Chủ Nhật 1/12/2024 -- 1/11/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Năm pháp tiến đạo

TT.Thích Tâm Hạnh

Thể đạo vốn sẵn đó nơi mỗi chúng ta. Nói tiến đạo, tức là tỏ ngộ thể đạo ấy, là bản tâm chân thật chính mình. Đã sẵn đủ nơi mỗi người rồi thì lẽ ra ngay đây nhận thẳng; chỉ cần ngộ thẳng tâm này, liền là tiến đạo. Nhưng do nghiệp thức mênh mang, vọng tập ắp đầy vì thế bị chướng ngăn, che đậy; khiến cho con đường tiến đạo của chúng ta còn tùy thuộc vào một số yếu tố khác nữa, chưa thể thẳng tiến. Năm pháp dưới đây là năm nhân duyên trong những yếu tố, nhân duyên như thế, giúp cho chúng ta tu hành suôn sẻ, tiến đạo.

 

 

1.  TÚC DUYÊN. Nhân duyên tu hành nhiều đời trước.

Đức Phật dạy: “Nghiệp là thai tạng, chúng sanh thừa tự nghiệp”. Tất cả chúng ta được sanh ra nơi đời là sự kế thừa và kết tinh của những hành động, việc làm quá khứ. Vì vậy, những suy nghĩ, hành động, việc làm và kết quả của hiện tại, ngoài những nỗ lực của bản thân, nó còn có sự chi phối, tác động bởi những tác tạo của mỗi người từ những kiếp về trước. Việc tu hành, mà cụ thể là việc đưa đến kết quả trong hạ thủ công phu tu tập cũng có một phần ảnh hưởng không nhỏ do nhiều đời trước như thế, gọi là túc duyên.

 

1.1. Túc duyên sâu dày, đời này mới tu mà mau ngộ.

Xã hội Ấn Độ thời xưa phân chia ra thành bốn giai cấp sang hèn rõ rệt và sự phân biệt đối xử nặng hơn bây giờ. Ni-đề khi ấy là một người thuộc giai cấp hạ tiện làm nghề đổ phân thuê. Sau khi được đức Phật độ cho xuất gia, không bao lâu, Tỳ-kheo Ni-đề chứng thánh quả. Việc cho một người thuộc giai cấp hạ tiện xuất gia đã khiến cả thành Xá-vệ xôn xao. Vua Ba-tư-nặc xa giá đến can thiệp. Cho đến khi biết vị tân Tỳ-kheo Ni-đề đã chứng Thánh quả, vua bất ngờ, mới thưa hỏi Phật nhân duyên vì sao vị này sanh nơi hạ tiện, nhưng lại tu hành mau chứng thánh quả?

Đức Phật kể lại, vào thời Phật Ca-Diếp, sau khi ngài nhập Niết-bàn, Ni-đề lúc này là chủ Tùng Lâm với hơn mười vạn Tăng Ni. Có lần vị chủ Tùng Lâm phải uống thuốc xổ. Cậy thế mình làm một vị chủ, không chịu đi ra nhà cầu mà mua một cái bình bằng bạc mạ vàng, đi đại tiểu tiện vào trong đó, rồi bắt một người đệ tử đem ra ngoài đổ. Song người đệ tử ấy đã đắc quả Tu Đà Hoàn.

Không có tâm khiêm nhường, không phân biệt được người hay kẻ dở, cậy mình có thế lực, giữ việc Tăng chúng, gặp chút bệnh nhẹ lười biếng không chịu đi, sai vị Thánh nhân đổ phân cho mình. Vì nhân duyên ấy mà bị lưu lãng trong vòng sinh tử, thường phải làm kẻ hạ tiện trong năm trăm đời, đi đổ phân thuê cho đến ngày nay. Cũng do công đức xuất gia trì giới cho nên hôm nay mới được gặp Phật Thích Ca Mâu Ni độ cho xuất gia. Vì kiếp trước có tu hành cho nên hôm nay mau chứng đạo.

Kiếp trước có mắc tội thì phải đọa lạc, nhưng nhân duyên tu hành vẫn không bị mất. Khi trả hết nghiệp, nhân duyên tu hành phát huy, vì vậy mau chứng đạo. Cho thấy, việc được tiến đạo nhanh hay chậm, một phần lớn còn tùy thuộc vào nhân duyên tu hành của nhiều đời về trước (túc duyên).

Xưa kia Lư Hành Giả (là Lục Tổ Huệ Năng lúc còn cư sĩ tại gia) gánh củi ngang qua nhà dân, vừa nghe tụng Kinh Kim Cang liền có tỉnh. Về nhà sắp xếp mẹ già xong xuôi, Ngài thẳng đến Hoàng Mai gặp Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn xin xuất gia. Chưa bao lâu, được Ngũ Tổ trao truyền y bát kế thế tổ vị. Ngược lại, Đại sư Thần Tú là bậc giáo thọ thượng thủ lâu năm trong chúng, nhưng chưa có chỗ ngộ nhập, không được truyền pháp. Đây là do túc duyên nhiều đời về trước có tu, đã có chỗ ngộ nhập cho nên đời này Lư Hành Giả chưa tu hành bao lâu mà đã chứng ngộ.

Thực tế hiện nay, trong đại chúng có nhiều vị xuất gia tu tập đã lâu, đời sống mẫu mực, sớm hôm tinh cần tu tập, đạo hạnh sáng ngời, nhưng đối với đại pháp vẫn chưa sáng, chưa thể tỏ ngộ bản tâm. Ngược lại, có nhiều vị mới vào Thiền viện chưa bao lâu, tu tập chưa nhiều, nhưng lại tỏ ngộ tâm tánh nhanh đến không ngờ.

 

1.2.Đều do chính mình.

Ngoài việc nỗ lực tinh cần siêng năng tu tập, việc tiến đạo nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào túc duyên tu hành của mỗi người từ nhiều đời về trước. Đây là việc của mỗi người chứ không ai thay mình làm giúp được. Khi còn ở đời, ngài A-nan là người thân của dòng họ Thích. Đến lúc xuất gia, ngài là thị giả sát một bên Phật. Nhưng đức Phật cũng không thể giác ngộ giúp cho ngài A-nan được. Đây là một sự thật. Nếu muốn thấu tột nguồn tâm, ngộ suốt bản tánh, chỉ tự nơi mỗi người. Phật Tổ và Thiện Tri Thức chỉ là người chỉ đường, kích phát và trợ duyên thôi. Biết như vậy rồi, nếu mình tiến đạo nhanh hơn huynh đệ khác thì cũng không có gì lấy làm tự hào. Bởi cũng do chính công phu tu tập của mình từ nhiều đời về trước cho nên hiện nay mới đạt được như vậy thôi. Nếu ai quyết chí tu hành cũng sẽ đạt được như thế, cũng là chuyện rất đỗi bình thường, không có gì để lấy làm đắc chí, để phải bị chướng đạo.

