Thứ Ba 3/12/2024 -- 3/11/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Nhân quả thiện ác - Chương 1: Luật nhân quả

 


CHƯƠNG MỘT
LUẬT NHÂN-QUẢ

I.- ĐỊNH NGHĨA
1/ Luật.- Có người cho rằng đã gọi là luật thì tất phải có một đấng Thiêng-liêng nào, người nào, hay xã hội đặt ra. Quan niệm này có nghĩa hẹp hòi và nông cạn. Luật ở đây là luật thiên nhiên, luật tự nhiên, nó bao trùm cả vũ trụ, vạn vật, chứ không nằm trong phạm vi của loài người, hay trong một xã hội nào. Người ta có thể khám phá ra luật ấy, chứ không thể đặt ra luật ấy được. Đức Phật, mặc dù là một Đấng Giác-Ngộ, cũng không đặt ra luật ấy, Ngài chỉ là người đã dùng trí huệ sáng suốt của mình, để vạch cho mọi người thấy rõ ràng cái luật Nhân-quả đang điều hành trong vũ trụ mà thôi.
2/. Nhân-quả – Nhân là nguyên nhân. Quả  là kết quả. Nhân là cái hạt, Quả là cái trái do hạt ấy phát sinh. Nhân là năng lực phát động,Quả là sự hình thành của năng lực phát động ấy. Nhân-quả là một định luật tất nhiên, có tương quan mật thiết với nhau và chi phối  tất cả mọi sự mọi vật.

II.-NHỮNG ĐẶC TÍNH CỦA LUẬT NHÂN-QUẢ

1.- Nhân-quả là một định luật nằm trong lý nhân duyên.

- Nhân-quả là một định luật, mới ngó thì rất giản dị, nhưng nếu đi sâu vào sự vật để nghiên cứu thì lại càng thấy phức tạp, khó khăn. Trong vũ trụ mọi sự vật không phải đơn thuần tách rời từng món, mà có liên quan mật thiết với nhau, xoắn lấy nhau, đan lấy nhau, ảnh hưởng lẫn nhau, tương phản nhau, thừa tiếp nhau. Để nói đúng trạng thái chằng chịt giữa sự vật, đạo Phật thường dùng danh từ "Nhân Duyên", nghĩa là mọi sự, mọi vật có ra là nhờ duyên với nhau, nương vào nhau, hay tương phản nhau mà thành, chứ không có một cái nào đứng biệt lập được. Trong sự phức tạp của sự vật ấy, tìm ra được cái nhân chánh của quả, hay cái  quả chính của nhân, không phải là việc dễ. Do đó mà nhiều người không quen suy nghĩ tìm tòi sâu xa, sanh ra nghi ngờ thuyết “Nhân-quả”. Thí dụ : hạt lúa có thể làm nhân cho những chẹn lúa vàng là quả  trong mùa gặt sau, nếu người ta đem gieo nó xuống đất; nhưng nó cũng có thể làm cho người ta no bụng, biến thành máu thành thịt trong cơ thể và thành phân bón cho cây cỏ, nếu chúng ta đem nấu nó để mà ăn. Như thế một nhân chính có thể thành ra quả này hay quả khác, nếu những nhân phụ khác nhau: muốn hạt lúa ở mùa này thành chẹn lúa ở mùa sau, thì phải có đất, có nước có ánh sáng, có không khí, có thời gian, có nhân công; muốn nó thành máu huyết thì phải nấu, phải ăn, phải có bộ máy tiêu hóa. Cho nên, khi nói Nhân-quả là tách riêng sự vật ra khỏi cái chung cùng toàn thể của vũ trụ, lấy một khía cạnh nào đó, để dễ quan sát, nghiên cứu, chứ muốn nói cho đúng thì phải dùng hai chữ “Nhân-Duyên”. Cũng như một nhà khoa học, khi muốn nghiên cứu một bộ phận nào trong cơ thể, khu biệt, cắt xén bộ phận ấy ra khỏi cơ thể, để nghiên cứu cho dễ, chứ thật ra bộ phận ấy không phải biệt lập, mà trái lại có liên quan mật thiết đến toàn cả cơ thể.

