Thứ Năm 28/11/2024 -- 28/10/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Chuyển hóa nghiệp báo

Thầy Tâm Hạnh.

Hôm nay nhân mùa an cư kiết hạ của chúng Tăng, quý phật tử từ Đà Nẵng trở về Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã tu tập. Buổi sinh hoạt Phật pháp chiều nay quý Thầy sẽ chia sẻ với toàn thể quý Phật tử một vài kinh nghiệm nhỏ xoay quanh vấn đề khéo vận dụng sự tu tập để chuyển hóa những nghiệp báo đang diễn ra hằng ngày, liên quan đến đời sống mỗi chúng ta.

I. Nghiệp báo nơi mỗi chúng ta.

Chung quanh chúng ta có những hiện tượng rất gần, rất thật đang diễn ra hằng ngày, nhưng ít khi mình chịu để ý nên không thấy. Ví dụ như nước từ đâu mà có? Hơi nước từ dưới ao hồ bốc lên không trung ngưng tụ lại thành mây. Mây gặp lạnh tạo thành mưa rơi xuống thành nước dưới ao hồ. Khi trời nóng, hơi nước lại tiếp tục bốc lên ngưng tụ lại thành mây, rồi lại gặp lạnh thành mưa… Đó là sự tuần hoàn của nước trong thiên nhiên, là một hiện tượng luân lưu, luân hồi bên ngoài, còn chúng ta thì sao?

Chúng ta theo nghiệp thọ sanh, khi sanh ra lại tiếp tục gây nghiệp, gây nghiệp xong rồi thì lại theo nghiệp thọ sanh. Cứ như thế tạo thành vòng tròn luân hồi sanh tử đang xảy ra với tất cả mọi người chúng ta, nhưng vì chưa nhận biết để thoát ra nên hầu hết con người cứ chạy loanh quanh trong cái vòng tròn đó mà chịu khổ. Đây chính là cái khổ lớn trong sanh tử.

Vậy chúng ta đã theo nghiệp thọ sanh như thế nào? Ví dụ trong đây có quý vị nào chưa bao giờ đến Thiền Viện Trúc Lâm Bạch Mã, chưa bao giờ gặp quý Thầy thì khi có ai hỏi về Trúc Lâm Bạch Mã, hỏi về quý Thầy ở đây, quý vị có những cảnh tượng này trong đầu không? Không có. Nhưng hôm nay quý vị đã sinh hoạt một ngày ở đây rồi, ngồi nghe quý Thầy nói chuyện rồi, mắt đã thấy, tai đã nghe thì khi trở về, nếu có ai hỏi đến, những hình ảnh này có hiện về trong đầu quý vị không? Có. Sinh hoạt một ngày ở đây là ví dụ cho những hành động tạo tác trong cả một đời mình, nó không mất. Nếu mất thì khi rời khỏi đây đi về nhà, tất cả những hình ảnh của buổi sinh hoạt ở đây trong ngày hôm nay phải bị xoá sạch hết. Đằng này khi được nhắc đến thì mình thấy được, cảm nhận được, thì những việc sinh hoạt của mình trong một đời chắc chắn không mất. Nếu muốn thể nghiệm cho được rõ hơn thì quý vị có thể thử. Một lúc nào đó, mình bỏ ra một tuần lễ ở yên trong một căn phòng riêng biệt, không liên hệ với bất cứ ai. Không điện thoại, không tivi, không sách báo, không kinh kệ, không gì hết. Đến bữa ăn có người mang cơm đến, nhưng mình cũng không gặp, chỉ lấy cơm vào ăn thôi. Sống như thế trong vòng từ ba ngày đến bảy ngày, quý vị sẽ thấy những việc từ tấm bé cho đến lớn nó đua nhau hiện về rõ mồn một không thiếu sót một điều gì. Quý Thầy nhập thất đã thấy như vậy rồi. Mới thấy tất cả những thứ chúng ta đã tạo trong đời không bao giờ mất. Đến khi nhắm mắt lìa đời, một mình ra đi, các cửa của mình đều đóng hết lại thì tất cả những thứ đó một lúc ùa về. Nếu như cả đời chúng ta lỡ làm những điều không tốt thì đến lúc đó tự nhiên thấy nó quá lớn, quá kinh khủng. Cái lực đó làm cho chúng ta bị chông chênh, mất thăng bằng và dễ rơi vào con đường không tốt. Còn nếu trong đời chúng ta làm được nhiều điều lành, điều thiện thì lúc đó mình hân hoan vui vẻ, chính cái đó giúp cho mình ra đi nhẹ nhàng vào con đường tốt hơn.

Quý vị biết vua A Dục ở Ấn Độ là một vị vua có công rất lớn đối với Phật giáo. Ông đã cho dựng rất nhiều trụ đá đánh dấu những nơi quan trọng đối với Phật pháp và góp phần đưa đạo Phật đến nhiều nơi trên thế giới, mang lại lợi ích không ít cho chúng sinh. Nhưng khi lâm bệnh gần mất, do vị cận thần dâng bát cháo trái ý nhà vua, không vừa lòng nên nổi sân rồi qua đời. Khi thần thức thoát ra khỏi thân, ôm theo lòng tức giận nên nhập vào con rắn độc bên ngạch cửa, chờ vị cận thần đi ngang qua cắn trả thù. Trong những vị thái tử con vua, có một vị xuất gia tu hành chứng quả A-la-hán, có thần thông, biết được thần thức của vua đang ở trong con rắn độc cho nên vị đó đến, không làm gì cả, chỉ kể lại những việc lành hằng ngày vua đã làm. Như lúc còn sanh tiền, bệ hạ đã cho dựng bao nhiêu trụ đá, đã xây bao nhiêu ngôi chùa, đã giúp cho bao nhiêu vị Tăng, Ni tu hành… Khi nghe kể lại rất nhiều công đức lành cả đời, vua A Dục nhớ lại, lòng rất phấn khởi, hân hoan, quên cả giận hờn nên con rắn chết, thần thức sanh về cõi trời.

Mới thấy, thoáng một niệm tối tăm thì nó đã đưa chúng ta đi vào chỗ không hay, mà sáng một niệm thì liền thoát khỏi khổ đau trói buộc. Một niệm thoáng qua mà nó đã có tác dụng lợi hại như vậy, huống nữa tất cả những hành động mình đã gieo rắc hằng ngày nó sẽ chi phối chúng ta đến mức nào. Nếu chúng ta không khéo thì sẽ bị những thứ đó nó cuốn đi và theo nghiệp thọ sanh là vậy.

Một ví dụ khác, có một người làm hành chính, hằng ngày xử lý sổ sách giấy tờ không tươm tất. Nào là hóa đơn đỏ, nào là văn bản hợp đồng, nào là văn thư đến đi..., tất cả cứ dồn hết vào một đống. Mười năm là mười đống hồ sơ lộn xộn. Một hôm, tình cờ có thanh tra đi kiểm tra, đòi hỏi giấy tờ sổ sách thì người này sẽ bất lực, không nhớ nổi mình để cái gì ở chỗ nào. Vì bất lực cho nên ở vào thế bị động, người ta muốn bắt bẻ gì mình cũng phải chịu, đưa đến tai họa, khổ đau. Ngược lại, một người khác cũng làm hành chính, hằng ngày làm việc xong đều sắp xếp hồ sơ rất gọn gàng, ngăn nắp, hóa đơn đỏ một ngăn riêng, hợp đồng một ngăn riêng... theo thứ tự rõ ràng. Mười năm sau, nếu có người kiểm tra, hỏi đến đâu thì nhớ rành rẽ đến đấy, rành rẽ rõ ràng không lẫn lộn. Người này chủ động hoàn toàn, không ai khiển trách gì được.

Cũng vậy, tâm niệm, việc làm hằng ngày, nếu không có những phút giây yên lặng lại lòng mình để kiểm tra thường xuyên thì khi gần chết, nó sẽ ùa về một cách lộn xộn, náo động khiến cho chúng ta mất tự chủ, bị động, hốt hoảng, bất lực với cái đống tâm niệm lộn xộn đó, bị nó cuốn phăng đi, đẩy đi đâu thì mình phải đi đấy. Đó là bị nghiệp câu thúc trói buộc, chúng ta không có được một chút tự do nào hết và phải chịu sa đọa, khổ đau. Ngược lại, trong một ngày, nếu quý vị có thời gian ngồi yên tĩnh lại thì những hành động ứng xử tự dưng nó sẽ hiện ra trong đầu mình. Cái gì tốt thì tiếp tục phát huy, cái gì xấu thì hứa hẹn ngày mai sửa đổi. Như vậy là mình đã đối diện với tâm niệm của mình, đã thấy rõ nó rồi, đã sửa sai rồi cho nên khi cuối đời, lỡ còn niệm nào nó về thì quý vị không còn lạ, không ngỡ ngàng rối rắm, quý vị đã từng đối diện với nó, đã sửa đổi hay phát huy tốt rồi, không có gì phải hoang mang, sợ sệt nữa. Như thế quý vị có tỉnh táo hơn không? Ngay khi quý vị đã quen mặt với những niệm tưởng mình làm, chúng ta đã tỉnh táo, đã chủ động, thế là chúng ta sẽ có một hướng đi cho mình mà không bị những thứ đó làm cho mình lung lay, sợ hãi và buộc phải đi theo nó nữa. Như vậy là chúng ta đã tự chủ phần nào trên cái nghiệp thức của mình.

Quý Thầy ví dụ, có một cái đảo giữa biển, một hôm bị sóng thần cuốn sạch hết nhà cửa, đồ đạc và người, chỉ có một vài người còn sống sót lại. Có tổ chức từ thiện nào đó cấp cho những người còn sống có quyền chọn một trong số những ngôi biệt thự để ở. Có ngôi biệt thự thì đựng vàng, có ngôi đựng đồ điện tử, có ngôi thì để dụng cụ y khoa, có ngôi để truyện tranh thiếu nhi..., vậy chúng ta sẽ chọn ngôi biệt thự nào? Chọn ngôi mà mình thích phải không? Người nào thích của cải nhiều thì vào ngôi biệt thự vàng nhiều, mấy đứa bé thì thích vào ngôi biệt thự có truyện tranh, là bác sĩ thì thích vào ngôi biệt thự có dụng cụ y khoa..., tức là chúng ta sẽ vào ngôi biệt thự nào hợp với sở thích của mình. Mà sở thích từ đâu mà có? Là do mình huân tập, khi đã thành thói quen thì nó có đủ sức mạnh để kéo lôi mình đi theo thói quen đó. Chúng sanh theo nghiệp thọ sanh cũng tương tự như vậy.

Trước lúc sắp lìa cõi đời, nếu không tỉnh giác thì chúng ta sẽ không chủ động được, sợ hay mừng đều bị nó cuốn đi. Còn tỉnh trở lại, cái gì chưa tốt thì để đó và hứa sẽ sửa đổi, không động tâm trên đó, cái gì tốt rồi thì tiếp tục phát huy, nhưng cũng không thèm động tâm trên đó, vậy là chúng ta đã phần nào làm chủ được. Nếu chủ động được, chúng ta sẽ có quyền chọn lựa đi trên con đường theo ý muốn của mình.

