là công phu. Thời tiết nhân duyên chín muồi, bừng ngộ tự tánh. Cho nên nói “Giác là tu”.

Từ đây, hành giả sống ngay tánh ấy là tu hành, cho đến khi triệt ngộ, chứng ngộ. Vì vậy nói “Kiến tánh khởi tu”, hay “Y tánh khởi tu”.

Cho thấy cương lĩnh của việc tu hành: Với người còn mê thì “Giác là tu”. Với bậc đã kiến tánh thì “Kiến tánh khởi tu”, hay “Y tánh khởi tu”. Sống thẳng nhân vô sanh này là tu hành. Trải qua nhiều kiếp, công viên quả mãn, mới thành tựu quả vị vô sanh mà chư Phật đã đạt đến viên mãn.  (Xem đầy đủ tại mục 3, chương 3 và mục 2, chương 4).

 

9.  NGUYÊN LÝ CÔNG PHU TU TẬP.

9.1. Bất giác, đi vào sanh tử.


Chúng sanh ban đầu vốn ở trong tự tánh không sanh không diệt chính mình. Thoáng chợt bất giác, liền sanh căn thức mê mờ và vọng niệm. Từ đây bị vô minh, tạo nghiệp rồi đi vào sanh tử, chịu biết bao nhiêu nỗi khổ, đớn đau.

9.2. Giác sáng, tu hành, làm chủ sanh tử, chấm dứt khổ đau.


Nhận ra, chính vọng tưởng tạo nghiệp dẫn mình đi trong sanh tử chịu khổ. Hiện đời cũng chính vọng niệm làm cho chúng ta rối rắm, khiến cho trí tuệ lu mờ, không sáng suốt, mất định lực, năng lượng, do đó bị khổ. Muốn thoát khổ thì không theo nó nữa mà phải hàng phục vọng tưởng này. Vọng tưởng thì do bất giác cho nên tạm có ra. Nắm không được, bắt không xong, vì vậy nó không thật có. Nhưng do căn thức mê mờ nuôi dưỡng, duy trì vì thế nó tồn tại; sanh rồi diệt, mất rồi sanh, chập chờn mãi không dứt. Không cần can thiệp vọng tưởng nữa, chỉ cần dứt trừ căn thức thì vọng sẽ hết. Nhưng nếu có làm gì để dứt trừ căn thức thì chính là nó, chỉ làm cho căn thức mạnh thêm. Nếu không làm gì, để không thì vô minh lớn thêm, cũng là điều kiện cho căn thức mạnh mẽ. Có làm cũng không được, không làm gì cũng không xong. Vậy phải làm sao? Phải tìm một tác nhân mà căn thức này không chịu được, đó là giác sáng. Có thể kiểm chứng, khi đang ngồi yên, giác sáng thì không mê mờ, không có vọng tưởng gì. Vừa bất giác, thoạt quên thì cái mê căn thức này có ra, liền có vọng tưởng. Nhưng chỉnh thân, giác sáng mạnh lên thì tất cả đều không. Như vậy, khi giác sáng thì căn thức liền hết, không còn.

Khi sức giác sáng đủ mạnh thì căn thức bặt dứt, tự tánh hiện tiền. Từ đây trí tuệ sáng soi, không còn mê lầm; vọng tự dứt. Nhờ vào diệu lực của tự tánh, trí lực, định lực, vô biên lực hiện tiền giúp cho hành giả làm chủ sanh tử, tự tại, giải thoát, không còn khổ đau.

