Chủ Nhật 1/12/2024 -- 1/11/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Dòng chảy Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử

A/ TRƯỚC KHI THIỀN PHÁI TRÚC LÂM YÊN TỬ RA ĐỜI.

Phật giáo được truyền vào Việt Nam rất sớm. Theo nhiều sử liệu còn sót lại cho thấy Phật giáo có mặt tại Việt Nam trong khoảng năm 300 trước Tây Lịch (thời Vua A-Dục). Theo Ngọc phả Hùng Vương có ghi: “Có lần Vua Hùng Vương thứ 7 là Chiêu Vương lên núi Tam Đảo cầu Tiên thì nghiễm nhiên đã thấy chùa thờ Phật”. Theo đà tiến triển của đất nước, Phật giáo cũng được phát triển mạnh lên theo thời gian. Đến thời Lý, Phật giáo Việt Nam thịnh hành bởi ba dòng Thiền chính: Tỳ-ni-đa-lưu-chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường

  I.  Dòng Thiền Tỳ-ni-đa-lưu-chi: Do Thiền sư Tỳ-ni-đa-lưu-chi ngộ đạo từ Tam Tổ Tăng Xán. Năm 580, Sư sang Việt Nam trụ trì chùa Pháp Vân. Dòng Thiền này mang màu sắc Ấn Độ.

 II. Dòng Thiền Vô Ngôn Thông: Do Thiền sư Vô Ngôn Thông truyền sang Việt Nam năm 820. Sư trụ trì chùa Kiến Sơ

III.     Thiền phái Thảo Đường: Do Thiền sư Thảo Đường giáo hóa ở Việt Nam năm 1069. Sư trụ trì chùa Khai Quốc (chùa Trấn Quốc ngày nay).

Hai phái Thiền Vô Ngôn Thông và Thảo Đường mang màu sắc Trung Hoa.

B/ SỰ RA ĐỜI CỦA THIỀN PHÁI TRÚC LÂM YÊN TỬ - Thế kỷ XIII

I. Tổ sư sáng lập: Phật Hoàng Trần Nhân Tông

Lúc còn bé, vua cha Thánh Tông đã trao Thái tử Trần Khâm (Trần Nhân Tông) cho Tuệ Trung Thượng sĩ dạy đạo.Khi hỏi về tông chỉ của việc bổn phận, Thượng sĩ nói: “Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc.” (Xoay lại chính mình là việc bổn phận, chẳng từ nơi khác để được), liền đó Thái tử nhận được tông chỉ thiền, mở sáng mắt đạo, biết được lối vào. Có lần Thái tử trốn lên núi Yên tử xuất gia, nhưng bị Triều đình đi tìm và phải về làm vua.

Trong lúc trị vì đất nước, Vua Trần Nhân Tông đã khéo léo sắp xếp thời gian để tu hành và có kết quả. Công phu tu tập của Ngài thể hiện rõ trong bài Phú Cư Trần Lạc Đạo khi còn là Thái Thượng Hoàng.

Khi thấy con là vua Anh Tông lo toan việc nước ổn định, Ngài lên núi Yên tử xuất gia tu hành. Trải thời gian công phu tu tập, Ngài đã sáng đạo, lập nên dòng thiền Việt Nam, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

II. Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử được sáng lập dựa trên ba tiêu chí chính yếu

Dựa trên trí tuệ giác ngộ, từ đó có trí tuệ sáng tạo; dung nhiếp ba dòng Thiền đang có, đó là trí tuệ tái tạo, Sơ Tổ Trúc Lâm đã sáng lập nên một dòng Thiền phù hợp với căn cơ người Việt Nam (khế cơ) để giúp chúng ta ứng dụng tu hành dễ tiến bộ hơn. Cho thấy, Thiền phái Trúc Lâm Yên tử ra đời căn cứ trên trí tuệ chân thật mà Sơ Tổ đã giác ngộ, vận dụng thành trí tuệ sáng tạo và tái tạo để có được một dòng Thiền thích hợp cho người Việt Nam chúng ta, chứ không phải là một sự kết hợp, vá víu những gì đã có.

C/ SỰ KẾ THỪA, TIẾP NỐI

I. Thời kỳ mới thành lập

 Sư tư tương khế. Khi nhận ra ngài Pháp Loa là một bậc pháp khí, chỗ tham cứu đã thấu tột, Sơ Tổ Trúc Lâm trao truyền y bát và tâm kệ cho thiền sư Pháp Loa kế thế Tổ vị, làm vị Tổ thứ hai Thiền phái Trúc Lâm. Không cô phụ chỗ nhìn và công giáo dưỡng của Thầy mình, Tổ Pháp Loa đã hoàn thành sứ mạng của một vị Tổ sư được giao phó vô cùng xuất sắc. Vừa tự mình nắm vững tông phong Yên tử, vừa đào tạo Tăng tài kế thế, vừa định chức và cấp sổ bộ cho Tăng ni, vừa giáo hóa độ khắp, tứ chúng hướng về, cho đến khắc in Kinh, Luật, Luận và các công trình văn hóa, kiến trúc… Tất cả đã đưa Phật giáo Thiền tông đời trần lên một đỉnh cao mới. Cuối đời, Ngài đã truyền trao trách nhiệm lại cho Tam Tổ Huyền Quang. Sau, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau, Thiền phái Trúc Lâm Yên tử bị chìm lắng