Qua đó cho chúng ta thấy thêm một điều nữa, những gì chúng ta đang có hôm nay là đều do nghiệp thức từ quá khứ mình đã gây tạo. Bất cứ một hình ảnh gì xảy ra trong ta đều không phải ngẫu nhiên mà đều do chúng ta đã huân tạo từ quá khứ. Trên một đống nghiệp thức hiện nay chúng ta tạo tác, đời sau của chúng ta theo đó mà có ra. Quý vị đã rõ con đường theo nghiệp thọ sanh của chúng sanh là như thế nào chưa? Những điều này nghe có vẻ bình thường, dễ hiểu, nhưng do chúng ta chưa thực sự thấu hiểu một cách tường tận, sâu xa nên khi gặp việc vẫn còn khổ đau, oán trời trách đất. Trong nhà Phật có nói là hiểu, nhưng phải hiểu sâu mới được. Nếu quý vị đã suốt thông, hiểu sâu điều này rồi thì không còn oán trách những thứ trong đời nữa.

II. Thấy rõ để chuyển hóa.

Ở Cần Thơ, trong gia đình anh chàng nọ sinh ra một cháu bé trai. Đứa trẻ mới biết đi, anh nhờ bà nội trông nom cháu để anh đi làm. Nhà ở miền Tây cạnh dòng sông, bà nội lo việc trong bếp, thoáng chốc bất cẩn, đứa bé ra cạnh mé sông rơi xuống đó rồi chết đuối. Bà nội thấy thế rất đau lòng. Người cha cháu bé đi làm về thấy con chết lòng đau không còn tỉnh táo nổi. Trong lúc khổ đau mất hết lý trí, anh này bảo mẹ mình lên xe máy và chở lên cầu Cần Thơ rồi bảo bà: “Một là bà tự nhảy xuống đó mà chết, hai là tôi bồng bà bỏ xuống dưới cho bà chết, cho bà tự chọn”. Bà mẹ nói: “Mẹ đã nuôi con từ nhỏ, đã từng thương con cho nên mẹ biết và thông cảm được tình cảm của con đối với con của con như thế nào. Hôm nay con của con đã lỡ bị chết như thế, dù biết rằng mẹ không cố ý, nhưng vì quá đỗi thương con của con nên con phải làm như vậy. Hiểu rõ nỗi đau này của con nên mẹ sẽ tự nhảy xuống cầu mà chết. Nhưng cả đời mẹ đã khổ sở, lam lũ ruộng đồng, không có lúc nào được sạch sẽ. Hôm nay là lần cuối trong đời, con cho mẹ mặc bộ đồ mới để dành trong tủ để mẹ chết cho tươm tất, thảnh thơi. Bây giờ con chở mẹ về nhà lấy bộ đồ để mặc rồi đến đây, mẹ sẽ tự nhảy xuống cầu mà chết”. Người con nói: “Thôi bà ngồi chờ đó, để tôi chạy về nhà lấy bộ đồ”. Anh chàng này chạy xe máy ra được một đoạn thì bị một chiếc xe khác đụng chết. Bà mẹ không biết con mình đã chết nên cứ ngồi trên cầu chờ từ sáng đến chiều tối mà không thấy con mình đến. Khi có người hỏi thì bà kể lại sự việc. Mọi người nghe vậy liền nói con bà đã bị tai nạn giao thông chết rồi. Đây là một câu chuyện có thật vừa mới xảy ra. Qua đó quý vị thấy, bà nội có cố ý giết cháu mình đâu, mà chỉ là vô tình nên đứa bé chết. Rồi người con cũng không cố tình giết mẹ mình mà vì đau khổ quá, thiếu sáng suốt nên đã hành động trong điên loạn. Người mẹ già cũng đã quá đau khổ vì mất cháu nội và không hề muốn con trai mình phải chết theo, nhưng vì anh chàng này hành động không tốt nên bị tai nạn giao thông rồi chết và bà lão này lại càng đau khổ hơn. Đứa cháu chết có khổ không? Khổ. Đứa con chết có khổ không? Khổ. Bà nội còn sống có vui không? Vô cùng đau khổ. Như vậy, từ bà nội đến con, đến cháu, không ai có tâm xấu hết, nhưng vì sao lại khổ với nhau như vậy? Khi một hiện tượng nào đó xảy ra, chúng ta cứ nghĩ thế này mới đúng, thế kia mới phải. Nhưng nếu tỉnh táo nhìn lại cho tường tận thì không có cái gì cố định là phải, là đúng thật hết. Đó chỉ là do nghiệp từ quá khứ chi phối mà chúng ta không thấy được, hôm nay chỉ nhìn nhận trên quả báo nên hành động sai lầm, gây khổ cho nhau. Nếu như lúc người cháu chết, người con bình tĩnh một chút thì sẽ thấy rõ là mẹ mình vô tình chứ không cố ý giết, dù sao con mình cũng lỡ chết rồi, biết đâu quá khứ do cháu tạo điều gì đó không được tốt nên kiếp này phải đi sớm như vậy, biết đâu trong một kiếp nào đó mình đã tạo khổ tương tự cho người khác nên bây giờ phải chịu cảnh đau lòng này, chuyện gì cũng đã lỡ hết rồi, mình đừng hành động thêm gì để phải lỡ lầm tạo khổ cho nhau nữa… Nếu anh này bình tĩnh, sáng suốt, biết nghĩ như thế thì sự việc có đơn giản nhẹ nhàng hơn không? Nhưng vì anh nóng giận rồi điên loạn quá cho nên đã trả đủ nghiệp và quay quanh một cái vòng rất thê thảm. Đó là do thiếu tỉnh táo và không thấy rõ vòng nghiệp báo lẩn quẩn chi phối mình.

Một câu chuyện khác gần đây. Anh chàng nọ phạm tội đi tù mười mấy năm, để đất vườn lại cho chị ruột mình. Thời gian ở tù lâu quá, chị ruột ở nhà vì nghèo khó nên đã bán hết vườn đất để sinh sống. Khi mãn hạn tù trở về thấy vậy tức quá, anh đòi đất vườn lại. Bà chị nghèo nên phải đi vay mượn đầu này đầu kia để có tiền trả lại cho em mình. Người con của bà thấy cậu mình hành xử như vậy tức quá nên âm thầm đi mua một con dao thật bén, gọi ông cậu ra một chỗ vắng rồi chém chết, sau đó ra công an xã đầu thú. Quý vị thử nghĩ, cái gì đã khiến đứa cháu làm một hành động như ma quỷ vậy? Từ quá khứ, chúng ta đã gieo một cái hận với nhau quá kinh khủng và đời này cũng không đủ phước để nghe chánh pháp, thiếu hiểu biết, không sáng suốt. Vì vậy khi sinh ra gặp nhau, chỉ cần một duyên nhỏ tác động đến rất nhẹ thôi mà đã đằng đằng sát khí rồi, nghĩ giết là giết liền trong phút chốc, giống như ma nhập chứ không phải con người nữa. Những hiện tượng đó trong xã hội bây giờ có nhiều không? Nếu chúng ta biết tất cả những sự việc gì xảy ra trong đời đều có nguyên nhân của nó. Tất cả đều do mình lỡ gây tạo thì hôm nay chính mình phải gỡ ra, đừng có trả thù nữa thì mọi việc có được nhẹ nhàng hơn không? Do không biết như vậy nên đã trả vay rồi vay trả xoay vần với nhau. Đời này A giết B, đời sau B giết A, đời sau anh A hận hơn nữa cho nên giết anh B, đời sau anh B hận hơn nữa nên giết anh A. Cứ như thế, thêm một đời thì sự uất hận càng tăng mạnh hơn. Uất hận càng nhiều thì sự giết chóc chồng chất không hề biết kinh sợ. Do thiếu sự hiểu biết để sửa đổi nên con người dễ tạo các nghiệp ác. Khi nghiệp ác càng mạnh thì con người giết nhau không hề thương tiếc.

Hồi sáng quý vị có kể một gia đình ở Quảng Ngãi ra Đà Nẵng dự tiệc cưới. Gia đình gồm 7 thành viên trong khi đang ngồi ngoài quán ăn hủ tiếu và chờ người thân trong làng ra đón. Bất ngờ chiếc xe ô tô bảy chỗ do tài xế buồn ngủ nên mất lái đâm thẳng vào quán húc bảy thành viên đó chết và lao thẳng vào tận nhà trong. Như vậy là chết một lần bảy người. Trong quá khứ, không biết quý vị này đã cùng nhau gây tạo điều gì mà hôm nay lại cùng sanh ra trong một gia đình, phải bị đồng chết chung một nghiệp trong cùng một lúc tan thương đến như vậy!

Rồi có một gia đình khác đi đám hỏi trên một chiếc xe ô tô, cố lao qua đường ray nhưng không kịp nên bị xe lửa húc chết cả gia đình. Đó là những trường hợp đồng nghiệp. Trước kia cùng chung gây tạo nghiệp, bây giờ đủ duyên chịu chung một báo nghiệp. Tuy chúng ta không có con mắt đặc biệt để thấy được việc của quá khứ, nhưng nếu khéo nhìn lại và chiêm nghiệm cho kỹ ngay tâm tưởng, hành động và những tiếp xúc hằng ngày thì mình cũng cảm nhận được phần nào qua những hiện tượng đang diễn ra.

Thời đức Phật còn tại thế, vua Lưu Ly muốn giết dòng họ Thích là dòng họ của đức Phật. Phật đã phương tiện khéo léo can ngăn ba lần mà không được. Ngài biết cái định nghiệp đã đến lúc chín muồi, không thể cứu được nữa. Ngài Mục-kiền-liên bạch Phật, xin cho con dùng thần thông thu dòng họ Thích vào trong cái lồng sắt để khỏi bị đánh. Đức Phật bảo, ông có thể nhốt được nghiệp không? Không nhốt được nghiệp thì không thể trốn được. Ngài Mục-kiền-liên nói, vậy cho con dùng bình bát thu 500 hoàng tử của dòng họ Thích vào trong và bay lên cõi trời để trốn. Đức Phật nói, tùy ý ông cứ thử làm xem. Thế là ngài Mục-kiền-liên dùng bình bát thu 500 hoàng tử của dòng họ Thích vào và bay lên cõi trời trốn. Sau khi vua Lưu Ly giết dòng họ Thích xong, ngài Mục-kiền-liên bay về. Đức Phật nói, ông mở bình bát ra xem thế nào. Khi mở ra thì không thấy các hoàng tử đâu cả mà chỉ thấy toàn là máu. Và trong quá trình dòng họ Thích bị đánh giết, đức Phật cũng đau đầu ba ngày. Khi các Thầy Tỳ kheo thưa hỏi, đức Phật nói trong thời quá khứ, tiền thân của Ngài là một cậu bé còn nhỏ trong dòng họ Thích. Một lần, dòng họ Thích đi đánh bắt cá trong một cái ao, khi bắt được con cá chúa lên bờ, đứa bé đó cầm cây gậy đánh lên đầu con cá đó ba cái giỡn chơi, còn mấy người kia thì ăn cá. Từ nguyên nhân đó, kiếp này sinh ra đời chỉ vì một nhân duyên giận nhau thời trẻ thơ mà lớn lên vua Lưu Ly thấy những người trong dòng họ Thích thì tự nhiên sanh lòng uất hận, muốn giết. Trong tiền kiếp đó, cậu bé tiền thân đức Phật không giết mà chỉ gõ vào đầu cá để đùa chơi nên chỉ bị nhức đầu ba ngày.