Ngược lại, khi thấy huynh đệ mới vào tu nhưng mau ngộ hơn mình thì chúng ta nên mừng cho huynh ấy. Bởi việc ấy đã có nguyên tắc, tùy thuộc vào công phu tu tập quá khứ của từng người. Không ai có thể ban cho ai được; và cũng không bất kỳ một ai có thể cản trở được việc tiến đạo trong tâm của mỗi người. Muốn mau tiến bộ thì chúng ta phải nhìn nhận thực tế và nỗ lực tu hành. Nếu có sanh tâm khác đi cũng không thể thay đổi gì được, có khi còn tồi tệ.

Hơn nữa, đời trước đã tu hay hiện nay mới tu hành, đều do chính mỗi chúng ta dụng công tu tập chứ không ai làm giúp được cả. Nếu kiếp trước chưa tu thì bây giờ bắt đầu tu tập. Không phải thấy mình tu hành vất vả hơn huynh đệ mà không tiến bộ rồi nản chí. Không nên đổ lỗi cho quá khứ rồi thối tâm

 

2. CHUYỂN HÓA NGHIỆP BÁO XẤU ÁC.

Đại sư Trí Khải ở núi Thiên Thai kể lại câu chuyện để răn nhắc vị Tri sự.

Trước kia có một ngôi chùa thầy trò khoảng vài trăm, ngày đêm tọa thiền, tụng kinh, không bỏ trống thời giờ. Có một cư sĩ làm việc công quả trong chùa, đang ngồi chụm lửa trước lò, trộm nghe thuyết pháp. Vị này để tâm chăm chú, bất ngờ ngồi bệt trước bếp lặng lẽ nhập định. Lửa tắt, nước lạnh. Thầy Duy-na sợ chậm trễ bữa ăn của đại chúng, lên bạch với Thượng tọa. Thượng tọa bảo đây là việc thù thắng, chúng hãy nên chịu đựng, dè dặt chớ làm kinh động. Qua mấy ngày sau vị ấy mới xuất định, đến trước Thượng tọa trình bày đầy đủ những điều đã chứng rất sâu xa. Nhân đó Thượng tọa hỏi thêm về nhân duyên kiếp trước, do tội gì mà làm thân hạ tiện? Do phước gì mà được tỏ ngộ dễ dàng đến vậy? Vị này đáp: “Tiện thân này đời trước là Thầy của đồ chúng lớn tuổi hiện tại. Những điều đồ chúng đang học hiện nay đều là những điều ngày xưa tôi dạy. Lúc bấy giờ, phần nhiều có những khách riêng, tôi luôn tự ngăn giữ mình, không dám xâm phạm của chúng. Một hôm bất ngờ có vị khách đến. Trong lúc gấp, bèn tự lấy một ít rau của chúng mà quên bù lại cho đầy đủ. Do đó bị quả báo, nay làm kẻ giúp việc trong chúng. Trước đã huân tập tu rồi cho nên nay ít tu mà dễ ngộ. Tội phước rõ ràng. Việc ấy như vậy”. Toàn chúng nghe xong, ngậm ngùi khôn xiết.

Qua câu chuyện trên cho chúng ta thấy có ba sự chi phối của quá khứ đến cuộc sống hiện tại rõ rệt. Một là đời trước vị này đã là một bậc Thầy trong chùa, nhưng lỡ tạo nghiệp xấu (lấy rau của chúng mà quên bù lại) cho nên đời này phải làm người giúp việc, chưa đủ duyên xuất gia. Hai là kiếp trước có tu cho nên đời này có được túc duyên, phúc lành, ít tu mà mau chứng đạo. Ba là đã có nhân duyên tu hành do đó đời này sanh ra liền vào chùa làm người giúp việc, tiếp tục tu hành, chứng đạo. Không phải chỉ riêng vị cư sĩ trong câu chuyện trên mà đó là nhân duyên của tất cả mọi người.

Tất cả chúng sanh vào đời, ai cũng mang theo ba gói hành trang như thế. Một là phúc lành cho chúng ta có những may mắn và điều kiện sống. Hai là nghiệp báo xấu ác do đó thi thoảng có những điều bất như ý. Ba là nhân duyên khiến mỗi người có mỗi hướng đi, công việc khác nhau. Chưa phải là thánh nhân thì không ai tránh khỏi các sự tác động chi phối ấy. Người tu hành cũng vậy, chỉ có khác là có trí tuệ nhận ra và biết cách chuyển hóa chúng theo lập trường và hướng đi của mình để tu hành cho tiến bộ. Cụ thể ở đây là chuyển hóa những nghiệp báo chưa được tốt.

Muốn chuyển hóa được nghiệp báo, chúng ta nên lưu ý những điểm cơ bản sau:

 

2.1. Xem nghiệp chướng là huyễn hóa, không thật.

Gặp một chuyện bất như ý chưa đến nỗi nào, nhưng liền nói đây là báo chướng, thì sự việc trở nên trầm trọng, chúng ta bị chi phối hơn cả những gì nó có. Ngược lại, khi mọi thứ đang diễn ra, chúng ta nên tĩnh tâm thấy rõ nghiệp báo xưa nay vốn không thật. Bởi nó là thứ do chúng ta tạo tác mà thành. Đồng thời, nếu biết chuyển hóa thì nó không thể còn mãi. Bởi nếu chắc thật, còn mãi thì không thể tiêu trừ được nghiệp, không ai tu hành thành đạo được. Nhưng thực tế vẫn có nhiều bậc đắc đạo cho nên nghiệp báo có thể chuyển hóa, tiêu dung. Do đó, nó không bền chắc, không thật. Thấy rõ như vậy thì mọi chuyện sẽ nhẹ, giảm bớt sự chi phối, chúng ta sẽ có nội lực hơn, mới tiêu dung được chúng.

 

2.2. Không khởi tâm trả nghiệp.

Không sanh tâm, hãy nên để yên như là ru ngủ để cho nghiệp ngủ yên. Không nên khởi tâm trả nghiệp cho hết để tu hành mau tiến bộ. Bởi như thế sẽ làm cho mọi chuyện trở nên trầm trọng và tồi tệ hơn.

