Thứ Năm 28/11/2024 -- 28/10/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Thiền Sư Cứu Chỉ

TT.Thích Tâm Hạnh giảng tại TVTL Bạch Mã

THIỀN SƯ CỨU CHỈ

(Đời thứ bảy, dòng Vô Ngôn Thông)

Chánh văn:

Sư họ Đàm, quê ở làng Phù Đàm, phủ Chu Minh. Thuở nhỏ Sư rất ham học, đọc suốt các sách Tam giáo. Một hôm, Sư tự than: “Khổng và Mặc câu chấp về lẽ Có, Lão và Trang đắm đuối về lẽ Không, những sách thế tục chẳng phải phương pháp giải thoát. Chỉ có Phật giáo chẳng kể Có hay Không, có thể liễu thoát sanh tử, nhưng phải siêng năng tu trì giữ giới thanh tịnh và tìm thiện tri thức ấn chứng mới được”.

      Nhân đó Sư xả tục xuất gia, tìm đến Ấp Sơn, chùa Cảm Ứng xin làm đệ tử trưởng lão Định Hương.

      Thuở nhỏ Sư đã ham học, đã đọc suốt sách Tam giáo. Sư thấy rằng Khổng và Mặc, Lão và Trang là hai tôn giáo lớn của Trung Quốc. Khổng Giáo nặng về hình nhi hạ học, tức thiên về tổ chức xã hội. Lão, Trang thì nặng về hình nhi thượng học, tức nói những chuyện phiêu diêu tự tại, không cần phải dạy dỗ, tổ chức gì. Các vị đó cho rằng, sở dĩ dạy có hiếu vì con người ta bất hiếu, con người ta bất trung mới vì người dạy cho việc là phải trung... Do đó, tôn giáo này chủ trương là để tự nhiên không cần phải dạy gì cả.

        Đến khi Phật giáo truyền sang thì tư tưởng Phật giáo dung hợp cả hai phái Khổng và Lão. Ví dụ như tam quy ngũ giới, thập thiện... là dạy về cách sống trong xã hội được tốt đẹp, tức là hình nhi hạ học. Còn những pháp tu giải thoát sanh tử đó là hình nhi thượng học.

Chánh văn:

Giờ tham thỉnh, Sư hỏi: - Thế nào là nghĩa cứu cánh?

Trưởng lão (Định Hương) im lặng giây lâu, hỏi lại Sư: - Hiểu chưa?

Sư thưa: - Chưa hiểu.

Trưởng lão bảo: - Ta đã cho ngươi nghĩa cứu cánh.

Sư suy nghĩ. Trưởng lão bảo: - Lầm qua rồi!

      Ngay câu nói này, Sư thấu triệt ý chỉ. Nhân đó trưởng lão đặt tên Sư là Cứu Chỉ.

      Đến giơ tham thỉnh, Ngài hỏi thế nào là nghĩa cứu cánh? Nghĩa cứu cánh tức chỉ cho chỗ rốt ráo, bặt suy nghĩ, suy lường, đối đãi, tức chỉ cho bản tâm của mình, nó hay tự tại trên tất cả nhưng tất cả lại không đến kịp, không can hệ dính dáng gì. Cho nên, ngài Định Hương mới im lặng để chỉ bày.

      Im lặng giây lâu, hỏi hiểu chưa, ngài Cứu Chỉ đáp: Chưa hiểu. Khi hỏi về nghĩa cứu cánh, vì sao trưởng lão Định Hương lại im lặng? Nghĩa cứu cánh tức là mọi thứ không đến kịp, nói và nín, im lặng cũng không dính dáng, nó vượt thoát. Quý vị trở lại tánh đó thì nói cũng như mình làm thinh, mà làm thinh hay nói không chạm đến được chỗ đó, chỗ đó bình thường tự tại. Nghe ai nói thì mình cười, mình trả lời hay im lặng cũng vậy, tự vượt thoát.

      Thử đặt câu hỏi bỏ ngoài nói, nín, im lặng ra thì là gì? Vì sao phải nói bỏ ngoài? Vì mình chưa quen, chưa có kinh nghiệm. Khi nghe hỏi nghĩa cứu cánh thì im lặng, mình lại chồm trên im lặng để thấy. Sau đó Ngài hỏi hội chưa, mình lại để ý trên nói mà nhìn. Mình can thiệp trên nói và nín, tức là phan duyên. Mình cứ nhảy ra coi im lặng là gì, mà nói là gì. Ngay khi phan duyên tức là bỏ trống, bỏ quên cái nghĩa cứu cánh đang hiện tiền.

      Vậy có nhất thiết phải im lặng không? Nếu cố định phải im lặng thì tại sao sau đó trưởng lão Định Hương lại hỏi hội chăng? Tại sao lại nói? Nếu đã hỏi hội chăng thì tại sao trước đó im lặng. Vậy im lặng là phải hay nói là phải? Có nhất thiết phải im lặng không? Nói hay nín chỉ là một cơ để khai thị. Cho nên, ngay chỗ im lặng, ngài Định Hương khéo khai thị cho ngài Cứu Chỉ nghĩa cứu cánh vắng bặt, vô tướng, trùm khắp tất cả. Nó không nằm trong chỗ nơi, không ở vào bất kỳ một chỗ nơi nào kể cả chỗ im lặng và bặt ngôn ngữ, trả lại mình mới sáng ra.

Vì vậy, chúng ta là người khéo học đạo phải nhớ nghĩa cứu cánh không nhằm chỗ im lặng để nhận, mà  vượt trên cả nói và nín. Người được rồi thì tùy thời nói nín tự tại. Ở đây cơ dụng Thiền sư là khi ngài Cứu Chỉ hỏi thế nào là nghĩa cứu cánh, ngài Định Hương im lặng. Ngay khi im lặng mà không nhận thì Ngài hỏi hội chưa, lúc này lại nói. Đó là gì? Vượt thoát nhưng tùy thời nói nín tự tại. Lúc đó ngài Cứu Chỉ nói Con chưa hội. Ngay đây, ngài Định Hương nói Ta đã chỉ cho ngươi nghĩa cứu cánh rồi, đó là nói.

Trước đó im lặng, nếu khéo thì nhận thẳng, nếu chưa thì chính ngay khi ngài Định Hương im lặng, tâm của ngài Cứu Chỉ đã bị rung động. Tức nếu chưa ngộ, chúng ta phải coi nó là gì. Khi rung động rồi thì không còn ở chỗ bản vị của nó. Đây là Trưởng lão Định Hương đã dùng định động. Trước dùng định động sau lấy trí nhổ, đây là thuật của Thiền sư. Im lặng là định, nếu chưa ngộ thì rung động. Đến đây, Ngài nói Ta đã chỉ cho ngươi nghĩa cứu cánh rồi là bắt đầu mở lời nói là dụng của trí, là gợi mở. Ngay đó chỉ rồi, đây là lấy trí nhổ. Trước im lặng là dùng định động, sau nói rằng ta đã chỉ rồi đó, đây là lấy trí nhổ.

Sư vừa suy nghĩ thì trưởng lão Định Hương liền nhanh, nói thẳng lầm qua rồi. Ngay đó Sư liền ngộ tột ý chỉ. Toan suy nghĩ, Trưởng lão Định Hương bảo lầm rồi, ngay cái dòng chuẩn bị đi ra mà lầm thì quay lại, bặt không thêm, chặn cái dòng đó không thèm suy nghĩ, trả lại tánh thể, liền đó sáng ra.

Ví dụ thiền sư Kỉnh Huyền, lúc còn đi du phương, ban đầu đến thiền sư Duyên Quán ở Lương Sơn. Sư hỏi: Thế nào là đạo tràng vô tướng? Ngài Duyên Quán khéo dẫn từ cái ý để khai ngộ. Ngài chỉ tượng Bồ-tát Quan Âm nói: Cái này là do ông Ngô Sử Sĩ vẽ. Ngài Kỉnh Huyền vừa chuẩn bị tiến ngữ. Ngài Lương Sơn ngay đó nói ngay "Cái này có tướng, cái kia không tướng". Tức là vừa suy nghĩ ra là có tướng, quay trở lại là vô tướng. Nhân đó Ngài Kỉnh Huyền tỉnh ngộ và lễ bái.

Ví dụ thêm để đại chúng thấy, khi Trưởng lão Định Hương nói Ta đã chỉ cho ngươi nghĩa cứu cánh rồi, ngài Cứu Chỉ vừa suy nghĩ, ngài Định Hương liền nói lầm rồi, nghe lầm là dừng, liền đó thấu triệt ý chỉ. Nhân đó Trưởng lão Định Hương đặt cho sư cái tên là Cứu Chỉ. Cứu Chỉ là gì? Tức là tham cứu được tột cùng, thấu triệt, rốt ráo đến diệu chỉ của Phật pháp, tức là ngộ tột cùng nghĩa cứu cánh, bản tâm bất sanh bất diệt của mình.

Chánh văn:

Sau, Sư lên chùa Quang Minh, núi Tiên Du (Bắc Ninh) ở luôn trong đó chuyên tu hạnh đầu-đà, trọn năm không bước chân xuống núi. Tiếng đồn tới kinh đô, vua Lý Thái Tông cho mời mấy phen mà Sư không đến. Đích thân vua ba lần đến chùa Sư thưa hỏi. Thái sư Lương Văn Nhậm rất kính trọng Sư.

Khoảng niên hiệu Long Thụy Thái Bình (1054-1058), tể tướng Dương Đạo Gia lập chùa Diên Linh trên núi Long Đội, Yên Lãng thỉnh Sư trụ trì. Cố từ chối mà không được, Sư đành hạ sơn. Ngày ra đi, Sư nói: “Ta chẳng trở lại đây nữa.” Cầm thú trong núi kêu buồn suốt ba tuần mà chưa dứt.