Qua đó cho chúng ta thấy, bất kỳ một điều gì xảy ra trong đời đều có nguyên nhân của nó. Biết vậy rồi thì quý vị có nên tức giận, có nên đáp trả lại để phải khổ đau hay là nên tha thứ, nên giải nghiệp để tất cả đều hết khổ? Có khi do chúng ta hiểu sai về nghiệp báo nên vẫn bị khổ. Hiểu lý nhân quả, hiểu lý nghiệp báo là để giải nghiệp, để thoát ra khỏi vòng vay trả khổ đau chứ không phải hiểu để vay trả đòi nợ với nhau rồi gây khổ cho nhau.

Có một gia đình nọ, trong nhà ai cũng hiểu đạo, nhưng cậu con trai không bao giờ làm vừa lòng mẹ mình. Người mẹ luôn nói: “Tại sao con nỡ làm mẹ khổ hoài vậy?”. Anh ta nói: “Thì coi như bà mắc nợ tôi đi, bây giờ tôi đòi, đâu có gì phải than”. Nói như vậy là nói theo lý nghiệp báo nhân quả, nhưng có đúng không? Chúng ta có đủ con mắt để thấy kiếp trước người khác mắc nợ mình bao nhiêu không? Hay là mình đang vay nợ lại? Hoặc giả sử chúng ta thấy kiếp trước người đó có mắc nợ mình, nhưng người kia họ không thấy được như vậy mà họ lại thấy mình tạo khổ cho họ, mình đang vay nợ họ, bây giờ mình đòi nợ thì họ không sẵn sàng để trả mà lại oán hận mình, mang cái oán hận đó rồi kiếp sau họ đòi lại. Vay qua trả lại mãi như vậy thì có ai được vui không? Chỉ là trói nhau đi vào vòng oan trái rồi cùng chịu đau khổ.

Ví dụ một hôm ra đường gặp người lỡ bị tai nạn mà không có thân nhân. Trước hoàn cảnh đó, chúng ta phát tâm chở người đó vào bệnh viện cấp cứu, đích than chăm sóc và tài trợ hết mọi thứ cho đến khi người bị nạn khỏe hẳn. Người kia thấy mình thọ ơn lớn quá mà gia cảnh lại nghèo khó không biết làm sao đền trả nên nói: “Cám ơn cô nhiều lắm. Nếu không có cô thì không biết đời tôi còn sống lành lặn đến ngày hôm nay hay không. Nhà tôi gia cảnh quá nghèo khó, không biết lấy gì đền đáp ơn nghĩa lớn lao này. Cầu mong mai mốt lỡ khi nào cô bị tai nạn nằm viện thì báo giúp cho tôi biết để tôi đền trả lại ơn này”. Quý vị có muốn bị tai nạn vào viện để nhận lại ơn này, để cô này trả nợ lại cho mình không? Hay là muốn khỏe mạnh bình thường, không cần nhận sự đáp đền nợ nần như thế? Có khi nào quý vị muốn bị tai nạn vào bệnh viện để người ta trả ơn chăm sóc lại cho mình không? Không. Ai cũng thích lành lặn chứ không ai thích đi đòi nợ theo kiểu đó bao giờ. Vào bệnh viện chỉ khổ trong một thời gian ngắn, còn vào sanh tử thì phải chịu khổ triền miên không biết ngày nào mới được thoát ra. Biết bệnh viện là khổ đau không muốn vào, vậy mà chúng ta lại muốn đi đòi nợ nần nghiệp chướng của người khác để tạo uất hận cho nhau, cùng nhau đi vào trong bệnh viện khổ đau của luân hồi sanh tử nữa sao? Chỉ một việc cứu người thôi mà chúng ta đã không cần đòi lại công ơn của họ, đó là do mình không muốn bị tai nạn vào nằm viện đau đớn để người khác phải nhọc nhằn trả công. Vì người trả và người nhận đều đau thương, không ai vui sướng cả. Cũng vậy, trong vòng lao lý của tử sanh không ai là người được vui. Ngày nào còn trong sanh tử thì ngày đó còn khổ đau. Chúng ta đã lỡ tạo nghiệp vào trong đây rồi thì không ai là được vui sướng cả, người khổ kiểu này kẻ khổ kiểu khác. Biết như vậy để thông cảm tha và thứ cho nhau. Cái gì đó mình biết là nợ, là nghiệp thì nên giải nghiệp, nên mở trói, nên tha thứ, bỏ qua, chứ không phải đòi, không phải trả. Được như vậy thì không những chính mình không bị nghiệp trói buộc mà cũng giúp cho người khác thoát khỏi khổ đau, đó là chúng ta đã giúp nhau đi ra khỏi cái bệnh viện oan trái nợ nần của nghiệp chướng. Nếu chúng ta đòi nợ thì đó là mình kết nghiệp để đi vào trong sanh tử chịu khổ với nhau thôi. Bởi khi đòi thì mình bảo họ phải trả, nhưng người ta không thấy người ta mắc nợ mình mà chỉ thấy mình gây nghiệp với họ nên họ lại uất hận. Chính tâm thức phẫn uất đó nó sẽ đòi trả lại khi có cơ hội. Rồi đến khi bị người khác đòi lại, chúng ta cũng không chịu nghĩ là mình trả nợ cho người ta mà lại nghĩ là người ta đi gay chuyện với mình, mắc nợ mình nên mình cũng căm phẫn đi đòi lại vào một lúc thuận tiện nào đó. Đòi qua, đòi lại, cuối cùng cả hai đều đi lòng vòng quẩn quanh trong sanh tử chịu khổ đau với nhau, giống như tạo điều kiện cho nhau bị tai nạn để trả qua trả lại đi quanh quẩn trong bệnh viện mà không chịu ra khỏi. Cho nên, nếu nghĩ người khác ngày xưa mắc nợ mình, bây giờ mình đòi, vậy là chúng ta hiểu lý nghiệp báo theo chiều hướng báo chướng trói buộc, gây khổ cho nhau, giống như đòi người ta trả lại nợ bằng cách mình bị tai nạn vào bệnh viện để người khác trả lại. Là người hiểu biết, không lẽ chúng ta lại đòi người ta trả lại nợ cho mình để phải chịu khổ tương tự như vậy hay sao? Khi chúng ta đòi nợ tức là đòi vay lấy cái sự oán hận, căm phẫn của người khác rồi đó. Và khi oán hận thì có ngày người ta sẽ đòi lại mình, rồi mình lại quay sang để đòi lại họ. Vay qua trả lại chỉ tạo khổ cho nhau mà không có ai sung sướng gì cả. Khi biết rồi thì nên giải nghiệp chứ không phải biết để kết nghiệp, để trói buộc lẫn nhau, dẫn nhau đi vào trong đau khổ.

III. Cảm nhận nghiệp báo.

Quý vị thấy trong cuộc đời, có những người mình chưa bao giờ gặp, nhưng vừa nhìn thấy mặt là chúng ta ghét liền. Vì sao như vậy? Đó là do kiếp trước người đó đã làm điều gì đó khiến mình không vui trong lòng nên hôm nay gặp lại là tiềm thức nó báo ứng ra khiến mình cảm thấy bực bội. Còn những người chưa gặp bao giờ, nhưng khi vừa trông thấy đã thân quen, cảm mến. Vì kiếp trước họ đã từng giúp đỡ, sống tốt, gây ấn tượng với mình, kiếp này gặp lại tiềm thức liền báo ứng nên chúng ta cảm nhận thấy họ thân thiện như đã từng thân quen tự thuở nào. Qua đó cho thấy có nghiệp huân tập của quá khứ và nó chi phối chúng ta đến những đời sau. Nếu ai tinh tế một chút thì sẽ thấy.

Trong tác phẩm “Truyện Kiều” của Nguyễn Du diễn tả, khi đi ngang qua một nấm mộ nằm bên lề đường, nghe được hoàn cảnh gian truân và cái chết buồn thảm của Đạm Tiên, Thúy Kiều liền bùi ngùi cảm động và chạnh lòng thương khóc. Sau đó, cuộc đời Thúy Kiều diễn ra cũng truân chuyên, gian nan y hệt như cuộc đời Đạm Tiên vậy. Có người không biết nên nói, do thấy mộ người ta mà thương xót cho nên oan hồn nó đi theo để phá, nhưng không phải vậy. Từ nhiều kiếp về trước mình đã lỡ tạo những nghiệp không hay nên chúng ta đã từng lao đao lận đận rồi. Những hoàn cảnh đó nó hằn sâu trong tâm thức mình trở thành lối mòn tâm thức vô hình mà chúng ta không khéo nhận thấy. Cho đến khi gặp hoàn cảnh tương tự hơi giống như vậy thì tâm thức liền bộc lộ ra khiến chúng ta chạnh lòng bùi ngùi xúc động. Ví dụ như quý vị nào lớn tuổi, đã trải qua nhiều gian nan trắc trở trong cuộc đời, tình cờ gặp đứa trẻ nào đó có hoàn cảnh giống như mình ngày xưa thì liền cảm động, thấy tội nghiệp, vừa thương cho nó mà cũng tủi cho mình. Cũng vậy, kiếp trước quý vị cũng có tạo một số điều gì đó tương tự như hoàn cảnh hiện tại cho nên khi gặp lại thì nó ùa về. Thúy Kiều đã có những gian nan từ kiếp trước, bây giờ gặp lại hoàn cảnh Đạm Tiên như là một biểu tượng nhắc thức lại mình nên từ bên trong nó có cái để ứng hiện ra và xúc động. Để rồi từ đó, cuộc đời mình đi theo sự báo ứng mà mình đã gieo tạo từ những kiếp xa xưa. Đó là sự báo ứng của nghiệp. Mới thấy rằng, tất cả chúng ta đều đã gây tạo những nghiệp từ quá khứ. Hôm nay nhân một hoàn cảnh nào đó mà bên trong quý vị có động tâm, có một trạng thái quen quen, cảm xúc mênh mang, bùi ngùi lẫn xót xa khó tả, thì liền biết rằng mình đã có loại nghiệp đó và nó đang chuẩn bị báo ứng. Khi ấy phải làm sao? Ngồi đó mà than thở hay ngậm ngùi là thêm mê mờ, ảm đạm, thê lương vô ích. Làm như vậy là chúng ta chấp nhận trói tay bó chân để đi theo con đường cũ và khổ đau thôi. Ngay lúc đó mình phải tìm cách chữa trị và giải nó. Trước tiên quý vị phải chấn chỉnh tinh thần cho mạnh mẽ, sau đó nhìn xem vì sao mình lại có cảm xúc đó? Nếu theo cảm xúc đó mà tạo tác thì nó sẽ đưa mình đi đến đâu? Nếu là những cảm xúc, thói quen không được tốt thì mình phải nhìn xem nó có thể xuất hiện ở ngõ ngách nào, chúng ta soi ánh sáng trí giác vào ngõ ngách đó, trấn tỉnh mạnh mẽ tinh thần thì sẽ vượt qua. Đó là quý vị đã khéo nhảy qua khỏi cái vòng chi phối của nghiệp báo, chuyển và dừng được nghiệp.