Ví dụ nhiều năm khổ cực, vay nợ hàng xóm quá nhiều không nhớ nổi. Bất ngờ trúng số được 500 triệu, mừng quá và tuyên bố với mọi người tôi sẽ trả hết tất cả. Nợ nần thì cả mười tỷ, mới trúng có 500 triệu mà tuyên bố trả hết. Mọi người đến nhà đòi mà không có đủ để trả cho họ. Người được người không thì chắc chắn sẽ có chuyện không tốt. Đó là do tuyên bố trả nghiệp mà bị nghiệp khảo.

Một cách khác là không cần tuyên bố. Khi trúng số, không trốn nợ cũng không tuyên bố trả nợ; cứ bình thường và đầu tư kinh doanh cho có tiền nhiều thêm. Thỉnh thoảng có người đến đòi vài trăm, số tiền quá nhỏ so với tiền mình đang có, do đó tự động trả một cách dễ dàng, nhẹ nhàng mà không hề thấy nặng nề là đang trả nợ gì cả. Đó là trả mà không trả.

Nợ nần nghiệp chướng chồng chất nhiều đời của mỗi người cũng vậy. Khi tuyên bố hay phát nguyện ‘cho tôi trả hết nghiệp để tu’ là đã có tâm sanh, có dấu vết, có chỗ cho chướng nghiệp thấy và đến đòi tới tấp. Quá khứ lỡ lầm tạo nên nghiệp chướng vay mượn nhiều đời lớp lớp chất chồng làm sao biết hết. Trong khi đó mới tu chút chút, đạo lực chưa có bao nhiêu, như tiền còn quá ít mà đòi trả nợ thì bị khảo, bị chướng duyên ngập tràn, không thể tiếp tục công phu được nữa.

 

2.3. Sám hối.

Song song với các việc làm khác, thành tâm sám hối là việc tối cần thiết để tiêu dung nghiệp báo. Sám là ăn năn lỗi trước. Hối là hối cải, chừa, ngăn ngừa lỗi sau. Sám hối phải bằng tâm chí thành, chí thiết chứ không phải làm lấy có. Sám hối chỉ là thành tâm sám hối thôi, không tính đếm thời gian, không khởi tâm trông mong bao giờ mới hết nghiệp thì sẽ có kết quả bất ngờ. Trong việc này, nếu càng khởi tâm nhiều thì càng bị rắc rối lắm chuyện. Một mặt trong tâm đã loạn động, mất năng lượng, lòng bất ổn. Mặt khác bên ngoài lại có lắm chuyện chi phối khiến cho mình rối rắm, mệt mỏi, có khi bất lực.

 

2.4.Tu tập các thiện pháp.

Cuối cùng là tu tập các pháp lành. Trên đời có ba sức mạnh chi phối đến con người rất lớn. Đó là nghiệp lực, phước lực và trí lực. Tu tập các thiện pháp tạo nên phước lực vô biên, giúp chúng ta hóa giải các nghiệp báo xấu đã lỡ tạo trong quá khứ.

Nghiệp báo xấu ác ví như nắm muối. Thiện pháp như nước hòa tan. Nếu ít nước thì muối của nghiệp bị mặn, khiến cho chúng ta đau khổ, là có trả nghiệp thật. Nếu pha nắm muối này vào trong nồi canh cho khoảng 200 người ăn thì muối tuy mặn, nhưng chỉ làm cho canh ngon hơn mà thôi. Đây là trả mà không thấy có trả nghiệp.

Quá khứ do mê muội cho nên trót đã lỡ tạo không biết bao nhiêu nghiệp không tốt. Hôm nay tỉnh tâm tu tập, muốn hóa giải nghiệp báo ấy cũng phải biết cách, đúng pháp. Cụ thể, để yên kho muối của nghiệp báo đó, không trốn tránh, cũng đừng đụng đến hoặc thọc khều gì cả. Mặt khác cho nước thật nhiều vào như ao hồ sông suối, tức là siêng năng tu tập thiện pháp. Thi thoảng một vài hạt muối đủ duyên rơi xuống ao hồ ấy thì cũng không thấy có mặn hay khổ đau gì. Cứ như thế để lo việc tu hành, tỉnh giác; mở tâm lớn rộng, tu tập các thiện pháp, chứ đừng đi thọc kho muối thì việc tu tập của chúng ta mới được thuận duyên và tiến bộ. Đó là vừa khéo tu tập, vừa biết cách hóa giải nghiệp báo xấu ác. Chỉ là khéo tu chứ không hề khởi tâm chuyển hóa, tiêu trừ nghiệp báo gì cả, cho nên mới được thành tựu. Cho thấy, tu không phải để tiêu trừ nghiệp chướng phiền não, mà tu là sống thẳng bản tâm giác sáng, tùy duyên thực hành thiện pháp thì mọi thứ tự nó được tiêu trừ.

 

3.TU TẬP THIỆN PHÁP.

3.1.Phước đức hữu lậu và công đức vô lậu.

Tu tập thiện pháp không phải đơn thuần là tu tạo phước lành, mà việc làm thiện lành này phải bắt đầu từ bản tâm thanh tịnh, đạt đến Ba-la-mật (rốt ráo).

a) Làm phước.

Làm phước thì chỉ đơn thuần là làm các việc tốt cho mình và mọi người, chưa chú trọng đến công phu tu tập miên mật, giữ tâm thanh tịnh và đạt đến Ba-la-mật . Chưa thực sự rỗng lặng cả ba: mình thí, của thí và người nhận đều thanh tịnh, vắng bặt, không khởi tâm động niệm. Đây chỉ là phước hữu lậu của trời người.

b) Tu tập thiện pháp.

Cũng làm việc thiện lành, nhưng trong sự tu tập, tỉnh sáng. Sống bằng tự tâm giác sáng mà tùy duyên hoan hỷ trên các nhân duyên cần làm cho đời, cho đạo. Tuy làm vô vàn công việc hữu ích mà không rời bản tâm giác sáng kia. Không thấy có mình làm, không thấy có việc được làm và không khởi tâm thấy có người thọ nhận những điều lợi lạc do mình làm nên. Đạt đến rốt ráo (Ba-la-mật ) như thế thì tâm và cảnh không hai, sự việc và sức giác sáng không phải một, không phải khác. Nhúc nhích động tịnh, chính là tâm này. Vì làm trong sự tu tập như thế cho nên đạt đến công đức vô lậu. Tất cả hồi hướng đến quả vị vô sanh thành Phật sau này, chứ không kẹt trên tướng của phước đức hữu lậu còn trong sanh diệt trời người. Đó là khéo tùy duyên, tùy thời, tùy thuận để tu tập các thiện pháp.

 

3.2.Tu tập thiện pháp và tự tánh giác sáng.

a) Tâm Bồ-đề và thiện pháp luôn đi đôi trong đời sống tu hành, không thể thiếu khuyết một.

