Thứ Năm 28/11/2024 -- 28/10/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Thưa hỏi thiền - phần 2

Thầy Tâm Hạnh.

HỎI THÊM

Câu hỏi 1:

Khi ngồi thiền, có cần phải sổ tức, tùy tức không Thầy?

Thầy trả lời:

Khi tập ngồi thiền, ban đầu cần phải sổ tức (đếm hơi thở). Thời gian sau thuần thục rồi đến tùy tức, sau đó tri vọng, biết là chơn tâm… Cá nhân quý thầy kinh nghiệm, sổ tức là một pháp quán căn bản rất cần thiết cho một người bắt đầu tập ngồi thiền. Nếu người nào vượt bậc, ban đầu bỏ qua mà không thực hành bước này thì về sau sẽ sanh các chứng hơi thở tự hổn hển, cơ thể không thông và tự máy động nhúc nhích không giữ yên được, tâm loạn lên và có cảm giác hối thúc xả thiền không muốn tiếp tục ngồi nữa… Cho nên sổ tức và tùy tức rất quan trọng cho một hành giả sơ cơ mới thực tập tọa thiền.

Bởi vì khi bắt đầu thực tập tọa thiền, cơ thể, tâm niệm, hơi thở của chúng ta sẽ bắt đầu chuyển từ thô sang tế. Có một số người thô trượt mạnh quá thì khi bắt đầu thực tập ngồi thiền, họ có thể có triệu chứng mắc ói một thời gian đầu rồi sau mới hết. Cho nên pháp sổ tức quán rất cần cho người sơ cơ. Ở đây chúng ta chỉ đếm hơi thở bình thường chứ không hề dùng thủ thuật, phương pháp, hay cách vận khí điều chỉnh gì đó để có ý cố chuyển từ trược trở về thanh, từ thô trở về tế gì cả. Mà khi bắt đầu thực tập tọa thiền, nó chỉ là một nguyên lý tự nó biến chuyển thôi. Còn những pháp thiền vận dụng về việc điều chỉnh, vận khí… đều không phải là thiền của nhà Phật chủ trương, dễ sanh bệnh hoạn.

Hơn nữa lâu nay chưa quen công phu, bây giờ mới bắt đầu cho nên khi ngồi lại thì vọng niệm nó cuộn trào mạnh lắm. Nếu chúng ta ngồi đó mà kềm vọng tưởng thì càng sai pháp, không đưa đến kết quả tốt. Cho nên quý thầy dạy pháp quán sổ tức để giảm bớt đi sự chi phối của vọng tưởng. Thực hành một thời gian tương đối thuần thục, không lộn số đếm, cơ thể và hơi thở thông từ từ và bắt đầu mình có được chút ít vốn liếng nội lực. Nhờ vào nội lực đó nên vọng tưởng tự nó thưa dần và đó là nền tảng căn bản giúp chúng ta bước sang các nấc thang thực tập khác có hiệu quả. Giống như phải mồi trước rồi có cơ sở lửa cháy đốt sau. Xe muốn chạy trước tiên phải phải đề-pa cho xe có trớn rồi mới chạy nhanh dần. Cơ thể và hơi thở chúng ta nó cũng đang hoạt động như một chiếc xe ô tô vậy, chúng ta vận dụng đúng nguyên lý thì xe chạy sẽ tốt.

Pháp quán sổ tức rất căn bản và hay lắm. Chúng ta đừng cho đó là phương pháp thấp nhỏ rồi xem thường và bỏ qua thì sẽ ảnh hưởng công phu về sau. Có nhiều vị muốn vượt bậc bỏ qua, sau này bị chướng ngại rồi cũng phải quay lại dùng sổ tức để điều trị. Nhưng ban đầu mình thực hành nó giúp chúng ta dụng công rất suôn sẻ và tốt vô cùng. Còn đợi đến khi bệnh mới quay lại điều trị thì sẽ vất vả chưa nói đến các phản ứng phụ không mong muốn. Có nhiều vị thực hành thành công pháp này nó đã đưa đến một trạng thái mất thân, mất tâm, rỗng rang, thanh tịnh tuyệt đối, thấy không còn thở nữa mà nó tự suốt thông lạ lắm. Khi xả thiền ra đi đứng nói năng chạy nhảy gì nó cũng không động. Thích lắm! Đặc biệt lúc này chỉ trình cho vị thầy mình chỉ dạy thì sẽ tiến thêm rất nhanh. Còn đi kể cho người khác nghe là nó dễ bị qua mất. Nếu không biết cầu tiến vươn lên thì dễ bị say đắm trong chỗ thanh tịnh đó và chúng ta không vượt qua được chỗ tạm thời. Từ đó dễ chấp ngang đó cho là đã chứng đắc thì bị nó ngăn chặn lại bước tiến của hành giả và bắt đầu rơi vào tà kiến chứ không phải thường. Ngược lại, nếu không chấp cho là chứng đắc rốt ráo, biết cầu tiến vươn lên thì đó là một bước rất căn bản để tiến đạo, công phu về sau thăng tiến mạnh mẽ lắm. Khi đến chỗ đó, chúng ta không phải loại trừ hay giữ lấy gì cả, chỉ là đừng mong cầu níu giữ nó lại, không chấp có sở chứng, quên đi sự thầm thầm chấp giữ bên trong và tiếp tục công phu, luôn GIÁC SÁNG TRỞ LẠI, nó tự sâu lắng, từ đó sẽ có những bước tiến đột phá đặc biệt hơn.

Câu hỏi 2:

Câu biết vọng không theo, thì cái không theo đó chỉ là một cách nói để mình dễ hiểu hơn thôi, phải không Thầy. Vì mình biết chỉ biết thôi. Còn khi mình suy nghĩ về phía trước là đã theo vọng thì chúng ta phải dừng lại, không theo nữa phải không Thầy?

Thầy trả lời:

Quý vị đã từng nghe Hòa thượng Ân Sư dạy: "Biết vọng không theo", có nghĩa là khi chúng ta tọa thiền, có niệm tưởng nào khởi lên, thấy rõ và biết nó là vọng tưởng, là không thật, không theo nó. Vậy là cứ ngồi yên lặng, nếu có vọng khởi thì đừng theo chứ không phải chúng ta thêm chữ “không theo” trên cái vọng đó. Tu tập một thời gian, Hòa thượng thấy các đệ tử thuần thục hơn cho nên chỉ thêm một bước nữa: BIẾT LÀ CHÂN TÂM. Tức là như lúc nãy (ở trên) quý thầy đã nói, mình đang tự là sáng biết hay là đang biết về vọng tưởng? Nếu biết về nó thì không phải là chân tâm, còn chúng ta đang sáng biết thì chân tâm đang hiện tiền. Đơn giản vậy thôi. Tóm lại có hai trạng thái:

1.    Khi thấy vọng tưởng khởi, nếu chúng ta biết về cái vọng tưởng đó, đó là biết theo đuôi của vọng tưởng, là phan duyên, là rơi vào sanh diệt và không thắng được vọng. Cụ thể bình thường vọng tưởng hơi ít thì còn biết được. Nhưng khi nhập thất, vọng tưởng kéo về nhiều quá mà biết theo cách này thì chúng ta sẽ bất lực, choáng ngợp, không biết nổi nữa và có khi lại có cảm giác sợ trở ngược lại vọng tưởng của mình nữa.

2.    Ngược lại, nếu chúng ta đang tự sáng biết, chứ không phải biết về nó, không phải biết theo nó. Biết chỉ là biết, hằng sẵn sáng biết, có vọng hay không vọng, vẫn chỉ là một thể biết không động. Cái biết đó không phan duyên, không rơi vào vọng động sanh diệt. Đây chính là chỗ Hòa thượng chỉ dạy: BIẾT LÀ CHƠN TÂM.

Câu hỏi 3:

Lúc con ngồi thiền, vọng tưởng tất nhiên là có. Nhưng có những giây phút con thấy rất tỉnh táo, con biết cái toàn thể như thầy nói. Lúc đó con thấy nó bình thường lắm, cũng không có gì an lạc, cũng không có gì là bực bội, nhưng nói chung nó rất tỉnh. Và khi con khởi niệm là mình biết như vậy thì một lúc nó mất, nó lại chuyển qua thành vọng, xong một lúc nó lại chớp trở lại, tỉnh trở lại và biết như vậy. Con lại khởi niệm là biết này có đúng hay không? Nó mất con lại quay lại hơi thở và đề khởi đếm 1,2,3. Nhưng khi đếm như vậy con rất dễ rơi vào hôn trầm. Tức là đếm đến số 4, 5  gì đó thì nó thành một quán tính mình đếm luôn đến số 10 và mình tự động quay trở lại đếm số 1, nhưng mà nó không có một sự biết trong số đếm đó. Nhưng khi nhớ lại thì số đếm nó vẫn đều mà không bị lộn.
Con lại thấy an ổn hơn ở chỗ con biết mặc dầu nó rất ngắn ngủi, nhưng con thấy nó rất tỉnh táo và nó không cần làm gì hết. Con không biết, vây dụng công như thế nào cho hợp?