Như vậy, trước mắt mọi người, nghiệp báo đang diễn tiến hằng ngày mọi lúc mọi nơi, nhưng tiếc là chúng ta không khéo nhìn lại để nhận ra rằng, mình cũng đang có trong đó để phấn đấu vượt qua. Vì không biết nên người này trách người kia, người kia trách người nọ, trách vòng vòng với nhau như vậy rồi gây khổ cho nhau mà không có ai được vui sướng trong đó cả. Suy cho cùng, chúng ta chỉ là những nạn nhân của nghiệp. Tất cả chúng sanh đều chưa ra khỏi vòng lẩn quẩn của nghiệp nên đang bị nghiệp chi phối. Muốn không còn làm nạn nhân của nghiệp nữa thì quý vị phải tinh tế chiêm nghiệm nhận thấy cho rõ rồi phấn đấu vượt lên trên nghiệp, thoát khỏi nghiệp, như vậy mới không khổ, mới ra khỏi cái vòng lẩn quẩn nghiệp báo.

Quý vị nhớ vua Lương Võ Đế có hoàng hậu là Hy Thị. Khi sanh ra đời, bà thường hay thắt một mảnh vải đỏ ngang thắt lưng, ai tháo ra là bà cảm thấy đau đớn vô cùng. Nhà Vua ủng hộ chư Tăng làm Phật sự chừng nào thì ngược lại, bà căm hận, bực bội, oán ghét chư Tăng, muốn phá chùa chừng ấy. Thấy vua thường cúng dường trai tăng nên một hôm bà cũng bày ra lễ cúng dường trai tăng để trả thù. Bà lấy một tập Kinh Kim Cang chôn trước cổng, rồi ngầm sai người làm bánh bao dồn nhân thịt chó và thưa với nhà vua thỉnh mời tất cả cao tăng của đất nước đến để cúng dường. Thường ngày thì tức giận, nhưng không biết tại sao hôm nay hoàng hậu lại đổi ý muốn cúng dường trai tăng. Vua ngỡ là bà đã chuyển tâm nên rất hoan hỷ. Hoàng hậu cho lính canh giữ cổng thành xem coi có ai nhận ra và không đạp lên Kinh Kim Cang mà đi hay không. Là những phàm Tăng, mắt thường không thể nhìn thấy Kinh chôn dưới đất nên khi qua cổng thì đều phải đi trên đất, đạp qua cả nơi có chôn Kinh Kim Cang. Thấy thế bà phỉ báng nói toàn là phàm Tăng nên chẳng tin chút nào. Lúc đó có Hòa Thượng Chí Công là một bậc Thánh tăng, khi ngang qua đến vùng đất có chôn Kinh Kim Cang, ngài lộn người bay qua khỏi chỗ đó. Bà hơi cảm phục. Khi vào bàn dọn thức ăn, vì bánh bao nhân thịt chó được làm tinh xảo quá, chư Tăng không biết có mùi hôi, ngỡ là đồ chay nên ăn uống tự nhiên, cho nên cũng bị bà chê là phàm phu Tăng không biết. Hoà thượng Chí Công cũng vẫn ăn như thế, nhưng sau khi ăn xong ngài ói ra thành cả bầy chó sống dậy chạy ùa vào. Mọi âm mưu của Hoàng hậu bị bại lộ, vua Lương Võ Đế hỏi duyên do, Hòa Thượng Chí Công nói, kiếp trước bà là một con dế sống trong tăng phòng. Thời xưa không có đồng hồ, không có chuông reo, buổi khuya không có gì để báo thức chúng tăng thức dậy công phu nên phải phân người canh chừng để đánh chuông thức chúng. Lúc ấy con dế này lại phát tâm, cứ đúng giờ thức chúng là nó kêu lên cho chư Tăng biết để thức dậy đi ngồi thiền cho nên công đức của nó rất lớn. Hôm nọ có vị tăng mệt mỏi trong người, đã đến giờ mà thức dậy không nổi, muốn nằm rán thêm một chút nữa nhưng con dế này cứ kêu inh ỏi không cho nghỉ ngơi. Vị tăng bực bội ngồi dậy đi tìm rồi lấy dao chém ngang thân nó thành hai mảnh. Sáng hôm sau thức dậy, ông hối hận lấy miếng vải đỏ bọc thân con dế lại rồi đem chôn. Con dế muốn làm ơn mà lại bị mắc oán nên ôm lòng căm hận chư tăng. Trong thời gian làm côn trùng, nhờ cái phước báo thức cho đại chúng tu tập nên được phước hóa sanh làm hoàng hậu, nhưng ôm lòng sân hận nên rất ghét chúng tăng, cảm giác đau lưng do bị chém vẫn còn nên phải thắt mảnh vải màu đỏ. Tuy bà không nhận ra rõ ràng lòng uất hận của kiếp trước đó, nhưng do nó hằn sâu trong tiềm thức nên khiến cho kiếp này bà nhìn thấy chư Tăng là tự nhiên sanh lòng oán hận, bực tức. Nếu như không được Hòa thượng Chí Công nói cho nghe căn nguyên thì chúng ta cũng không hiểu được và ôm lòng trách giận lại bà hoàng hậu này. Thế là không giải được. Mới thấy, vì ôm cái hận từ quá khứ mà chết nên bây giờ gặp lại người đã gây đau khổ cho mình là hận ngay, muốn giết người đó ngay để trả thù. Người bị trả thù kia cũng không biết do chính họ vay nợ từ kiếp trước bây giờ phải trả nên cũng ôm lòng uất hận lại và đợi đến kiếp sau trả thù nữa. Hai bên cứ thế xoay vần hận đi hận lại, trả thù qua trả thù lại, cả hai đều khổ đau, đều là nạn nhân của nghiệp mà không thể thoát ra được.

Biết được như vậy rồi, bây giờ quý vị có muốn giải, muốn thoát khỏi nghiệp không hay còn muốn cột? Nếu muốn thoát thì khi nào nhỡ hận ai đó, chúng ta liền vui vẻ tha thứ, đừng thèm trả thù nữa, đó là giải được nghiệp oán thù với nhau rồi. Nghiệp thì nên giải chứ đừng nên kết, đó là người sáng suốt.

IV. Chuyển hóa nghiệp báo.

Bây giờ chúng ta giải nghiệp bằng cách nào? Ví dụ như một nắm muối, nếu để nguyên và ăn thì quý vị sẽ không ăn nổi vì rất mặn. Cũng một nắm muối đó, nếu quý vị pha vào ly nước thì nó đỡ mặn hơn một tí, nhưng vẫn còn mặn. Nhưng nếu hòa nắm muối đó vào trong bể nước lớn thì chúng ta uống sẽ không còn thấy mặn nữa. Nắm muối là ví dụ cho những nghiệp ác từ quá khứ mình đã lỡ tạo mà chúng ta không thấy được, khi báo chướng đến cũng giống như tới lúc phải ăn nắm muối đó, nhưng làm sao để chúng ta vẫn ăn mà không bị mặn? Thêm nước nhiều vào. Nước chính là công đức tu tập, là phước lành của mỗi chúng ta. Quý vị không cần để ý những nghiệp mình đã lỡ tạo từ quá khứ là nhiều hay ít. Chúng ta đừng quan tâm, đừng để ý, đừng bi lụy, lo âu hay than vãn mình nghiệp nhiều, khổ nhiều nữa, như vậy chỉ là vô ích. Chỉ nên tìm cho thật nhiều nước chế vô cho nó nhạt đi, dễ uống. Cụ thể là luôn mở lòng thoáng rộng, tâm luôn an tĩnh, sẵn sàng rộng tâm tha thứ cho người khác, không nhỏ nhoi cố chấp, đừng có tâm trả thù, nhường một chỗ ngồi cho người già yếu, tiện tay nhặt một cây đinh, vỏ ốc hay nhành gai cho người khác không bị thương tích… Trong khả năng cho phép, việc gì làm được cho người khác, tiện tay thì làm ngay, không chần chừ. Tất cả những việc làm đó đều xuất phát từ một tâm an nhiên, thoáng rộng. Khi lòng chúng ta thoáng rộng thì tự dưng chúng ta làm được vô vàn việc tốt mà không hề mỏi mệt, không thấy có mình làm và phước đức của chúng ta cũng theo đó mà trở nên lớn rộng hơn lên. Lòng rộng, phước lớn, tâm an tịnh, đó là một nguồn nước vô biên, tiêu dung các nghiệp chướng nhiều đời của mình. Những nghiệp nhẹ thì không còn chi phối và nghiệp nặng thì được giảm nhẹ bớt đi, đó là chúng ta đã biết cách giải nghiệp một cách rõ ràng, có hiệu quả và thiết thực nhất. Quý vị khéo chiêm nghiệm một chút trong thực tế thì dễ thấy lắm. Ngày xưa chưa biết an tĩnh và mở rộng lòng mình, nhỡ có người nào trêu chọc một chút là chúng ta tức giận liền, các hành động khác theo đó mà sanh khởi, đó là theo nghiệp mà chồng thêm nghiệp. Nhưng hôm nay mình biết mở rộng lòng, biết tha thứ, không những không còn bực tức mà còn biết cảm thông và thương họ. Bị châm chọc mà không tức giận, còn cảm thông được nữa, đó là đã tiêu dung được nghiệp cũ, ngay đó không cãi lại là nghiệp mới không tạo, như vậy là chúng ta đã khéo giải được nghiệp rồi.

V. Khéo léo chuyển nghiệp.

1. Nghiệp chướng vốn không.

Khi nghe nói đến nghiệp báo, quý vị liền nghĩ có một khối nghiệp báo quá nặng nề, lớn lao và chúng ta phải giải trừ nó. Khi có khởi nghĩ như vậy thì nó liền hình thành một cái nghiệp báo thật nơi tâm tưởng mình và thấy có một con người phải giải nghiệp báo thật. Khi thấy có nghiệp thật, có con người giải nghiệp thật thì quý vị đã rơi vào con đường diệt trừ nghiệp chướng, rơi vào tạo tác sanh diệt, rất nhọc nhằn, vất vả, ít hiệu quả, đó là chưa biết khéo chuyển hóa nghiệp báo. Khi không chúng ta lại tạo ra một bãi chiến trường, biến nghiệp báo thành một kẻ địch và chúng ta là người đánh địch để rồi phải mệt mỏi. Có người đang tu tập an ổn bình thường không chịu, tự nhiên phát lên ham tu cho mau đạt được điều gì đó rồi lên trước bàn Phật phát nguyện xin cho con trả hết nghiệp một đời này để tu cho mau tiến. Vừa phát nguyện xong xuống thì phát bệnh ly bì, mắt mở không ra, nhức đầu chóng mặt, ngồi thiền tụng kinh không nổi, tỉnh táo không nổi, cuối cùng không tu được. Đó là chúng ta không khéo léo, không biết cách trả nghiệp mà bị nghiệp nó báo trả lại.