2.- Một nhân không thể sinh ra quả
Như chúng ta đã thấy ở đoạn trên, sự vật trong vũ trụ này đều là sự tổ hợp của nhiều Nhân duyên. Cho nên không có một nhân nào có thể tự tát thành kết quả được, nếu không có sự giúp đỡ  của nhiều nhân khác. Nói rằng hạt lúa sanh ra cây lúa, là nói một cách giản dị cho dễ hiểu, chứ thật ra hạt lúa không thể sinh ra gì được cả; nếu để nó một mình giữa khoảng trống không, thiếu không khí, ánh sáng, đất, nước, nhân công.
Cho nên, khi nghe ai tuyên bố rằng mọi vật đều do một nhân sinh ra, hay một nhân có thể sinh ra vạn vật; ta có thể chắc chắn rằng người ấy nói sai.

3.- Nhân thế nào thì quả thế ấy.

- Nếu ta muốn có quả cam thì ta phải ương hạt giống cam; nếu ta muốn có hạt đậu thì ta phải gieo giống đậu. Không bao giờ ta trồng cam mà lại thấy đậu, hay trồng đậu mà lại được cam. Người học đàn thì biết đàn, người học chữ thì biết chữ. Nói một cách khác, nhân với quả  bao giờ cũng đồng một loại với nhau. Hể nhân đổi thì  quả cũng đổi. Nếu nhân đổi ít thì  quả cũng đổi ít, nếu nhân đổi nhiều thì quả cũng đổi nhiều.
Quả còn tùy thuộc ở những duyên phụ, mà trong đạo Phật gọi là tăng-thượng-duyên hay trợ-duyên. Thí dụ : Hạt lúa là nhân; đất, nước, không khí, ánh sáng, nhân công là trợ duyên. Nếu trồng lúa mà thiếu nước thì hạt lúa bị xếp. Khi chúng ta muốn có những trái cam thật to, chúng ta hãy ghép các mụt cây cam vào gốc cây bưởi. Vậy cái kết quả tốt đẹp là những trái cam to lớn, mà còn do gốc bưởi nữa. Cho nên khi chúng ta muốn có cái kết quả như thế nào đó, thì phải hội cho đủ điều kiện, nghĩa là cho đủ nhân duyên, thì kết quả mới được như ý ta mong muốn. Có nhiều người muốn được kết quả như thế nầy, nhưng lại không hội đủ nhân duyên như thế ấy, nên kết quả đã sai khác với ý mong muốn của mình, và do đó, họ đâm ra nghi ngờ sự đúng đắn của luật "Nhân-quả".


4- Trong nhân có quả, trong quả có nhân

Chính trong nhân hiện tại đã có hàm chứa cái quả vị lai; cũng chính trong quả hiện tại đã có hình bóng của nhân quá khứ. Một sự vật mà ta gọi là nhân, là khi nó chưa biến chuyển, hình thành ra cái quả mà ta quan niệm; một sự vật mà ta gọi là  quả là khi nó biến chuyển hình thành ra trạng thái mà ta đã quan niệm. Một vật đều có nhân và có quả: đối với quá khứ thì nó là quả, nhưng đối với tương lai thì nó là nhân. Nhân và quả đấp đổi nhau, tiếp nối nhau không bao giờ dứt. Nhờ sự liên tục ấy, mà trong một hoàn cảnh nào, người ta cũng có thể đoán biết quá khứ và tương lai của một sự vật hay một người. Trong kinh thường nói: “Dục tri tiền thế nhân, kim sanh thọ giả thị; yếu tri lai thế quả, kim sanh tác giả thị” ( muốn biết cái nhân đời trước , thì cứ xem quả đời nay đương thọ. Muốn biết cái quả về sau thế nào, thì cứ xét cái nhân đang tác động trong hiện tại). Cũng như thấy trong kho lẫm, năm nay có chứa lúa (quả) thì biết năm vừa qua có làm ruộng (nhân). Còn muốn biết sang năm trong lẫm có lúa không (quả) thì cứ xem năm nay có làm ruộng hay không (nhân) (trừ trường hợp bỏ tiền ra mua lúa non, thì không kể).
5.- Sự phát triển mau và chậm từ nhân đến quả .- Sự biến chuyển từ nhân đến quả có khi mau khi chậm, chứ không phải bao giờ cũng diễn tiến trong một thời gian đồng đều.
Có những nhân và quả xảy ra kế tiếp nhau , theo liền nhau, nhân vừa phát khởi thì quả đã xuất hiện. Như khi ta vừa đánh xuống mặt trống (nhân) thì tiếng trống liền phát ra (quả), hay khi hai luồng điện âm và dương vừa gặp nhau, thì ánh sáng liền bừng lên.
Có khi đã gây rồi, nhưng phải đợi một thời gian, quả mới hình thành, như từ khi gieo hạt giống cho đến lúc gặt lúa, cần phải có một thời gian ít nhất là bốn tháng.
Có khi từ nhân đến quả cách nhau từng chục năm, như đứa bé mới cắp sách đi học cho đến ngày thành tài, phải qua một thời gian ít nhứt là mười năm.
Có khi cần đến một vài trăm năm, hay nhiều hơn nữa, quả mới xuất hiện, chẳng hạn như từ ý niệm giành độc lập của một quốc gia đến khi thực hiện được nền độc lập ấy, cần phải trải qua bao thế kỷ.
Vì lý do mau chậm trong sự phát hiện của các quả, chúng ta không nên nóng nảy hấp tấp mà cho rằng cái luật Nhân-quả không hoàn toàn đúng, khi thấy có những cái nhân chưa phát sinh ra quả .