Thầy trả lời:

1.    Trong khi cô đếm từ 1 đến 10 một cách máy móc tự động, trở thành một quán tính không lẫn lộn, nhưng cô không thấy có một cái biết rõ ràng trong số đếm, mà cảm thấy nó an ổn, đó là cô đang rơi vào vô ký.

Trạng thái vô ký này nó ru ngủ con người ta vào một kiếp sống vô minh mà chúng ta không hề biết. Cái an ổn trong đó là một sự ru ngủ mà vẫn có biết lơ mơ. Tuy tỉnh mà không rõ ràng, nó không ngủ say mà cũng không tỉnh hẳn, ngồi vẫn thẳng mà không bị gật gù…, Cái an đó không phải là sự an ổn tuyệt đối mà chẳng qua vì thấy ngồi thiền mệt mỏi, không phấn chấn nên tìm vào đó rúc trốn ngủ ngầm một cách khéo léo vậy thôi. Vào trong đó quen rồi rất khó trị và chính chúng ta đang đào hầm tự giết chúng ta. Vào trong ấy sẽ thấy thời gian ngồi thiền nó qua rất nhanh. Vì mơ hồ vô thức nên không thấy có gì trong đó để mệt nhọc, nhưng sự an lạc đúng nghĩa cũng không có luôn. Tức là mình đang giết mình. Đừng tiếp tục nữa. Tiếp tục quen đường quen ổ rồi khó cứu lắm. Có những người vào trong đó rồi ngồi 2 tiếng đồng hồ mà thấy qua rất nhanh, giống như mới bắt chân lên ngồi vậy. Vì trong khoảng đó đâu có biết gì rõ ràng đâu mà thấy có thời gian nhanh chậm? Ngồi lặng phắt, không nhúc nhích, chỉ có cái đầu nó hơi chếch nghiêng hoặc người không được ngay thẳng lắm. Nhưng trong khoảng thời gian ngồi thiền đó, họ không còn hay biết gì hết. Họ thấy kết quả là họ ngồi thiền được hai tiếng và họ được yên thân, thế thôi. Nhưng thực ra họ đang rơi vào một trạng thái cực đoan khác. Ngày xưa thì vọng tưởng là chết lửa, vào chỗ vô ký này là chết chìm, chết nước. Trạng thái vô ký chết nước này vì nó lơ mơ không rõ ràng nên khó cứu hơn vọng tưởng thô phù như chết lửa. Do đó không nên tiếp tục tìm sự an ổn theo kiểu đó nữa. Đếm là biết rõ ràng, chứ không phải đếm quen rồi tự nó nhớ số đếm và trở thành cái máy tự động nó đếm, còn mình thì đi tìm cái hang vô ký đó mà trú ẩn cho yên rồi tự chôn mình như loài gấu ngủ ngày. Như vậy là tự ru ngủ mình rơi vào vô ký, tự giết chết mình. Rất nguy hiểm!

2.    Khi cô đang biết nhưng chưa thấy vui lắm hoặc sức tỉnh giác không được dài vì cái biết nó chưa đủ lớn để có sức an lạc lan tỏa và duy trì được sức giác dài hơn. Nó cần có thời gian. Cô dụng công ngay chỗ sáng biết đó là đúng rồi. Cô tiếp tục công phu liên tục như vậy và theo thời gian, khi công phu thuần thục, sức giác đủ lớn thì nó sẽ tự có niềm vui rất đặc biệt.

Khi đang lặng biết, an lạc, cô vừa sanh khởi tâm giữ nó là tâm mình đã sanh. Tâm sanh thì không phải là nó nên nó mất. Đó là nguyên lý. Nếu ngay đó mình cứ sáng biết bình thường thì tâm không sanh, nó sẽ tự hiện tiền. Còn nếu chúng ta vừa sanh tâm nghĩ xem về nó thế nào hay là muốn giữ cho nó được lâu hơn thì nó lại mất.

3.    Mình đang giác biết được một chút xíu thì nó lại quên đi, đó là chuyện bình thường. Chúng ta nên nhớ mình là một trẻ thơ mới chập chững, thì nó phải vậy thôi. Kể cả chuyện công phu nhập thất cũng thế, có những lúc chúng ta thoạt có được sức giác kha khá, rồi thì nó sẽ tạm qua đi. Bởi vì lâu nay chúng ta sống với tâm có, tâm phan duyên bám víu quen rồi. Bây giờ lần đầu tiên tiếp xúc với một sự rỗng rang vắng bặt, chưa quen nên bị vụng về, không khéo léo nên sanh tâm muốn biết hay níu giữ nên nó lại qua đi. Rồi tiếp tục công phu và nó sẽ đến lại nhiều lần như thế, chúng ta quen dần, kinh nghiệm, khéo léo và sống được dài và mạnh hơn. Càng sống được mạnh và nhiều hơn, chúng ta mới phát hiện ra có nhiều điều siêu xuất hơn như thế nữa. Nó vi tế lắm. Và càng tiến bộ về sau, chúng ta càng thấy sinh động và đặc biệt hơn trước. Càng về sau, chúng ta càng quen với con đường vô sanh, thì mình vào ngôi nhà chân thật chính mình càng được nhiều lần hơn, có kinh nghiệm hơn, bớt sẩy chân trượt hố. Tâm mình nó dễ rơi vào hai bên lắm. Vừa muốn để yên một chút là rơi vào vô ký, vừa muốn giữ gìn hay dụng công mạnh mẽ một chút là rơi vào sanh diệt liền. Chúng ta còn thơ dại, hoang dại, ngây thơ trong ngôi nhà tâm vô sanh ấy. Bất chợt chúng ta thoáng nhận ra nó, mừng quá, sợ mất và cố giữ, liền bị mất nó. Hoặc có khi vừa muốn nhìn lại trạng thái vô sanh đó xem thế nào thì sự vô sanh ấy đã biến thành một trạng thái, không còn là chính mình và rơi vào sanh diệt. Tâm sanh diệt vừa sanh thì cái vô sanh liền vắng. Hoặc có khi vừa vô lại được một chút liền nghĩ, thôi để yên nó thì nó lại rơi vào vô ký, vô minh… Luôn như vậy và phải nhiều lần như vậy chúng ta mới có kinh nghiệm. Ai cũng vậy thôi, quyết tâm tu thì sẽ được, đừng nản, cứ thế. Mình phải nhớ mình là đứa con nít thì nó phải vuột. Nhưng nhiều lần như thế nó sẽ lớn mạnh, khi đó sẽ có kinh nghiệm. Giống như chúng ta quen rồi thì vào trong ngôi nhà đó rất dễ dàng. Và cho tới khi sống bằng nó khá thuần rồi thì nó tự hiện tiền. Trên tất cả mọi thứ luôn luôn là nó, không thấy có ngôi nhà vô sanh nào ngoài mình để vào nữa. Lúc này hoạt dụng rất linh thông, tự tại. Nếu còn thấy có chỗ vô sanh và cứ giữ nó thì vẫn còn ngăn ngại, chưa được tự do tự tại. Mới biết, việc này phải kiên trì, phải có thời gian thôi chứ không thể muốn mau một cách đơn giản được.

Câu hỏi 4:

Vậy thì mình cũng không phải máy móc là sổ tức trước phải không Thầy? Có những lúc con thấy như thế được rồi thì con cứ để cho nó cứ biết như vậy. Con cũng không cần đề khởi?