II. Thời kỳ trung hưng(khoảng TKXVII-XVIII)

Trong khoảng TK XVII – XVIII, Thiền sư Chân Nguyên và Thiền sư Hương Hải là hai vị đi đầu trong việc trung hưng lại Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

1/ THIỀN SƯ CHÂN NGUYÊN:

Thuộc tông Lâm Tế, dòng Trí Bản Đột Không ở Trung Hoa, Thiền sư Viên Văn Chuyết Chuyết sang Vùng đất Quảng Nam Việt Nam (Đằng Trong) hoằng hóa 8 năm. Năm 1633, theo lời thỉnh cầu của thương gia Nguyễn Tề, Sư ra Đằng Ngoài (đất Bắc) để giáo hóa. Sư có hai đệ tử xuất sắc là ngài Minh Hành Tại Tại và Thiền sư Minh Lương. Ngài Minh Hành Tại Tại có đệ tử là Thiền sư Tuệ Nguyệt Chân Trú trụ trì Chùa Hoa Yên, Yên tử. Ngài Chân Nguyên ban đầu xuất gia với ngài Tuệ Nguyệt Chân Trú và được pháp danh Tuệ Đăng. Không lâu sau Thiền sư Tuệ Nguyệt Chân Trú viên tịch, ngài Tuệ Đăng sang tham học với Thiền sư Minh Lương. Qua đối đáp được tỏ ngộ, ngài Minh Lương ban cho pháp hiệu Chân Nguyên.

Thiền sư Chân Nguyên tỏ ngộ Thiền. Là người Việt Nam nên đã nghĩ đến người dân nước Việt, do đó ngài nghĩ ngay đến Thiền tông Việt Nam. Mà Trúc Lâm Yên tử là một dòng Thiền Việt Nam vĩ đại bởi Ngữ Lục (văn hóa), Tăng đoàn (con người, tổ chức) và có những vị tu hành có kết quả. Từ đó, ngài Chân Nguyên bắt đầu khôi phục lại Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

2/ THIỀN SƯ HƯƠNG HẢI:

Cũng từ tông Lâm Tế, dòng Trí Bản Đột Không ở Trung Hoa, Thiền sư Lục Hồ Viên Cảnh và Đại Thâm Viên Khoan sang Vùng đất Phủ Triệu Phong Việt Nam (Đằng Trong, gồm Quảng Trị và Thừa Thiên Huế hiện nay) hoằng hóa. Ngài Hương Hải đang làm quan ở Phủ Triệu Phong và đến học đạo với hai vị Thiền sư này. Sau đó xuất gia tu hành tại am tranh ở đảo Tim Bút La, Cù Lao Chàm (tại Hội An, Quảng Nam bây giờ). Đạo phong lan tỏa, Chúa Nguyễn Phúc Tần xây chùa Vinh Hòa trên núi Rùa (Qui Sơn) ở cửa Tư Dung (Tư Hiền, Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) và thỉnh về Trụ Trì. Sau bị nghi oan là có mưu phản, Sư đã trở về Tim Bút La rồi ra Đằng Ngoài (Đất Bắc). Sư ở ngoài đảo một thời gian để quan quân theo dõi rồi mới được mời vào đất liền. Sau thỉnh về Trụ Trì ở Cổ Nguyệt Đường (Hưng Yên). Tại đây, Sư giáo hóa rất thịnh hành. Ngài đã cùng với Thiền sư Chân Nguyên trung hưng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

3/ TÓM KẾT:

Thầy tổ của Thiền sư Chân Nguyên (Phái Bút Tháp) và Thiền sư Hương Hải (Phái Nguyệt Đường) đều xuất thân từ Dòng Trí Bản Đột Không của Tông Lâm Tế ở Trung Hoa, cùng sang Đằng Trong của Việt Nam giáo hóa. Để rồi cùng gặp nhau ở Đằng Ngoài (đất Bắc). Hai phái Nguyệt Đường và Bút Tháp đã cùng nhau trung hưng lại Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử Việt Nam trong khoảng thế kỷ XVII - XVIII.

Thời gian sau, do nhiều nguyên nhân khác nhau, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử lại một lần nữa bị chìm lắng, mất hút.

III. Thời kỳ khôi phục, tiếp nối: Khoảng 1970 của thời đương đại TK XX-XXI

Khởi đầu cho sự khôi phục và tiếp nối: Hòa thượng Thiền sư Thích Thanh Từ.

1/ Điểm đặc biệt của vị Thiền sư khôi phục và tiếp nối:

- TÚC DUYÊN:

Sanh ra đời không có người tu Thiền, không ai biết đến Thiền, nhưng ngay từ buổi đầu xuất gia, không biết vì sao trong lòng Hòa thượng lại tự nung nấu thích tu Thiền, có tâm nguyện muốn khôi phục lại Thiền tông Việt Nam.

