Thứ Năm 28/11/2024 -- 28/10/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Bảy ngày thiền tu

Bảy ngày thiền. Bảy ngày tịnh. Bảy ngày trải nghiệm một cuộc sống với hương vị khác hẳn thường ngày. Chúng tôi đã thay đổi và trưởng thành lên như thế!

Lên đường

Không có cái cảm giác háo hức trông chờ như những ngày trước cắm trại, tôi chuẩn bị cho chuyến đi “bảy ngày trải nghiệm” tại Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mãvới một tâm thế khá an nhiên. Ngày lên đường, vẫn trong bầu không khí chậm rãi đó, chiếc xe buýt đưa đoàn sinh viên và cán bộ FUDN chúng tôi lên Bạch Mã; không ồn ào, không hề rầm rộ, dường như có một chút gì đó tựa như một chút “thiền” bắt đầu nhen nhóm dù cho hầu hết chúng tôi còn chưa từng biết thiền là như thế nào.


Đặt chân xuống bến phà, thu vào tầm mắt là một quanh cảnh thiên nhiên vừa hùng vĩ vừa nên thơ; mọi cảm giác mệt mỏi dường như đều tan biến. Khi chúng tôi đến, một vị Sư tăng đã chờ sẵn với chiếc phà riêng của Thiền viện thường dùng để đưa đón khách. Chúng tôi chất lên phà những túi rau quả tươi mang ra từ Đà Nẵng, mỗi đứa một chiếc nón lá trên đầu nhanh chóng tìm chỗ ngồi; chiếc phà nổ máy, nhẹ nhàng rẽ nước lướt đi…


Đoàn “thiền sinh tập sự” của FUDN

Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã được xây nơi lưng chừng đồi, trên một hòn đảo nằm giữa lòng Hồ Truồi. Trước khi thực sự đặt chân lên Thiền viện, chúng tôi phải vượt qua một thử thách không mấy dễ chịu, đặc biệt là với những người ít vận động như hầu hết trong chúng tôi. Leo hết hơn 174 bậc thang khá dốc, cảm giác gần như vừa vắt kiệt hết sực lực khiến ai nấy đều không khỏi thở hốc, mồ hôi đầm đìa ướt đẫm cả lưng áo.

Quanh cảnh tuyệt đẹp bao quanh Thiền viện

Thầy Trụ trì Thích Tâm Hạnh đích thân ra đón chúng tôi. Vóc người nhỏ nhắn, bộ áo tràng giản dị, giọng nói trầm trầm ấm áp, nụ cười như tỏa hào quang; khiến chúng tôi không khỏi cảm thấy kính trọng. Vận trên mình những chiếc áo tràng lam, chúng tôi được Thầy hướng dẫn lễ Phật, lTổ và giới thiệu sơ qua một vài địa điểm chủ yếu trong Thiền viện. Sau đó nam nữ được phân vào hai khu riêng biệt là Nội viện Tăng và Nội viện Ni – cũng là nơi chúng tôi sẽ sống và sinh hoạt trong suốt bảy ngày.


 

Nụ cười như tỏa nắng của Thầy trụ trì Thích Tâm Hạnh

Một hương vị lạ của cuộc sống

Hầu hết những “thiền sư” chúng tôi đều không hề theo đạo, nhất là Phật giáo. Bởi vậy, những ngày sống trong bầu không khí nơi đất Phật thật sự đã khiến chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác; mỗi ngày lại khám phá ra một điều mới, trải nghiệm những cảm giác lạ lẫm, thú vị nhưng cũng không kém phần “đau đớn”.

Các hoạt động của chúng tôi tại Thiền viện đều theo một lịch trình nhất định. Ba giờ sáng, ngay khi vừa có tiếng chuông báo thức, chúng tôi phải ngậm ngùi rời khỏi giường, nhanh chóng làm vệ sinh cá nhân rồi mỗi đứa bưng theo một bộ b
ồ đoàn,tọa cụ ra chính điện để ngồi thiền. Sau bữa ăn sáng lúc 6 giờ, chúng tôi phân ra thành những nhóm nhỏ; nhóm thì phụ các sư thầy, sư cô rửa chén; nhóm thì quét sân, đổ rác; nhóm đi phụ bếp… Hai bên nam nữ chúng tôi chỉ gặp nhau một lần duy nhất trong ngày là giờ giảng pháp vào mỗi buổi chiều. Sau đó là lễ tụng kinh sám hối và đến tối lại ngồi thiền một lần nữa cho đến 9 giờ 30 tối.