Ngộ tánh, không phải ngộ ra tự tánh, mà khi công phu đắc lực, trả lại chính nó, tánh tự bừng ngộ. Lúc này hành giả tự mình thấy ra rất rõ tất cả diệu lực đều tự mạnh lên, đúng như chính nó đã sẵn đó lâu lắm rồi. Vì vậy, cần phải biết hạ thủ công phu đúng pháp, khế tự tánh thì mới có lúc tánh này tự bừng ngộ. Bằng cách, chỉ là khéo mất hút dấu vết, không mê mờ thì tánh này tự sáng biết (giác sáng). Không phải có thêm một cái biết hay tánh sáng nào khác để gìn giữ. Trong sinh hoạt hằng ngày, khi tiếp xúc, thấy nghe biết, xét xem: “Chúng ta đang ở trong công phu thanh tịnh, sáng biết; hay quên mình, rơi vào sanh diệt, thấy biết hai bên?”. Khéo nhận ra để sống về miên mật. Theo thời gian thuần thục, công phu sẽ đắc lực, tánh sáng biết luôn hiện tiền hết sức rõ ràng. Khởi đầu của việc tu hành bằng sức giác sáng. Khi bừng ngộ là một sự lột xác, cũng chính là tự tánh giác sáng này, nhưng đã hiện bày trọn vẹn, diệu dụng bất khả tư nghì. Diệu lực tự tánh này giúp cho chúng ta tự tại, tiêu sái, làm chủ sanh tử, giải thoát mọi khổ đau. Cho thấy: “Giác là tu”. (Xem đầy đủ tại mục 2, chương 3).

10. KẾT LUẬN.

Các bậc Tổ đức dạy: “Tri chi nhất tự, chúng diệu chi môn”. Nghĩa là, chỉ một chữ “Biết” này là cửa vào của muôn điều nhiệm mầu. Tức là muôn vàn những yếu diệu, diệu dụng, sâu mầu đều từ tự tánh giác sáng biết khắp này mà có ra. Bởi lẽ thành Phật là quả vị rốt ráo của người tu Phật. Và thành Phật rồi thì tất cả yếu diệu, nhiệm mầu đều đầy đủ; mà khởi đầu là bằng một “cái biết” không sanh không diệt ngay chính mỗi người.

Cụ thể hơn, thành Phật là thành tựu viên mãn quả vị vô sanh. Từ nhân sanh diệt không thể thành nên được quả vô sanh. Muốn đạt đến quả vị vô sanh thì phải bắt đầu từ nhân vô sanh để tu hành thì mới thành tựu được. Khi đang còn vọng tưởng, lựa ra đến tận cùng thì sức giác sáng biết khắp không động này mới không còn sanh diệt. Sống ngay tánh ấy là đích thực tu hành, cho nên nói “Giác là tu”. Công phu đắc lực, chín muồi, tánh này tự bừng ngộ. Sống ngay tánh sáng viên dung này là công phu, do đó nói “Kiến tánh khởi tu” hay “Y tánh khởi tu”. Trải qua thời gian lâu xa, sống bằng tự tánh giác sáng thênh thang không động này là tự giác, tùy duyên hành hạnh lợi tha là giác tha, cho đến khi công viên quả mãn, tức là giác hạnh viên mãn thì thành tựu Phật đạo, diệu dụng không thể nghĩ bàn. Do đó nói, Phật là đấng tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn.

Cho thấy, kết quả rốt ráo viên mãn cuối cùng là Phật đạo, mà khởi đầu bằng tự tánh giác sáng biết khắp không động. “Cái biết” này rất đỗi bình thường, đơn giản và gần gũi, bởi nó nằm sẵn nơi mỗi con người chúng ta. Nhưng cũng rất đỗi phi thường, sâu mầu, cao vót, bởi từ nó mà thành tựu Phật đạo. Mới hay, muốn thành Phật, phải bắt đầu từ “cái biết” này. Không phải ở đâu xa vời, mà nơi mỗi chúng ta đã sẵn đủ, không ai thiếu vắng. Bởi chúng ta có muốn không “biết”, cũng không được.

 



[1] Sơ Đẳng Phật học Giáo khoa Thư, Bài 18: Điều Phục Hai vị Tiên, trang 167. Hoặc, Đức Phật và Phật Pháp, trang 35,36.

 

 TT.Thích Tâm Hạnh

 

 

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

1216854
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
1406
4135
17696
1175483
101857
118095
1216854