Ví dụ khi vào trong một ngôi nhà tối om, quý vị có thấy bóng tối không? Có thấy. Nhưng mà dùng tay nắm lấy bóng tối xem có được gì không? Không được gì cả. Vậy là bóng tối là có mà giả có, không thật. Kế nữa, quý vị có thể lấy chổi để quét trừ, xua đuổi bóng tối ra khỏi nhà được không? Không được. Mà phải làm gì để hết bóng tối? Mở đèn lên. Bóng tối là ví dụ cho nghiệp chướng, vô minh, phiền não. Ánh sáng đèn là ví dụ cho trí giác nơi mỗi chúng ta. Nếu chúng ta cho nghiệp chướng là thật thì cũng giống như cho bóng tối là có thật, đó là sai lầm. Bóng tối tuy có, nhưng giả có, không thật. Nghiệp chướng phiền não cũng vậy, không thật có. Nghiệp chướng phiền não đã không thật có mà nói là phải dẹp trừ chúng thì có khác nào đem chổi đi quét sạch bóng tối, có quét được không? Cho nên điều quan trọng trước tiên là quý vị phải biết rằng, nghiệp báo là giả, không thật có. Ngày xưa khi chưa tạo thì nó không có, nhưng khi lỡ tạo rồi thì nó tạm có vậy thôi. Khi đang lỡ có mà chúng ta không tiếp tục tạo và biết chuyển hóa thì nó lại không còn, cho nên nó không cố định. Vì nghiệp báo không cố định nên nó không thật. Khi biết rõ nghiệp báo là không thật thì lòng mình nhẹ liền. Thấu suốt như vậy rồi thì chúng ta đừng can thiệp trên nó mà chỉ việc an tỉnh nội tâm, mở rộng lòng từ và sẵn sàng làm việc tốt, thế là chúng ta giải trừ nó rất nhẹ nhàng. Đừng nên lập một cái nghiệp báo thật để rồi chúng ta phải vất vả chống cự với nó.

2. Không tâm chuyển nghiệp.

Điều kế là cách dụng tâm của mình khi chuyển hóa nghiệp báo. Ví dụ như có ai đó bị nghèo khó, mắc nợ nhiều người trong nhiều năm, lại không có sổ nợ nên không nhớ nổi mắc nợ của ai và bao nhiêu tiền của. Hôm nào đó tình cờ làm ăn trúng mánh được mười triệu, liền thông báo rộng rãi là tôi đã có tiền trả nợ, quý vị nào tới tôi sẽ trả cho. Mắc nợ không biết mấy chục tỷ mà bây giờ mới có mười triệu đã tuyên bố trả nợ, họ đến đầy nhà đòi nợ mà không đủ tiền để trả thì có bị họ đánh cho không? Đó là không biết cách trả nợ êm thấm. Vậy phải trả nợ như thế nào là tốt? Cách hay nhất là đừng vội vàng tuyên bố trả. Mắc nợ nhiều thì trước sau gì cũng phải trả, có nợ thì mọi người sẽ đòi thôi. Dù có trúng số chúng ta vẫn cứ sống bình thường, đừng tuyên bố gì hết, cố gắng tranh thủ làm thêm cho được thật nhiều tiền. Lâu lâu có người đến đòi thì mình trả, cứ trả túc tắc một cách rất nhẹ nhàng cho nên trả nợ mà không hề thấy mình trả gì hết. Cố gắng làm việc để kiếm thật nhiều tiền là ví dụ cho sự nỗ lực tu tập và tu tạo phước đức của chúng ta.

Vua Trần Thái Tông có một lời dạy rất thấm thía: “Cơ liễu ngộ quỷ thần tìm không thấy”. Câu này chúng ta chỉ hiểu đơn thuần trên mức độ chứng ngộ của một con người. Tức là khi chứng ngộ thì phải sạch hết dấu vết, không có sở đắc, tâm chúng ta không còn chỗ cho quỷ thần tìm thấy nữa. Nhưng ở lãnh vực công phu, chúng ta cần hiểu thêm một ý nữa. Tức là, khi thực sự dụng tâm thẳng đến chỗ chứng ngộ thì phải dụng đến cơ, tất cả mọi hành vi quỷ thần đều không thể tìm thấy tâm niệm. Cụ thể ở đây, trả nghiệp bằng cách chuyển hóa thẳng đến tâm không sanh khởi, quỷ thần không thể tìm thấy dấu vết trả. Cho nên dù chưa chứng ngộ, nhưng chúng ta cũng có thể học được một phần nào, nghĩa là trả nghiệp mà không có trả. Tức là chỉ chuyên cần dụng tâm đến chỗ không còn sanh khởi, tu tạo phước đức bằng tâm không sanh, không thèm khởi tâm thấy có nghiệp thật phải trả, không thấy có mình đang trả, không thấy có người đang đòi. Như thế quý vị sẽ tiêu dung, hóa giải nghiệp một cách nhẹ nhàng, an ổn. Ngược lại, nếu quý vị tuyên bố phải trả hết nghiệp chướng thì liền hình thành có nghiệp thật để trả và có người trả, ngay đó đã vụng về, không khéo léo, đưa đến khổ đau. Còn cứ lặng thầm, không tuyên bố thì không thấy có nghiệp thật, không hề có dấu vết của tâm thì mọi nghiệp tự tiêu trừ một cách nhẹ nhàng. Cũng giải trừ nghiệp mà không thấy có trả nghiệp gì cả. Cũng như khi đã có nhiều tiền thì có ai đến đòi nợ, chúng ta đưa tiền ra trả một cách nhẹ nhàng, giống như không hề để ý gì hết. Cho nên tâm mình phải không một vết thì nghiệp sẽ chuyển hóa nhẹ nhàng, còn nếu có vết (muốn tôi trả nghiệp cho hết) là chúng ta sẽ bị nghiệp chướng nó giằn co cho mình vất vả mà không trả được. Như thế sẽ phải khổ đau cho mình rất nhiều, lãng phí lắm.

3. Quyết tâm thì chuyển hóa được.

Vừa qua có quý Phật tử đến hỏi quý thầy về vấn đề phải tu tập làm sao để có thể chuyển hóa được tập nghiệp của mình. Thông qua câu chuyện, quý thầy có nói muốn làm chủ mình để chuyển hóa những tập nghiệp trong đời thì không cách nào hơn là quý vị phải an tĩnh trở lại trên mọi công việc. Bất cứ hoàn cảnh hay sự cố nào xảy đến, chúng ta hãy khoan động đến nó mà trước hết nên tỉnh trở lại thì chúng ta mới bình tĩnh và đủ sức tỉnh tối thiểu, có trí sáng để chuyển được tập nghiệp. Chúng ta bị mắc một lỗi lầm là khi gặp một việc gì đến thì mình liền phản ứng nhanh quá nên thường bị lầm lỡ mà ít khi được thành công như ý. Quý vị chiêm nghiệm lại thử coi, nếu trước một sự việc gì xảy ra mà chúng ta không bình tĩnh thì có dễ dàng làm chủ bản thân mình được không? Không làm chủ được bản thân thì không những không chuyển được nghiệp mà có khi còn tạo thêm nghiệp nữa là khác. Biết như vậy rồi thì khi gặp việc đến, quý vị phải bình tĩnh, tỉnh giác trở lại, đừng nóng vội. Có một vị nghe vậy rồi nói rằng, thưa thầy hoàn cảnh ở trong chùa thanh tịnh, không có gia đình, rộng tay rộng chân nên dễ tỉnh. Chúng con còn sống ở ngoài đời còn nào là cha mẹ, vợ con, rồi cảnh đời ồn náo, khó mà tỉnh nổi. Quý thầy nói: “Nếu như quý vị thấy cuộc đời có quá nhiều việc, nghiệp nhiều quá mà không thể chuyển được thì đừng tu nữa, thử theo nghiệp đi coi nó thế nào.” Theo một thời gian sẽ thấy mệt mỏi, nghiệt ngã, khổ đau, không chịu nổi rồi cũng phải tìm đường thoát khổ, cũng phải tu thôi. Một đôi khi con người chúng ta giống hệt một em bé, hễ được dỗ dành thì nũng nịu muốn khóc mãi, mà thả cho khóc tự do một mình không ai thèm đếm xỉa đến thì lại lặng lẽ làm thinh. Có khi chánh pháp sẵn sàng quá thì chúng ta lại xem thường và sanh ra yếu đuối với chính mình, không chịu cố gắng phấn đấu rồi đổ thừa là tại nghiệp và không chịu khó nổ lực công phu. Đến khi tự thân nếm trải gian nan, tự mình khát khao khổ công đi tìm cầu chánh pháp mới thấy giá trị và chịu khó tu tập. Có khi giá trị đích thực nằm ngay đó lại không chịu nhận liền mà phải đợi cho đến khi trải qua thật nhiều tan thương, mất thật nhiều thời gian, công sức rồi mới chịu nhận. Chúng ta thường hay có cái lỗi là tu thì muốn tu, nhưng cứ đổ thừa tại nghiệp mình nhiều quá, nặng quá không tu được. Đem cái chữ nghiệp xây dựng lên cho thật to rồi áp đặt vào để bào chữa cho cái bệnh yếu đuối hèn nhát, không chịu phấn đấu, lười biếng tu tập và không chịu cố gắng để vượt qua. Chúng ta đã dần dà theo nghiệp bao nhiêu kiếp rồi, nếm mùi khổ đau chưa thấm hay sao mà hôm nay lại đem chữ nghiệp ra bào chữa để tiếp tục theo nó nữa? Cái gì cũng đổ thừa tại nghiệp để có cớ không chịu vượt qua. Vô lý. Chính mình cũng đã theo nó và cũng đã từng chứng kiến người khác theo nó để rồi phải gánh chịu sự khổ đau tàn tạ. Đã thấy rõ theo nghiệp là theo sự hiểm nguy, đau khổ, điêu tàn, tại sao chưa chịu cố gắng vươn lên, vượt qua mà còn bào chữa, dung túng để chui rúc trong đó? Quý vị phải phấn chấn tinh thần, giác tỉnh cho thật mạnh để thấy cho thật rõ rằng, ngày nào còn đi trong nghiệp là còn khổ thì chúng ta sẽ quyết tâm vượt qua được thôi. Quyết tâm là làm được.

Quý vị biết, làm một vị vua lo cho muôn dân, bận bịu rất nhiều công việc. Vậy mà khi đang còn ở trong Hoàng cung, vua Trần Nhân Tông vẫn tu được. Chỉ cần đọc qua bài phú “Cư Trần Lạc Đạo”, chúng ta sẽ thấy được sức sống đạo rất đặc biệt của ngài khi còn làm Thái Thượng Hoàng. Hôm nay quý vị chỉ lo có mấy thành viên trong gia đình, không lẽ nhiều việc hơn Ngài hay sao mà nói là bận rộn quá không tu được? Cho nên quý vị phải khẳng định kiên quyết, cố gắng nổ lực nhiều hơn thì sẽ vượt qua mọi chướng duyên, mới hết khổ được.