Thầy trả lời:

Đó không phải là máy móc mà phải biết dùng đúng lúc. Ban đầu mới tập ngồi thiền thì phải sổ tức, tùy tức, biết vọng… Khi qua các bước cơ bản thuần thục rồi thì tùy thời khéo ứng dụng cho tâm được an và sáng là tốt. Có những lúc mình vào đếm 1,2,3 rồi buông thư một cái là toàn thể hiện bày liền. Nhưng có những bữa do trời mưa lạnh, sức khỏe không tốt, ăn thức ăn không phù hợp cơ thể khiến nặng nề, hoặc trước khi tọa thiền mà mình hành động thô tháo lăng xăng quá… thì khi ngồi thiền sẽ có cảm giác ì ạch, nặng nề, vọng tưởng nhiều quá khó điều phục thì chúng ta có thể đếm sổ tức trở lại để tâm được lắng và chinh phục được vọng tưởng… Hoặc đến khi vừa thấy hơi yên, chúng ta đang đếm 1,2,3 bất chợt buông một cái thì mọi thứ rỗng thênh, sáng ngời và hân hoan lắm. Nếu khi động và thô phù lại, khó điều phục thì chúng ta sổ tức lại. Nói chung phải khéo léo và hết sức tinh tế để vận dụng trong công phu thì tâm mình mới trở nên sáng lặng. Khi chúng ta bị vọng động quá thì chúng ta lắng xuống, sống mạnh bằng sự an tịnh thì nó ổn lại. Nếu khi cái định có lắng lặng quá, dễ bị rơi vào vô ký, lờ mờ thì chúng ta phấn chấn tinh thần, dùng cái biết mạnh hơn một chút để thức tỉnh. Phải biết đi vô đi ra cho hợp lý. Khi động thì phải vào định để chế lại. Khi nó hơi lắng quá, chúng ta phải biết mạnh lên một chút để nó sinh động. Khi còn trên đường dụng công tu tập thì phải khéo léo cân bằng sự yên định và sống động. Khéo vận dụng như thế thì sẽ thành. Giống như nuôi một đứa bé phải có nghệ thuật. Điểm then chốt quan trọng là phải biết dụng tâm thẳng đến chỗ vô sanh như quý thầy đã nói ở trên. Khéo điều chỉnh tốt như thế cho đến khi sức giác đủ lớn thì bất chợt nó tự bừng ra, lúc này chúng ta không còn phải bàn nói làm gì trong đó nữa. Nó rất sống động, sinh động mà tự nó vốn không động. Chúng ta có quậy phá, múa may nó cũng không động nữa.

Câu hỏi 5:

Khi ngồi thiền, con không nhắm mắt. Con kinh nghiệm thấy khi nhìn xuống như vậy con có độ tỉnh nhiều hơn. Khi nhắm mắt thì dễ rơi vào hôn trầm. Suốt 1.5h ngồi thiền con mở mắt, khi rơi vào hôn trầm, vọng tưởng nhiều hoặc vô ký, tự động nhắm mắt lại và gật.

Thầy trả lời:

Không cố định là phải mở mắt hay nhắm mắt. Khi ngồi, Sư Ông có dạy chuẩn của nó là mở 1/3, từ chỗ mình ngồi mắt mở nhìn ra khoảng 3 gang tay là vừa. Không phải trụ tâm vào điểm ấy, đó là tầm chuẩn để biết mình mở mắt chừng đó là vừa phải. Khi nào vọng động hơi nhiều, muốn yên thì chúng ta có thể nhắm mắt lại. Khi nào cảm thấy hôn trầm, chúng ta mở mắt ra. Buồn ngủ nhiều thì mở lớn ra, có khi nhìn thẳng để đối trị bệnh buồn ngủ. Đó chỉ là phương pháp vận dụng để đối trị trong khi mình ngồi thiền. Chúng ta cần phải khéo léo linh động xử lý sao cho cân bằng là tốt.

Câu hỏi 6:

Ví dụ khi con ngồi thiền, không quá chú tâm đến một điều gì, khi có âm thanh đến, mình nghe âm thanh, mình cũng có cảm nhận về tư thế mình ngồi, các xúc chạm. Con cũng để ý hơi thở vào ra, con biết. Vậy làm thế có đúng không?

Thầy trả lời:

1. CÓ TIẾNG, KHÔNG CÓ TIẾNG.

Nếu là người mới tập ngồi thiền chưa thuần thục thì như thế là tương đối ổn cho buổi ban sơ rồi. Nếu công phu một thời gian sau thuần thục, chúng ta cần lưu ý điểm này để tiến thêm một bước nữa. "Không chú tâm đến một điều gì" nhưng phải rõ mình đang tự sáng biết chứ không phải biết theo vọng hay biết về một tiếng gì đó. Đang giác biết nó khác với biết theo, biết về một điều gì đó. "Đang có âm thanh đến mình nghe âm thanh", như vậy kiểm tra lại coi mình có nghe theo âm thanh hay mình đang tự luôn luôn sẵn tánh nghe biết? Nếu nó có tiếng thì mình biết theo tiếng, đó là biết theo tiếng chứ không phải tự mình đang sáng biết. Nếu tự mình đang biết, luôn luôn sáng biết thì có tiếng hay không tiếng, chúng ta vẫn đang sáng biết, không thay đổi, cái biết này nó không có một mảy may thay đổi hay động niệm phân biệt gì bởi sự xuất hiện hay mất đi của âm thanh bên ngoài cả. Điều này khá tinh tế, cứ vận dụng vào khi tọa thiền rồi sẽ cảm nhận được. Thử kiểm nghiệm lại thì dễ thấy lắm. Nếu nói có tiếng thì có biết, vậy thì cô vẫn đang biết bình thường, không thay đổi như là khi tiếng ấy chưa đến, hay là đang biết theo tiếng ấy? Nếu thực sự là đang sáng biết, không biết theo tiếng kia, thì không cần có niệm lập thêm là có tiếng hay không có tiếng. Công phu được như thế thì có tiếng hay không tiếng, mình vẫn đang sáng biết, không đổi, không động, không sanh tâm, tiếng tiếng đều như như. Tương tự như tiếng, biết hơi thở hay biết các thứ xúc chạm chung quanh trong lúc tọa thiền cũng vận dụng như thế. Điều này khéo léo thầm nhận thì được. Ban đầu thì hơi khó vận dụng, nhưng nếu đã công phu tu tập thì phải để tâm và dụng thẳng đến chỗ này, may ra mới có được phần nào đắc lực. Đây vẫn là cách dụng công tu tập thôi chứ không phải là chỗ chứng đắc gì ghê gớm, cho nên nó cũng nằm trong tầm của người đang công phu tu tập như chúng ta. Dù có thể hơi khó, nhưng nó là bài tập ngang tầm của mình thì phải cố gắng thực tập thôi, không thể nhờ ai làm dùm được.

2. NÓI THÊM VỀ SỔ TỨC, ĐẾM HƠI THỞ.

Việc thứ hai, quý thầy nói thêm một chút về kinh nghiệm vận dụng hơi thở khi tọa thiền.
Nếu quý vị đã tham dự các lớp thiền Hòa thượng Ân sư chỉ dạy thì biết tuần tự ban đầu phải sổ tức, đến tùy tức… rồi. Và sổ tức (đếm hơi thở) là bước căn bản quan trọng ban đầu không thể thiếu. Khi công phu, nếu mình cứ đếm hơi thở, theo hơi thở, làm một cách đơn điệu máy móc theo quán tính mà không vận dụng tâm tỉnh táo, rõ biết số cho rành rẽ rõ ràng thì dễ bị rơi vào vô ký (mơ hồ, không tỉnh sáng). Khi ấy phải phấn chấn tinh thần lên, biết mạnh mẽ lên thì trị được. Nhưng cũng phải khéo điều chỉnh. Nếu biết mạnh mẽ mà hơi quá thì nó lại rơi vào vọng động. Mình phải điều chỉnh nó an tĩnh trở lại. Phải khéo léo vận dụng cho cân bằng khi công phu, đừng để rơi vào vô ký hay loạn động là tốt.

Sau này khi thuần thục rồi, không còn theo phương pháp sổ tức quán nữa, nhưng nếu khéo tùy thời vận dụng đếm hơi thở thích hợp thì nó cũng giúp cho mình công phu tốt. Quan trọng là đừng kẹt trong sự an lạc của phép quán sổ tức là được.