Kinh Hoa Nghiêm, đức Phật dạy:“Quên mất tâm Bồ-đề mà tu hành các thiện pháp, gọi là hành động của ma.”. Bồ-đề là giác. Tâm Bồ-đề là bản tâm giác sáng, không động. Rời tâm giác sáng này, ở trong vọng động sanh diệt mà làm các việc lành, vẫn còn là hành động của ma. Ví như chúng ta sốt sắng, rất nhiệt tình để ủng hộ người nghèo. Nhưng hôm nào đó phát quà không đủ, bị người không có quà chửi mắng khiến mình sân hận, thề thốt nhiều điều không hay, tạo nghiệp rồi phải đi vào đường ma. Làm công đức bấy lâu, hôm nay chỉ cần một đốm lửa sân là thiêu rụi hết. Mới thấy tâm vọng động ma quái này nó sẽ khiến chúng ta làm những hành động ma quỷ bất cứ khi nào không rõ. Phải bằng tâm Bồ-đề giác sáng để sống, tu và làm tất cả việc lành thì chính tâm giác này và thiện pháp mới đưa chúng ta đến quả vị Phật.

Hơn nữa, chư Tổ dạy: “Nhận được trí tuệ Kim Cang rồi thì mọi việc đều vô ngại, pháp pháp thảy đều thông, việc làm tầm thường hàng ngày là Phật pháp, đi đứng nằm ngồi cũng là Phật pháp, bình thường tâm càng không ngoài Phật pháp. Thần thông diệu dụng vô thượng đã là Phật pháp thì vui cười giận trách thảy đều là phương tiện thiện xảo, cũng không ngoài Phật pháp. Nếu chưa tỏ ngộ trí tuệ Kim Cang, dù có thần thông dời núi lấp biển cũng chỉ là tà thuật của yêu ma ngoại đạo.”. Cho thấy, tất cả các hành động, việc làm đều căn cứ vào tâm Bồ-đề giác sáng cứng chắc như Kim Cương để xác định đã hợp đạo hay chưa, chứ không thể nhằm trên sự tướng để đoán biết và khẳng định được.

Thiền sư Trường Sa Cảnh Sầm nói: “Bậc thiện tri thức trong thiên hạ chưa chứng quả lên Niết-bàn bởi vì công chưa bằng với chư Thánh.”. Chỗ thấy đồng chư Phật, nhưng công hạnh lợi tha chưa bằng chư Thánh (Phật) cho nên chưa chứng quả Niết-bàn. Hành giả tu tập, trước cần phải kiến tánh, ngộ tâm. Kế đến sống thẳng bằng tâm tánh ấy, tùy thời tiêu dung tập khí, đóng cửa các đường ác (không làm các điều ác), thực hành hạnh lợi tha, giáo hóa độ sanh. Không rời tự tánh giác ngộ mà tu hành các thiện pháp thì mới có ngày công viên quả mãn, thành tựu Phật đạo.

Đức Phật là đấng “Lưỡng Túc Tôn”, tức là phước đức và trí tuệ đều tròn đầy viên mãn. Hành giả tu hành nếu chỉ thiên về trí tuệ mà khuyết phước đức thì không thể thành Phật.

Những lời dạy và sự thành tựu của Phật Tổ là một minh chứng hùng hồn, nhấn mạnh tầm quan trọng của tâm Bồ-đề giác sáng cứng chắc như Kim Cương và các thiện pháp phải đầy đủ viên dung trong đời sống tu hành của mỗi hành giả. Thiếu một trong hai đều bị thiên lệch, không hợp đạo, không thể tiến đạo và thành đạo được.

 

b) Thiện pháp giúp cho công phu tu tập được thuận duyên, tiến đạo.

Thực tế cho thấy, người thiếu phước, sẽ thiếu duyên, gặp nhiều chướng ngại trong cuộc sống và việc tu hành. Đồng thời, người chỉ thiên về vắng lặng mà bỏ quên các thiện pháp thì sự nhìn nhận thấy biết bị phiến diện, trí tuệ cũng không được lớn rộng và tròn đầy như người dung nhiếp cả hai.

Trên thực tế có nhiều huynh đệ cùng xuất gia một lượt. Có những vị vừa nhiếp tâm tu tập, vừa bận rộn nhọc nhằn với công việc xây dựng Thiền viện. Những vị còn lại thì có nhiều thời gian rảnh rỗi để chuyên tu và học nhiều hơn, không tham gia công tác như huynh đệ mình. Một thời gian sau, những huynh đệ vừa chuyên tâm tu tập, vừa công quả thì có những bước chuyển biến trong tâm đặc biệt đến bất ngờ. Sau này ra làm Phật sự cũng rất thuận duyên, làm được nhiều việc lợi ích đáng kể cho đời, cho đạo. Những vị tu tập trong thuận duyên thì chỉ được an nhàn thanh tịnh trong một môi trường cố định an toàn vậy thôi. Khi bước vào công việc thì khó chăn giữ tâm mình. Đồng thời, không đầy đủ nhân duyên để làm được những gì như nguyện. Đây là một sự thật đã hiện hữu rất rõ trong đời sống tu hành. Không phải chỉ trong một bộ phận mà gần như của tất cả. Một lần nữa cho chúng ta thấy rõ một minh chứng sống trong việc khéo léo dụng công tu tập trên hai cảnh động và tịnh. Đồng thời, sự thật này đã xác quyết, khẳng định, song song với việc sống về bằng tự tánh giác sáng, hành giả cần tu hành các thiện pháp để đạt đến thể dụng không hai, lý sự viên dung, sẽ tiến bộ đặc biệt, tự tại, tiêu sái.

c) Tu tập thiện pháp và tự tánh giác sáng không hai.

Lục Tổ Huệ Năng nói:“Không lìa tự tánh tức là phước điền.”. Nhưng ngài vẫn đeo đá giã gạo chứ không phải ngồi không. Vì vậy ngài dạy:

Ngơ ngơ không tu thiện,

Ngáo ngáo không làm ác.

Lặng lẽ dứt thấy nghe,

Thênh thang tâm không dính.