4. Tập làm một vị tướng bại trận.

Trong đời, hễ khi có được danh vọng, địa vị, tiền của thì thường có cái để bị căng thẳng, khó yên. Giả sử trước đây mình là chủ một quán café nổi tiếng được nhiều người biết đến, có nhiều tiền, luôn vui với thành công mà chưa bao giờ nếm trải cảm giác thất bại cho nên khi có người làm trái ý thì bực bội ngay. Bây giờ mình tập thử, hôm nào đó không làm chủ quán nữa mà làm một con người tầm thường, làm một người trông xe và tìm lấy niềm vui trên đó xem thế nào. Đang là ông chủ của một quán nổi tiếng mà đi làm một người trông xe, khách đến gọi dắt xe thì mình dắt xe cho khách, làm một cách ngoan ngoãn, nhiệt tình, vui vẻ, nhẹ nhàng, hiền lành và khiêm cung, quý sẽ thấy có niềm vui trong đó đặc biệt lắm. Niềm vui đó nó không có nơi một con người luôn rộn rã, lăng xăng, nó không hề có nơi một con người chỉ biết giành chiến thắng mà không biết nghĩ đến người khác, nó càng không bao giờ xuất hiện nơi một con người chỉ biết vui với những thứ danh lợi bên ngoài mà không có phút giây nào lắng lại nội tâm. Con người chúng ta thường chỉ biết làm một vị tướng thắng trận mà ít ai làm được một vị tướng lúc bại trận. Mà trong đời này, có ai không một lần thất bại, buồn đau. Chịu nhường người khác, thông thường chúng ta cho là phải chịu nhục. Nhưng nếu cảm nhận được niềm vui sâu lắng trên đó thì chúng ta đã biết làm được một vị tướng bại trận. Niềm vui nhường người, niềm vui của một vị tướng bại trận, đó là một niềm vui đặc biệt trong đời. Nếu không nhận ra thì thật là lãng phí cho một kiếp sống. Đã tập quen niềm vui đó rồi thì khi người khác có chê bai, có phỉ báng, có chơi xấu mình, chúng ta cũng thấy bình thường, vui vui, lý thú. Khi người khác làm nghịch lại mình mà mình vẫn cảm thấy vui, thấy lý thú thì quý vị đã khéo tu tập, chuyển hóa được nghiệp báo thành công rồi. Hiểu là thế, nhưng muốn thực hành được thì phải tập từ từ, cái gì cũng cần phải có thời gian, đừng nóng vội quá.

5. Lặng trong nhìn sự việc.

Trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, khi một hoàn cảnh nào xảy đến, chúng ta đừng vội vàng nhìn nhận phân tích đúng sai trên hoàn cảnh liền mà cứ để nó xảy ra một cách bình thường và nhìn nó với một sự thanh thảng, trong trẻo, trong vắt, lặng trong. Nếu trong trường hợp căng thẳng quá, không thể rút lui mà phải đối diện thì thay vì phân tích đúng sai, chúng ta chỉ tìm lấy sự lặng trong trên nó. Dù đó là điều ca ngợi cũng đừng tiếp nhận, dù đó là điều chúng ta lỡ làm sai, chúng ta cảm thấy nhục nhã cũng đừng lảng tránh nó mà hãy lặng tâm đối diện nó, nhìn nó bằng sự trong trẻo, không vui không buồn, không đúng không sai thì quý vị sẽ lấy lại được định lực của mình. Khi năng lực này được phục hồi thì mọi việc trên đời trở nên tầm thường, không có gì lớn lao quan trọng. Từ đó, cách hành xử của chúng ta được sáng suốt, êm đẹp, nhẹ nhàng, mỹ mãn, không làm thương tổn đến ai cả. Tập như thế lâu ngày sẽ trở thành thói quen, năng lực tĩnh lặng được tăng trưởng, chất liệu ấy sẽ giúp cho chúng ta có được sự ổn định, sáng suốt, nghị lực, tự tin và thành đạt trong đời. Lúc nào cũng sống trọn vẹn bằng năng lực đó thì quý vị sẽ có niềm vui lớn, không chướng ngại nào có thể chạm đến được, mọi chướng nghiệp sẽ được tiêu dung một cách nhẹ nhàng.

6. Vô tâm thì nghiệp duyên tự cháy.

Quý vị đã thấy, những hiện tượng khổ vui xảy ra trong đời đều do các nghiệp lỡ tạo từ quá khứ nên bây giờ có các báo nghiệp riêng. Nếu biết dùng sự lóng lặng nội tâm, dùng tâm trong trẻo để đối diện thì sau đó chúng ta sẽ tự phát minh ra cách để ứng xử và sống rất thanh thảng, nhẹ nhàng, thành đạt. Quý thầy thường ví dụ, có những căn nhà bên trong có quá nhiều đồ đạc ngỗn ngang, chúng ta bước vào rất khó. Khi đứng trước một căn nhà như vậy, nếu chúng ta cứ đứng ở ngoài mà than thở là nhà sao mà nhiều thứ lộn xộn quá, không vào được thì sẽ bị ở bên ngoài hoài, không lẽ không có cách nào để vào nhà mình được sao? Nếu khuân từ từ vứt bớt ra ngoài cho hết rồi vào cũng được, nhưng làm như thế là quý vị đang đứng ngoài trời mà làm vào, sẽ bị nắng mưa vất vả. Có một cách thoải mái hơn là quý vị lựa cái kẽ hở nào có thể đặt được bàn chân thì bước thẳng lên đó và tiến vào trong nhà liền. Ở trong nhà sẽ mát mẻ rồi từ từ tìm chỗ đứng an toàn và khuân dọn đồ đạc ra, như thế sẽ được an ổn, nhẹ nhàng hơn. Những đồ vật trong nhà được ví như nghiệp đang che lấp mình, bít lấp ngôi nhà tự tánh nơi mỗi chúng ta. Quý vị đừng nói quá khứ của tôi nghiệp nhiều quá, chưa chắc ai nghiệp nhiều hơn ai. Có khi quý thầy ngồi đây mà nghiệp nhiều hơn quý vị cũng không chừng. Nếu cứ chăm bẵm mà nhìn trên nghiệp, thấy có nghiệp thật, nghiệp tôi nặng quá… thì chúng ta không bao giờ vào được ngôi nhà chân thật của mình. Bây giờ nghiệp nhiều, nghiệp ít mình không cần đặt thành vấn đề, không quan tâm, không thèm để ý nữa. Trên mọi hoàn cảnh, chỉ là tùy duyên, không thèm sanh khởi, lắng lại, sáng biết và sống thẳng đó. Gần hơn một chút, ngay những khoảng lặng từ nội tâm, chúng ta thể nhận ngay, sống thẳng đó rồi tùy duyên, các nghiệp chướng tự nó tiêu dung, không cần khởi thêm gì cả. Khi chướng nghiệp nào có dấy khởi lên, quý vị không thèm can thiệp trên nghiệp mà chỉ một việc sống thẳng lặng an như thế thì nghiệp tự nó cháy. Bằng cách quét mà không quét này, quý vị đã quét sạch nhà mình. Nếu quý vị khéo chuyển nghiệp bằng cách này sẽ thấy rất hiệu quả. Nhớ là đừng than trách nghiệp nặng, nghiệp nhiều mà phải biết rằng nghiệp là huyễn hóa, không thật. Ngay chỗ nào có thể an và tỉnh được thì quý vị tỉnh lại ngay. Và khi sống được với năng lực toàn thể giác tỉnh trọn vẹn đó thì quý vị đang ở trong nhà rồi.

7. Dụng thẳng tâm thiền để chuyển hóa, tiêu dung.

a. Hiểu qua về Thiền.

Khi náo động quá thì quý vị có tỉnh nổi không? Khi đang động, đang nóng vội thì chúng ta không định tĩnh, thiếu sáng suốt và thường bị sai lầm, rồi mọi vấn đề lại rối tung lên, càng trở nên rắc rối hơn. Ngược lại, nếu chúng ta an tĩnh trở lại thì tinh thần sẽ định tĩnh, trí tuệ sáng suốt, thấy mọi vấn đề một cách thông suốt, tường tận, rõ ràng hơn. Ví dụ khi bị nhiều công việc dồn dập căng thẳng, nếu ai đó đưa cuốn sách bảo mình đọc trang này trang kia hay lắm, quý vị thử đọc xem có dễ hiểu không? Có khi chữ thì thấy mà không làm sao hiểu được. Ngược lại, trong một khung cảnh yên tĩnh, tâm hồn an tịnh, thảnh thơi, thoải mái, cầm cuốn sách ra chỉ xem qua là chúng ta nắm hết ý liền. Mới thấy, ngay khi mọi thứ làm cho lòng mình rối ren, xáo động thì khiến cho mình mỏi rồi trí tuệ bị mờ tối đi. Và chính lúc lòng mình lắng đọng thì trí tuệ sẽ phát huy đúng mức. Ngay trạng thái lắng - trí sáng đó, quý thầy tạm gọi nó là thiền. Vậy thiền là một danh từ đặt tên cho trạng thái tâm của mỗi người. Nó là chính mỗi người chúng ta chứ không phải một màu sắc gì bên ngoài cả.

b. Buông xuống!

Những thứ bên ngoài có đến có đi, có sanh có diệt, nên nó thuộc về vọng động, huyễn hóa, biến đổi vô thường, không thật. Quý vị thử buông hết tất cả mọi thứ xuống xem thế nào. Thân này rồi cũng chết, của cải này rồi cũng mất, tư tưởng này cũng thay đổi mãi. Khi mọi thứ được buông xuống hết, buông luôn cả những tư tưởng phải trái đúng sai, lúc này cái còn lại chỉ là một tâm lặng sáng, cái đó buông cũng không xong, bỏ cũng không bỏ được, nó mới thực sự trung thành với chúng ta, mới là cái chân thật, là chính con người chân thật nơi mỗi chúng ta. Còn những thứ có thể bỏ được thì nó thuộc về sanh diệt vô thường, là bên ngoài, không thật. Cho nên Sơ tổ Trúc Lâm nói: “Buông xuống, buông xuống, cái không buông được chính là cái ấy”. Chúng ta cứ buông hết mọi tư tưởng đi, còn một cái lặng sáng không buông được, cái đó mới thật.

Các vị Tổ Sư thường khuyến khích chúng ta sống về chỗ đó. Đức Phật dạy chúng ta trở về tánh Phật cũng là trở về chỗ đó. Như vậy, quý vị đã nhận ra tu thiền chánh thống là gì chưa? Đức Phật khẳng định cho chúng ta nhận biết, ngoài tâm tìm Phật gọi là ngoại đạo. Chúng ta tìm một vị Phật, một tánh Phật hay một lý mầu nhiệm nào đó ngoài bản tâm của mình, rời bản tâm mình mà đi tìm những lý mầu nhiệm khác bên ngoài, đức Phật nói đó là ngoại đạo. Cho nên các Thiền sư thường nói, mỗi mỗi phải từ trong hông ngực mình lưu xuất, là vậy. Đó là quy chuẩn để khi tham học, quý vị dựa vào đó mà nhận biết điều nào chúng ta nên theo, để đừng bị lầm đường lạc lối.

c. Muôn kiếp khó ra.

Bởi vì nếu lỡ lầm lạc, lỡ đi sai đường thì sau này sửa lại rất khó. Giống như một cây măng hay một chồi non, nếu uốn sai thế rồi thì sau này quý vị muốn uốn lại cũng rất khó. Đức Phật nói, một khi vào đường tà rồi thì muôn kiếp khó quay ra lại được. Vì sao? Vì đã có duyên với ma thì chúng ta thiếu duyên với thiện tri thức nên không có được cơ hội hiểu biết để quay ra. Hơn nữa, nếu mình đang là bạn, là quyến thuộc của ma, khi bước ra thì bị những người đó kéo lại không cho ra, vất vả vô cùng. Nếu không có nghị lực, không có phước đức sẽ không thoát ra được. Quý thầy đã gặp nhiều trường hợp như vậy rồi. Hôm trước có một cô nọ được rủ đi chùa, đến gặp quý thầy nói chuyện chút xíu, tự nhiên cô bị ngáp liên hồi và chảy nước mắt, không nói được gì và phải đi ra ngoài. Đến chiều cô quyết tâm xin gặp quý Thầy lần nữa, nhưng nghe nói chuyện được một lúc rồi cũng bị ngáp, chảy nước mắt, cố gắng kiên trì ngồi thêm được một lúc nữa thì cô lại bị mắc ói, phải đi ra ngoài và không nghe pháp được. Sau đó mới biết, do cô đang nhờ một vị thần khác giúp cho cô giàu cho nên vị thần đó không muốn cô nghe chánh pháp. Vì nếu nghe được chánh pháp, tu theo chánh pháp thì cô này sẽ bỏ họ, họ đâu có chịu. Quý vị thử nghĩ, biết bao giờ cô ấy mới được nghe chánh pháp và thoát khỏi sự ràng buộc kia?