Cụ thể khi ngồi thiền, nếu hôm nào cảm thấy an ổn thì cứ ngay đó mà sống thẳng là xong. Hôm nào cơ thể bất ổn và bị loạn động quá thì lúc mới nhập thiền, mình có thể đếm hơi thở từ 1 đến 10… Đến khi thấy người hơi nhẹ, tâm bắt đầu an, thì chúng ta chỉ cần buông xuống là tất cả mọi thứ hiện bày rõ ràng, an lạc. Lúc này chỉ là rỗng lặng, đang sáng biết. Thế thôi. Chứ đừng khởi biết theo cái gì hết. Khi đang biết sáng mà vắng lặng không động như thế là chúng ta đang sống trong Thiền rồi, đừng lập ra cái gì nữa, đừng tìm thêm nữa để rơi vào sanh diệt vọng động trở lại. Cũng đừng cố chấp là phải đếm hay không nên đếm, đừng thấy có pháp đó là thật rồi phân định pháp này thấp, pháp kia cao… Đếm hơi thở hay không đếm hơi thở, đó là nghệ thuật khéo léo tùy thời vận dụng phương tiện để công phu được tốt thôi. Điều quan trọng ở đây là đừng chấp vào pháp quán sổ tức đó mãi. Khéo vận dụng sống thẳng như thế thì quý vị sẽ thấy công phu mau thăng tiến lắm. Ban đầu thì hơi khó vào, nhưng nếu quý vị quyết tâm vận dụng cho được công phu như vậy thì trong một thời gian ngắn, sẽ có lúc sức giác đột nhiên tăng vọt, tất cả mọi thứ sau đó sẽ rất bất ngờ, đặc biệt lắm. Quý vị thử vận dụng rồi sẽ cảm nhận, quý thầy diễn tả trước sẽ dễ khiến quý vị rơi vào tưởng, nó ngăn chặn bước tiến của mỗi người.

Câu hỏi 7:

Thầy có nói mình phải TỈNH LẠI rồi làm mọi việc. Vậy có thể tạm gọi nó là chánh niệm hay gọi là mình đang sống trong hiện tại được không?

Thầy trả lời:

1/ SỐNG TRONG HIỆN TẠI.

Khi nói "đang sống trong hiện tại" thì tâm chúng ta dễ tự nó lập nên "thấy có một cái hiện tại" để sống. Cái hiện tại ấy mới nhìn qua thì thấy nó vẫn vắng lặng không sanh, nhưng vì có một cái hiện tại đang vắng lặng và có mình đang biết về cái hiện tại đó thì nó đã trở thành cái bên ngoài. Hơn nữa, có người biết và có cái được biết là có chỗ cho TÌNH THỨC xen vào, và vẫn là rơi vào sanh diệt nhỏ nhiệm mà trí thường mình không phân định được nên không thấy. Đừng có một cái gì để tình thức lập nên là tốt. Còn có một chỗ gọi là hiện tại được lập nên thì nó cũng nguy hiểm. Vì vậy, phải khéo sống thẳng, không nên thấy có một cái gì đó, hay có một chỗ nơi nào đó để bị phân hai, để tình thức tưởng lập là tốt. Cần tránh tuyệt đối điều này.

Tình thức mình nó nhạy lắm. Chỉ cần đặt thành danh từ, đặt tên, suy thành nghĩa thì nó lập nên một cái đối tượng liền. Lập nên là có chỗ cho thức sinh, là rơi vào sanh diệt.

2/ CHÁNH NIỆM.

Quý Thầy nói "Tỉnh lại rồi làm". Chỗ này nếu nói nó là chánh niệm thì cũng được đó. Nhưng phải hiểu cho đúng nghĩa chánh niệm là gì? Nếu nói Chánh niệm là niệm chơn chánh, là không phải tà niệm. Nghĩa này không phải là chỗ "tỉnh lại rồi làm".

Nghĩa thứ hai, Chánh niệm là không bị thất niệm, không bất giác, không quên, là vô niệm. Thì khi không một niệm tưởng, là vô niệm, ngay đó đúng nghĩa tuyệt đối là không bất giác, không thất niệm, nên được gọi là Chánh niệm. Theo nghĩa này thì Chánh niệm gần giống với chỗ quý vị "tỉnh lại rồi làm". Bởi vì khi "tỉnh lại rồi làm", không phải có một cái tỉnh mà tỉnh lại đó là nhớ lại, giác lại thì không phải biết theo công việc, không bị cuốn trôi trên công việc, ngay đó không phân biệt chia hai thấy có việc và mình, mà nó là một thể lặng sáng thênh thang, sáng biết rõ ràng không động. Ngay đó không có niệm tưởng mà vẫn sáng biết, làm tất cả việc mà nó vẫn rõ ràng, không động. Cái tuyệt đối của nhà Thiền là như vậy đó. Lâu này mình chỉ hiểu theo một chiều, chánh niệm là niệm chơn chánh, là đối lại với tà niệm. Nếu vậy là có một niệm chơn chánh ngược lại với tà niệm, thì nó vẫn là một loại niệm. Mà có niệm thì vẫn có chỗ cho tâm sinh, còn thức sinh diệt, chưa phải là chỗ vô niệm mình hướng đến.

Trong kinh Viên Giác đức Phật nói: "Nếu ông dùng tâm suy lường phân biệt (tâm sinh diệt) mà suy lường đức tướng trí tuệ Như Lai thì cái đức tướng trí tuệ Như Lai cũng chỉ bằng với cái tâm suy lường phân biệt nhỏ hẹp của ông mà thôi." Giống như đem nước biển cả mà đong lường vào một cái ly thủy tinh thì nước biển cả chỉ còn bằng cái ly, chứ không còn đúng nghĩa mênh mông nữa. Nếu dùng tâm suy lường phân biệt là tâm sanh diệt có hạn lượng, nhỏ hẹp mà suy lường đến đức tướng trí tuệ Như Lai là trí vô sanh thênh thang không ngằn mé thì làm sao hiểu tới? Có hiểu cũng chỉ hiểu theo cái tưởng tượng suy lường trong sanh diệt nhỏ nhoi của mình thôi, không phải của Phật. Phải bằng tâm vô sanh thì mới cảm nhận được Đức Tướng Trí Tuệ Như Lai. Cho nên dù là niệm chánh hay niệm tà cũng đồng một tính chất là niệm. Mà còn niệm là sanh diệt, là có giới hạn nhỏ bé, là không phải biển cả mênh mông, mà đó chỉ là dùng ly đong lường nước biển cả, không phải là thể vô niệm thênh thang không ngằn mé.

Câu hỏi 8:

Khi trong đời sống thường nhật, gặp chuyện phiền não, có kỹ thuật nào để giải quyết điều đó không thưa Thầy?

Thầy trả lời:

1/ CÁI VÔ SANH MỚI TIÊU DUNG ĐƯỢC CÁI SANH DIỆT.

Có lần có người hỏi điều này, quý thầy nói đừng thèm để ý tới, cứ tỉnh táo, lặng lẽ thì mọi chuyện sẽ ổn. Vị Phật tử này hỏi thêm: Khi đồng nghiệp nói những điều gây sốc, con đang bực tức. Nếu khi đó con không để ý tới, con quán nó là giả, không nghe. Nhưng mặt khác thì con vẫn thấy họ đang nói móc họng con, mà mình lại nói là mình không nghe thì con thấy như là mình đang dối mình. Vậy phải làm sao thưa thầy?

Bởi vì mình đang quán để thấy nó là giả. Nhưng vì sức quán còn yếu, chưa đủ lực cho nên mình chưa thực sự thấy nó là giả mà mới chỉ cố gắng nhìn thấy nó giả thôi. Cho nên trong tâm tồn tại hai trạng thái, một mặt quán là giả, mặt kia thấy có người ta làm mình bực thiệt, vì vậy mà chưa vượt qua được.