 

Năng lực nào cho Ngài có khả năng ở trong núi hẳn quanh năm suốt tháng không xuống núi? Ngài Cứu Chỉ đã lãnh hội rồi, sống bằng tự tánh thì tánh tự tiêu dao, tự tại, vui, đong đầy, đâu thấy cần gì mà phải xuống dưới núi. Khi nào trong hông ngực mình nó trống trơn, không có đạo lý gì thì bắt đầu con khỉ của mình sống dậy. Nó tìm bên ngoài kêu chóe chóe, chạy xuống núi tìm lung tung.

Còn chúng ta, một là vui với đạo, tức là suốt ngày học, tọa thiền, lao tác, kinh hành, tất cả đều không ra ngoài sự giác sáng. Niềm vui đong đầy, liên tục mà không thấy sự căng thẳng cho nên chúng ta không nhớ tới việc xuống bếp tìm ăn cái gì, đi tìm người nào hợp với mình để nói chuyện hay chạy tới chỗ nào đó để mình quậy quọa cho khai phóng cái tâm. Mình biết vui với đạo thì trong người mình đong đầy, tự nó nhất như, sống quanh năm với niềm vui, không để ý gì nữa. Các vị thiền sư hay nói Chọn nơi đất vắng hợp lòng quê, quanh năm mặc khách đến hay về. Tức là quý ngài dù khách đến cũng quên đón mà về cũng quên đưa. Còn mình nhớ mẹ nhớ cha, cha mẹ tới mình sụt sùi, tiễn tới cổng muốn đi theo mà chưa xin phép.

Mình sống làm sao như các thiền sư, tức là mình niềm nở, nhớ rằng quyến luyến là bận bịu. Đó là ngang mức chúng ta đang tu, còn với ngài Cứu Chỉ khi Ngài ngộ tánh rồi, tự tánh đó khiến cho Ngài tiêu dao, tiêu sái, tự tại và không thèm bước chân xuống núi. Cho nên, các vị thiền sư nói Từ nay ra cửa cũng biếng lười, không phải lười hay biếng gì mà không có gì để nghĩ đi xuống núi.

Qua đó cho chúng ta thấy công hạnh tu hành miên mật của Ngài, Ngài lấy việc tu hành sáng đạo làm chính. Tức là khi vào chùa, Ngài tham thỉnh làm sao ngộ cho bằng được cái nghĩa rốt ráo cứu cánh và khi ngộ rồi thì ở trên đó mặc tánh tiêu dao, chỉ có bảo nhậm và sống cho bằng được, không nghĩ chuyện khác.

Hiện nay chúng ta cho rằng, thời đại 4.0 cho nên mới có nhiều thứ trắng qua xanh lại tía phải vàng sai, nó hấp dẫn mình và chúng ta bận theo nó thì quên tự tánh này cho nên chúng ta cũng quên ngộ, quên nhận, quên tu. Những chuyện đó là gì? Các pháp trong đầu mình sanh khởi, lấp đầy. Ở ngoài đời, mình bỏ những chuyện cho là huyễn hóa, mình buông mình tu nhưng không ngờ mình lại tìm những loại huyễn hóa, hợp pháp lấp vô trong đầu mình, cuối cùng mình tìm thêm một sự trói buộc khác.

Tâm mình chỉ ăn trong hai thứ, khéo tu thì ăn thiền duyệt, pháp hỷ, không khéo tu thì tìm tướng bên ngoài để lấp vô. Khi nào mình tu mà thấy đầu mình bồng bềnh, mênh mông, miên man là biết nó đói ngũ dục, lục trần. Nó tìm, nó đòi ăn thì bắt đầu nó bào chữa cho mình ăn những thứ được gọi là hợp pháp. Nhưng kiểm tra lại, những thứ hễ có tướng đều là pháp trần mà pháp trần lấp vào thì tăng lớn phàm tình, chúng ta không sáng đạo được. Vì vậy, mình muốn tu sáng đạo, phải mạnh mẽ, dứt khoát, quyết chí dọn cho sạch tâm của mình. Đó là mình học theo hạnh của ngài Cứu Chỉ.

Kế là chúng ta nên học ngay sự miên mật, tìm tâm không thể thấy, bặt dấu vết ở trên núi thì tốt. Đó là học thẳng cội nguồn, đừng học theo dấu vết bên ngoài. Dấu vết ở đây là cầm thú trong núi kêu buồn suốt ba tuần mà chưa dứt, học như thế sẽ sanh bệnh. Đa số trong thiền sử ghi lại, các vị thiền sinh sanh bệnh là do vì học theo dấu vết, học những cái kì đặc, lạ lùng bên ngoài của quý ngài mà quên học tới tự tánh bặt dấu vết. Quý vị bắt chước tướng bên ngoài là bị bệnh. Nhẹ là bị cái bệnh bắn bổng, nặng giống như giai thoại của thầy trò ngài Hạo Bố Côn, may quần cụt rồi viết tên chư vị Tổ sư trong đó để mặc, sư phụ nói thấy gì mà dám làm như vậy, về sau thổ huyết mà chết. Đúng là sau này ông thị giả thổ huyết mà chết. Cho nên, học cái gì bên ngoài là sai mà học thẳng chỗ mắt Phật nhìn không ra, tức là bặt hết dấu vết, không mê, tánh tự sáng thì tánh đó cho mình tiêu dao, tự tại.

Quý vị hay bắt chước dấu vết, thấy người này giảng vậy mình cũng bắt chước nói theo, tức cười lắm. Nghe thấy thiền sư đó hay la hét, mình cũng la hét, thiền sư đó có vẻ mạnh bạo, mình cũng đi cà ngỗng cà nghễnh, cái đó gọi là dấu vết. Đừng học dấu vết mà học thẳng tự tánh, ngộ tánh thì đồng tâm thể chư Phật và thiền sư có thị hiện điều kì đặc gì cũng trong đó thôi.

Tóm lại, tâm chúng ta dễ tìm tướng. Đừng nên tìm tướng. Có mầu nhiệm xảy ra đi nữa, chuyện đó không ăn thua, chuyện đó là bên ngoài. Nhớ kỹ chỗ này. Mình tìm trên tướng thì bị bệnh, không tiến được.

Chánh văn:

Trụ trì chùa Diên Linh được ba năm, khoảng niên hiệu Chương Thánh Gia Khánh (1059-1065), Sư sắp tịch, bèn gọi môn đồ đến dạy:

- Phàm tất cả các pháp môn vốn từ tánh của các ngươi, tánh tất cả các pháp vốn từ tâm của các ngươi. Tâm pháp nhất như, vốn không hai pháp. Phiền não trói buộc, tất cả đều không. Tội phước phải quấy, tất cả đều huyễn. Không cái nào chẳng phải quả, chẳng phải nhân. Không nên ở trong nghiệp mà phân biệt báo, không nên ở trong báo mà phân biệt nghiệp, nếu có phân biệt thì chẳng tự tại. Tuy thấy tất cả pháp mà không có chỗ thấy, tuy biết tất cả pháp mà không có chỗ biết. Biết tất cả pháp lấy nhân duyên làm gốc. Thấy tất cả pháp lấy chánh chân làm tông. Tuy chuyên nơi thật tế mà rõ thế gian đều như biến hóa. Rõ thấu chúng sanh chỉ là một pháp, không có hai pháp. Chẳng rời cảnh nghiệp mà phương tiện khéo léo, ở trong cõi hữu vi hiện bày pháp hữu vi mà không phân biệt. Tướng vô vi là do hết dục, dứt ngã, quên niệm mà nhận lấy vậy.

Lời dạy của Ngài rất hay mà đầy đủ, chúng ta học kỹ để biết ứng dụng tu và kiểm chứng công phu của mình. Nếu thấy hết lời dạy này để dụng công, chắc chắn sẽ không bao giờ bị lạc vào đâu cả. Dùng lời Ngài dạy để kiểm chứng công phu tiến đạo của mình ngang nào thì chúng ta cũng ngăn được cái lầm lạc vào trong những ngã tẽ tạm thời, được ít cho là đủ. Vì thế, lời dạy này quý Thầy dành thời gian nhiều để giảng giải cho thật chi tiết, kỹ lưỡng, đầy đủ để ứng dụng tu chứ không phải mình học nghĩa lý thôi.

Bây giờ giải từng câu để quý vị biết, khi thông suốt rồi thì nghe hay và có logic. Câu sau giải thích cho câu trước, hết mấy câu giải thích đến câu kế, nó thắt chặt, gói gọn lại những ý vừa nêu. Cho nên, bây giờ mình nghe từng câu, rồi học cho thông, thông sao mà mình không cần suy nghĩ, nhìn vô là các nghĩa lý hiện tiền, mình biết hết. Sau đó chúng ta đọc hết toàn bộ bài văn theo logic ý nghĩa của toàn đoạn văn. ''

Đây là lời dạy mà Ngài dạy cho các  môn đồ đệ tử: Tất cả các pháp môn vốn từ tánh của các ngươi. Nghĩa là tất cả các pháp môn vốn từ tánh của các ngươi, tức là tự tánh của những vị đệ tử của Ngài, chưa nói tới chuyện tự tánh của những vị thiền sư ngộ đạo. Nghĩa là ai cũng sẵn có Phật tánh, chúng ta tu hành theo thời gian đạt đến giác ngộ viên mãn, từ tự tánh giác ngộ đó mới phương tiện lập nên các pháp môn, đưa hành giả, người học trở về nhận lại tự tánh.

Cụ thể, đức Phật nói rằng tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, và tất cả chúng sanh đều sẽ thành Phật. Cho thấy, ai cũng có Phật tánh và trên cơ sở có Phật tánh đó, nếu tu hành, cuối cùng rồi ai cũng sẽ thành Phật. Tại sao Ngài không nói nếu tu hành mà nói tất cả chúng sanh đều sẽ thành Phật? Vì tất cả chúng sanh ai rồi cũng sẽ thành Phật mà không cần nói chuyện tu, tu là một chuyện hiển nhiên.