“Ngơ ngơ, ngáo ngáo” là tâm bình lặng, không khởi tâm động niệm phân biệt trên các tình huống, hoàn cảnh. “Không tu thiện” là có làm các việc thiện lành, nhưng không chấp, không dừng trụ, không chú tâm vào chỉ mỗi công việc thiện lành đó mà không lo tu tập thiền định. “Không làm ác” là tuyệt đối không làm tất cả các điều ác, chứ không phải có làm mà không dính mắc như tu thiện. Hằng ngày sống bằng tâm sáng sạch, không khởi phân biệt (ngơ ngơ, ngáo ngáo), nhưng biết đóng cửa các đường ác (không tạo ác), tùy duyên làm các công đức lành mà không dừng trụ hoặc dính chấp (không tu thiện). Không tâm trên cảnh, không cảnh trong tâm. Không có chỗ an trụ, chăn giữ tâm, nhưng sáng biết suốt qua tất cả mà không phải là phân biệt của ý thức. Ngay đó, tâm thể vốn tự rạng ngời, thênh thang, không dính mắc gì,  không có gì làm cho ngăn ngại được. Vì vậy Tổ nói: “Lặng lẽ dứt thấy nghe, Thênh thang tâm không dính”.

Đây là Lục Tổ nói rõ sự cần thiết và phương pháp tu tập các thiện pháp. Tùy duyên chứ không phải bày biện lắm thứ. Các pháp thiện lành cần thiết, đủ duyên thì tùy hỷ và thực hiện, nhưng không rời bản tâm giác sáng. Hằng sống bằng bản tâm ấy, nhưng không phải chăn giữ, cố định phải ngồi yên hay làm gì. Duyên đến thì hiện bày cái thể trên dụng, khi không có duyên gì thì dấu cái dụng trong thể, ngàn thánh cũng khó để mắt dò tìm. Khéo sống như thế để tu tập các thiện pháp thì mới khế hợp với Phật đạo, sẽ có lúc thành Phật.

d)  Thiếu thiện pháp, không thể chứng đạo.

Vào thời Tổ Ưu-Ba-Cúc-Đa có một vị tăng có tài quản lý công việc. Đi đến đâu các chúng Tỳ kheo cũng đều cùng nhau mời Ngài trông coi việc chúng tăng. Họ nói: “Trưởng lão hẳn là quản lý việc của chúng tăng. Đàn Việt nhân Ngài mà được sanh căn lành. Chúng tăng nhân Ngài mà được cúng dường”. Bấy giờ Tỳ kheo kia nhàm chán nhiều việc nên không chịu làm việc nữa, bèn qua Tôn giả Ưu-Ba-Cúc-Đa cầu học pháp. Tổ quán xét biết đây là thân sau cùng, lý đáng được đạo quả, chỉ vì phước chưa đầy đủ nên chưa được. Tổ Ưu-Ba-Cúc-Đa dạy nên vì chúng tăng mà đi khuyến hóa, lo sắm đồ cúng dường. Khi dâng tứ sự cúng dường đại chúng tăng và được Thượng tọa chú nguyện xong, Tỳ kheo này liền đắc quả A-La-Hán.

Cho thấy, thiện pháp là một trong những nhân duyên góp phần vào việc tu tiến, chứng đạo rõ ràng. Vị Tăng trên có được nhân duyên rất thù thắng. Khi còn thiếu chút phước mới chứng đạo thì được nhân duyên đưa đẩy, khiến Ngài đi đến đâu cũng được đại chúng tín nhiệm mời đảm nhiệm các công việc để tăng thêm phước đức, góp phần vào trong nhân duyên chứng đạo. Nhưng Ngài nhàm chán không chịu làm nữa thì lại có Tổ Ưu-Ba-Cúc-Đa chỉ cho để nhận ra, nhờ đó chứng được thánh quả.

Không phải ai cũng đầy đủ phúc duyên gặp được Phật Tổ chỉ dạy cho riêng mình như vị Tăng trên. Chúng ta sanh ra trong thời không trực tiếp gặp được Phật Tổ thì chỉ còn biết nương vào lời dạy của quý ngài để hành trì, quyết chí hạ thủ công phu đúng pháp, tu tập các thiện pháp, tạo công đức lành. Nếu tự mình không nhận ra để tự nguyện tu tập các thiện pháp thì nhân duyên sẽ sắp xếp việc ấy. Cụ thể khi được phân công làm công việc nhọc nhằn, vất vả cho đại chúng mà hợp đạo thì biết đây là nhân duyên lành để đưa mình tiến đạo như vị tăng trên. Nếu cứ chọn điều hợp với sở thích của mình thì đó là đi tìm điều hợp với phàm tình yếu đuối, chứ không phải biết rèn luyện để thành tựu Phật đạo. Bởi bậc đã sáng đạo thì không còn có cái mình để thấy hợp và không hợp với điều này, việc kia.

Đại sư Tông Bổn Viên Chiếu, người đời Tống, thiên tánh nhân từ, thông minh dĩnh ngộ giỏi thơ phú, nương theo pháp sư Vĩnh An Đạo Thăng xuất gia học đạo. Đạo Thăng là một Đại sư đức học đạt đến chỗ thâm sâu, đối với kinh điển có ngộ giải đặc biệt, đạo hạnh rất cao, rất được mọi nhân sĩ từ triều đình đến dân dã kính trọng. Trong tùng lâm, mọi người chẳng tiếc ngàn dặm xông pha, từ xa đến cầu đạo rất nhiều. Ngài Viên Chiếu Tông Bổn theo hầu một bên Đại sư, thấy khá nhiều người đến trước cầu đạo, liền đem lòng xót thương kính phục.

Sư thường mặc y rách, gánh nước chặt củi, xuống bếp chuẩn bị ẩm thực để cúng dường đạo hữu đến tham học. Tuy ban ngày làm việc Tăng bận rộn, nhưng chiều đến Sư vẫn đến chỗ ân sư tham học, chẳng dám lười biếng kiêu mạn mảy may. Có lần, ngài Đạo Thăng hỏi: “Hành hạnh đầu đà, vì đại chúng làm việc bận rộn, có cảm thấy mệt nhọc chăng?”. Sư đáp: “Nếu bỏ một pháp tức chẳng thể viên mãn Bồ-đề. Con vì muốn đời này có chỗ chứng ngộ, đâu dám nói mệt mỏi!”. Tinh thần của Sư khiến người người kính phục.

Người xưa quên mình vì đạo, chỉ một bề hướng tiến đạo lý chân thật, không nghĩ đến bản thân cho nên mới có ngày tỏ sáng đại đạo. Thời nay vật chất dồi dào, đời sống nhiều tiện nghi, nếu không khéo tu tập, chúng ta dễ ngủ quên trên sự chôn vùi của những tiện nghi hiện đại, vật chất dồi dào ấy, thì liệu có còn thấy “Đạo là gì, ở đâu?”.

e) Sự lý viên dung.

Ngài Tăng Triệu nói: “Hữu vi tuy ngụy, xả chi tắc đại nghiệp bất thành. Vô vi tuy thật, chấp chi tắc huệ tâm bất lãng.”. Nghĩa là, các pháp hữu vi, các công việc thiện pháp tuy hư huyễn, nhưng nếu bỏ nó thì đại nghiệp thành đạo sẽ bị kém khuyết, không thể viên thành. Pháp vô vi, tức là tâm tánh này dù thật, nhưng nếu chấp trụ vào nó thì cũng không thể phát huy được tự tánh vốn giác sáng trùm khắp ấy.