Nếu chúng ta quán chiếu để chiến thắng lòng mình, không làm tổn thương người khác, đó là cần nếu thấy có hiệu quả. Theo kinh nghiệm mang tính cá nhân nho nhỏ thì quý thầy thấy rằng, ban đầu chưa có định lực thì phải quán chiếu để phá trừ phiền não, trở về tâm thanh tịnh chính mình. Điều này cần. Nhưng nếu khi công phu khá thuần thục rồi thì nên dụng thẳng chỗ vô sanh, tâm mình lắng lại, không sanh khởi trên mọi hoàn cảnh là tốt. Bởi khi khởi quán là tâm chưa rời khỏi sanh diệt. Mà nghịch cảnh là thuộc về sanh diệt, khởi quán cũng chưa rời khỏi sanh diệt, cả hai đồng một tính chất sanh diệt thì chưa thực sự thoát hẳn ra khỏi trần lao phiền não. Cho nên pháp quán chỉ ứng dụng đối trị cho buổi đầu chưa có định lực. Khi có năng lực rồi thì quý vị nên bước thêm một bước nữa là dụng thẳng đến chỗ vô sanh. Vô sanh mới hàng phục được cái sanh diệt. Cụ thể là ngay trên mọi thứ phiền não sai biệt đang diễn tiến, mình không cần sanh tâm phân biệt trên nó, mình cũng không có tâm xua đuổi nó, cũng không theo nó, không chạy trốn cũng chẳng phải chường mặt, nó có sanh khởi gì thì mình cũng chỉ cứ bình thường, tìm lấy sự trong lặng trên nó. Khi nghe chửi mắng, chúng ta đừng sanh tâm trên những lời kia để nghe mà cứ nhẹ nhàng, lặng lẽ, trong sáng để nghe. Cho dù trong lòng nó có giận, chúng ta cũng cứ bình thường, lặng lẽ, nghe một cách rõ ràng, không thèm để ý quan tâm đến cái giận trong lòng mình. Tập quen lâu ngày cái LẶNG LẼ kia đủ lớn, khi nghe tiếng chửi mắng mà tiếng ấy tự nhiên trở thành trong vắt. Như vậy là cái vô sanh kia nó đã đốt cháy cảnh duyên, hóa giải sạch mọi não phiền rồi. Điểm chính yếu ở đây là khi đối với mọi hoàn cảnh, mình đừng thèm sanh khởi tâm gì cả mà phải cương quyết tìm lấy sự lặng trong đó cho bằng được. Không thèm để ý đến sai đúng hơn thua phải trái gì cả, điều đó mình không xài. Mới đầu có thể quý vị chưa cảm nhận được hiệu quả của nó nhiều. Nhưng phải tin chắc rằng, cái vô sanh mới chiến thắng vĩnh viễn cái sanh diệt để chúng ta mạnh dạn thực hành. Hoàn cảnh nào xảy đến mình cũng ứng dụng như vậy. Lâu ngày thuần thục, quý vị sẽ phát hiện trên mọi thứ phiền não kia, vẫn còn đây một cái lặng trong, mát lành, sáng dịu chưa bị phiền não làm nhiễm ô bao giờ. Lúc đó ở bất kỳ hoàn cảnh nào quý vị cũng đang sống bằng tâm vô sanh đó, mới thấy hết giá trị của sự tu hành.

Có thể ban đầu chúng ta chưa quen nên chưa ứng dụng được trọn vẹn. Nhưng khi nào thấy có khả năng thì phải dùng thẳng đến chỗ đó. Còn chưa được thì cứ dùng quán. Nhưng nên nhớ đó là pháp đối trị tạm thời chứ chưa phải rốt ráo. Đừng lầm tưởng cho củ khoai mì là nhân sâm thì được. Khi chúng ta đói, chưa thể tìm ra cơm, chưa có nhân sâm thì ăn khoai mì đỡ dạ. Nhưng có rồi thì nên ăn nhân sâm chứ đừng ăn củ mì nữa.

2/ TÂM KHÔNG THÌ CẢNH TỊCH, TẤT CẢ ĐỀU NHƯ NHƯ.

Thêm một kinh nghiệm quan trọng nữa. Chúng ta vẫn nghe Sư Ông và quý thầy nói, các pháp là giả, thân này là giả, tâm sanh diệt là giả, phiền não là giả, nghiệp chướng là giả… Nói giả để làm gì? Để chúng ta không lầm rồi theo nó. Mà khi không theo, nghĩa là chúng ta đang trong lặng, sáng biết. Khi ấy, đối trước mọi thứ động đậy kia, chúng ta không còn là động nữa.

Cụ thể khi nhìn lên nắm tay này, nó là giả hay thật? Đợi khi co nắm ngón lại mới có, xòe ra thì không có nắm tay. Hơn nữa khi đang có đó, phải nhờ thịt, gân, xương… ràng rịt lại mới tạm có nó, chứ tìm một cái gì là nó thì không có. Vậy mới biết nắm tay này là giả có, không thật.

Khi mình biết nắm tay là đồ giả rồi thì quý vị có theo nó không? Nếu thấy là thật thì theo nó, còn thấy là giả thì không ai theo đồ giả làm gì, phải không? Chúng ta ai cũng học thuộc lòng bài học huyễn hóa này, người huyễn, cảnh huyễn, thân huyễn, tâm huyễn…, nhưng vì sao khi gặp việc thì chưa lìa huyễn được mà vẫn còn bị nó chi phối hoài?

- Khi nhìn nắm tay này biết là huyễn, quý vị dùng tâm gì để biết là huyễn? Dùng tâm nghĩ suy hay trong lặng?
- À, dùng tâm hiểu biết, nghĩ suy.
- Mà tâm nghĩ suy là sanh diệt hay vô sanh?
- Là tâm sanh diệt.
- Mà tâm sanh diệt là thật hay là huyễn hóa?
- Là huyễn hóa.
- Dùng tâm huyễn hóa để hiểu về một cái huyễn hóa thì mình đã rời huyễn hóa chưa?
- Còn nằm trong huyễn hóa.
- Còn nằm nguyên trong huyễn hóa, chưa thoát ra khỏi huyễn hóa thì tuy biết là huyễn hóa mà chúng ta vẫn bị cái huyễn hóa chi phối là phải rồi. Đây là do chúng ta chưa khéo léo trong lúc dụng tâm.

Thêm một điều nữa, khi biết nắm tay này là giả, quý vị biết về nắm tay, biết trên nắm tay, hay không lấy bỏ, không sanh tâm can thiệp trên nắm tay, tự mình đang sáng biết? Nếu biết theo nắm tay thì rõ ràng đây là tâm sanh diệt huyễn hóa, tình thức chưa hết. Đó là lý do chúng ta biết mọi thứ là huyễn hóa nhưng vẫn bị nó chi phối hoài là vậy.

Bây giờ khi biết nắm tay là giả rồi, mình không thèm biết theo, biết về nắm tay nữa. Quý vị lặng tâm lại đi, đừng thèm để ý gì hết, quý vị có nhìn thấy nắm tay này không? Vẫn thấy sáng ngời nhưng không động, phải không? Ngay đây là vô sanh. Nắm tay này là đại diện cho tất cả cảnh duyên bên ngoài. Nếu quý vị dùng cái thấy biết lặng lẽ vô sanh này để sống trên mọi hoàn cảnh thì mọi thứ tự nó là trong lặng, không có cái gì chi phối mình nữa, là giải thoát rồi. Đơn giản thế thôi.
Vẫn bằng vào cái thấy biết sáng ngời không động đó, quý vị nhìn lên nắm tay này, nó có hay không có?

Nói có nói không là rơi vào hai đầu, không phải là chỗ thấy này. Vì rằng lúc này chúng ta không biết theo nó mà đang lặng biết, không phân tích, không dính mắc đến nó nên nó không phải có trong tâm mình, nên nó không phải là có. Nhưng chúng ta vẫn đang thấy nắm tay này, nó không nằm ngoài tâm mình, nên nó không phải là không. Lúc này, nắm tay không phải là có, cũng không phải là không, có cũng không phải, không cũng không phải, mà nó là một sự hiện hữu rỗng lặng trong tự tánh chánh định của mình. Có cũng không lập, không cũng không lập, tình thức nương gá vào đâu để sanh khởi? Ngay đó rỗng suốt, sáng ngời.

Vậy thì lúc này, nắm tay này nó ở trong mình hay ngoài mình?

Nói ngoài nói trong là rơi lại vào trong sanh diệt nữa rồi. Bởi vì mình đang thấy nó nên nó không thể là ngoài. Nhưng chúng ta không kẹt đến nó nên nó không phải ở trong tâm. Không ngoài, không trong, nó là một sự hiện hữu rỗng lặng. Tâm không thì cảnh tịch, nên nói nắm tay này là không tịch.

Như vậy, khi nhìn nắm tay này, không thèm biết theo, phân biệt, dính mắc trên nó mà chỉ là trả lại tánh toàn thể sáng biết trong lặng đây, thì nắm tay này không phải là có, không phải là không, không trong, không ngoài, cái thấy vượt cả năng sở có không đối đãi hai bên. Ngay đây, nắm tay là nắm tay, cây gậy là cây gậy, hoa hồng là hoa hồng, tất cả đều là sự hiện hữu như như. Lâu nay mình hay nói lìa đối đãi hai bên, nhưng không rõ lìa như thế nào. Bây giờ mình đã thấy rõ lìa đối đãi rồi đó.