Nghĩa là sao? Chúng ta đang ngồi như vậy, con ruồi bu trước mặt, chúng ta phủi liền không chấp nhận. Quý vị đang ngồi học như vậy, con ong chích sau lưng giật mình liền. Những trạng thái đó, chúng ta đừng hiểu qua suy nghĩ của môn tư duy mà chúng ta thấy thẳng bằng cái biết. Ngay cái đó giật mình là biểu hiện chúng ta không chấp nhận đau khổ. Cho nên, bão lũ là mình dời đi chỗ khác an toàn hơn, nghe những dịch bệnh là mình tránh, chích thuốc, uống thuốc, mình không chấp nhận đau khổ. Không chấp nhận đau khổ tức là tu. Cho nên, tu chính là bản năng, bản chất thật nơi mỗi người, không cần phải khuyên. Họ không chấp nhận đau khổ là họ tu.

Mới đầu là chưa chuyên nghiệp, dần dần gặp Phật pháp, họ thấy đây là con đường giải khổ rất hay, sau đó đi theo để tu, tu lâu ngày như thế sẽ thành Phật. Quay trở lại chuyện con ong chích, theo duy thức học, chích như vậy nếu chúng ta giật mình đó là chúng ta chấp ngã, đó là thức mạt-na phản ứng tự động, giật mình, không chịu chết. Nhưng đó là chúng ta quên chân tâm mà theo cái giật mình thì nó là thức chấp ngã. Cho nên, khi mê toàn bộ là thức. Nhưng cũng ngay cái giật mình đó mà sáng lại tâm mình, nhận chân tâm thì thức biến thành trí. Ngay đó là diệu dụng chân tâm cho chúng ta biết giật mình chứ không phải thức chấp ngã. Vì sao? Vì mình ngộ chân tâm, khi mê toàn biết là thức. Học duy thức để biết chứ đừng có đi vào duy thức sâu thì sẽ mê sâu, càng nói mà mê thì chúng ta cũng không giải quyết được gì trong sanh tử này, còn ngộ thì cũng ngay đó nhưng là trí.

Con ong chích mà mình giật mình, có ba ý nghĩa. Một là con người ta không chấp nhận khổ, giật mình là muốn vượt khổ, muốn vượt khổ là muốn tu. Hai, ngay giật mình mà mê tâm thì đó là thức mạt-na chấp ngã. Con chó nó dơ bẩn, đập nó thì nó bỏ chạy không chấp nhận chết. Nhưng ngay giật  mình mà chúng ta sáng ra chân tâm thì đó là trí dụng đang hiện tiền. Mình ở trường hợp nào là do tâm của mình. Tất cả chúng ta đều có chân tâm Phật tánh, cho nên chúng ta mới giật mình mà nhận ra và cái giật mình mà nhận ra là chúng ta không chấp nhận đau khổ, đó là muốn tu. Và từ Phật tánh bảo mình tu, cho nên cuối cùng chúng ta sẽ ngộ Phật tánh viên mãn, sẽ thành Phật.

Đức Phật ban đầu mới phát tâm tu hành cũng như chúng ta, trải qua nhiều kiếp tu hành, thành đạo, viên mãn tự tánh. Từ tự tánh viên mãn đó, Ngài lưu xuất lập bày phương tiện, nói Kinh lập giáo. Chúng ta thì sao? Đều có Phật tánh, đều sẽ thành Phật và chúng ta sẽ tu hành bao nhiêu kiếp không cần biết, cứ nhắm ngay Phật tánh đó mà tu thì đời nào ra đời, Phật tánh đó cũng bảo cho mình tu. Trong mộng tìm chi người tri thức, mặt thầy sẽ thấy trên mặt mình hoặc là Thầy xưa mấy lượt hóa thầy nay. Các thiền sư hay dạy cho mình, chúng ta đều có Phật tánh, đều thành Phật thì khi tu hành thành Phật, chúng ta cũng sẽ từ tự tánh viên mãn đó mà nói Kinh, lập pháp môn. Do đó, tất cả các pháp môn vốn từ tánh các ông.

Tánh của tất cả các pháp vốn từ tâm của các ngươi. Các pháp tự tánh không, nếu hiểu theo nghĩa này thì bất ổn. Vì sao? Tức là bản tánh của các pháp là tự tánh không, mà nói là vốn từ tâm các ngươi thì vô hình chung, có nghĩa là từ tâm mình, mình quy ước, quan niệm thấy bằng trí mình, mình nói là tự tánh không. Chứ thật ra bản chất các pháp là tự tánh không chứ không phải do mình quy định. Mình thấy hay không thấy thì bản chất nó cũng là không, mình biết hay không biết thì cái hoa này đúng lúc thì nó cũng phải thúi, nó vô thường là tự tánh không. Đó là sự thật, không phải do quan niệm. Cho nên, trong trường hợp này cũng thấy các pháp là tự tánh không, huyễn hóa nhưng mà phải hiểu theo nghĩa chặt chẽ hơn để không bị lầm.

Chữ tánh trong trường hợp này phải hiểu nó là bản chất của các pháp, là gì? Bản chất các pháp là tự tánh không, đều từ tâm sanh mà nó được tồn tại. Cụ thể bản chất các pháp không tự nói là có hoặc không mà nhờ tâm mà nó được nhận biết, xác định nó là có. Thứ hai, bản chất các pháp do tâm tạo ra.

Câu hỏi thảo luận: Các pháp từ tâm sanh (tâm sanh các pháp) hãy nêu nghĩa cơ bản ngắn gọn nhất có thể?

Với câu này, quý vị nhớ có ba ý. Một là tâm sanh các pháp như thế nào? Nhờ tâm nhận biết mà các pháp có sự tồn tại. Hai là do tâm sanh ra. Trong hai vế này chúng ta chia đều cho hai phạm trù đó là với người mê, nhận biết và phân biệt, người giác thì liễu tri bất động. Vế thứ hai là tâm tạo tác. Với người mê, khởi niệm thì tạo thành. Với bậc giác thì làm tất cả vẫn không động, thị hiện giáo hóa tùy duyên như đoạn sau Ngài nói rằng vào trong cõi hữu vi bày hiện tất cả hữu vi mà không phân biệt. Thứ ba là mình rõ tất cả các pháp từ tâm sanh thì nó không thật, nó như tuồng sân khấu, như đom đóm dụi mắt có ra, như biến hóa. Tột cùng không thật thì chúng ta không theo, trả lại tánh mình để ngộ tự tánh. Đây là Ngài nói tánh của tất cả các pháp vốn từ tâm của các ngươi, chúng ta phải thấy suốt như vậy. Mình học căn bản chắc, nhưng suốt tột tự tánh chứ không phải học theo chữ nghĩa bên ngoài.

Tâm pháp nhất như vốn không hai pháp. Suốt hai nghĩa lý vừa nêu trên, các pháp môn là tự tánh của mình cho nên trong kinh Bát-nhã nói không có Khổ, Tập, Diệt, Đạo, không có Tứ Đế, không có Mười Hai Nhân Duyên. Tất cả pháp Phật đều không, vì sao? Vì pháp Phật đều từ tánh Ngài lưu xuất mà mục đích lưu xuất là như ngón tay chỉ mặt trăng. Mình phải khéo nương ngón tay để thấy mặt trăng chứ đừng chấp cho ngón tay là thật rồi nhìn trên nó mà không thấy mặt trăng.

Đức Phật như bậc đại y vương, tùy bệnh cho thuốc. Cho nên Pháp nói ra là để trị bệnh, uống vào lành bệnh thì thôi chứ đừng chấp thuốc rồi giữ để dành, tiếc không uống rồi mình bị bệnh trầm kha sanh tử. Ý ở đây là tất cả các pháp môn đều từ tánh các ông, thấy thêm nữa là các pháp môn từ tánh biến hiện nhưng mục đích là để chỉ tánh, đừng chấp nó là thật. Trong kinh Bát-nhã mình tụng hằng ngày, không tất cả pháp trần bên ngoài, không pháp Phật, không Tứ Đế, không Mười Hai Nhân Duyên... Thêm một nghĩa nữa là bản chất muôn sự muôn vật đều từ tâm mình mà biến hiện, sanh ra. Kinh Bát-nhã nói không có mắt tai mũi lưỡi thân ý, không có hương vị xúc pháp.

Từ hai nghĩa lý mình vừa học ở trên, tức suốt tột từ pháp có tướng, cho đến pháp môn đều là như biến hóa, không thật. Đừng theo, trả lại tánh mình, khi trả lại tánh mình thì pháp cũng không, tâm cũng không. Lúc này trở trên trong lặng, đừng thèm dẹp, không cần phải cất bình hoa này, cái này để cũng tốt, không có gì, dính nhiễm tại khởi tâm. Còn lúc này biết nó là do biến hóa, do mình cắm nó ra, mai mốt mình không chăm, nó héo tàn. Suốt rồi thì không thèm để ý, trả lại tánh mình thì tâm không cảnh tịch. Lúc này bình hoa nó không tịch, trong lặng.

Đây là nói lý thuyết, còn trở lại cái tâm đó thì tất cả mọi thứ sáng ngời, lặng trong, quậy kiểu gì cũng không động, chứ không phải cứng khừ, tu mà kềm đè. Khi tâm không cảnh tịch là thấy biết vượt năng sở, không hạn cuộc con mắt, nó sáng ngời, nghe chẳng hạn cuộc lỗ tai. Cũng từ lỗ tai mà nghe, từ mắt mà thấy, cảnh đó mắt đây, tiếng kia tai đây mà không phân biệt, sáng ngời.

Cho nên ngài Bá Trượng nói Linh quang độc diệu, huýnh thoát căn trần. Cái nguồn sáng riêng chiếu độc diệu, vòi vọi, nó không can hệ, không dính dáng. Huýnh thoát căn trần là vượt thoát căn trần, cũng căn này cảnh kia nhưng không biết sao lúc này vượt thoát hết, tự tại vô cùng. Thấy biết vượt căn cảnh, năng sở như thị như thế gọi là tâm pháp nhất như vốn không hai pháp.