Quý vị đã thấy chánh pháp khó nghe chưa? Hôm nay quý vị ngồi đây nghe pháp cả hai tiếng đồng hồ mà vẫn tỉnh táo, không có ai buồn ngủ hay ói ngáp gì cả, như vậy là biết mình có phước duyên với chánh pháp rồi. Nhìn người khác để răn nhắc cho mình biết sợ tà giáo, biết tôn trọng giá trị phúc duyên của mình đang có để giữ gìn cho kỹ chứ đừng gặp đâu đi đó, lầm đường lạc lối để rồi phải chịu khổ đáng thương.

d. Do tham chứng đắc.

Ngoài tâm tìm Phật là sao? Thí dụ khi nghe ai nó tu theo tôi thì mau đạt được điều mầu nhiệm gì đó, nghe người ta nói tu ba tháng là được ngộ đạo, chứng đắc, có thần thông… liền thích quá chạy theo. Không ngờ bị người ta lừa gạt rồi bắt nhốt trong nhà làm nô lệ của ma, không biết khi nào mới thoát ra được. Khi nào chưa giác ngộ thì lúc ấy chúng ta giống như những đứa trẻ ngây thơ thích ăn bánh kẹo. Hễ ai đó dụ dỗ cho một viên kẹo, ăn thấy ngon quá thì thích có thêm viên nữa. Người ta cho tiếp viên kẹo thứ hai và bảo đi đâu, làm gì đó để có được kẹo là chúng ta ngoan ngoãn theo họ liền. Cứ tiếp tục như thế rồi bị dắt vào trong ngôi nhà hiểm nguy mà không hề hay biết. Hiện nay chúng ta có phải là những đứa bé ngây dại đó không? Nếu không phải thì đừng tham mấy viên kẹo đó mà lầm đường lạc lối! Chẳng hạn nghe ai nói: “Anh đi theo tôi, tôi sẽ dạy anh pháp môn này chỉ tu từ 3 đến 5 tháng là ngộ đạo, sẽ chứng đắc thành quả vị gì đó…”, là viên kẹo đó quý vị ạ. Quý vị tụng Kinh Bát Nhã đã thấy đức Phật dạy rất rõ ràng “dĩ vô sở đắc cố”, tức là “vì không có chỗ được”. “Vô sở đắc” thì ai cũng thuộc, cũng tụng làu làu, nhưng nghe ở đâu “có sở đắc” thì chúng ta lại thích và đi theo, đi trái với những gì mình đang nói, trái với những gì Phật Tổ chỉ dạy. Nếu trái với lời Phật Tổ chỉ dạy thì chúng ta đang tu theo ai? Không tu theo Phật Tổ tức là đang đi theo ai đó khác với Phật Tổ rồi. Đây cũng là một loại tập khí, tập nghiệp tà kiến của chúng sanh. Người không biết nên đi lầm đường thì đã đành, nhưng có nhiều vị đã biết rất rành rẽ mà vẫn không bỏ được điều sai lầm đó mới đáng thương cho họ. Bởi cái bệnh “muốn có chỗ để thấy”, “có chỗ để chứng đắc”, nhưng mà có chỗ thì sao? Hễ cái gì có chỗ là nó đã có hình tướng, chưa rời khỏi vô thường sanh diệt, nó nằm bên ngoài mình, là không phải chân thật nữa rồi. Biết là vậy, nhưng vẫn có một số người vì ý chí yếu hèn, muốn những điều dễ hiểu nên thích đi theo những cái tạm bợ vô thường sanh diệt đó. Nếu vậy thì chỉ biết ăn được mì gói mà suốt đời không bao giờ ăn được món ngon thượng vị. Đó là quý vị chưa mạnh mẽ sáng suốt để chuyển hóa tập khí hèn nhát, hướng ngoại tìm cầu. Bây giờ biết rồi thì đừng ăn mì gói nữa, nó chỉ là loại cứu đói nhất thời thôi, đâu có ngon lành gì nhiều so với những món ngon thượng vị! Phải để bụng trống mà ăn đồ ngon chứ ăn no mấy thứ tạm bợ cứu đói nhất thời rồi, đến lúc dọn đồ ngon ra chúng ta lại không ăn được thì lãng phí lắm. Đó là điều quan trọng cần phải khắc nhớ.

e. Nên xác định hướng.

Có khi chúng ta cũng hiểu vấn đề, cũng thoáng nhận ra tánh giác biết chân thật, nhưng do cái biết đó chưa được mạnh, không được thường trực, cọng thêm không có ý chí quyết tâm mạnh mẽ cho nên lâu lâu lại bị quên, bị ai đó rủ rê liền đi theo. Nhưng quý vị nên nhớ một điều là, lỡ đi theo rồi quay lại rất khó. Vì vậy việc định vị, xác định bước đi ban đầu rất quan trọng. Quý vị từ đây muốn vào Đà Nẵng mà lại rẽ trái lên Huế thì càng đi càng xa thôi, biết khi nào vào được Đà Nẵng? Cho nên khi bước chân vào tu tập, quý vị phải xác định cho đúng đường, nếu sai sẽ rất lãng phí công sức, thời gian mà còn nguy hiểm nữa. Khi quý vị muốn đi đâu đó, điều cần thiết trước tiên là phải có đôi mắt sáng biết hướng để đi, kế đến mới cần đôi chân khỏe mạnh thì đi mới đến nơi đến chốn, không bị tai nạn hay nhầm đường. Nếu chưa mở mắt mà vội đi thì chắc chắn sẽ bị hiểm họa. Đôi mắt sáng là chỉ cho chánh kiến của mình và đôi chân khỏe là chỉ cho sự quyết tâm dõng mãnh. Khi tu tập, quý vị nên học hỏi rồi tư duy cho thật chính chắn, sau đó quyết tâm tinh tấn dụng công thì nhất định sẽ có hiệu quả tốt.

f. Thấy phát hào quang.

Gần đây có một vị có nghiên cứu tu thiền các nơi rồi và đến hỏi quý Thầy: “Con đã từng học với một vị dạy ngồi thiền ở nước ngoài. Vị đó ngồi trên cao, con ngồi ở dưới. Hai mắt con nhìn hai mắt của vị đó, nhìn làm sao một hồi có hào quang ngũ sắc giao xen qua lại là thành công. Con đã được điều đó và được vị Thầy đó ấn chứng. Bây giờ con muốn đến đây học thiền Việt Nam”. Quý thầy nói, ở đây quý thầy không muốn nói ai đúng ai sai. Nhưng nếu quý vị thật sự muốn học thiền Việt Nam thì quý Thầy sẽ nó rõ chủ trương tu tập Thiền tại đây. Khi quý vị nhìn thấy cái ly này thì cái ly này có phải là con mắt của mình không? Không phải. Cái ly là vật bên ngoài, con mắt thì ở nơi mình và mình đang nhìn thấy cái ly mà! Khi quý vị nhìn thấy cái ly thì cái ly là cái bị thấy, là cái bên ngoài, không phải là con mắt. Cũng vậy, khi ngồi thiền mà thấy hào quang ngũ sắc thì hào quang là cái bên ngoài tâm, nó không phải là bản tâm chân thật chính mình. Hơn nữa, cái gì ở bên ngoài thì nó thuộc về vô thường, sanh diệt, huyễn hóa, không thật. Rõ ràng hôm nay đến đây, anh đâu có còn hào quang gì nữa đâu. Nếu nhìn nhận trên hào quang mà không quan tâm đến bản tánh chân thật, chỉ tu cho có hào quang rồi cho là chứng đạo, vậy bây giờ không có hào quang thì anh không có chứng đạo rồi? Cái đạo gì mà lúc trước anh đã chứng rồi, bây giờ thì lại không? Đạo mà lúc chứng, lúc không thì đạo ấy thuộc về sanh diệt, không phải đạo chân thật bất sanh bất diệt rồi. Điều thứ hai, trên thế gian này vật chất quý nhất là vàng, ngọc, kim cương. Nhưng nếu đem những thứ đó nghiền nát thành bột rồi đem bỏ vào trong con mắt mình thì có xốn không, có chịu được không? Không chịu được, phải lấy ra thôi. Như vậy, con mắt không phải là cái quý hay không quý, mà nó phải là một sự tinh khiết trong ngần đúng với bản chất chính nó, nó không nhận bất kỳ một thứ gì bên ngoài. Cũng vậy, bản tâm chân thật của chúng ta không phải là cái quý hay không quý mà nó phải là một sự thanh tịnh sáng ngời tuyệt đối của chính nó chứ nó không chấp nhận bất kỳ một sự kỳ diệu mầu nhiệm gì ở bên ngoài. Từ đó quý vị nên nhớ rằng, những thứ mầu nhiệm đó là ngoài tâm, mà ngoài tâm thì chưa thoát khỏi sanh diệt huyễn hóa, không phải thật. Vậy quý vị có muốn theo cái giả không?

g. Mong biết kiếp trước, hướng ngoại tìm cầu.

Có nhiều vị tu hành có chút thần thông, biết được vài kiếp trước của mình, đến đây đem thần thông ra hỏi quý Thầy, cho rằng tu hành phải biết kiếp trước như thế mới có sở chứng thực sự. Quý vị nhìn lại thực tế hiện nay Phật tử chúng ta có ai đi theo xu hướng đó không? Đang là phong trào đi theo phải không? Quý Thầy nói, anh tu hành đạt đạo, vậy thì khi nhìn cái ly này, anh thấy phan duyên theo nó hay là đang lặng sáng để nhìn thấy? Nếu đang lặng sáng để nhìn thì khi quý Thầy đưa nắm tay này lên, anh thấy có khác cái ly hay không? Nếu thấy nắm tay có khác cái ly là anh đã theo cảnh mà thấy, là phan duyên, là bỏ mất tánh thấy biết chân thật nơi chính anh rồi. Nếu bằng tâm thấy biết lặng sáng không động mà nhìn thì dù có đưa cái ly, nắm tay, hay bất cứ vật gì khác lên, nó cũng không ra ngoài một chân trời tự tánh vốn sáng không động đây. Tánh ấy không hề biến đổi nên không thấy có khác. Chỉ là bất động tùy duyên, cái gì đến thì liền thấy, đâu có phân biệt các thứ bên ngoài làm gì mà nói là có khác? Đã thấy mọi thứ không khác thì thấy cái gì cũng thế thôi. Dù thấy cái tay hay cái ly, tánh thấy ấy vẫn không khác, vậy tại sao phải cố đi tìm kiếp trước để thấy làm gì? Đợi có kiếp trước mới thấy, vậy hiện nay, ngay đây không thấy hay sao? Đã thấy, tại sao không chịu nhận lấy ngay đi mà còn đòi đi tìm kiếp trước mới thấy? Vừa sanh tâm tìm cầu thấy biết kiếp trước thì cái mê nó đã hiện sờ sờ ra đó rồi, làm sao gọi là đạt đạo gì được! Cho nên khi nghe ai đó nói tu hành phải có thần thông, phải biết được kiếp trước thì quý vị biết người đó đang muốn đi tìm kiếp trước, đi tìm cái bên ngoài để thấy rồi. Mà khi muốn thấy theo cái bên ngoài thì cái mê nó đã lòi đại bự ra đó rồi, làm sao nói là giác ngộ được. Đây là bị thói quen bất giác, thích tìm những điều mới lạ bên ngoài nó chi phối. Khi chưa biết tu thì thích đi đây đi kia cho biết những cảnh lạ, thích ngồi đợi coi ngày mai có gì mới lạ hơn không… Khi bắt đầu tu hành thì đi tìm những điều gì đó lạ lẫm bên ngoài, vẫn chưa thoát khỏi cái tập nghiệp hướng ngoại tìm cầu những thứ lạ lẫm bên ngoài.

h. Khéo léo trước những cám dỗ của ma chướng.

