Thứ Năm 28/11/2024 -- 28/10/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Ký sự Nhật Bản P11: Chùa Diệu Tâm

CHÙA DIỆU TÂM - Myoshinji

Chiều ngày 01/4/2014 (nhằm ngày 02/3/ Giáp Ngọ), đoàn khởi hành đi Chùa Diệu Tâm.

Chùa Diệu Tâm do Thiền sư Quang Sơn Huệ Huyền, cũng gọi là Vô Tướng Đại Sư khai sơn Trụ trì.

Sư sinh ở Tín Châu, huyện Nakano. Lúc 30 tuổi gặp Tổ Nam Phổ Thiệu Minh tại chùa Kiến Trường ở Kamakura và phát tâm xuất gia. Mãi đến khi Tổ Nam Phổ Thiệu Minh qua đời mà tâm nhãn của Sư vẫn chưa được khai mở. Sau, Sư đến chùa Đại Đức tham học với Thiền sư Tông Phong Diệu Siêu (Quốc sư Đại Đăng) và ngộ đạo. Tuy là đệ tử, nhưng Sư lớn tuổi hơn Thầy mình (Tông Phong Diệu Siêu).

Theo lời chỉ dạy của Thầy Bổn Sư là Thiền sư Tông Phong Diệu Siêu, Sư kết am trong núi ở Ifuka, Mỹ Nồng, huyện Chi Trác tám năm. Lúc này Sư ở ẩn trong những người nông dân. Ban ngày làm việc trên đồng ruộng, tối đến tọa thiền trên các tảng đá, không ai hay biết tông tích Sư. Do đó, thường bị các nông dân xem thường, xúc phạm, nhưng Sư vẫn điềm nhiên vui vẻ.

Năm 1337, Thượng Hoàng Hanazono đến Chùa Đại Đức hỏi Thiền sư Tông Phong Diệu Siêu (Quốc sư Đại Đăng):

- Sau khi Ngài tịch, ai sẽ là Thầy của tôi?

Quốc sư Đại Đăng nói:

- Tôi có một đệ tử rất kỳ đặc, khó lường, đang ẩn trong đám nông phu. Người đó xứng đáng là Thầy của Thường Hoàng.

Nghe danh Sư, Thượng Hoàng rời cung đến tìm và thỉnh về. Sư cố từ chối nhưng không được.

Có hai vợ chồng thường ngày do không biết nên đã xúc phạm Sư khá nhiều. Nay biết Sư sắp đi, hai vị đến xin sám hối và thỉnh Sư chỉ dạy. Sư bảo lại gần đây. Hai vị bước lại. Hai tay Sư nắm vào đầu tóc hai người rồi kéo đập hai cái đầu dộng mạnh vào nhau nhá lửa. Hai vị la lên: “Ui da! đau quá!” Sư nói: “Ngay chỗ đau đó phải nhớ suốt đời!” Về sau, ngay vị trí này trở thành Chùa Chánh Nhãn. Chùa Chánh Nhãn đơn sơ, không lớn, nhưng hiện tại là một trong những Thiền viện tu hành nghiêm mật, khổ hạnh. Thiền sinh nào được đào tạo từ Chánh Nhãn ra thì được các nơi rất tôn trọng.

Khi về Kinh đô, Thượng Hoàng cúng đất xây Chùa thỉnh Sư trụ trì. Theo lời phó chúc của Thầy Bổn Sư: “Chánh Pháp Sơn, Diệu Tâm Tự”, Sư làm vị tổ khai sơn chùa này và đặt tên Chánh Pháp Sơn, Diệu Tâm Tự. Hiệu của Sư là Vô Tướng Đại Sư. Sau này Sư có vị đệ tử hiệu là Vi Diệu Đại sư. Tất cả sự kiện này đều có liên hệ đến giai thoại của đức Thế tôn truyền tâm ấn cho Ngài Đại Ca Diếp.

Một hôm trên hội Linh Sơn, đức Thế tôn lên Pháp tòa. Có vị Trời Đế Thích đến dâng cúng cành hoa sen. Tiện tay nhận lấy, đức Phật cầm cành hoa sen đưa lên, đại chúng ngơ ngác, chỉ có Ngài Đại Ca Diếp mỉm cười. Đức Thế tôn bảo: “Ta có Chánh pháp nhãn tạng, Niết bàn Diệu tâm. Thật tướng vô tướng, Vi diệu pháp môn. Nay trao cho Ma-ha Ca-diếp.”

- Thượng Hoàng cúng đất xây Chùa thỉnh Sư trụ trì, ngụ ý muốn liên hệ đến việc Trời Đế Thích dâng cúng cành hoa sen lên đức Thế tôn.