Vốn không hai pháp là sao? Cảnh đó mình thấy nhưng nó không dính dáng can hệ gì tâm này. Cho nên nó không phải ở trong mình. Cảnh là cảnh, mình là mình. Mình vẫn thấy nó chứ không phải là ngậm miệng đắp tai, không cần quay lưng ngoảnh mặt. Quay lưng ngoảnh mặt là vì mình mới tu, còn yếu, gặp chuyện thiên hạ mình xía vô, mình bàn, chuyện thế giới cũng nhảy vô bàn, trong khi mình cạo đầu đắp y rồi mà quên thanh tịnh. Sư Ông nói mấy chú giỏi làm cảnh sát Quốc tế, gặp gì cũng bàn. Ham bàn chừng nào là chúng ta cần phải ngậm miệng đắp tai. Còn nếu khéo tới cái điền địa này thì cảnh đó mình vẫn thấy cho nên nó không phải ngoài mình, vẫn thấy mà chẳng can hệ gì mình nên chẳng phải trong mình, tự vượt thoát như vậy thì mình và nó không qua phân biệt. Cho nên gọi là không phải hai pháp, cũng chẳng phải một pháp. Mình thấy nó cho nên nó không phải ngoài mình gọi là không phải hai, nhìn cảnh thì cảnh tức tâm, tâm tức cảnh, tức tướng tức tánh, tức là không có khoảng cách. Nhưng cảnh là cảnh, mình là mình, không lẫn lộn, không mê mờ, gọi là không phải một.

Vậy nó là gì? Đừng suy nghĩ nữa thì thấy rõ, cái này cần thấy ra chứ không có chuyện phải suy tư logic. Logic thì nói được, nói nhiều mà nói chuyện người khác chứ không phải mình. Khéo bặt, thấy ra thì chúng ta thấy trong này nó mầu nhiệm, đặc biệt như vậy. Nhớ câu dạy của ngài Cứu Chỉ có tính logic, liên đới bắc cầu. Quý vị càng nhớ nghĩa lý câu trước chừng nào thì thấy câu sau nó hay chừng đó.

Kết ngang đây, pháp môn cũng huyễn, các pháp có tướng, pháp hữu vi cũng huyễn. Tất cả huyễn trở lại tánh trong lặng, tâm không cảnh tịch thì tất cả pháp trong lặng. Các pháp trong lặng như vậy thì không phân biệt năng sở, căn và cảnh cho nên tự nó nhất như, thanh tịnh, vượt thoát không hai pháp. Bằng tâm nhất như thanh tịnh không hai pháp này để nhìn về tất cả các pháp như thế nào?

Phiền não trói buộc tất cả đều không, tội phước phải quấy tất cả đều huyễn. Chúng ta bị nhạy là khi nghe về phiền não là thấy tôi có cục phiền não. Phiền não nhảy ra, dính mắc, cho nên chúng ta không thể thấy được. Nhưng muốn thấy không thì phải trở lại cái tâm trong lặng, tâm pháp nhất như. Lúc này ngọn lá trong lặng thì phiền não cũng trong lặng. Bởi vì ngọn lá cũng bị mình biết và phiền não cũng bị mình biết. Bằng cái tâm trong lặng mình nhìn ngọn lá rơi nó trong lặng như thế nào thì chúng ta cũng nhìn phiền não đến trong lặng như thế. Không cần nói còn hay hết. Đạt đến trạng thái trơ và tự nó chết thì chúng ta mới tu thành công. Còn nếu can thiệp phiền não, làm gì đó thì cũng là phiền não mà thôi.

Cho nên Ngài nói đạt đến tâm cảnh nhất như, khéo thấy như vậy. Đạt không phải là đợi ngộ hay chứng gì, vẫn biết các pháp huyễn, trả lại tánh mình, tâm pháp nhất như vốn không hai pháp thì lúc này phiền não chúng ta cũng nhìn như vậy. Ngài nói đến lúc này thấy rõ phiền não trói buộc tất cả đều không, tức là phiền não còn hay hết mà không? Nếu chúng ta nói phải hết là chúng ta đang quan trọng phiền não thì nó quậy mình. Chúng ta nói rằng không mới không là đang quan trọng nó. Vậy phiền não không là còn hay hết? Nếu chúng ta nói huyễn là còn ở giai đoạn hạ thủ công phu. Giai đoạn trước Ngài nói tánh của các pháp đều từ tâm ông là biết nó huyễn nhưng đến đây rồi nhìn tâm cảnh nhất như vốn không hai pháp. Lúc này tất cả đều không là không tịch, là rỗng lặng, nó còn đấy nhưng nó rỗng lặng. Cho nên ngài Nham Đầu Toàn Khoát dẫn lời cổ đức: Chẳng phải trần chẳng xâm phạm ta nhưng khi ta vô tâm thì nó cháy. Có nghĩa trần lao phiền não có sơ sơ thì Ngài trở lại cái tâm không, tự nó cháy xèo chẳng còn gì cả. Chúng ta không cần hết thì nó sẽ hết. Còn nếu cần hết thì nó sẽ quan trọng, nó không hết. Phiền não trói buộc tất cả đều không có nghĩa là đến lúc này tâm mình rỗng lặng, không tịch. Vậy có hay không? Tự nó hết, cần gì phải bàn. Bàn là nó có, nó giống như bệnh lây nhiễm, nói là nó lan ra, đừng nói thì nó hết. Phiền não cũng vậy, rỗng lặng tự nó hết.

Tội phước phải quấy tất cả đều huyễn tức là không thật. Vì sao không thật? Mê mới tạo tội phước, phải quấy và tất cả mọi thứ có giá trị khi chúng ta mê. Giống như mình nằm ngủ, nằm vẹo cổ nên bị nghẽn hơi thở, mình nằm thấy hiện tượng là cọp rượt làm mình mệt. Cái mệt đó hợp với cái tim bị ép, nhưng cái thật là do tim bị ép mà cái mơ là do cọp rượt mình chạy lên núi. Bị cọp rượt chạy lên núi, mình mệt đó là trong giấc mơ chứ thức dậy không có. Phiền não trói buộc hay tội phước phải quấy gì cũng như con cọp rượt trong giấc mơ vậy. Mê thì có, tỉnh dậy rồi mình vẫn còn mệt mà cọp không có, tất cả đều không, chỉ có nằm ép tim, lấy tay vuốt vuốt tim thì hết. Cũng vậy, người tỉnh rồi nếu có dư báo, các ngài trở lại tự tánh thì cái dư báo cũng được chuyển hóa, được tiêu tán.

Đó là nói thẳng, bây giờ nói từng ý cho đại chúng nhớ. Rõ suốt các pháp đều huyễn thì đạt đến tâm pháp nhất như. Đạt được rồi thì cái khăn này là một pháp, là pháp trần bị chúng ta nhận ra, nó là tiền trần. Và phiền não trói buộc bị chúng ta nhận biết, là cảnh ở trong tâm cũng là một pháp và tội phước phải quấy bị mình biết cũng là một pháp. Khi đạt đến tâm không cảnh tịch, chúng ta nhìn chiếc lá rơi rất sáng, rất lặng trong... Nhìn chiếc lá như thế nào thì chúng ta nhìn phiền não tội phước trói buộc cũng bằng một cái tâm vắng bặt như vậy. Lúc này, bằng cái nhìn đó để nhận ra tâm mình thì sáng ra tâm pháp nhất như, thấy biết vượt năng sở.

Ví dụ tội phước nhân quả, khi gõ cái bàn này kêu một cái cốp, nếu lực nhẹ thì có tiếng nhẹ, nếu lực mạnh thì có tiếng mạnh, nếu mạnh hơn thì cái bàn sẽ rung. Nhân nào quả đó, đó là nhân quả rõ ràng. Nhưng vấn đề ở đây là chúng ta dùng tâm nào để nghe và thấy. Nếu bằng tâm loạn động thì chúng ta sẽ bị chi phối bởi tội phước nhân quả, cho nên sẽ có khổ và vui. Còn nếu bằng cái tâm mà tâm pháp nhất như vốn không hai pháp thì nhân quả tội phước phải quấy vẫn vận hành, cũng là một pháp nhưng lại trong lặng, vắng lặng, tâm mình sáng ngời, không mê thì chúng ta không lầm trên nhân quả.  

Không cái nào chẳng phải quả, chẳng phải nhân. Nghĩa đơn giản là không có cái nào tự nhiên, vô cớ khi không mà có, mà cái nào cũng đều có nguyên nhân, cái nào cũng từ nhân quả, trong luật nhân quả mà có, đó là nghĩa thứ nhất. Nghĩa thứ hai, Ngài nói không có cái nào chẳng phải quả, không có cái nào chẳng phải nhân. Tức nhân quả nó đang trước mắt, nó cận kề, nó đồng thời, nó không qua thời gian để mình phải quên nó. Nghĩa là trong nhân đã sẵn quả. Trong cái quả đang thọ, tạo một cái nhân tương tự quả đó là trong quả sẵn nhân.

Ví dụ trong một bài kinh Phật dạy, có vị trưởng giả rất giàu, nhưng lại không có con, suốt ngày ông chỉ ăn cơm hẩm, không dám ăn đồ ngon, ăn cơm nguội mà của để đống vậy. Cuối cùng ông chết thì sung hết tài sản cho triều đình. Mọi người thắc mắc đến thưa hỏi Phật, Phật nói thời quá khứ ông này giết hại con của người thân, cho nên bị quả báo đời này tuyệt tự là không có con. Thứ hai là quá khứ ông có cúng dường cho một vị Bích Chi Phật một phần ăn, sau khi vừa cúng dường xong thì ông tiếc, ông nói phải gì để phần ăn này cho con chó ăn, mình đỡ phải nấu đồ ăn cho nó. Vì cúng dường vị Bích Chi Phật nên kiếp này ông trở thành trưởng giả giàu có, nhưng vì cúng rồi tiếc, cho nên có của mà không hưởng được, cuối cùng chết một mình và tài sản sung vào công quỹ của triều đình.