Ví dụ: Khi vừa bị làm nhục, chúng ta quán cách này cách nọ… Tất nhiên là nó sẽ qua, nhưng đó là vẫn đang nằm trong sanh diệt thì đối với cái nhục nhỏ, mình có thể vượt qua được, nhưng với cái nhục nhã lớn hơn thì không qua nổi. Nếu ngay khi đang bị làm nhục đó, chúng ta chỉ cần lặng trở lại, trong veo. Nhục lớn hay nhỏ gì cũng quy về thành một nhóm là đồ sanh diệt nên nó bị cái lặng sáng trong veo kia thiêu sạch, nó đều trong lặng theo. Dụng tâm như thế mới gọi là LIỄU, và rõ ràng là cái nhục đã hóa thành không, tức là đã thực sự đúng như nghĩa Thiền sư Huyền Giác nói: "Liễu tức nghiệp chướng xưa nay không" là vậy.

Câu hỏi 9:

Chúng con hiểu, nhưng thấy khó làm. Ngay cả khi quán nó vẫn còn ngầm ở đâu đó đến một lúc nào đó lại trồi lên ?

Thầy trả lời:

Việc tập khí đó (phiền não tiếp tục trồi lên) là rất bình thường, không có cách nào hơn là phải có thời gian. Theo thời gian, chúng ta nên nuôi lớn định lực, đừng nuôi lớn tham, sân, si nữa thì sẽ có ngày mình thắng được phiền não. Ví dụ đứng trước một hoàn cảnh xảy đến, nếu quý vị theo tham sân si là quý vị đã châm mồi bồi dưỡng nó rồi đó. Nếu cứ tiếp tục bồi dưỡng cho nó thì nó lớn và giết chúng ta thôi. Nếu quý vị không theo tham sân si, đó là mình khống chế, cô lập nó, không cho nó ăn nữa. Mặt khác, chúng ta phải bình tâm, lặng lẽ, tỉnh giác, đó là đang nuôi lớn sức giác. Bằng cách này, tham sân si sẽ yếu đi và TÁNH GIÁC được nuôi lớn dần và chúng ta mới chiến thắng được nó. Phải biết rằng, anh chàng tham sân si đó mình đã nuôi nhiều đời kỹ quá rồi nên nó đã lớn mạnh, trong khi đó giác tánh mới nuôi có mấy năm nay, đem ra kéo co thì làm sao đủ sức thắng nổi mà muốn cho nhanh. Vì vậy, do mình còn sơ cơ nên thực hành thấy khó là chuyện thường. Chỉ cần lưu ý, đừng bồi dưỡng cho những thứ mà mình không bằng lòng thì sẽ có ngày chúng ta thành tựu thôi.

Điểm kế nữa là, khi chúng ta thấy phiền não không mất mà cứ trồi lên hoài là vì mình thấy có nó là thật, thấy có mình thật và muốn cái phiền não đó qua cho mau. Nếu thấy rõ tánh phiền não không thật thì nó có hay không có gì cũng không quan tâm, chỉ là tìm lấy sự trong lặng sáng biết ngay đó thì nó tự tiêu tan, đâu cần quan tâm là còn hay hết? Khi còn quan tâm nó còn hay hết là chúng ta ngầm thấy nó là thật rồi đó. Nên nhìn mọi thứ đơn giản lại, quy tất cả nghịch duyên, thuận duyên, dù mạnh hay yếu gì nó cũng là ĐỒ SANH DIỆT. Đã là thuộc loại nhóm sanh diệt thì có ngày nó cũng sẽ rã tan thôi. Quan trọng là đừng ôm về bảo vệ và nuôi lớn nó là được.

Như ban đêm trong nhà đóng cửa, không đèn, không điện, không nến, tối đen. Có người cho rằng có một bóng tối thật và cầm chổi rượt đuổi hay quét cho bóng tối đi ra khỏi nhà được không? Không thể. Làm gì để hết tối? Chỉ cần bậc đèn lên, đúng không? Bóng đêm không thật có, chỉ khi không có đèn thì nó tạm có vậy thôi. Và khi mở đèn rồi thì nó đi đâu mình cũng không tìm thấy nữa. Vì nó có thật đâu mà đi tìm cho có. Mới biết bóng tối là giả, không thật. Biết là giả thì không còn sợ bóng tối nữa. Dù nó đang có đó cũng không quan trọng, vì nó có thật đâu? Chúng ta không thèm quan tâm, chỉ lo đi mở công tắc đèn lên thì xóa sạch bóng tối. Đơn giản thế thôi. Phiền não tham sân si… cũng giống như bóng tối vậy. Và trí tuệ chân thật cũng giống như ánh đèn sáng kia. Nếu chấp nhận phiền não cũng giống như chấp nhận sống trong đêm vô minh đen tối. Nhưng muốn phá đêm dài vô minh đen tối thì phải biết tìm công tắc mở đèn lên chứ không phải cầm chổi để rượt đuổi bóng tối. Vì vậy tu hành không phải là cứ chăm chăm đi dẹp đuổi tham sân si phiền não vô minh mà không biết cách đuổi. Nếu cứ đuổi theo cách đó thì cũng giống như lấy chổi đi đuổi bóng tối trong đêm, làm sao đuổi được. Điểm chính yếu ở đây là phải thấy rõ tham sân si phiền não không thật. Kế đó là không phải chấp nhận nó, nhưng không thèm can thiệp trên nó. Chỉ là ngay khi nó đang có mà tìm lấy sự sáng trong lặng lẽ. Đó là công tắc đèn. Lâu ngày công phu thuần thục, sức sống sáng ngời lặng trong không động kia đủ lớn, thì phiền não tham sân tự là trong lặng. Lúc này không còn chỗ cho nó dung thân, tự nó ngưng bặt. Cần có cái nhìn cho thấu đáo để khéo léo trong công phu thì sẽ nhẹ nhàng và có năng lực.

Câu hỏi 10:

Như lúc nãy Thầy đưa nắm tay lên, con cũng nhìn, nhưng con thấy nó một cách tổng quát, thấy cái tay thầy nắm xòe, nhưng  thấy một cách tổng quát. Con không trụ vào tay thầy, mà cũng không trụ vào tổng quát luôn. Con thấy bình thường như vậy. Cho nên khi thầy có hỏi, con có thấy rõ biết như vậy nhưng cũng không cần phải trả lời. Thầy có thể chỉ dạy thêm cho con chỗ này?

Thầy trả lời:

Trong nhà Thiền, khi các Ngài nhận ra chỗ này thì hoặc cười to lên, hoặc khóc, hoặc hét, hoặc thoi, đấm, hoặc mỉm cười không nói gì, hoặc nói một câu hoạt ngữ… tất cả đều là một sự tự nhiên từ trong đó nó ra. Nếu mình không phải ở trong đó thì làm gì cũng trật.

Câu hỏi 11:

Thầy nói trong cái vô sanh, con nghe cũng nghe trong cái vô sanh. Cho nên nếu con chạy theo câu hỏi của Thầy mà lại suy nghĩ ra một câu trả lời thì tự nhiên con lại mất cái khoảng không của con đang trùm khắp cái cử động của bàn tay Thầy.

Thầy trà lời:

Đến chỗ này phải tinh tế mới được. Do quý vị mới kinh nghiệm lần đầu ở trạng thái đó nên còn phải gìn giữ để tiếp tục công phu. Đến một lúc công phu thuần thục rồi thì sức giác mạnh hơn, chúng ta đừng thấy có một sự trong lặng bên trong để âm thầm trụ vào nó và giữ nữa. Bởi còn giữ, còn trụ là còn thầm thầm thấy có cái để trụ, để giữ gìn thì nó bị ngăn trệ, bị giới hạn, chưa được tự do tự tại, mà cụ thể là khi muốn trả lời thì cô phải suy nghĩ, đó chưa phải là hoạt dụng. Đến lúc đủ lực sống thuần tịnh và sáng mạnh thì không thèm giữ nữa. Trong không thấy có một chỗ chứng để dừng trụ, ngoài thấy suốt qua, không dừng lại một chỗ nào, ngay đó mọi thứ tự hiển bày, bình thường nhưng bàng bạc, sáng rỡ. Lúc này mới có phần tự do tự tại. Lúc này tự tâm nó linh thông, biết suốt, hỏi đáp đều rất tự nhiên, không sanh và không phải suy nghĩ gì cả. Hằng ngày sống ngay đó là đang công phu tu tập.