- TÌM ĐỌC NGỮ LỤC, NHẬP THẤT, SÁNG TÂM, KHÔI PHỤC THIỀN:

Song song với việc tu học và làm Phật sự, Hòa thượng đã gia tâm tìm đọc thêm các bộ Luận và Ngữ Lục để ứng dụng công phu. Khi sắp xếp được Phật sự, Ngài nhập thất chuyên tu. Tại Pháp Lạc Thất, Núi Lớn, Vũng Tàu, Hòa thượng đã sáng lại nguồn tâm, suốt tột hết những chỗ uyên áo của Thiền. Năm 1970, tại Pháp Lạc Thất này, Ngài khai sáng Thiền Viện Chơn Không và mở khóa Thiền đầu tiên.

2/ Hòa thượng đã khôi phục và tiếp nối Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam như thế nào.

2.1/ Tông chỉ Thiền:

Từ nguồn tâm đã sáng tỏ, trên nguồn trí giác ấy làm căn bản, Hòa thượng đã uyển chuyển tùy duyên, khéo léo hướng dẫn để hành giả trở về nhận được nguồn tâm chính mình. Đây chính là tinh thần “phản quan tự kỷ”, là tông chỉ của Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam, xoay về nhận lại tâm Phật xưa nay chưa từng sanh diệt nơi mỗi người.

2.2/ Văn Hóa:

Hòa thượng đã sưu tầm các Sách sử, Ngữ Lục, tư liệu của chư vị Thiền sư Việt Nam còn sót lại, Ngài dịch và giảng giải cho Tăng Ni và Phật tử thông hiểu, ứng dụng tu hành.

2.3/ Ứng dụng thực hành:

Hòa thượng đã trích dịch trong Khoa Nghi Sáu Thời Sám Hối của thời Trần để làm Kinh tụng sám hối hằng đêm trong các Thiền viện. Thiền sinh tại các Thiền viện lấy tọa Thiền làm chính trong thực hành công phu tu tập. Ngoài ra, các thiền sinh còn có thời khóa lao động để rèn luyện và điều phục thân tâm. Tọa Thiền là tu trong cảnh tịnh. Lao tác và sinh hoạt đi lại là tu trong cảnh động. Nhất cử nhất động, thiền sinh luôn sáng tỏ tâm mình tại đây và bây giờ. Động tịnh không hai, ngay đó tâm thiền tỏ rạng.

2.4/ Tổ chức tu hành:

Mỗi Thiền viện đều có Khu ngoại viện và Nội viện riêng biệt. Có khu nhập thất chuyên tu. Có chương trình tu học rõ ràng, tuân thủ theo Thanh quy. Hạn chế tối thiểu sự đi lại (gần như không đi ra ngoài trong thời gian dụng công). Các thiền sinh hoàn toàn không có tài sản riêng, chỉ có những vật dụng cần thiết do Thiền viện sắm cho, không có những phương tiện khác như điện thoại riêng, Tivi, đài, báo… làm loạn tâm ý. Mỗi mỗi đều tạo điều kiện tốt nhất để hành giả chuyên tâm tu tập.

2.5/ Tóm kết:

Hòa thượng Thiền sư Thích Thanh Từ đã khôi phục Thiền tông Việt Nam đời Trần một cách cụ thể; từ lý thuyết đến thực hành; từ nắm vững đường lối công phu cho đến kết quả – ngộ tâm.

Theo duyên pháp hóa, Tăng Ni Phật tử nhận chân được giá trị đích thực của Thiền tông Việt Nam nên quy hướng, quay về tu tập ngày càng đông. Từ nhân duyên đó, các thiền viện lần lượt ra đời trên khắp mọi miền đất nước, lan tỏa ra các nước khác trên thế giới. Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam một lần nữa được khởi sắc, sống lại mạnh mẽ trong thời hiện đại.

C/ KẾT LUẬN:

Thiền vốn là bản tâm chân thật nơi chính mỗi người. Nếu vô tri thì đồng với cây đá. Hễ ai có biết thì đều có Thiền, có bản tâm. Còn trong mê mờ thì sống bằng tâm hiểu biết sanh diệt, tâm thiền tạm thời bị che khuất. Nhận lại nguồn tâm thì vô minh mê mờ nhiều đời nhất thời tan biến, mười phương thế giới thênh thang, tâm thiền hiển hiện rờ rỡ, sốt thông liễu biệt tất cả rõ ràng mà không hề có biến thiên sanh diệt. Mới thấy, dù rằng dòng đời có vô thường sanh diệt, Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam theo đó cũng có lúc sáng tỏ, lúc lu mờ. Nhưng dòng chảy mạch nguồn thiền tông Việt Nam không bao giờ bị dừng dứt. Hôm nay tại đây, chúng ta vẫn đang sáng tỏ rõ ràng.

Thích Tâm Hạnh

Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã

 

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

1226679
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
2372
2628
2372
1199158
2372
109310
1226679