Hiện nay cũng có những trường hợp tương tự. Không biết sao của nhiều lắm mà nó cứ mất đầu này, hụt đầu kia. Ngủ đến sáng mai trắng tay. Làm mệt, bóp miệng, bóp bụng không dám ăn mà mai tài sản mất tiêu. Là biết đó là của cho thấy mà không cho ăn, không cho hưởng là quá khứ mình bố thí rồi sau đó mình tiếc. Quá khứ đã làm như vậy, hôm nay thọ quả như vậy. Hôm nay tiếp tục quả này, kế thừa lối mòn tâm thức quá khứ, lại tiếp tục tạo nhân.

Cho nên, không cái nào chẳng phải quả, không cái nào chẳng phải nhân. Ngay quả cũng là nhân, ngay nhân cũng là lúc tạo quả. Vậy dùng tâm nào để thấy? Quên mình lao theo nó thì bị rối trong đó. Trả lại thì sao? Ngài nói tất cả đều không, rỗng lặng. Vì vậy, mình học đạo đừng dừng ngang đó. Nếu quý vị nghe nói kiếp trước tôi làm như vậy, giờ bị như vậy..., cái đó là quên bản tánh mà phân biệt trên tướng vận hành nhân quả nên chúng ta bị chi phối 100%. Học nhân quả để bị nhân quả chi phối là sai. Pháp Phật là biết sự thật nhân quả để thoát nhân quả.

Vì vậy, khi mình vừa quên tự tánh mà nhảy ra phân biệt những thứ đó là đúng sai, phải trái rồi khổ đau trên đó, phải làm gì, phải sửa lại, phải tu thế nào..., tất cả dù tốt vẫn là loạn động, vẫn là sanh tử, vẫn khổ đau, không ăn thua.

Không nên ở trong nghiệp mà phân biệt báo, không nên ở trong báo mà phân biệt nghiệp, nếu phân biệt thì chẳng tự tại. Ngài vừa nói tâm pháp nhất như, bắt đầu Ngài nói tới nghiệp báo nhân quả, nó cũng huyễn. Chúng ta vừa động tâm thì Ngài nói đừng có phân biệt.

Câu hỏi thảo luận: Thiền Tăng thấy thế nào về nhân quả nghiệp báo? (Không phải hiểu hay nhận biết về lý nhân quả nghiệp báo).

Thứ nhất là không lầm nhân quả. Không lầm ở đây có hai ý. Một là bất muội, tức là không mê lầm tạo nhân xấu ác. Có nghĩa là biết rõ nên làm thiện, không làm ác. Làm thiện thì có quả báo thiện, làm ác phải chịu quả báo ác. Thấy rõ ràng như vậy nhưng vẫn bất động, không phân biệt. Đây là không nên ở trong nghiệp mà phân biệt báo. Hai là sống bằng tự tánh, cho nên không mê mờ và đặc biệt sống bằng tự tánh thì không thấy biết theo cảnh. Cảnh ở đây là có sự vận hành của nhân quả. Cho nên, không bị nhân quả chi phối, có nhân quả vẫn không can hệ. Thấy rõ sự vận hành của nhân quả nhưng vẫn không phân biệt. Đây là không nên ở trong báo mà phân biệt nghiệp.  

Kế là diệu lực của định tuệ khiến vượt thoát, tức là bậc sống bằng tự tánh, có diệu lực tự vượt thoát như vậy. Bậc tu hành đã đạt ngộ có đầy đủ diệu lực của định tuệ, khiến tự vượt thoát tất cả một cách bình thường tự nhiên, như nhiên, không nằm trong suy nghĩ phân biệt. Quý ngài thấy biết suốt qua tất cả, tự vượt thoát tất cả và đối với nhân quả cũng vậy.

Thứ ba là có trí lực tự vượt thoát. Cái nhìn của thiền sư Cứu Chỉ bất động, có lực gọi là trí. Mà cái trí đó chẳng phân biệt, loạn động, suy nghĩ, tư duy mà vẫn bất động, có lực của trí. Cụ thể ngài Cứu Chỉ nói không nên ở trong nghiệp mà phân biệt báo, không nên ở trong báo mà phân biệt nghiệp, nếu phân biệt thì chẳng tự tại. Nghĩa là sao? Không nên ở trong tướng để thấy biết theo tướng, cụ thể tướng ở đây là nghiệp và báo. Không nên chìm trong nghiệp và báo để phân biệt nghiệp báo, nếu phân biệt thì bị chi phối, mất tự do, không được tự tại.

Quý vị ngộ rồi thì tự bảo nhậm. Chưa ngộ chỉ là tự sáng biết, không sanh khởi, không phân biệt, không kềm đè. Không mê, tự sáng biết thì chiếc lá rơi thế nào, nghiệp báo nhân quả, tội phước, phiền não...nó cũng là thế ấy. Còn ai mà lên thưa hỏi dài dòng quá, Sư Ông nói mấy chú nghe tôi giảng rồi, bữa nay mà có hai chú nào lên tôi thưa kiện gì thì tôi sẽ nói hai cái gã vô minh, đi về lo tu đi. Nghĩa là không can thiệp phải quấy mà nói đúng sai khi lên thưa thỉnh. Sư Ông nói cái chuyện đó là vô minh.

Tóm lại, chúng sanh mê lầm thì quả nhân trùng trùng đan xen, không thể thấy biết hết. Tuy rằng trùng trùng giao xen như vậy, nhưng nếu đã đạt đến tâm pháp nhất như cũng thấy biết rõ ràng và bất động như thị. Không nên khởi phân biệt, nếu phân biệt liền rơi vào tất cả, bị chi phối, sanh tử và khổ đau. Tóm kết lời dạy của Ngài là như vậy.

Tuy thấy tất cả pháp mà không có chỗ thấy, tuy biết tất cả pháp mà không có chỗ biết. Nghĩa là sao? Ở đây Ngài chỉ cho mình biết nếu mà tâm pháp nhất như, thấy biết nhân quả và các pháp thì phải thấy như vậy. Phàm phu thấy biết là phan duyên, tức là tìm cái gì để biết và thấy biết về cái gì đó, đó là có chỗ thấy biết. Bậc đạt ngộ tâm cảnh nhất như, nhìn bình thường, vốn tự sáng biết không khởi phân biệt là không tìm chỗ thấy biết.

Ví dụ quý vị đi tìm cái bình hoa để đem lên lớp học. Nếu người thường là chồm chồm xem bình hoa nằm ở đâu, trong khi nó nằm trước mặt mà mình không thấy bởi vì mình bận tìm những chỗ khác. Còn khéo công phu, chúng ta cứ đi đến bằng tâm toàn thể sáng biết, không cần lao ra phan duyên để tìm, thì thấy tất cả mà không chỗ thấy, biết tất cả mà không chỗ biết, nó tự thấy biết hết tất cả, thấy rõ bình hoa nó nằm bên này. Cụ thể chữ tất cả ở đây chỉ cho tất cả pháp, kể cả nghiệp và báo Ngài vừa nói ở trên, lời sau Ngài dạy ở đây là đã giải thích cho lời nói trước đó.

Trước đó Ngài nói tất cả chỉ là do tâm, do cái nhìn mà có. Khi đạt đến tâm cảnh nhất như, thấy biết tất cả, suốt qua tất cả không dừng trụ thì không có chỗ thấy biết. Lúc này nhân quả nghiệp báo trùng trùng đan xen cũng là một pháp, nhưng tâm cảnh nhất như rồi thì thấy biết cũng nhất như như vậy, sẽ được tự tại.

Biết tất cả pháp lấy nhân duyên làm gốc. Khi học Phật, nghe Sư Ông giảng, mình biết các pháp đều do nhân duyên hội tụ mà thành, không có một chủ tể làm nên. Mình biết mà còn động không? Còn động. Dùng tâm gì để biết? Tâm hiểu biết, lao ra bên ngoài để biết các pháp do duyên sanh mà quên tự tánh, cho nên vẫn biết huyễn mà trôi trong huyễn, chìm trong huyễn, bị chi phối. Nếu chúng ta trả lại tánh sáng của mình, nghe Sư Ông nói bàn tay không có thật, nắm lại tạm có, xòe ra thì không, mà đừng lao theo nó. Trả lại tánh sáng của mình thì nắm tay này không nói giả thật, nó trong lặng bởi vì tâm mình trong lặng, tâm cảnh nhất như thì bàn tay xòe nắm này vẫn là không tịch, rỗng lặng.

Cụ thể, đức Phật thành đạo rồi, Ngài vẫn biết các pháp huyễn hóa, các pháp từ nhân duyên sinh, cho nên Ngài mới dạy cho chúng ta. Chúng ta nói giả mà kẹt giả là do tâm mình còn động chưa nhận tâm. Cho nên, nói giả rơi vào giả thì bị huyễn giả chi phối, khổ đau là sai. Còn Phật, Tổ đã ở tự tánh mình rồi thì càng thấy rõ nó giả hơn chúng ta nữa, nhưng vẫn bất động. Đến đây tâm pháp nhất như vốn không hai pháp nhưng vẫn thấy rõ chân lý là biết các pháp lấy nhân duyên làm gốc tức là các pháp do duyên sinh, huyễn hóa không thật nhưng vẫn không động gọi là như huyễn tam muội. Thấy rõ tất cả như huyễn, như biến hóa vẫn ở trong chánh định. Lúc này biết là huyễn là chân, biết là thiện là ác nhưng vẫn không phân biệt, không động. Đây là tâm pháp nhất như vốn không hai pháp. Trong chỗ không phân biệt vẫn rành rẽ rõ ràng hơn cả phân biệt. Đây là bất động nhưng linh thông đến chủ động, vẫn bất động chứ không phải ở chỗ trong ngần cố chấp rồi ngồi cứng khừ trong đó.

Thấy tất cả pháp lấy chánh chân làm tông. Bằng vào cơ sở tiên phong là lấy thấy biết như thị ngay chánh, không thiên lệch để nhìn thấy tất cả pháp, không được chìu uốn theo phàm tình, theo ngã kiến riêng tư của mình. Cụ thể là chúng ta đừng để cho phàm tình và ngã kiến chi phối để phải thấy biết chìu uốn theo kiểu của nó.