III- PHÂN TÍCH HÀNH TƯỚNG CỦA NHÂN-QUẢ TRONG THỰC TẾ
Như các đoạn trên đã nói, nhân-quả chi phối tất cả vũ trụ vạn hữu, không có một vật gì, sự gì, động vật hay thực vật, vật chất hay tinh thần, thoát ra ngoài luật nhân-quả được.
Đến đây, để có một quan niệm rõ ràng về luật nhân-quả, chúng ta hãy tuần tự phân tách hành tướng của nhân-quả trong các chủng loại nằm trong vũ trụ:
1.- Nhân–quả  trong những vật vô tri vô giác.

– Nước bị lửa đốt thì nóng , bị gió thổi thì thành sóng, bị lạnh thì đông lại. Nắng lâu ngày thì đại hạn, mưa nhiều thì lụt, gió nhiều thì sanh bão.
2.- Nhân–quả trong các loài thực vật.

- Hạt cam thì sanh cây cam, cây cam thì sanh trái cam. Hạt ớt thì sanh cây ớt, cây ớt thì sanh trái ớt. Nói một cách tổng quát : giống ngọt thì sanh quả ngọt , giống chua thì sanh quả chua, giống đắng thì sanh quả đắng, giống nào thì sanh quả ấy.
3.- Nhân-quả trong các loài động vật.