Các bạn cùng các sư thầy đi sơn phà

 

Những buổi chiều ngồi nghe giảng pháp đầy thú vị


Buổi tụng kinh hiếm hoi đầy đủ các bạn sinh viên trong Chánh điện
(bình thường nam nữ  làm lễ ở hai nơi khác nhau)

Những ngày đầu tiên tập làm quen với nếp sống mới quả thật không dễ dàng. Cảm giác hai mí mắt cứ nặng trĩu, toàn thân uể oải cứ níu lấy chúng tôi khiến việc rời khỏi giường mỗi buổi sáng là cả một sự nỗ lực và đấu tranh tinh thần. Lắm khi muỗi chích tơi tả nhưng cũng không dám đập mà chỉ có thể ấm ức đuổi đi vì nếu không thể nào cũng sẽ bị nhắc nhở. Mỗi lần quỳ đọc kinh chiều là hai đầu gối lại đau ê ẩm. Những lần xé xơ dừa, bóc vỏ đậu là hai bàn tay lại tê rần… Mệt mỏi là thế, ấy vậy mà đến khi quen dần thì dường như chẳng còn là vấn đề gì quá lớn. Ngồi tụm lại với nhau quanh chiếc mẹt tre, vừa bóc đậu vừa tám chuyện trên trời dưới đất, chúng tôi trêu nhau rằng giống những bà nông thôn họp chợ. Tiếng cười, tiếng nói, sự quan tâm ấm áp đã làm tan hết những mệt nhọc và cũng dần xóa đi những khoảng cách ngần ngại ban đầu giữa chúng tôi.

Bữa cơm đầu tiên với cương vị là một Phật tử đầy mới mẻ và bỡ ngỡ. Những câu t
ụng kinh trước bữa ăn. Những thủ ấn lạ lẫm. Thói quen ăn uống khác biệt. Ở đây, mỗi ngày chỉ có hai bữa chính là bữa sáng và bữa trưa; do các sư thầy, sư cô không ăn bữa tối nên chúng tôi tự phục vụ bằng thức ăn của buổi trưa còn lại hoặc mì chay. Chúng tôi phải tập ăn bằng thìa, dùng đũa để gắp thức ăn. Đồ chay lạ miệng nhưng lại rất ngon, hầu như mỗi ngày đều có một món mới khiến chúng tôi không khỏi khâm phục sự sáng tạo của các sư cô, sư thầy.


Cận cảnh một bữa ăn của các thiền sinh

Thiền quả thật là một trải nghiệm thú vị. Mới đầu nhìn thì tưởng là dễ lắm nhưng đến khi tự mình thực nghiệm mới biết thực sự nó như thế nào. Những ngày đầu tập ngồi thiền hai chân đau ê ẩm, lắm khi không còn cảm giác, đặc biệt là khi ngồi theo kiểu kiết già. Ba giờ sáng, gió mát mơn man lùa vào chính điện, giữa bốn bề văng vẳng tiếng côn trùng kêu rả rích, nhiều bạn không kìm nổi gà gật không biết bao nhiêu lần. Cao thâm hơn cả, thầy HùngVP còn sáng tạo ra những tư thế thiền “bất hủ” hay có bạn còn học được tư thế ngủ ngồi (và… ngáy rất tự nhiên). Mỗi ngày, chúng tôi phải ngồi thiền tổng cộng là bốn tiếng đồng hồ cả 2 buổi sáng và tối, tuy nhiên hầu hết đều chưa đến chuông xả thiền là đứa nào đứa nấy lần lượt âm thầm rời khỏi chính điện để quay về với chiếc giường thân yêu và tiếp tục… ngủ cho tới sáng.


Những phút thiền tĩnh lặng…

Mới đầu, tôi cứ tưởng những ngày sống nơi Thiền viện này ắt hẳn sẽ rất nhàm chán, cứ lặp đi lặp lại hết tụng kinh rồi đến ngồi thiền. Thế nhưng, thầy Tâm Hạnh lại rất tâm lý, không muốn chúng tôi cảm thấy quá nặng nề nên đã sắp xếp lại thời gian biểu. Ngoài những giờ giảng pháp hay lao động, thầy còn dẫn chúng tôi đi suối, qua đảo Phật ngắm hoa sim và dọn cỏ quanh tượng Phật. Tất cả đều là những trải nghiệm thú vị, khó quên.