Ví dụ như học thiền sư, xưa quý ngài tu đời khổ hạnh, ngài Cứu Chỉ sau khi ngộ rồi, cũng lên núi tu khổ hạnh, thiểu dục tri túc. Vậy thì hiện nay, đời sống tiện nghi đầy đủ hơn, chúng ta có nhất thiết phải thiểu dục tri túc không? Đúng chân lý là chánh chân làm tông, không có xiêu vẹo, không chìu uốn. Phải trả lời thẳng, tri túc là hạnh tu nơi chính mình, mình muốn như vậy để cho tâm mình rơi rớt, để bảo nhậm tánh của mình cho nên không can hệ bên ngoài.

Vì vậy không can hệ đến chuyện ngày xưa khó khăn hay bây giờ đầy đủ. Khó khăn hay đầy đủ là chuyện của bên ngoài, còn mình muốn tri túc thì ngày mai của có chất đầy thì đối với mình cũng thừa, không có dính dáng. Đó là chánh chân làm tông. Còn không chánh chân là sao? Trong người mình hơi sợ khó, hơi sợ khổ, lạnh tí thì sợ sổ mũi, nóng tí thì sợ giảm cân, nắng tí sợ đen da, làm tí sợ tróc móng tay móng chân, ví dụ là như thế. Mình sợ khó sợ khổ, mình thích tiện nghi, cho nên mình suy nghĩ ra một câu nói, trả lời nó hay, có vẻ có đạo lý nhưng kỳ thật những câu nói đó hợp với phàm tình gọi là chìu uốn. Mình cố nắn nó theo phàm tình bên trong.

Cho nên quý Thầy hay nói đừng nghe người ta nói mà nghe vì sao nói. Nếu người thích tiện nghi, sợ khó khổ thì trả lời quanh co, chìu uốn để mình được tiện nghi, tránh những chuyện khổ hạnh. Trả lời sao? Thời xưa điều kiện chúng khó khăn, nếu mình sống tiện nghi thì hơi phản cảm, Phật tử thấy họ không vui, không phát tâm tu tập, mình mang tội cho nên nên thiểu dục tri túc. Bây giờ đời sống sung túc, họ đi chơi, đi du lịch, họ còn lên cung trăng du lịch cho nên những chuyện ăn uống hằng ngày người ta cũng không để ý gì đâu. Do đó, mình cũng không mong cầu đi xin hay đi mua sắm gì, chỉ có điều là người ta cúng gì mình tùy hỷ đó, mình hoan hỷ thọ dụng chứ cũng không cần khổ hạnh ghê gớm lắm. Không cần phải vô trong núi ăn uống đạm bạc. Mình tùy hỷ mình ở đó, người ta cúng gì mình ăn đó. Nghe hay không, hợp đạo lý mà. Tùy duyên, tùy hỷ có gì đâu, nó hợp lý nhưng hỏi sao nói vậy? Hỏi trong bụng ưa gì vậy, sợ gì không? Dạ, sợ khổ, sợ khó, thích tiện nghi...

Vậy quý vị thấy là chánh chân hay là chìu uốn? Nếu người có đạo không bị ngũ dục, tiền trần và các pháp bên ngoài chi phối, lấy đạo làm chính thì bao giờ chúng ta cũng thấy biết chánh chân, ngay thẳng, hợp đạo. Còn nếu chúng ta quên tâm đạo thì sẽ rơi vào sanh diệt, loạn động, bị những thứ trong đời chi phối, lôi cuốn và chúng ta bất giác, không đủ lực. Biết mà không đủ lực cho nên bị lôi cuốn, dắt mình đi. Ban đầu tìm những ý tưởng cho hay nhưng kỳ thực là bào chữa cho những yếu kém của mình mà thôi.  

Tuy chuyên nơi thật tế mà rõ thế gian đều như biến hóa. Tức là không phải rời tự tánh vắng bặt nhưng vẫn sáng rỡ, đó là luôn chuyên nơi thật tế, nhưng rõ biết tất cả các pháp thế gian biến thiên như được biến hóa ra không thật. Vậy thấy tất cả huyễn nhưng không rời cái tánh sáng bất động này, vẫn rõ tất cả huyễn hơn cả người mê, đây là như huyễn tam muội. Ngài nói vậy để trừ chỗ mà Lục Tổ nói chấp có một cái nhất hạnh tam muội rồi ngồi quay lưng bịt mặt, kềm giữ. Ở ngay mé thật vẫn rõ biết các pháp huyễn hóa để tùy duyên tự tại.

Rõ thấy chúng sanh chỉ là một pháp không có hai pháp. Cái gì là hai pháp, cái gì là một pháp? Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, có chân tâm, có bản tánh đây là một pháp. Nhưng bị quên, cho nên trôi lăn trong sanh tử làm chúng sanh đây là pháp thứ hai. Nhưng với người giác ngộ thì thấy không phải hai pháp. Như Bồ-tát Thường Bất Khinh thấy mọi người Ngài xá, nói tôi không dám khinh các ngài vì các ngài về sau sẽ thành Phật. Ngài thấy tột đến chỗ tánh Phật chứ không thấy theo cái phàm mê nhất thời của chúng sanh.

Hiện nay chư vị tôn đức lớn làm trụ trì, sở dĩ các ngài vẫn dạy chúng, vẫn uốn nắn chúng, vẫn rầy la làm như là có vẻ nghiêm khắc, có vẻ khó khăn. Nhưng kỳ thực các ngài không phải như vậy, trong lòng các ngài rất từ bi, thương chúng, chăm lo từng chút để dắt dìu đến chỗ giác ngộ giải thoát. Nếu bực thật, khó thật thì phiền não chịu không nổi. Chúng nhiều quá mà mỗi người có chừng mười cái phiền não, gom lại vào trong người, phiền não vô trong đầu chịu gì nổi. Cho nên cái mặt giả bộ la như mặt trận, thật ra trong bụng không phải vậy. Vì sao? Vì chúng sanh còn mê thì sẽ còn vô minh mà trong mê trong vô minh thì tất cả mọi thứ làm đều không thật. Cho nên, phiền não ương ngạnh, cái phá phách sai lầm nó cũng không thật. Tại vô minh thôi chứ mai mốt ngộ, hết vô minh thì không có.

Hôm nay nếu mình vô minh, mình phiền não với chúng thì mình cũng vô minh giống chúng thì sao. Ai dại gì vô minh như vậy. La rầy vậy thôi, còn trong bụng thấy thẳng chúng có tánh Phật, mai kia ngộ có thể làm Tổ sư. Có ba việc nhỏ phải sợ, một là đốm lửa nhỏ, khinh thường nó là cháy. Hai là con rắn độc nhỏ, khinh thường thì nó cắn chết. Thứ ba là người tu hành nhỏ, dù mới tu hành như vậy nhưng trong có tánh Phật, mới đầu thấy lơ mơ vậy, mai mốt ngộ thì làm Tổ sư.

Các ngài nhìn thấu chỗ đó cho nên không thấy hai pháp, không thấy rằng có cái Phật tánh bị mê làm chúng sanh. Thấy tột Phật tánh đó, cho nên quý ngài nhìn thấy chúng sanh ai ai cũng chỉ là một tâm chân, nhưng do mê thì tạm thời che khuất, còn lại đối với sanh tử chỉ là một sự vắng lặng như người ngủ say, nằm mộng thấy đủ thứ, nó khổ bị cọp rượt, bị người ta chặt chém, la quá trời nhưng thân mình vẫn nằm trên giường, không bị gì. Tỉnh dậy không gì hết, bình thường. Trong mộng có khổ, nhưng thân vẫn nằm trên giường. Hiện nay còn mê, còn đủ thứ mà tánh Phật còn đó, mai ngộ là xong. Thấy được như vậy thì các ngài thấy rõ tâm Phật và chúng sanh bình đẳng không sai biệt, tất cả đều về nguồn tâm đó. Được như vậy sẽ thấy rõ như ngài Cứu Chỉ nói rõ thấu chúng sanh chỉ là một pháp không có hai pháp.

Chẳng rời cảnh nghiệp mà phương tiện khéo léo, ở trong cõi hữu vi hiện bày cõi hữu vi mà không phân biệt. Đây là diệu dụng, diệu lực tự tại, bất khả tư nghì, là điểm độc đáo, đặc sắc, nổi trội, riêng có của Thiền tông. Khi nói tới Niết-bàn hay giải thoát có hai hướng để hiểu căn bản. Một hướng là quý ngài muốn dẹp hết tất cả, an trú trong Niết-bàn tịch tĩnh vô vi, nếu ra độ chúng sanh thì thấy ngán, thấy sanh tử ghê gớm, không dám ra. Hướng thứ hai, ngộ tánh thì tất cả nhẹ thênh, không can hệ, không chạm đến được.

Vua Trần Thái Tông nói, tới chỗ này thêm một chút giống lấy bổi mà châm đốt, bớt một chút giống thịt lành mà khoét ra. Không bớt không thêm, sanh tử không can hệ. Tới lúc gần băng hà, vua Trần Thánh Tông mời quốc sư Đại Đăng với ngài Đạo Viên về khai thị, lúc này Ngài nói rằng dù cho Đại Đăng nói huyền, Đạo Viên có nói diệu thì nhằm chỗ nào để mà đến? Các ngài độc đáo ở chỗ ngộ tánh rồi thì Niết-bàn được gọi là vô trụ xứ Niết-bàn hay tánh tịnh Niết-bàn.

Ngộ tánh thì nhìn đâu cũng là tánh sáng ngời ngay đó là Niết-bàn. Niết-bàn tịch tịnh vô vi và vô trụ xứ Niết-bàn, hai chỗ này khác nhau, mình đừng nhầm lẫn. Điển hình là tánh tịnh Niết-bàn hay vô trụ xứ Niết-bàn không phải ngồi không để thanh tịnh, nhìn mọi thứ vắng lặng, sáng ngời, chuyện đó là vẫn còn chỗ không tịch nó trói. Các ngài quậy mà vẫn không động cho nên gọi là dấy mòi mà không phải sóng, phân biệt vẫn chẳng phải ý, chẳng phải có tướng phân biệt.