Thực tế, các pháp từ tâm. Tâm chưa tỏ sáng thì dù có ngồi không để tu hành cũng chỉ là kềm đè, buộc niệm, chưa thoát khỏi tạo tác sanh diệt. Khéo ngay đây nhận thẳng bản tâm giác sáng an nhiên, người này sẽ có năng lực tùy thuận tốt trên các công việc thì việc nào cũng không ra ngoài tâm giác sáng, đâu đâu cũng là Phật pháp cả. Đâu có phân biệt thấy đây là pháp hữu vi để bỏ, kia là pháp vô vi để buộc mình trong đó? Sống như thế, tự viên dung, hợp đạo.

Thiền sư Quy Sơn Linh Hựu nói: “Thật tế lý địa, bất thọ nhất trần. Vạn hạnh môn trung, bất xả nhất pháp.”. Trong chỗ rốt ráo vốn không một vật, các pháp không đến được, do đó Ngài nói “không dính một mảy trần”. Là quay lưng, ‘không làm gì cả’ mới được không dính? Hay vẫn đối diện để ‘làm tất cả’ mà vẫn không dính dáng gì? Nói là ‘quay lưng với cảnh’ hoặc cố định phải ‘đối diện với công việc’, đều chưa rời khỏi công việc và hoàn cảnh để nói, là quên tâm này rồi, không phải là chỗ “Thật tế lý địa”. Chỉ cần nhận thẳng tâm này thì tùy duyên tùy thời để ‘làm tất cả công việc’ hoặc ‘không làm gì cả’ một cách tự tại, tiêu dao; như nắm lên hoặc buông xuống một vật nhỏ trong tay, không có gì phải đặt vấn đề cả. Cho nên Ngài nói, tuy chỗ thật tế không nhiễm một mảy trần, nhưng trong cửa muôn hạnh không bỏ một pháp. Còn tâm lấy bỏ thì tâm này chưa sáng khắp, thể dụng còn phân định, lý sự chưa viên dung, là chưa khế hợp với đại đạo.

Trên đây đều là những gương hạnh sống, những lời dạy thống thiết cho người sau về việc tu hành làm sao cho được viên dung, đạt đến viên mãn, không bị thiên lệch một bên dù đó là sự hay lý, thể hoặc dụng.

 

3.3. Khổ luyện, nung chí, rèn tâm, mới mong thoát khỏi phàm tình và sáng đạo.

Lo làm các việc thiện mà không an tịnh tự tâm thì chưa rời khỏi sanh diệt tạo tác, chưa khế hợp với bản tâm thanh tịnh giác sáng, làm sao ngộ nhập? Ngược lại, nếu chỉ một bề chú trọng về lý mà bỏ sự, không tu tập các thiện pháp thì không đạt đến lý sự viên dung, cũng không thể tiến đạo. Cụ thể, đối với người mới tu tập thì sẽ thiếu phước đức, dẫn đến nhiều chướng nghiệp. Thân thì bệnh tật; đời sống thì có nhiều nghịch duyên; tâm thì không sáng, có khi cảm thấy chán chường không biết mình đang muốn gì. Với người tu hành lâu hơn thì bị trì trệ, nặng nề. Tâm thì không thấy có tiến bộ, không phấn chấn, sáng suốt. Cuộc sống tu hành thì cứ bình bình, đơn điệu, như thể sống qua ngày đoạn tháng cho hết kiếp vậy thôi. Có khi tìm lấy những niềm vui trên nhiều sự tướng của cuộc thế. Nhưng tất cả những niềm vui thế gian đều có giới hạn và khiêm nhường, không đủ lớn để giúp cho con người ta vui mãi. Chỉ có niềm vui của thiền duyệt, pháp hỷ mới vĩnh cữu, khiến cho chúng ta mãn ý. Ở trong đạo càng lâu mà không tiến bộ, không có niềm vui với chánh pháp thì tâm sẽ có nhiều khúc mắc, tự sanh chướng ngại khó lường. Tất cả đều do buổi đầu mới vào đạo muốn an nhàn, không chịu khó rèn luyện, tu tập các thiện pháp, về sau phải bị nhiều thiệt thòi đáng tiếc như vậy.

Thiền sư Quang Sơn Huệ Huyền là người khai sơn trụ trì chùa Diệu Tâm. Sư chỉ xây cất những ngôi nhà đơn giản, thô sơ để thờ tự và tu tập, không chú trọng đến đồ vật trang trí, không thích những nghi lễ rườm rà. Phong cách giảng dạy và đào tạo của Sư rất nghiêm khắc. Sư đòi hỏi nơi đệ tử một ý chí, một tâm thái mạnh mẽ tinh tấn tuyệt đối. Đa số người học sau một thời gian đều không chịu nổi, rời Sư ra đi. Chỉ có thiền sinh nào đầy ý chí kiên trì mới dám ở lại tu tập. Dưới sự hoằng hóa của Sư, Diệu Tâm tự được gọi là “Địa ngục tột cùng của Phật pháp.”.

Có lần Ngài Mộng Song Sơ Thạch trụ trì chùa Thiên Long là vị Quốc sư bảy triều Vua, đến thăm Diệu Tâm Tự. Thấy chùa đơn sơ, không nặng vật chất, đại chúng khổ hạnh, tu hành nghiêm cẩn, ngài Mộng Song nói, chính nơi này sẽ làm cho Phật pháp hưng thịnh, ngày sau con cháu của Huệ Huyền sẽ được truyền thừa lâu dài. Ta tuy được danh tiếng, tiện nghi, nhưng con cháu của ta về sau bị dứt tuyệt, không còn nữa.

Đúng như lời Quốc sư Mộng Song nói, nhờ vào chùa chiền đơn sơ, không nặng nề lệ thuộc vật chất, sự giáo hóa nghiêm minh, đại chúng tu hành nghiêm cẩn mà Thiền Lâm Tế chánh mạch được truyền đến những đời sau đều qua dòng này. Cho đến nay, dòng thiền của Sư đã trở thành dòng thiền chính thống của tông Lâm Tế Nhật Bản. Kết hợp ba vị đại Thiền sư: Quốc sư Đại Ứng (là Thầy Quốc sư Đại Đăng), Quốc sư Đại Đăng (là Thầy Ngài Quang Sơn Huệ Huyền) và Thiền sư Quang Sơn Huệ Huyền trở thành một Pháp hệ Thiền Lâm Tế Nhật Bản nổi tiếng: Ứng-Đăng-Quang.