 

Lần “xuất sơn” đầu tiên

 

… và trưởng thành

Mỗi lần đi là mỗi lần khôn lớn. Như thầy Tâm Hạnh vẫn nói, một con rắn nếu để tự nhiên thì nó sẽ bò ngoằn ngoèo tự do theo bản năng của nó. Nhưng một khi đưa vào ống tre thì bắt buộc nó phải bò thằng. Lúc ở nhà được sống trong sự bảo bọc của cha mẹ, việc nhà thì hầu như chẳng mấy khi đụng đến; tới khi đến đây, phải khép mình vào khuôn khổ khiến chúng tôi nghiệm ra rất nhiều điều. Đi đứng, nói năng, làm việc nhẹ nhàng hơn. Lòng lặng hơn. Tâm tĩnh hơn. Nghĩ thoáng hơn. Cho đi nhiều hơn. Tha thứ nhiều hơn… Sau bảy ngày, dù rõ ràng hay kín đáo, mỗi chúng tôi đều ít nhiều thay đổi và lớn lên theo cách của riêng mình.

Những lời giảng của thầy Tâm Hạnh có thể giờ đây chúng tôi hãy còn chưa hiểu rõ hết một cách cặn kẽ, nhưng ít nhiều nó đã định hướng cho chúng tôi con đường đúng phải đi. Sau này, mỗi khi hồi tưởng và nhìn lại bản thân mình sẽ là mỗi lần chiêm nghiệm và thấm lại, để rồi đầu óc sẽ sáng hơn, trái tim cũng lớn hơn và ấm áp hơn.

Bảy ngày không phải là nhiều trong quỹ thời gian sống mà một người có được. Thế nhưng bảy ngày cũng có thể trở nên quý báu vô cùng, đặc biệt là khi đã có những kỉ niệm và khi tâm hồn đã trở nên gắn bó. Quay về với cuộc sống thường nhật, rồi đây, tôi sẽ nhớ lắm sự ân cần, quan tâm, giúp đỡ của các sư cô; sự gần gũi, vui vẻ của các sư thầy; nụ cười ấm áp như tỏa nắng của thầy Tâm Hạnh; nhớ phong cảnh hữu tình bình yên vô cùng mỗi khi nhìn ra ngoài ban công; nhớ tiếng chuông chùa và tiếng đọc kinh văng vẳng mỗi buổi chiều trầm mặc; nhớ cả những con Lou, con Sa, con Đen, con Nhân (những chú chó đáng yêu trong Thiền viện)…

Ngày cuối cùng, cầm trên tay lá phái quy y, lòng tôi bỗng run run xúc động. Đó, kể từ giờ sẽ luôn có người dõi theo mọi hành động của mình. Phải làm sao, phải sống thế nào cho xứng đáng với cái tên sư thầy đã đặt cho? Trong lòng tôi ngay từ đầu đã có câu trả lời, chỉ là phải thực hiện nó như thế nào mà thôi!

Thiền sinh Đoàn Thị Thu Hiền

Đảnh lễ và vấn an Hòa thượng Ân sư trước mùa an cư PL.2556

Sáng ngày mùng 9 tháng 4 (nhằm ngày 29/04/2012) Theo thông lệ hàng năm, nhân ngày kỷ niệm đại Lễ Phật đản và bắt dầu mùa An Cư Kiêt Hạ PL 2556.  Chư Tăng Ni lãnh đạo các Thiền viện đã huân huân tập về Tổ Đình Thiền viện Thường Chiếu  để đãnh lễ vấn an sức khỏe, và trình bạch việc tu học trong mùa an cư của mỗi Thiền viện đến Hòa thượng Tôn sư, kính cung thỉnh ngài chứng minh và chỉ dạy.

Xem tiếp...

Sinh viên Đại học FPT Đà Nẵng tập tu tại TVTL Bạch Mã

Từ ngày 17/04 – 23/04, Phòng PDP đã tổ chức thành công Chương trình “7 ngày trải nghiệm cuộc sống” tại Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã, Thừa Thiên – Huế. Đây là dịp để các bạn sinh viên có cơ hội được trải nghiệm giá trị của phương pháp Thiền và cuộc sống thanh tịnh nhằm rèn luyện bản thân và tu dưỡng tinh thần, hướng đến những giá trị cao đẹp trong cuộc sống. Qua đó các bạn có cái nhìn lạc quan hơn, sống tích cực hơn, làm việc và học tập hiệu quả hơn.

Xem tiếp...

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

1217517
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
2069
4135
18359
1175483
102520
118095
1217517