Chúng ta bị nhầm tưởng có tướng phân biệt, có tướng phân biệt là sai. Vì sao? Ngài Nam tuyền đến trang sở, mọi người nghênh đón.

Ngài nói: - Đi không cho ai biết tại sao nghênh đón?

- Hôm qua thổ địa mách bảo.

Ngài nói: - Lão tăng tu hành vô lực bị thổ địa thấy tâm.

Cho nên phân biệt không phải ý là chủ động đến sống động, mọi thứ vẫn bất động chứ không phải có tướng của phân biệt. Chúng ta hay bị nhầm chỗ có niệm và không niệm. Cái độc đáo của Thiền tông là vô trụ xứ Niết-bàn. Ở đây là tánh này nó vốn không động, vốn tự tịnh, tự định mà hay lập bày phương tiện để giáo hóa chúng sanh.

Cụ thể ở đây, ngài Cứu Chỉ nói chẳng rời cảnh nghiệp mà phương tiện khéo léo. Chứ không phải nói đời này nhiều nghiệp quá, sợ quá, trốn: kiếp sau xin chớ làm người, làm cây thông lớn giữa trời mà reo. Không sợ như vậy. Không rời cảnh nghiệp này mà lập bày phương tiện khéo léo để giáo hóa. Ngài nói cụ thể, ở trong cõi hữu vi, vào trong sanh diệt độ chúng sanh. Chúng sanh có đúng sai phải trái, sống thế này thế kia làm mình không hài lòng, mình vẫn thanh tịnh, không có gì không hài lòng hết, bước vô đó nói chuyện với họ, lập bày các pháp hữu vi.

Ví dụ có huynh đệ nói mai thi rồi, hôm nay mới ra đề cương, gấp quá, bỏ thi đi, ai học cho kịp. Mình nhảy vô nhóm đang bàn tán đó, nói ừ, theo tui phải bỏ đi, mai thi rồi mà hôm nay mới ra đề cương làm gì thi cho kịp, bỏ. Mình nói vậy mà trong bụng không phải vậy, đó là vào trong nhóm hữu vi đó mà bày pháp hữu vi, để làm gì? Để cho họ thỏa mãn, để có đồng minh. Nói họ nói đúng. Khi họ đã hả dạ rồi, bắt đầu cái vọng tưởng xẹp xuống. Lúc đó mình nói tiếp, nói cho vui vậy chứ nếu không thi mình đâu có điểm, thôi huynh đệ ơi, thi đi, đề đâu khó đâu, chẳng qua mình phiền não, mình nói cho dữ chứ thật ra đề này nó cũng dễ. Cho biết trước ngày mai thi thì hôm nay đọc trước, mai thi. Đề có ra nhiều đâu, ra có một câu à, thôi thi đi. Không thi thì mình thiếu điểm, ở lại lớp.

Như vậy kết quả là cho cái nhóm đang phiền não này hết phiền não, đi thi. Giảng giải Phật pháp cũng vậy, các thiền sư nhiều lúc vào trong chỗ gia đình người ta đang đánh nhau, đánh nhầm cả Ngài nữa.  Sau đó họ tỉnh táo, Ngài giáo hóa cả gia đình lo tu hành giác ngộ. Còn nhiều thứ chúng ta không thể nói hết. Cho nên Ngài nói hữu vi là tất cả mọi thứ, vào trong đó, ở trong đó mà vẫn không khởi phân biệt, làm tất cả vẫn bất động.

Như quốc sư Đại Đăng khi ngộ đạo, Ngài xuống chân cầu Ngũ Điều ở với nhóm ăn xin, họ nói bậy bạ, ở dơ dáy, quậy đủ thứ mà Ngài vẫn sống với họ. Ngài sống như họ, không ai biết Ngài là ai hết, để coi tâm Ngài như thế nào. Ví dụ như chúng ta không động, vẫn đưa tay lên, đưa tay xuống mà không phân biệt, không ngăn ngại. Đây là sống động, linh thông đến chủ động vẫn bất động. Quý vị nhớ chỗ này, bất động nhưng vẫn linh thông đến chủ động, chứ không phải là cứng khừ.

Nhiều vị ôm cái cứng khừ này là mình căng, công phu bị sai, lệch, thành bệnh. Không đợi khởi mới biết, ngay đó tự tại, hiện bày các pháp không ngăn ngại. Lớn hơn là quý ngài thị hiện tự tại vào trong cảnh nghiệp làm lợi ích chúng sanh nhưng không bị nghiệp sai xử, các Ngài vẫn vô phân biệt. Đây là các ngài nói không hoại các pháp thế gian mà bàn thực tướng. Nói chuyện đời, giáo hóa, cuối cùng ngộ tánh. Trong quá trình nói chuyện thi và không thi vẫn không rời tự tánh này. Cho nên không khởi phân biệt là như vậy.

Câu cuối là câu kết hết toàn bộ những ý trên. Tướng vô vi là do hết dục, dứt ngã, quên niệm mà nhận lấy. Câu này bao hàm tất cả những ý mà Ngài vừa dạy ở trên. Tướng vô vi tức bặt tướng, không dấu vết, chính là cái chỗ thật tướng vô tướng. Ở đây Ngài nói thẳng, nói thật và gần nơi mỗi chúng ta là gì? Muốn đạt đến vô vi không còn tạo tác, bặt dấu vết, tức đạt đến bản tâm thực tướng vô tướng nơi chính mình, thì phải chỉ nên ngay nơi ba việc này để kiểm chứng công phu và bảo nhậm. Đó là gì? Hết dục, dứt ngã, quên niệm. Ngay đó liền được sạch trọi trơn, bày trơ trơ, nhận thẳng liền sống dậy.

Quý vị nhớ, nếu dừng ngang đây mà giải thích, chúng ta cũng dễ bị sai. Chúng ta muốn giải thích ba nghĩa này là phải có cơ sở lập trường lý luận, đó là gì? Một là theo tinh thần Thiền thượng thừa, bởi vì đây là một vị thiền sư. Hai là khế với lời dạy của Ngài. Cụ thể hết dục, dứt ngã, quên niệm để nhận lại thực tướng, vô tướng chân tâm.

Ngài nói tướng vô vi chính là bản tâm thực tướng vô tướng là do hết dục, dứt ngã, quên niệm mà nhận lấy vậy. Chúng ta phải chứng minh theo chiều hướng lời Ngài đã dạy là hết dục, dứt ngã, quên niệm nhưng phải đảm bảo là nhận lại thực tướng vô tướng chân tâm. Còn nếu chúng ta phân tích đi theo hướng khác là triệt tiêu, dứt hết để vào trong vô vi Niết-bàn, đó là theo con đường khác để nhận chân tâm là sai với tôn ý của Ngài.

Như mình thi Vật Lý, ra đề dòng điện xoay chiều, mình lại lấy công thức dòng điện một chiều để giải, có khi cũng cho ra kết quả mà được chấm điểm không? Không ai chấm điểm. Cho nên nhớ, chúng ta phải chứng minh ba ý này theo chiều hướng hết dục, dứt ngã, quên niệm để nhận lại tướng vô vi, thực tướng vô tướng. Đó là gì? Quan điểm lập trường lý luận, nhắc điều này, để sau đại chúng ra giảng phải thấy đầu thấy cuối mà giảng. Chúng ta hay bị cái tật là bạ đâu giảng đó. Như kiểu mình thấy cái phao, nhảy xuống nước là chợp chợp, thấy nghĩa lý gì đó là lấy vô giảng liền, cái đó không ổn. Mình giảng đoạn cuối nó nghịch với đoạn đầu, giảng một hồi nó trật.

Đầu tiên, hết dục mà nói đúng nghĩa rốt ráo là dứt mong cầu, vô sở cầu. Cho nên ngài Đạt-ma có nói về vô sở cầu hạnh. Vô sở cầu này, chúng ta hiểu từ thô tới tế, nếu hiểu theo chữ nghĩa, vô sở cầu là không chỗ cầu. Hiểu thêm tí nữa theo công phu là không mong cầu gì, sâu kín hơn là người có công phu sẽ nói bặt tâm hy vọng, trông mong hay tìm cầu bên ngoài. Trong nhà thiền, Thiền tông Việt Nam mình nói là bất tùng tha đắc. Nếu quý vị bặt tất cả tâm, trả lại tánh sáng, mong cầu hết, dục sẽ dứt.

Hai là dứt ngã, tức Ngài dạy, dứt ngã đạt đến vô ngã. Mình muốn dứt ngã đạt đến vô ngã phải biết bản ngã là gì? Nhiều lúc mình cứ nói bản ngã hoài, cứ nhằm bản ngã mà chì chiết, mắng nhiếc nó, chửi bới nó, đè nát nó, đốt cháy nó... Nó là cái gì mà làm dữ vậy? Nó là cái bóng, không thật, mặc gì phải chì chiết.

Chúng ta càng can thiệp bản ngã chừng nào thì càng làm cho nó nặng nề thêm  bởi nó chỉ là cái bóng. Cụ thể, xác định cho ra bản ngã là gì. Có hai nghĩa chính, một là chấp cái thân tâm sanh diệt là mình, thì có cái tự ngã. Hai là cứ thầm thầm thấy có một cái ta ở trong người mình mà không rõ ràng, quay lại tìm thì không có. Nguyên nhân ban đầu, nguồn cơn ban đầu cũng do là quên tự tánh thì rơi vào thức của mê và khi rơi vào thức của mê thì sẽ thấy biết phân hai là rơi vào năng và sở, thấy biết theo phân biệt loạn động, rơi vào sanh diệt, chấp thân tâm sanh diệt làm mình thì bắt đầu có bản ngã. Từ đó thầm thầm có cái tôi, cái ta, đụng vô ta là không được mà tìm lại thì nó không có.