Một thực tế cho thấy, hiện nay xã hội ngày càng phát triển, vật chất dồi dào, đời sống tiện nghi, tinh thần dễ dãi cho nên khó tìm được bậc pháp khí như ngày xưa. Hy vọng, đã có duyên với chánh pháp thì mỗi người tự biết làm cho mình trở thành một bậc pháp khí, có lợi ích lớn cho đạo, cho đời, mới không luống phí một đời trôi suông vô ích.

 

3.4. Tóm lại.

Nếu hành giả biết lúc nào nên chuyên tu, đạt thể. Khi nào mới đủ lực để dấn thân vào sự, phát huy diệu dụng. Khéo cân bằng hài hòa giữa lý tánh và sự thế để đạt đến thể dụng không hai, lý sự viên dung; tiến đạo như thế mới khế hợp với đạo giác ngộ giải thoát Phật Tổ đã chỉ bày, sẽ có lúc thành tựu Phật đạo

 

4. CẦU THIỆN TRI THỨC, MINH SƯ – DỤNG CÔNG ĐÚNG PHÁP.

4.1. Cầu Thiện Tri Thức, thân cận minh sư.

Kinh A Hàm, đức Phật dạy bốn nền tảng đưa hành giả đạt đến giác ngộ:

a)    Trung thành với Thầy Tổ.

b)    Tôn trọng và vâng lời Thầy Tổ.

c)    Gìn giữ Giới Luật tinh nghiêm.

d)    Tôn Trọng và Phụng sự đồng đạo.

Phát tâm tu tập, cần tìm bậc thầy là Thiện Tri Thức sáng đạo hướng dẫn cho mình. Khi đã theo thầy học đạo thì phải tuyệt đối tin tưởng, tôn trọng, trung thành và vâng lời Thầy Tổ, mới không bị các chướng ngại và tiến đạo được.

Trong Học Đạo Dụng Tâm Tập, Thiền sư Đạo Nguyên dẫn lời người xưa: “Phát tâm không chánh, muôn hạnh luống làm”. Ngài nói tiếp: “Người tu hành nên chọn xem bậc thầy chánh hay tà để nương về tu tập. Người học như gỗ tốt, vị thầy như người thợ. Dù cho gỗ tốt mà không gặp người thợ giỏi thì không bày được vẻ đẹp đặc biệt. Dẫu gỗ có cong, nếu gặp người khéo tay thì công khéo càng hiện rõ. Cũng vậy, tùy thuộc vào bậc thầy chánh hay tà mà chỗ ngộ của học trò có chơn hay ngụy, chiếu theo đây thì biết rõ”.

Ngài nói về vị thầy chưa chín:

“... Lời lẽ của họ còn xanh, chưa chín. Chưa đến đỉnh của học địa, làm sao đến được bên thềm chứng ngộ? Chỉ truyền chữ nghĩa, khiến tụng danh tự, ngày đêm đếm báu cho người, tự mình không tiền phân nửa. Người xưa trách ở chỗ này. Hay là dạy người cầu chánh giác ngoài tâm,... Hoặc loạn dấy lên từ đó, tà niệm chính ở nơi đây. Dẫu rằng cho thuốc hay mà không dạy phương tiêu giải độc thì gây bệnh còn nặng hơn uống thuốc độc.”.

Ngài nói về vị thầy chân chánh:

“Là vị Thầy chân chánh, chẳng luận lớn nhỏ, chỉ là tỏ sáng chánh pháp, được bậc Thầy chánh ngộ ấn chứng. Văn tự chẳng lấy làm trước, giải hội chẳng lấy làm trước, có lực lượng khác thường, có chí khí cao vút, không câu chấp ngã kiến, không dính kẹt tình thức, hạnh giải tương ưng; đó chính là bậc Thầy chân chánh vậy”.

Người chưa sáng mắt, không thấy rõ đường thì không thể hướng dẫn người khác cùng đi được. Thầy khó thì trò mới nên. Nhưng phải là bậc thầy nào, khó về việc gì, bằng cách như thế nào, để đạt đến đâu...; tất cả phải được xác định rõ ràng qua trí tuệ thì mới xác định được cái “nên” không bị sai lệch. Nhất là thời đại hiện nay, nhiều thông tin trên mạng xã hội chưa được kiểm chứng, nhưng có nhiều vị học đạo hời hợt và dễ dãi với chính mình. Không có tâm tìm thầy học đạo, chỉ ngồi đó học theo những gì kịp thấy trên mạng, không biết là đã đúng hay chưa. Tu tập như thế sẽ rơi vào tai họa. Người trước sai, kéo theo nhiều thế hệ sai. Nhiều người sai như vậy thì cái sai sẽ thành đúng bởi số đông chứ không phải khế hợp với chân lý. Còn những người đúng thì quá ít cho nên không được nhiều người hưởng ứng. Cuối cùng bị rơi vào tà kiến, đọa lạc. Tu hành để cuối cùng đi vào đường ma, đọa lạc, có lẽ không ai muốn chút nào. Người xưa rất cẩn trọng với việc này, vào trong thâm sơn cùng cốc, tìm thầy học đạo. Hiện nay phần nhiều quá dễ dãi, chỉ ngồi đó để tìm đạo và thầy hợp với cái thấy của mình. Nếu đã là thánh thì không còn tìm thầy học đạo. Còn là phàm mà tìm những gì hợp với phàm tình thì chắc chắn không thể khế hợp với đạo lý chân thật giác ngộ giải thoát rồi.

 

4.2. Dụng công đúng pháp.

Dụng công đúng pháp gồm có chọn pháp (trạch pháp) và đi thẳng, quyết chí hạ thủ công phu. Cụ thể, hành giả tu tập, trước tiên cần học thông những lời Phật Tổ chỉ dạy, nắm vững phương pháp hành trì. Kế đến quyết chí hạ thủ công phu khế với bản tâm, hợp với trung đạo, không rơi vào các cực đoan khác. Không quanh co vòng vo dài dòng để rơi vào kiến thức, tạo tác, sanh diệt. Như muốn lên đỉnh núi thì phải chọn cho mình một con đường thẳng tắt. Kế đến là một mực thẳng tiến, đến đỉnh, chứ không phải đi lòng vòng nhiều con đường cho hay, cho lạ.