Loài chim sanh trứng ; nếu ta gọi trứng là nhân, khi ấp nở thành con là quả ; con chim ấy trở lại làm Nhân, sanh ra trứng là quả.
Loài thú sanh con, con ấy là quả. Con thú lớn lên trở lại làm nhân, sanh ra con là quả .
4.- Nhân-quả nơi con người:
a) Về phương diện vật chất.- Thân tứ đại là do bẩm thụ khí huyết của cha mẹ, và do hoàn cảnh nuôi dưỡng. Vậy cha mẹ và hoàn cảnh là nhân, người con trưởng thành là quả, và cứ tiếp nối vậy mãi, nhân sanh quả, quả sanh nhân không bao giờ dứt.
b) Về phương diện tinh thần.- Những tư  tưởng và hành vi trong quá khứ tạo cho ta những tánh tình tốt hay xấu, một nếp sống tinh thần trong hiện tại; tư tưởng và hành động quá khứ là nhân, tánh tình, nếp sống tinh thần trong hiện tại là quả. Tánh tình và nếp sống này làm nhân để tạo ra  những tư tưởng và hành động trong tương lai là quả.
Phương diện tinh thần này, hay nói theo danh từ nhà Phật, phương diện nội tâm, là phần quan trọng. Vậy chúng ta phải đặc biệt chú ý đến hành tướng của nó.
1- Nhân-quả của tư tưởng và hành vi không tốt.
a) Tham: Thấy tiền của người nổi lòng tham lam, sanh ra trộm cắp, hoặc giết hại người là nhân; bị chủ đánh đập hoặc chém giết, phải mang tàn tật, hay bị nhà chức trách bắt giam trong khám đường, chịu những điều tra tấn đau khổ là quả .
b) Sân: Người quá nóng giận đánh đập vợ con, phá hại nhà cửa, chém giết người không gớm tay là nhân; khi hết giận, đau đớn nhìn thấy vợ con bịnh hoạn, nhà cửa tiêu tan, luật pháp trừng trị, phải chịu nhiều điều khổ cực, là quả .
c) Si- mê: Người say mê sắc dục, liễu ngõ hoa tường không còn biết sự hay dở, phải trái, đó là nhân. Làm cho gia đình lủng-củng, thân thể suy nhược, trí tuệ u-ám, là quả.
d) Nghi-ngờ: Suốt đời cứ nghi ngờ việc này đến việc khác, ai nói gì cũng không tin, ai làm gì cũng không theo, đó là nhân. Kết cuộc không làm nên được việc gì cả, đến khi lâm chung, buông xuôi hai bàn tay trắng, đó là quả.
e) Kiêu mạn: Tự cho mình là hơn cả, khinh bỉ mọi người, chà đạp nhân phẩm người chung quanh, là nhân; bị người ghét bỏ, xa lánh, sống một đời lẻ loi, cô độc là quả.
f) Nghiện rượu trà: Chung nhau tiền bạc ăn nhậu cho ngỏa nguê là nhân, đến lúc say sưa, chén bát ngổn ngang , ghế bàn nghiêng ngả, nhiều khi rầy rà chém giết nhau, làm nhiều điều tội lỗi, phải bị phạt vạ và tù tội, là quả.
g) Say mê cờ bạc: Thấy tiền bạc của người  muốn hốt về mình, đắm đuối quanh năm suốt tháng theo con bài lá bạc, là nhân; đến lúc của hết, nhà tan, nợ nần vây kéo, thiếu trước hụt sau, là quả.
2.- Nhân-quả của tư tưởng và hành vi tốt.- Như trên chúng ta đã thấy, những tư tưởng hành vi xấu xa, tạo cho con người những hậu quả  đen tối, nhục nhã, khổ đau như thế nào, thì những tư tưởng và hành vi đẹp đẽ tạo cho con người những hậu quả xán lạn, vinh quang và an vui cũng như thế ấy .
Người không có tánh tham lam, bỏn xẻn thì tất không bị của tiền trói buộc, tất được thảnh thơi. Người không nóng giận, tất được sống trong cảnh hiền hòa, gia đình êm ấm; người không si mê theo sắc dục, tất được gia đình kính nể, vợ con quí chuộng, trí tuệ sáng suốt, thân thể tráng kiện; người không hay ngờ vực, có đức tin, thì hăng hái trong công việc, được người chung quanh tin cậy, và dễ thành tựu trong đường đời; người không ngạo mạn thì được bạn bè quí chuộng, niềm nở tiếp đón, tận tâm giúp đỡ khi mình gặp tai biến. Người không rượu chè, cờ bạc thì không đến nỗi túng thiếu, bà con quen biết kính nể, yêu vì…Những điều trên này, tưởng không cần phải nói nhiều, quí độc giả cũng thừa biết. Hằng ngày, quanh chúng ta, những cảnh tượng nhân và quả ấy diễn ra không ngớt. Mở một tờ báo hằng ngày ra, chúng ta thấy ngay những bài học nhân-quả: trước vành móng ngựa kẻ này bị hai năm tù vì tội ăn trộm; kẻ kia giết ngừơi cướp của bị lên máy chém; kẻ nọ say mê cờ bạc thụt kết bị tịch biên gia sản; cô kia ngoại tình bị chồng chém v.v…
Nói một cách tổng quát, về phương diện vật chất cũng như tinh thần, người ta gieo thứ gì thì gặt thứ ấy. Người Pháp có câu: Mỗi người là con đẻ của công nghiệp mình” (chacun est le fils de son oeuvre)