Có những điều mầu nhiệm diễn ra xung quanh, nhưng quý vị phải khéo léo nhận ra đường đi nước bước của nó và biết cách ứng xử thì ma nó mới không dụ dỗ được. Khi ma lực muốn dụ dỗ một ai đó, đầu tiên nó làm cho mình bị lung lạc, cho tâm mình bị động trước. Khi tâm bị lay động, bị lung lạc nhiều quá thì chúng ta sẽ mất thăng bằng, mất định lực, tự dưng mình không xác định được chính mình nữa và theo nó từ hồi nào không biết. Thí dụ có người bị bệnh, có ai đó giới thiệu thầy bùa. Do một sự trùng hợp ngẫu nhiên nào đó mà sau khi uống bùa thì lành bệnh. Tâm người đó bắt đầu bị dao động, lung lay, tin vào thầy bùa, đánh mất tính tự chủ chính mình, dần dần đi vào tà giáo. Đa số mọi người đi theo đường tà đều có nguyên nhân ban đầu do tâm mình bị dao động mất tự chủ như thế.

Ngoài ra trong đời có những điều rất tốt, có những việc làm xuất phát từ tâm cao thượng vô cùng, nhưng do chúng ta không khéo ứng xử, sống mất mình nên biến nó trở nên tồi tệ một cách đáng tiếc. Ví dụ có người đem đến cúng 10 tỷ, quý Thầy mang ơn. Thấy số tiền lớn quá nên quên mất mình và chìu theo phàm tình thế thái. Bữa sau quý vị đem đến cúng 20 tỷ, mình lại chìu theo phàm tình sâu đậm hơn. Hôm khác quý vị ấy góp ý hay ra điều kiện gì đó mà mình không thuận theo được thì cảm thấy khó chịu trong lòng. Như vậy là tâm mình đã bị lay động, đã bị lệ thuộc vào phàm tình rồi. Quý Thầy là người phải tiếp xúc với nhiều người, nhiều đối tượng. Nếu bằng tâm dính mắc, quan trọng duyên ngoài rồi đánh mất mình như thế thì quý vị nghĩ, quý Thầy có còn nguyên vẹn là chính mình nữa hay không, hay là đã bị biến thái thành phiền não mất rồi? Cho nên khi quan trọng một điều gì đó bên ngoài là quý vị đã đánh mất mình rồi, không còn nguyên vẹn là chính mình nữa và bắt đầu đi lạc.

i. Như hổ tựa sơn.

Con hổ tuy mạnh hơn tất cả các loài cầm thú, nhưng nó chỉ được bảo toàn khi ở trong rừng. Nếu rời khỏi núi rừng, tánh mạng của nó sẽ bị đe dọa. Con người chúng ta có thể có được những khôn lanh, mưu trí, thành đạt…, nhưng nếu bất giác, không định tĩnh, lăng xăng, loạn động là quý vị đã rời khỏi sự tự chủ, đánh mất tòa núi chính mình. Từ đó các loại ma chướng, tập nghiệp, phiền não đua nhau sanh khởi hại mình. Nếu muốn bảo toàn huệ mạng, chúng ta phải giữ lấy vị thế tự chủ của mình. Trên tất cả mọi hoàn cảnh, quý vị nên lắng lại, lặng sáng, không quan trọng vào những thứ bên ngoài để phải đánh mất mình. Như thế quý vị mới có được sự định tĩnh, sáng suốt, không bị bất cứ điều gì làm khổ mình được. Quý Thầy vẫn thường nói: “Bất kỳ một thứ gì trong đời này, nếu thiếu nó mà không chết thì chúng ta không cần”. Không phải chối bỏ mọi thứ trong đời, nó đến thì chúng ta trân trọng đón nhận, nhưng mất đi thì cũng bình thường. Bởi vì khi chưa có nó chúng ta vẫn sống bình thường. Khi có thì trân trọng, tùy duyên. Và bây giờ nó mất đi chúng ta có chết đâu? Rõ ràng không có gì phải quan trọng cần thiết cả. Đối với tất cả mọi thứ, trong bất cứ hoàn cảnh nào quý vị cũng ứng xử một cách bình thường như thế thì sẽ làm chủ được mình. Có nó và không có nó cũng giống nhau, quý vị phải dám sống được như vậy thì không đánh mất vị thế tự chủ, cuộc sống trở nên vui vẻ, vững vàng. Thứ hai là đối với tất cả mọi người trong xã hội, dù là người hạ tiện hay giới thượng lưu, khi tiếp xúc với họ, chúng ta luôn tôn trọng, trân trọng họ, nhưng không có gì phải quan trọng thái quá. Trân trọng tức là mình tôn trọng nhau, nhưng quan trọng là bị lệ thuộc, đánh mất mình. Mà mất mình thì chúng ta là người bị nô lệ, khổ đau rồi. Cho nên phải nhớ là trân trọng nhau nhưng không quan trọng, giữ được lập trường đó quý vị sẽ được tỉnh và lấy lại tự chủ. Như vậy đối với vật chất, đối với hiện tượng, đối với con người, đối với những sự mầu nhiệm…, chúng ta chỉ tĩnh lặng, sáng biết, trân trọng mà không quan trọng thì muôn đời vững và vững, không có gì có thể làm cho mình nao núng, lay động để đưa đến khổ đau. Biết được như vậy rồi thì ngay từ bây giờ, quý vị phải chấn chỉnh, tỉnh táo nhìn nhận lại mà đi cho đúng hướng chứ đừng thích những viên kẹo nhất thời rồi chúng ta phải lạc vào những lối rẽ không hay. Nhớ là đừng ăn mì gói nữa, để bụng đói mà ăn đồ ngon.

j. Sai lầm do chấp thân.

Một đôi khi có người vẫn nghĩ, mình không theo những thứ mầu nhiệm, chỉ theo để giữ thân mình cho an ổn thì đâu có lỗi gì. Nhưng đức Phật dạy, không có gì khổ hơn là khi chúng ta chấp thân. Có một con nai đứng bên bờ suối ngắm nghía hãnh diện về đôi sừng của mình: “Sao ta lại có được cặp sừng duyên dáng đến thế này!” Đang khoái chí say mê thì nghe có tiếng cọp vồ ra, nai phải ba chân bốn cẳng, dốc hết sức bình sinh mới thoát chết được. Đến một nơi bình lặng, nai mới hay ra: “Giá như không có cặp sừng thì mình chạy nhanh hơn biết dường nào! Vì đôi sừng đẹp này làm vướng víu lùm bụi cây rừng, suýt nữa phải mất mạng.” Cái đẹp nhất là cái làm cho chúng ta vướng bận nhất. Khi quan trọng mình quá là đã bị vướng rồi đó. Khi tay quý vị nắm lấy cái khăn này thì quý vị không thể nắm được cái khác. Nếu không nắm lấy bất cứ một vật gì hết thì khi cần làm gì, quý vị có quyền sử dụng cái đó một cách tự tại tự do. Cũng vậy, khi mình vừa dính mắc vào thân thì đã bị vướng bận, không còn tâm để khám phá bản tánh giác ngộ rộng lớn của mình nữa. Khi chúng ta dính mắc vào vật chất thì chúng ta không còn tâm hồn nào để cảm nhận Phật Pháp rộng lớn hơn. Cho nên, chỉ cần không chìm nơi cạn hẹp thì liền thành cao xa. Chỉ cần đừng chấp vào những thứ nhỏ nhặt thì chúng ta liền thành cao thượng. Còn đang chấp vào những điều nhỏ nhặt thì cao thượng không nổi mà trở nên thấp hèn, mình vốn là biển cả mà lại vướng vào lỗ chân trâu, thật lãng phí! Cho nên với tấm thân này, chúng ta chỉ sống vừa phải, đừng quan trọng nó quá để còn lo việc lớn hơn. Quan trọng nó quá thì chúng ta có sống được ngàn năm không? Mấy ông tiên trường sanh bất tử, hoặc như Bành Tổ sống 800 năm, bây giờ còn không? Chúng ta dồn hết sức đầu tư vào một cái để ngày mai nó không còn, quý vị không thấy là lãng phí hay sao? Tệ hại hơn nữa là khi chấp bám vào thân thì các vô minh mê lầm theo đó có ra. Chấp thân rồi thì những thứ phục vụ cho thân, bảo vệ thân này cho đẹp, còn mãi, rồi những gì hợp với sở thích của mình thì lại gom về… Từ một cái nhìn sai, những cái sai lầm tệ hại khác nó ùa về một đống. Vô minh tạo nghiệp từ đó mà có ra. Đi theo những con đường phù hợp với sự chấp thân để vun bồi vô minh phiền não. Một kiếp sai kéo theo nhiều kiếp khác sai. Gieo cái nhân sai đó để kiếp sau tiếp tục theo kết quả sai và tiếp tục tạo nhân sai, cứ tuần hoàn như thế không biết ngày nào mới thoát ra được. Chỉ một niệm chấp thân thôi nó đã đi sai quá xa, quá nhiều rồi khổ đau chồng chất. Cho nên đức Khổng Tử nói: “Ta sở dĩ có một cái họa lớn là tại vì ta có thân. Nếu ta không có thân thì họa nào mà có”. Không có thân không phải là chúng ta giết nó đi, mà chính là không có niệm quan trọng chấp trên nó thì không cái họa nào có hết. Vì vậy, nếu pháp nào quan trọng thân quá thì chúng ta không nên đi vào tập thử, thử một hồi thế nào cũng bị lạc. Biết rõ rồi thì quý vị phải mạnh mẽ, phải chấn chỉnh lại để không còn là một nạn nhân đáng thương nữa.

Thông qua những sự việc quý vị kể vừa mới xảy ra, quý Thầy có một vài gợi ý để cùng nhau suy ngẫm lại. Nếu thấy hợp lý thì nên cố gắng thực hành để đời đời sanh ra, chúng ta chắc chắn gặp nhau trong pháp hội của Phật chứ không phải tại một pháp hội nào khác thì thật đáng buồn!

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

1217936
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
2488
4135
18778
1175483
102939
118095
1217936