Đây là điểm chúng ta dễ chứng minh lệch qua một con đường khác, sai với tôn chỉ của Ngài là phải đạt đến tướng vô vi. Tướng vô vi Ngài nói không phải là Niết-bàn vô vi tịch tĩnh, bởi vì một thiền sư ngộ tánh thì không rơi vô đó, mà cái vô vi ở đây là thực tướng vô tướng nơi chúng ta. Cho nên, nếu chúng ta dứt ngã bằng cách quán chiếu thì sẽ thấy có mình, có pháp, mà khi thấy có năng sở như vậy là đã chia hai, rơi vào sanh diệt, còn trong sanh diệt chưa rời tình thức thì không dứt sạch bản ngã được.

Nếu quán chiếu sẽ rơi vào trong hai khả năng. Thứ nhất, đó là pháp đối trị tạm thời, nó chỉ ở phần ngọn, không sạch được bản ngã. Ví dụ như vừa thấy bản ngã, mình quán vô thường, nó hết, hết đó là hết cái ngọn, bóng dáng của nó nhưng ngày mai nó còn, quán tới chết nó vẫn còn, không sạch. Thứ hai, nếu chuyên tâm mạnh hơn, là đi bằng con đường triệt tiêu bản ngã, phiền não, vọng niệm...sẽ đi đến hai khả năng. Thứ nhất, nếu tu Thiền thượng thừa sẽ rơi vào chỗ thuần tịnh chuyển tiếp sau đó mới ngộ tánh. Chỗ này khó khăn hơn, nếu không có thiện tri thức hướng dẫn thì sẽ lầm đường. Thứ hai, nếu triệt tiêu sạch, đi theo con đường tu của thiền Nguyên thủy, thì đi vào con đường nhập vô vi Niết-bàn của A-la-hán, nhập vào con đường này thì không bàn tới ngộ tánh, mất cơ hội ngộ tánh.

Tất cả ở đây là do cái nhìn và dụng công ban đầu như thế nào sẽ đưa đến kết quả tương ứng và quyết định như vậy chứ không nằm trong quan niệm hay bất kì một sự quy ước, lý thuyết nào cả.

Như vậy muốn dứt ngã phải làm sao? Chỉ là sáng lại tánh mình thì rỗng rang, không phân biệt ngã và pháp, ta và người thì ngã tự vắng bóng, tự tiêu dung là dứt ngã. Lưu ý đừng cố lập cho là mình có một bản ngã để tiêu trừ nó như thế nào đó thì sẽ rơi vào tạo tác, không thể dứt ngã.

Thứ ba là quên niệm, không bàn luận là hết niệm hay còn niệm. Còn và hết đều can thiệp trên niệm, chưa quên thì niệm chi phối. Ở đây chúng ta không bàn là hết niệm hay còn niệm, không can thiệp trên niệm tức là không mê, cho nên chúng ta không dẹp trừ, không có tâm để mặc tình, chẳng phải theo niệm, không có thấy hoặc quan tâm niệm còn hay đã hết, chỉ sáng lại tánh mình thì tự là quên niệm, niệm mất lực chi phối, nguyên lý là vậy.

Tóm lại, không mong cầu, hy vọng hay trông mong gì bên ngoài sẽ hết dục. Rỗng rang, không phân biệt ngã và pháp, ta và người liền dứt ngã. Không can thiệp trên niệm, không cố thấy hoặc quan tâm niệm còn hay đã hết, chỉ sáng lại tâm mình, đúng nghĩa quên niệm. Thấy và sống như thế, ngay đó liền được sạch trọi trơn, bày trơ trơ, khéo nhận lại liền sống dậy, tướng vô vi ngay đó hiện tiền.

Đối với ba việc hết dục, dứt ngã, quên niệm phải kế thừa cái thấy biết như Ngài đã dạy trong đoạn văn trên để thấy biết và nhận lại tướng vô vi thực tướng vô tướng. Cụ thể ở trên Ngài dạy nhiều nhưng gom lại có hai ý. Một là thấy biết hết dục-ngã-niệm, chúng ta phải thấy biết dục, ngã và niệm đều như biến hóa. Thứ hai, nó là biến hóa cho nên như huyễn, tuy huyễn vẫn không phân biệt, vẫn nhất như, vẫn không động, không khởi phân biệt, đó là như huyễn tam muôi. Cách giảng giải vừa hướng dẫn, chỉ bày để quý vị theo dõi chính là theo tôn chỉ này, phân cái dụng ra để nói quý vị nghe. Đọc hết đoạn văn này cho quý vị thấy Ngài không những sáng tâm mà diệu dụng tự tại bất khả tư nghì, Ngài thấy rõ lối đi tùy duyên thị hiện, không bị buộc trong thể thanh tịnh lặng trong, tự tại ra vào sanh tử đúng như tinh thần Thiền thượng thừa là không thấy có sanh tử đáng sợ, không có thấy Niết-bàn thật để an trú.

Chánh văn:

Sư nói kệ:

 

覺了身心本凝寂

神通變化現諸相

有為無為從此出

河沙世界不可量

雖然徧滿虛空界

一一觀來沒形狀

千古萬古難比況

界界處處常朗朗

Âm:

 

Giác liễu thân tâm bản ngưng tịch,

Thần thông biến hóa hiện chư tướng.

Hữu vi vô vi tùng thử xuất,

Hà sa thế giới bất khả lượng.

Tuy nhiên biến mãn hư không giới,

Nhất nhất quan lai một hình trạng.

Thiên cổ vạn cổ nan tỷ huống,

Giới giới xứ xứ thường lãng lãng.

 

Dịch:

­­

Giác ngộ thân tâm vốn lặng yên,

Thần thông các tướng biến hiện tiền.

Hữu vi vô vi từ đây có,

Thế giới hà sa không thể lường.

Tuy nhiên đầy khắp cõi hư không,

Mỗi mỗi xem ra chẳng tướng hình.

Muôn đời ngàn đời nào sánh được,

Chốn chốn nơi nơi thường rạng ngời.

Nói xong, Sư ngồi yên thị tịch.

Giác ngộ thân tâm vốn lặng yên, quý vị để ý có hai phần cao và thấp. Một là khi mình mê thì cho thân tâm và các pháp là thật, bị chi phối là khổ. Bây giờ dùng trí tuệ Bát-nhã thấy rõ nó không thật, thì trả lại tánh sáng lặng trong thì các pháp cũng trong lặng. Khi bừng ngộ, thân tâm cũng trở nên rỗng rang vắng lặng, diệu lực hiện tiền, bặt khổ đau. Nghĩa một là diệu dụng từ lục căn trong hành động thi vi. Lúc này đã ngộ tánh thì nhúc nhích đều là diệu dụng của tự tánh. Bửa củi, gánh nước đều là thần thông, biến hóa bất khả tư nghì, hiển hiện sẵn đó. Cho nên Bàng Long Uẩn nói: Thần thông cùng diệu dụng, gánh nước bửa củi tài.

Nghĩa hai là nói về tướng thần thông. Tâm thông thì có các tướng thần thông, ngộ tâm thì tâm thông, thần thông tự có ra như đức Phật chứ không phải tìm cầu bên ngoài. Cho nên, Cổ đức dạy nhận được trí tuệ Kim Cang rồi thì mọi việc đều vô ngại, pháp pháp thảy đều không, việc làm thường ngày đều là Phật pháp, đi đứng nằm ngồi cũng là Phật pháp, bình thường tâm càng không phải ngoài Phật pháp. Thần thông diệu dụng vô thượng đã là Phật pháp tức là vui, cười, giận, trách là phương tiện thiện xảo cũng không ngoài Phật pháp. Ngộ rồi là vậy, nếu chưa tỏ ngộ trí tuệ Kim Cang dù có thần thông dời núi, lấp biển cũng là tà thuật của yêu ma ngoại đạo.

Hữu vi vô vi từ đây có, tức hữu vi là pháp thế gian, vô vi là pháp xuất thế gian, chỉ cho tất cả các pháp khi ngộ sẽ thấy rõ tánh mình hay sanh muôn pháp. Cho nên nói hữu vi vô vi từ đây có, từ chỗ giác ngộ thân tâm vốn lặng yên.

Thế giới hà sa chẳng thể lường, tức tánh mình hay sanh muôn pháp. Cho nên ngộ tánh này rồi tùy duyên biến hiện khắp thế giới hà sa, không thể suy lường, vẫn không phân biệt.

Tuy nhiên đầy khắp cõi hư không, tuy rằng bản tánh này trùm khắp không thiếu vắng và hóa hiện bất khả tư nghì, nhưng xem ra mỗi mỗi chẳng tướng hình. Đầy ắp cả hư không đó nhưng không có hình tướng như các pháp thế gian, đây là thực tướng vô tướng.

Muôn đời ngàn đời nào sánh được, tức là dù cho muôn đời ngàn đời, ngàn xưa, hiện nay, mãi đến ngày sau không có gì sánh kịp, bởi nó vô tướng, lìa sanh diệt nên không thể đem bất kỳ cái gì có tướng đối đãi sanh diệt để so sánh được. Cho nên ngài Huyền Giác nói nhất thiết hữu vi pháp bất đồng, tất cả pháp hữu vi không thể sánh được chỗ này.

Chốn chốn nơi nơi thường rạng ngời, tức là dù vô tướng, không đồng với các tướng sanh diệt trên thế gian, nghĩa là mỗi mỗi xem ra không tướng hình nhưng không phải không ngơ mà luôn hiện tiền rạng ngời, không thiếu vắng. Đó là Ngài nói cho chúng ta biết nơi mỗi chúng ta đều có một tự tánh và có diệu dụng bất khả tư nghì như vậy.

Học sử của Ngài chúng ta nắm rõ từng chi tiết Ngài dạy, để dụng công không bị trật, không lệch và đi thẳng tới đích một cách nhanh nhất, nhận lại bản tâm và được diệu dụng bất khả tư nghì. Được như vậy thì đời tu mình không có gì hay hơn. Mong đại chúng nhận ra cái hay này để chúng ta tự nỗ lực, chúng ta mới tiến được chứ nhờ người khác nhắc thì mình khó tiến lắm.

 

 

 

 

 

 

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

1216851
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
1403
4135
17693
1175483
101854
118095
1216851