- Tên núi là Chánh Pháp Sơn, ngụ ý muốn liên hệ đến câu: “Ta có Chánh pháp nhãn tạng”,

- Tên chùa Diệu Tâm Tự, ngụ ý muốn liên hệ đến câu: “Niết bàn Diệu tâm”.

- Vô Tướng Đại sư, ngụ ý muốn liên hệ đến câu: “Thật tướng vô tướng”,

- Hiệu của đệ tử là Vi Diệu, ngụ ý muốn liên hệ đến câu: “Vi diệu pháp môn.”

Tại chùa Diệu Tâm, Sư chỉ xây cất những ngôi nhà đơn giản, thô sơ để thờ tự và tu tập, không chú trọng đến đồ vật trang trí trong thiền viện và cũng không thích những nghi lễ rườm rà. Phong cách giảng dạy và đào tạo của Sư rất nghiêm khắc. Sư đòi hỏi nơi đệ tử một ý chí, một tâm thái mạnh mẽ tinh tấn tuyệt đối. Đa số người học sau một thời gian đều không chịu nỗi, rời Sư ra đi. Chỉ có thiền sinh nào đầy ý chí kiên trì mới dám ở lại tu tập. Dưới sự hoằng hóa của Sư, Diệu Tâm tự được gọi là “Địa ngục tột cùng của Phật pháp.”

Có lần Ngài Mộng Song Sơ Thạch là vị Quốc sư 7 triều Vua, trụ trì chùa Thiên Long đến thăm Diệu Tâm Tự. Thấy chùa đơn sơ, không nặng vật chất, đại chúng khổ hạnh, tu hành nghiêm cẩn, ngài Mộng Song nói, chính nơi này sẽ làm cho Phật pháp hưng thịnh, ngày sau con cháu của Huệ Huyền sẽ được truyền thừa lâu dài. Ta tuy được danh tiếng, tiện nghi, nhưng con cháu của ta về sau bị dứt tuyệt, không còn nữa.

Đúng như lời Ngài Mộng Song nói, nhờ vào chùa chiền đơn sơ, không nặng nề lệ thuộc vật chất, sự giáo hóa nghiêm minh, đại chúng tu hành nghiêm cẩn mà Thiền Lâm Tế chánh mạch được truyền đến những đời sau qua dòng thiền này. Cho đến nay, dòng thiền của Sư đã trở thành dòng thiền chính thống của tông Lâm Tế Nhật Bản. Sau này, kết hợp ba vị đại Thiền sư: Quốc sư Đại Ứng (là Thầy Quốc sư Đại Đăng), Quốc sư Đại Đăng (là Thầy Ngài Quang Sơn Huệ Huyền) và Thiền sư Quang Sơn Huệ Huyền trở thành một Pháp hệ Thiền Lâm Tế Nhật Bản nổi tiếng: Ứng-Đăng-Quang.

Một trong những công án Sư thường đưa ra để tham quán là “Đối với Huệ Huyền, nơi đây không có sinh tử.”
Sư cũng được gọi là “Ẩn đức Tổ sư”. Nghĩa là: Tổ sư với những đức tính thầm kín.

Trước khi tịch, Sư trao pháp y lại cho vị kế thừa duy nhất là Thụ Ông Tông Bật (Vi Diệu Đại Sư), chuẩn bị hành lý xong và đứng mà tịch.

Diệu Tâm tự ngày nay to lớn, hoành tráng lắm, không thể đi bộ hết khu vực này trong vài giờ. Chùa làm toàn bằng gỗ sồi, ngôi nhà nào cũng oai nghiêm. Có khu vực là rừng cao yên ắng, có nơi như Thối Tàng Viện thì hoa cảnh, hồ suối, lối đi rất nghệ thuật và đẹp. Buổi đầu với những thảo am đơn giản thô sơ, có ai biết được đạo phong lẫm lẫm đang ngấm ngầm trong ấy. Đến nay, cội nguồn phát tán thành ngôi thiền tự rộng lớn không tả xiết, cháu con lan tỏa, tiếp nối mạng mạch Phật pháp cho đến tận hôm nay.

Đoàn đã kết thúc hành trình tại Diệu Tâm Tự, nơi Quốc sư Đại Đăng và Thiền sư Huệ Huyền muốn ngầm chỉ đến Diệu tâm niết bàn. Đồng nghĩa chúng ta cũng nên tu tập, trau dồi, rèn luyện để có đủ tỉnh lực, để kết thúc mọi chuyện trong đời của mình cũng ở nơi tâm diệu niết bàn này! Nơi ấy không còn bóng dáng phiền não, khổ đau. Còn chăng chỉ là một thể vô biên bàng bạc, an vui khôn tả xiết! Lợi mình, lợi người khắp thiên hạ. Một lộ trình như thế, không thích thú sao được!

 

 

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

1217332
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
1884
4135
18174
1175483
102335
118095
1217332