IV -LỢI ÍCH DO SỰ HIỂU BIẾT NHÂN-QUẢ ĐEM LẠI CHO CHÚNG TA
Khi chúng ta đã biết rõ luật Nhân-quả, nhưng nếu chúng ta không đem nó ra ứng dụng  trong đời sống của chúng ta, thì sự hiểu biết ấy trở thành vô ích. Cho nên chúng ta đã hiểu luật nhân-quả, thì phải cố gắng thực hành cho được bài học ấy trong mọi trường hợp. Nếu chúng ta biết đem luật nhân-quả làm một phương châm hành động và suy luận, thì chúng ta sẽ thu lượm được rất nhiều lợi ích :
1. Luật Nhân-quả tránh cho ta những mê tín dị đoan, những tin tưởng sai lầm vào thần quyền. –Luật Nhân-quả cho chúng ta thấy được thực trạng của sự vật, không có gì là mơ hồ, bí hiểm. Nó vén lên tất cả những cái màn đen tối, phỉnh phờ của mê tín, dị đoan đang bao trùm sự vật. Nó cũng phủ nhận luôn cái thuyết chủ trương vạn vật do một vị Thần sinh ra và có uy quyền thưởng phạt muôn loài. Do đó, người hiểu rõ luật nhân-quả sẽ không đặt sai lòng tin tưởng của mình, không cầu xin một cách vô ích, không ỷ lại thần quyền, không lo sợ hoang mang.
2. Luật Nhân-quả đem lại lòng tin tưởng vào chính con người -.Khi đã biết cuộc đời mình là do nghiệp nhân của chính mình tạo ra, mình là người thợ tự xây dựng đời mình, mình là kẻ sáng tạo, mà không tin tưởng ở mình thì còn tin tưởng ở ai nữa ? Lòng tự tin ấy là một sức mạnh vô cùng quí báu, làm cho con người dám hoạt động, dám hy sinh , hăng hái làm điều tốt, vì những hành động tốt đẹp ấy , họ biết sẽ là những cái nhân quí báu đem lại những kết quả đẹp đẽ.
3. Luật Nhân–quả làm cho chúng ta không chán nản, không trách móc- Người hay chán nản, hay trách móc là vì đã đặt sai lòng tin của mình, là vì đã có thói quen ỷ lại ở kẻ khác, là vì đã hướng ngoại. Nhưng khi đã biết mình là động lực chính, là nguyên nhân chính của mọi thất bại hay thành công, thì còn chán nản trách móc ai nữa? Đã biết mình là quan trọng như thế chỉ còn lo tự sữa mình, lo thôi gieo nhân xấu để khỏi phải gặt quả xấu, thôi tạo giống ác để khỏi mang quả ác .