Các Thiền sư hay ví dụ con đường thẳng tắt này như cá hóa rồng. Còn là cá thì có vẫy vùng đến mấy cũng chỉ là ở trong nước, ướt vẫn cứ ướt. Khi đã bơi đến được vũ môn hóa rồng thì mới được tự tại, muốn lên trời hay xuống biển tùy thích. Tương tự, hành giả tu hành nên nhắm thẳng một con đường thẳng tắt nhất. Sau đó một mực thẳng tiến đến vũ môn, nơi rẽ nhánh giữa mê và ngộ, phàm và thánh. Dùng hết sức bình sinh quẫy mạnh một phát vượt thoát khỏi ngằn mé của động và tĩnh, sanh diệt và vô sanh, tâm này bừng sáng, mới được tự tại, tiêu sái.

 

5.  THỜI GIAN.

Yếu tố thời gian ở đây không phải là hẹn từ từ cần có thời gian để chờ đợi mà cần thấy đúng, khéo léo dụng công để thả mình vào nơi không nơi chốn, không còn có chỗ cho tâm sanh khởi, tự khế hợp với tự tánh, sẽ có lúc bừng ngộ.

5.1. Trung đạo.

Thông thường người tu hành dễ rơi vào hai cực đoan. Một là ở vào chỗ an toàn rồi tu từ từ. Hai là nóng vội muốn mau ngộ đạo. Cả hai đều là cực đoan, không phải trung đạo, không hợp đạo. Tu hành trong cực đoan như thế dễ đưa đến nhiều sai lầm đáng tiếc, đánh mất cơ hội tiến đạo.

Thể đạo vô tướng vốn sẵn vậy. Không phải do làm, cũng chẳng phải không làm gì mà được. Bởi có làm gì dù đó là tu hành mà còn kẹt trên tướng, nóng vội mong mau ngộ đạo, đều rơi vào tạo tác sanh diệt. Ngược lại, nếu không làm gì cả, tu từ từ thì rơi vào vô minh. Cả hai đều không hợp đạo. Muốn tiến đạo, chúng ta cần nhận ra và khéo léo dụng công để ít nhất là không rơi vào hai cực đoan này.

Không nóng vội:

Không phải gấp vội muốn mau ngộ đạo. Như thế sẽ rơi vào nhiều tiêu cực sau đó làm hỏng việc tu tập, có khi không thể tiếp tục được nữa.

Không trì hoãn:

Không phải tu hành theo kiểu chần chừ, từ từ, tà tà, hẹn nay hẹn mai, không quyết tâm, tha thiết.

Thời gian:

Rời hai cực đoan trên thì khế hợp với trung đạo, khế hợp với thể tánh, mới tỏ sáng thể đạo chân thật. Tức là sau khi đã học thông, nắm vững đường lối tu hành rồi, chúng ta chỉ còn yên lòng để quyết chí hạ thủ công phu. Thấy rõ và xác quyết, tin chắc rằng, tu hành như thế chắc chắn sẽ có lúc tiến đạo. Chỉ còn hạ thủ công phu như thế nữa là ngộ đạo thôi, không phân tâm hay mong ngóng gì nữa. Đây gọi là yếu tố thời gian.

 

5.2. Để lại tâm bình thường.

Có một học Tăng đến pháp đường thưa với Thiền sư:

- Thiền sư! Con thường thường ngồi thiền, luôn luôn niệm kinh, thức khuya dậy sớm, tâm không tạp niệm, tự xét dưới tòa của Thầy không có ai dụng công hơn con, tại sao không cách gì khai ngộ?

Thiền sư cầm một hồ lô, một nắm muối hột đưa cho vị học Tăng, nói:

- Huynh đem hồ lô này đựng đầy nước, rồi bỏ muối vào cho nó hòa tan, lập tức, huynh sẽ khai ngộ.

Học Tăng vâng lời làm theo. Không bao lâu, chạy vào thưa:

- Miệng hồ lô quá nhỏ, con đem nắm muối bỏ vào, hòa tan không xong, lấy cây khuấy cũng chẳng động, con lại chẳng có cách nào khai ngộ.

Thiền sư cầm hồ lô đổ bớt ra một ít nước, lắc lắc vài cái, khối muối liền tan hết. Thiền sư từ tốn nói:

- Một ngày từ sáng đến tối dụng công, nếu chẳng để lại một chút tâm bình thường thì cũng như hồ hô đựng đầy nước, lắc không động, khuấy không được, thì làm sao tan muối? Làm sao khai ngộ?

Học Tăng thưa:

- Chẳng lẽ là không dụng công mà có thể khai ngộ?

Thiền sư bảo:

- Tu hành như đánh đàn, dây căng quá thì đứt, dây chùn quá thì khảy không ra tiếng. Tâm bình thường trung đạo, mới là gốc ngộ đạo.

Thoáng một chút không gian để chính mình buông thỏng. Lơi một chút thời gian, để chính mình chuyển thân. Không vội gấp, không trì hoãn; không khẩn khoản, không buông lung. Khéo sống và tu tập như vậy thì sẽ có lúc bất chợt tâm này bùng vỡ, vụt sáng không ngờ.

 

6.  KẾT LUẬN.

Thể đạo thênh thang, trùm khắp, nhưng sẵn đó nơi mỗi người. Nhận thì ngay đó liền nhận, không thì liền trôi qua nhanh, không có điều kiện nào cả. Nhưng phần nhiều chúng sanh do nghiệp thức che đậy, còn nhiều chướng duyên cho nên chưa thể một nghe ngàn ngộ, sự lý khó viên dung, do đó, bị rơi lại phía sau. Không thể nói giọng thánh một cách thiếu thực tiễn trong khi mình còn trong phàm tình mê muội, đó là tự mình lừa dối chính mình, đưa đến tai họa khó lường. Không còn cách nào hay hơn là phải thật thà với chính mình để quyết chí hạ thủ công phu, mới mong có ngày tiến đạo.

Trên quãng đường này, còn nhiều sự chi phối tác động đến lộ trình và đích đến. Một trong những số ấy thì năm pháp trên là những điều tối yếu ít nhất mà hành giả cần phải lưu tâm. Không kể đến những bậc tái lai, một đời nữa liền xong. Còn lại, còn là hành giả tu hành, nếu khiếm khuyết sơ suất với một trong năm pháp trên thì con đường trở về quê cũ của mình còn lắm chông gai, chưa biết chuyện gì xảy đến. Nhưng người cẩn trọng và miên mật thì việc tu hành lại suôn sẻ, nhẹ nhàng và tiến bộ bất ngờ. Sẽ tự mình hay ra, việc này không phải chỉ dành riêng cho Phật Tổ. Chắc rằng, không ai dại gì bỏ qua năm pháp ít ỏi, nhưng rất căn bản đưa đến tiến đạo như thế để tự làm khó mình.

 

 

 

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

1226275
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
1968
2628
1968
1199158
1968
109310
1226275