Câu hỏi 12:

Ví dụ Con có một điều phiền não, đau lòng. Con chỉ cố gắng quán sát nó xảy ra như thế nào (chịu đựng). Ví dụ trán đổ mồ hôi, đau lòng bên trong như thế nào…Một lúc thì nó hết…Nhưng một lúc sau hoặc ngày hôm sau nó lại quay lại. Vậy nên dụng công như thế nào?

Thầy trả lời:

1/ DỤNG THẲNG ĐẾN CHỖ VÔ SANH.

Bây giờ cô đừng cố gắng gạt bỏ nó, đừng cố xua đuổi nó nữa. Cô thử cố gắng ôm ấp giữ nó lại đi coi thử có giữ nó được không? Có thể giữ được một vài ngày hay nhiều lắm là được một vài tháng là cùng. Thử nghĩ khoảng chừng mười năm sau, cô thấy nó vô duyên, nhạt nhẽo, không có giá trị gì hết trơn, nhưng tại sao lúc đó mình lại khờ dại đi quan trọng nó để nó làm cho mình phải vật vã đến vậy? Thử nhớ lại thời còn nhỏ cách đây 10 năm, chúng ta cũng có nhiều niềm vui nỗi buồn, khi ấy thấy nó cũng ghê gớm lắm, nhưng bây giờ đâu có nghĩa lý gì đâu, chỉ là một trò buồn cười thôi. Vậy đem chuyện hôm nay để nghĩ đưa nó về 10 năm sau thì sẽ thấy nó tầm thường, vô duyên lắm. Từ đó mới hay ra nó là đồ bỏ, không đáng quan tâm. Mình giữ nó còn không được, huống chi bỏ nó thì làm sao mà nó lại còn? Điểm chúng ta thường bị vướng ở đây là mình thấy nó thật, mình muốn bỏ nó cho mau mau, mình có ý muốn bỏ cho nên nó có giá trị với mình, nó chi phối mình.

Biết rõ như vậy rồi thì bây giờ cô không cần giữ lấy, không cần buông bỏ, không cần muốn nó qua nhanh nữa… Không gì cả, cứ bình thường. Nó có hay không cũng chỉ là bình thường. Đừng thèm để ý đến nó. Đau hay không đau, kệ nó. Nó có làm cho mình bị đau nhói đến đâu đi nữa thì cứ để tự nhiên bình thường, không theo, không xua đuổi, không muốn an, không chạy trốn, không tất cả để niệm mình không có chỗ khởi. Cốt yếu là tìm lại cho bằng được cái lặng trong vô sanh ngay đó thì nó sẽ bị tiêu rụi, cháy tan tành thôi. Bằng cách này nó sẽ qua mau một cách nhẹ nhàng. Rất khỏe.

Trong Tuyệt Quán Luận của Tổ Bồ-đề-đạt-ma có đoạn Duyên Môn hỏi:
- Nếu có người mới học đạo, chợt gặp nhân duyên người khác đến làm hại, làm sao đối trị cho hợp đạo?
Đáp:

- Toàn thể chẳng cần đối trị, tại sao? Cái có thể tránh thì hãy tránh đi, cái không thể tránh cứ để mặc nó. Cái có thể nhẫn thì hãy nhẫn, cái không thể nhẫn thì khóc.
Quá hay! Toàn thể chẳng cần đối trị. Vì sao? Vì còn dùng đối trị là dùng cái này để đối trị cái kia, như thế là chưa lìa đối đãi sanh diệt thì làm sao vượt qua được nghịch duyên phiền não? Cho nên, tất cả không cần đối trị, hay nói cách khác, không sanh tâm gì cả là tốt. Cứ bình thường. Cho nên Tổ nói tiếp:
"Cái có thể tránh thì hãy tránh đi, cái không thể tránh cứ để mặc nó." Tất nhiên cái gì tránh qua được thì mình tránh rồi. Cái nào không tránh được thì để mặc nó. "Để mặc nó" là bình thường, tâm không thèm sanh khởi trên nó, không thèm quan tâm sanh khởi có không còn mất, chứ không phải có niệm nghĩ để mặc kệ nó. Đây là Tổ chỉ dạy dùng cái vô sanh để thiêu rụi cái sanh diệt. Rất tuyệt!

Tổ nói tiếp: "Cái có thể nhẫn thì hãy nhẫn, cái không thể nhẫn thì khóc." Tại sao? Tất cả chỉ để tự nhiên, bình thường, không sanh tâm động niệm là tốt. Trong cái tự nhiên kia, nếu tầm nào đủ sức của mình thì tự nó đã qua được một cách bình thường, an ổn, nên nói: "Cái có thể nhẫn thì hãy nhẫn." Nếu công phu mình còn giới hạn, gặp phải điều quá sức chịu đựng của mình, thì cũng cứ trong tâm thái tự nhiên, bình thường kia, nó có khóc thì vẫn tự nhiên cho nước mắt nó chảy bình thường thôi, không sanh khởi là tốt. Nếu chưa tin, đoạn dưới đây Tổ dạy tiếp.

Hỏi: - Nếu khóc thì đâu có khác gì với người có ngã kiến?
Đáp: - Như chày dộng vào chuông, tiếng nó tự nhiên phát ra, đâu hẳn là có ngã. Nếu ông cố gượng đến chết để kềm tâm, nghiến răng chịu đựng, đây chính là còn cái NGÃ rất to.

Nếu dùng tâm còn ngã kiến, sanh diệt thì suy lường không đến được chỗ này. Như cái chày dộng vào chuông, tự nó phát ra tiếng. Sự bình thường và nước mắt trào ra một cách tự nhiên và vẫn không sanh khởi thêm gì cũng thế. Và chỉ có thế thôi, có sanh khởi gì thêm đâu mà gắng bàn nói? Trong trường hợp này, nếu muốn bàn nói tìm hiểu nhiều hơn nữa thì đã rơi vào tâm sanh diệt hạn lượng nhỏ nhoi rồi, không thể hiểu đến chỗ này được. Còn nếu cố gắng để kềm lại, đó là đang cố làm một điều gì đó. Mà cố làm là rơi vào sanh diệt, không hợp đạo vô sanh nên chưa thoát được tự ngã. Do đó Tổ nói, đây chính là còn cái NGÃ rất to.

Hỏi: - Sự buồn khóc của người, trong đó có tình động, đâu đồng tiếng chuông vang?
Đáp: - Nói đồng và chẳng đồng, chỉ là ông đa sự, vọng tưởng nghĩ lường mà khởi lời hỏi ấy. Nếu không tâm phân biệt thì thể đạo tự nhiên.

Khóc có tình động là do người ấy thấy có khổ, có sanh tâm. Tổ bảo mình cứ bình thường, vô tâm đi! Nó có hay không có cũng đừng sanh khởi nữa thì sẽ cảm nhận được thể đạo vốn tự như như rất bình thường ngay nơi chúng ta. Nếu cứ suy tư lý luận đồng và chẳng đồng mãi thì chỉ là đa sự, càng rơi vào trong sanh diệt thì làm sao cảm nhận được thể đạo chân thật giản dị, gần gũi, bình thường mà phi thường này!

Hỏi: - Tôi nghe thánh nhân thì binh chẳng làm tổn thương, khổ chẳng làm cong khuất, sắc chẳng thọ, tâm chẳng động, đây nghĩa là sao?

Đây là chỗ rốt ráo đặc biệt. Một con rùa không chịu lên bờ mà cứ cố tình lặn hụp trong nước mãi, rồi bảo làm sao tôi biết được sự khô ráo thì thử hỏi, đến bao giờ con rùa đó mới cảm nhận được sự khô ráo trên bờ kia? Nếu chúng ta không chịu tin đến chỗ không sanh khởi. Không dám mạnh dạn tin chắc rằng, chỉ có cái vô sanh mới tiêu dung được tất cả mọi thứ sanh diệt kia thì làm sao mạnh mẽ để dụng thẳng đến chỗ ấy được? Không chịu dụng tâm đến chỗ không sanh khởi kia mà trở ngược lại dùng tâm suy lường sanh diệt để tu tập thì làm sao hiểu đến được chỗ vô sanh của thánh nhơn mà còn đem tâm đi gạn hỏi mãi. Dụng tâm như thế thì biết bao giờ mới được hết khổ an vui một cách tuyệt đối? Vì thế nên tu hành đã lâu mà cứ than khổ hoài là lỗi tại chỗ này. Đây là chỗ chúng ta thường hay bị kẹt cho nên câu hỏi trên là đại diện cho tất cả chúng ta đó.