V-    MỘT THÁI ĐỘ CẦN THIẾT TRONG KHI ÁP DỤNG LUẬT NHÂN-QUẢ : NGHĨ ĐẾN QUẢ TRƯỚC KHI GÂY NHÂN

Chúng ta đã thấy rõ những lợi ích do sự hiểu biết luật nhân-quả đem lại cho mỗi chúng ta, đến đây chúng tôi muốn dành riêng một đoạn, để nhấn mạnh vào một điểm vô cùng quan trọng, mà nếu chúng ta biết triệt để khai thác trong khi áp dụng luật nhân-quả, thì lợi ích sẽ vô cùng rộng lớn . Đó là:  trong mọi hành động của chúng ta, bao giờ cũng nên nghĩ đến quả, mà không trồng nhân. Những người không nghĩ đến quả mà cứ gieo nhân bừa bãi, thì thế nào cũng gặt nhiều tai họa, gây tạo cho mình những điều phiền phức, có khi làm ung độc cả cuộc đời, cả sự sống. Chỉ có những người nông nỗi, liều lĩnh mới không nghĩ đến ngày mai, mới sống qua ngày. Chứ những người sáng suốt làm việc có kế hoạch khôn ngoan, thì bao giờ cũng nhằm cái đích , rồi mới đi tới, hình dung rõ ràng cái quả rồi mới trồng nhân.
Câu chuyện trên đây có thể chứng minh một cách hùng hồn ý nghĩa nói trên:
Xưa có một vị Hiền giả nêu ở giữa chợ một tấm bảng như sau :
“Ai chịu trả một ngàn lượng vàng ,
Tôi sẽ bán cho một bài học”.
Tấm bảng treo đã nhiều ngày mà không ai thèm hỏi đến. Một hôm, một vị vua, nhân đi dạo chơi ngang qua chợ, trông thấy, động tánh hiếu kỳ, mới đến chỗ Hiền giả, lấy một ngàn lượng vàng, hỏi mua bài học ấy.
Sau khi nhận đủ số vàng, nhà Hiền triết đưa bài học ra. Bài học vỏn vẹn chỉ có một câu giản dị như sau:
“ Phàm làm việc gì, trước phải xét kỹ kết quả của nó về sau “.
Các quan tùy tùng thấy vậy xầm xì với nhau:  “Nhà vua bị gạt! Một câu nói như thế, có hay ho gì đâu mà phải mua đến một ngàn lượng vàng?”.
Trong lúc đó, nhà vua cũng phân vân, không hiểu bài học giản dị ấy, tại sao lại đắt giá đến thế?
Khi về cung, nhà vua cứ suy nghĩ mãi về câu nói ấy. Trong lúc ấy như mọi đêm khác, trong cung đều có mở yến tiệc linh đình, cung phi mỹ nữ ca hát suốt đêm, để nhà vua mặc tình vui chơi với tửu sắc. Nhưng hôm nay, vì bị bài học của nhà Hiền triết ám ảnh, bắt vua suy nghĩ :
“ Nếu ta say mê tửu sắc như thế này, thì kết quả sẽ ra sao? Thân thể sẽ suy nhược, tinh thần tiều tụy và mau chết, việc triều đình phế bỏ, rồi sẽ đi đến chỗ mất nước, dân chúng trở thành nô lệ cho ngoại bang, đời đời nhục nhã và khổ đau!…”
Nhận thấy rõ cái kết quả xấu xa nguy hiểm của tửu sắc như thế, vua liền truyền lịnh dẹp ngay yến tiệc, ca hát, và bắt đầu từ đó vua lo chỉnh đốn lại nước nhà, sữa sang binh bị…
Hai năm sau, một nước láng giềng đem binh đến cướp nước, nhà vua nhờ sớm giác ngộ, lo xây dựng cho nước được hùng cường, nên đã đuổi lui được quân giặc. Bấy giờ nhà Vua mới tự bảo:
“Bài học của nhà Hiền triết quý giá lắm!
Một ngàn lượng vàng còn rẻ”.
Nhà vua bèn ra lệnh chép bài học ấy, dán khắp tất cả mọi nơi, cho đến mâm cơm, chén nước cũng truyền khắc vào.
Một hôm có người trong hoàng thân muốn chiếm đoạt ngôi vua, nên thuê quan Ngự-y một số tiền lớn để thừa lúc vua đau, tráo dâng thuốc độc. Lãnh tiền xong, quan Ngự-y sau khi chế thuốc độc xong, lén rót vào chén, định dâng lên vua uống. Nhưng khi nhìn thấy mấy chữ khắc trong chén:
“Phàm làm việc gì trước phải xét kỹ kết quả của nó về sau”.
Quan Ngự-y sực tỉnh và suy nghĩ: Tội thí vua này, nếu bị phát giác ra, sẽ bị tru di tam tộc, chứ không phải tầm thường”. Quan Ngự-y sau khi xét kết quả việc làm của mình gớm ghê như thế, nên đã đổ chén thuốc và thú tội với nhà vua. Nhà vua đã thấy quan Ngự-y đã biết ăn năn hối cải như thế, nên rộng lòng ân xá và còn ban cho một số tiền bạc to tát nữa.
Nhờ bài học này, nước nhà khỏi mất, dân tộc khỏi làm nô lệ cho ngoại bang, nhà vua khỏi chết, nên vua cho bài học này là vật báu vô giá.
Vậy chúng ta cũng nên đem bài học này áp dụng vào mọi công việc hằng ngày của chúng ta.
Khi chúng ta ham mê cờ bạc, nên nhớ cái kết quả của nó sẽ vong gia bại sản, thiếu trước hụt sau, nợ nần đòi hỏi. Khi lăm le muốn gần tửu sắc, hãy xét đến kết quả của nó sẽ làm thân thể hao mòn, đa mang tật bệnh, danh giá chôn vùi. Khi nóng giận muốn làm hại người, nên xét cái kết quả của nó về sau là “oan oan tương báo”, hại người tất sẽ bị người hại lại, khi móng niệm tham lam tiền bạc của cải của người, nên xét kết quả về sau là tù tội gông xiềng v…v…
Tóm lại, nếu chúng ta biết đem bài học nhân-quả này mà áp dụng trong tất cả mọi công việc hằng ngày của đời mình, thì chúng ta sẽ thấy tánh tình và hành vi của chúng ta mỗi ngày cải tiến, các việc sái quấy sẽ giảm bớt, các việc lành càng thêm tăng trưởng; và từ địa vị người vượt lên địa vị thánh, hiền, không phải là điều không làm được.

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

1235632
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
3272
3217
11325
1199158
11325
109310
1235632