Tổ đáp: - Nếu rõ tất cả pháp là vô ngã, thì tiếng và chẳng tiếng, động và chẳng động đều hợp đạo lý, không ngăn ngại.

Chúng ta cần thấu rõ các pháp rỗng tuếch, không thật. Khi đối các pháp, chúng ta lặng sáng nhìn thấu suốt qua các tướng, không dừng trụ trên một tướng nào cả, thì ngay trên tất cả mọi thứ tiếng và chẳng tiếng, động và chẳng động đó, đều là một thể bàng bạc sáng ngời không một vết mê. Trong không thấy có pháp để trụ giữ, ngoài suốt thông qua các tướng, tất cả chỉ là một tâm thể giác biết thênh thang trùm khắp không động. Tổ nói, tất cả đều hợp đạo lý không ngăn ngại. Còn nếu sanh tâm động niệm suy lường tìm hiểu thì có niệm và bị ngăn ngại, đạo vắng bóng liền. Cho nên trong Kinh Kim Cang đức Phật nói: "Nhược kiến chư tướng phi tướng, tức kiến Như Lai." là vậy.

Cụ thể trong trường hợp của cô thì cô cứ KHÓC, nhưng đừng thèm sanh tâm khổ vui, còn mất, qua hay không. Cô cứ ngồi bất động như là một cái thây chết và cứ tỉnh rụi, bình thường. Cô đừng kềm, đừng muốn nó mất. Cô thả lỏng thân tâm, buông lỏng mọi tư tưởng, không theo nó là được. ĐỪNG MUỐN BỎ. ĐỪNG LẤY VÀO. ĐỪNG PHÂN TÍCH. Tức là ý không thèm khởi mà có khóc thì nước mắt tự nó chảy tuôn một cách bình thường tự nhiên, đừng cố cưỡng ép gì cả. Một lát sau mọi chuyện sẽ bình thường, thấy không có gì đáng khóc nữa và mình tự cười với mình. Thế thôi. Cứ khóc rồi sẽ thấy.

Nhớ là đừng phân tích. Đừng mong an lạc, đừng thấy có khổ đau, chẳng can thiệp gì đến nó, cũng không thèm chia sẻ với ai. Bởi chia sẻ là mong người khác cảm thông mình, như thế rất yếu đuối và chúng ta đã dùng tâm động rồi. Nói chung là KHÔNG luôn tất cả mọi thứ, không còn có chỗ cho tâm sanh khởi, chỉ là thẳng đến chỗ vô sanh kia mới trị dứt hẳn được bệnh trầm kha này. Nó hay lắm. Quý Thầy đã có kinh nghiệm rồi.

2/ TRANH THỦ HỌC LẤY KINH NGHIỆM.

Điểm kinh nghiệm thứ hai là mình không thèm muốn nghịch cảnh qua nhanh. Vì khi muốn nó qua là đã biến nó trở thành đối thủ nghịch lại với mình và cảm thấy nặng nề. Không những không thèm muốn nó qua mà còn phải bình tĩnh tranh thủ trải nghiệm để học lấy kinh nghiệm. Vì nó sẽ không có cơ hội lần thứ hai cho mình học nữa. Nếu như giả lập để học lấy kinh nghiệm thì kinh nghiệm ấy không phản ánh đúng như sự kiện thật nó đang đối diện với mình nên nó sẽ trở thành kinh nghiệm và nội lực ảo thôi. Còn đây là cảnh thật, người thật, việc thật, sự kiện xảy ra thật, tâm thái mình đang diễn tiến một cách trung thực nhất cho nên kinh nghiệm mới được phản ánh chính xác hơn. Như thế tự nhiên mình thấy rất nhẹ nhàng và lý thú luôn. Giống như ăn ớt tuy cay mà rất ngon, mạo hiểm tuy hiểm nguy nhưng lại thú vị. Và như thế, chúng ta đã biến nghịch duyên thành sự lý thú và hấp dẫn của riêng mình.

Nếu cứ làm kinh động mãi thì chúng ta chỉ thấy con rùa như một đống nhựa cứng ngắt. Như thế chúng ta sẽ bị nhầm. Nhưng nếu để yên bình thường thì mới thấy hết chân, đuôi, đầu, mắt, miệng và cả đến dáng dấp bò đi của một con rùa là như thế nào nữa. Trong cuộc sống, một đôi khi mình cũng bị người khác hiểu lầm, chưa thông cảm, vu oan cũng là chuyện thường. Chúng ta không thèm minh oan hay phân bua gì cả, cứ để yên, bình thường coi như không có chuyện gì xảy ra để xem coi sự đời nó diễn tiến đến đâu. Thử đem chuyện này đặt vào một ngàn năm sau coi ai mất, ai còn, điều gì sai, cái gì đúng? Mình đã thật sự khế hợp với chân lý thì muôn đời vẫn là đúng. Dù cho có chết đi ở nơi này rồi sanh lại ở chốn kia và cho đến mãi muôn đời sau, chân lý vẫn là chân lý thôi. Đâu cần ai biết! Ở nơi này, ở nơi khác, hay có đến bất cứ nơi đâu, và dù có chết đi nữa thì sự thật vẫn luôn là một sự thật, không mất. Và một điều đặc biệt là, mình không thèm sanh tâm khởi ý muốn nghịch duyên qua hay không qua, nếu chúng ta càng bất động, thanh tịnh chừng nào thì định lực, trí tuệ, phước đức của mình càng lớn và mọi việc lại được sắp lại trật tự một cách nhanh chóng mà hữu hiệu không ngờ. Quý vị cứ thử rồi sẽ thấy.

Định lực, phước đức và trí tuệ càng lớn thì tập nghiệp, báo chướng của mình nó tự tiêu dung càng nhanh. Đó là cách triệt tiêu tận gốc rễ mọi thứ ân oán. Ngược lại, nếu cứ can thiệp triệt tiêu trực tiếp trên tướng của nó thì chỉ là trên nghiệp chướng lại tạo thêm nghiệp chướng, nó lại càng sinh thêm mà thôi. Không sanh tâm khởi ý, không làm gì hết thì ngay đó là làm, là thực hành đến chỗ vô sanh, làm đúng chỗ rốt ráo mà Phật Tổ muốn chỉ. Cho nên nói "vô tác thị hành” là vậy. Còn nếu vừa khởi tâm muốn làm gì đó thì đã có công, có dụng, có hạnh, có tu…tất cả đã có tạo tác, rơi vào sanh diệt rồi, không tiêu dung được nghịch duyên, phiền não một cách triệt để. Người đã sống được trọn vẹn bằng chỗ vô sanh thì tự biết, không còn bàn nói. Chúng ta là những người còn là phàm phu, đang trên đường còn tu tập thì nên dụng công như vậy là tốt.

Khi thấy rõ TẬP KHÍ PHIỀN NÃO là một đống sanh diệt, không thật thì nó trở thành tầm thường, không có gì ghê gớm lắm phải đặt ra. Chỉ là đừng gặm nhấm, ôm ấp cố giữ nó thì chỉ với thời gian nó cũng sẽ tan rã, sẽ rục thối, không còn. Huống nữa là dụng tâm đến chỗ không còn sanh khởi thì nó nương vào đâu để tồn tại? Chỉ trừ khi nào chúng ta còn muốn ôm ấp thì còn chủng tử nghiệp, nó sẽ còn giữ trong mình. Còn chúng ta không thèm lấy, không thèm bỏ thì không còn có chỗ cho nó vin vào và tiếp tục, như thế là nhân duyên với nhau không còn và nó sẽ vĩnh viễn từ giã ra đi. Rất đơn giản. Giống như một quả bóng đang bay đến, nếu muốn hứng đỡ để trị nó thì bị tốn sức, vất vả và hiểm nguy. Nếu chúng ta không thèm để ý, chỉ lờ qua, vẫn tỉnh sáng thấy hết mọi chuyện mà coi như không thấy gì cả, rồi nghiêng người lách nhẹ, quả bóng đi qua một cách nhẹ nhàng mà không đụng đến mảy lông. Điều cần thiết là phải có thời gian. Có thể ban đầu nó còn đau, nhưng thời gian sau cô sẽ thấy không còn gì đáng nói.

(Còn nữa).

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

1217923
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
2475
4135
18765
1175483
102926
118095
1217923