Thứ Năm 28/11/2024 -- 28/10/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Xuân trong cửa thiền - An lạc sau khi bứng gốc khổ đau

 AN LẠC SAU KHI BỨNG GỐC KHỔ ĐAU
Bài nói chuyện với Phật tử - Xuân Đinh Mão 1987
Hôm nay là ngày Tết Nguyên Đán năm Đinh Mão 1987, quí Phật tử đến chùa lễ Phật và chúc mừng năm mới quí thầy. Để đáp lại lòng kính trọng Tam Bảo của quí Phật tử, chúng tôi sẽ có lời chúc đầu năm hơi dài dòng một chút, không chỉ một câu ngắn gọn rồi thôi, lời chúc này gồm nhiều chi tiết. Hôm nay đầu đề chúng tôi chúc là: Cầu Tam Bảo gia hộ cho tất cả Phật tử một năm mới hoàn toàn an lạc.
Khi nói đến an lạc, trước phải nói đến đau khổ. Nếu nói an lạc suông, quí vị lại tưởng là mình thảnh thơi lắm, rồi không cố gắng tu hành. Vì vậy khi chúc quí Phật tử một năm mới hoàn toàn an lạc, chúng tôi sẽ nói rõ nguồn gốc đau khổ của con người hiện tại và vị lai. Nếu biết được nguồn gốc đau khổ, mình nhổ phăng bứt gốc bứt rễ nó lên thì an lạc sẽ đến, an lạc thật sự.
Tất cả Phật tử chúng ta là con Phật phải nhìn thấy đúng như cái nhìn cái thấy của đức Phật. Sau khi giác ngộ rồi, đức Phật thấy rõ được bản chất của con người như thế nào, Ngài đem ra chỉ dạy để chúng ta thức tỉnh biết rõ được con người mình. Khi biết rõ được con người mình thì chúng ta mới biết làm sao để hết khổ và làm sao để đến an lạc thật sự, đó là gốc của sự tu. Nếu chúng ta không biết bản chất của mình là vui hay khổ cứ sống lây lất qua ngày, đua đòi theo những hình thức vật chất, chúng ta phải tạo nghiệp thọ khổ, chẳng những đời này mà còn kéo dài không biết bao nhiêu kiếp nữa. Vì lòng từ bi, đức Phật muốn cho mọi người hết khổ, nên trước tiên Ngài chỉ rõ nguồn gốc đau khổ. Thấy được nó, chúng ta mới có thể đào bới nó lên được. Nếu không thấy nó, chúng ta muốn cầu vui mà cái vui không bao giờ đến, vì chúng ta có biết cái khổ đâu mà bới lên. Thành ra muốn vui mà con người cứ khổ, cái khổ cứ tràn tới mãi mãi. Chính con người ở thế gian đang là như vậy, lúc nào cũng chúc mừng nhau năm mới được an vui hạnh phúc, nhưng đến cuối năm quí vị thấy có an vui hạnh phúc không? Luôn luôn chúc nhau an vui hạnh phúc mà kết quả lại không có an vui hạnh phúc chi hết, mà trái lại nhiều khổ đau, nhiều bực bội. Chúc như vậy chỉ là chúc suông thôi.
Ở đây chúng tôi muốn quí Phật tử thật sự sang năm này là một năm quí Phật tử tạo nên một cội nguồn của sự an lạc. Muốn tạo nên cội nguồn an lạc đó trước tiên quí Phật tử phải biết nguồn gốc đau khổ là cái gì? Biết được nó rồi chúng ta mới có thể bứng gốc bứng rễ nó để thành an lạc.
Nguồn gốc đau khổ là cái gì?
Trong đạo Phật, lúc nào đức Phật cũng muốn chỉ cho mọi người thấy được lẽ thật của kiếp sống con người. Chúng ta cứ tìm những điều quanh quẩn bên ngoài mà những điều đó dù chúng ta thấy được lẽ thật của chúng, cũng là lẽ thật bên ngoài thôi; còn bản thân chúng ta chưa biết chưa thấy đó là một khuyết điểm lớn lao. Vì vậy đức Phật nói rõ bản chất của con người là khổ hay vui? - Khổ! Vừa nghe thoáng qua chúng ta cảm thấy bi quan, nhưng đó là sự thật.
Vì sao bản chất con người là đau khổ?
Đức Phật dạy đau khổ chia ra hai phần:
1. Đau khổ do sự cảm thọ.
2. Đau khổ do lòng tham ái.
Như vậy chúng ta cần xác định lại kiếp sống con người là đau khổ, chớ không phải là an vui. Đức Phật dạy những đau khổ của con người là do:
- Sanh, già, bệnh, chết.
- Ái biệt ly khổ.
- Oán tắng hội khổ.
- Cầu bất đắc khổ.
- Ngũ ấm xí thạnh khổ.
Chúng ta ở trên thế gian này thật là khổ. Trong cuộc sống quí vị muốn một trăm điều, kết quả được bao nhiêu? Nhiều lắm là hai chục điều thôi tức là có hai chục phần trăm được như ý. Đó là tôi nói ưu đó, có khi còn chưa được như vậy nữa! Còn tám chục phần trăm là bất như ý, tức là không toại nguyện, mà không toại nguyện là đau khổ. Nhìn tổng quát, đức Phật nói cuộc đời con người là đau khổ, sanh là khổ. Đó là cái khổ thứ nhất.
Già có khổ không? Có ai nói già mà vui đâu! Già thì thân thể yếu gầy bệnh hoạn, rồi răng rụng da nhăn, chân mỏi gối dùn, đi đứng lụm cụm, đủ chuyện phiền hà, nên nói già là khổ.
Bệnh có vui không? Bệnh là khổ rồi, không ai chối được.
Còn chết thì sao? Là đại khổ!
Như vậy thử kiểm lại ở trần gian này, có người nào thoát khỏi sanh lão bệnh tử hay không? Ai cũng sanh ra rồi già đi, ai cũng phải bệnh hoạn rồi cuối cùng là chết. Không một ai thoát khỏi bốn điều này, cho nên nói kiếp người đau khổ là như vậy.
Đến ái biệt ly: thương mà xa lìa. Những người mình thương rất là thương mà xa lìa, có gì khổ cho bằng! Có người nào khỏi xa lìa thân nhân mình đâu, thân nhất là cha mẹ, vợ chồng, anh em, bạn bè, có lúc cũng phải xa lìa. Như vậy gọi là ái biệt ly khổ. Oán tắng hội khổ: ghét mà gặp mặt nhau cũng khổ. Những người mình không thích, không muốn thấy mặt mà cứ ở ngay trước mắt mình hoài thì làm sao vui được! Cầu bất đắc khổ: mong cầu mà không được như ý cho nên khổ. Cái khổ thứ tám là ngũ ấm xí thạnh khổ. Năm ấm sắc, thọ, tưởng, hành, thức cấu hợp thành thân này, luôn luôn chống đối, bất an cho nên đau khổ.
Tám điều khổ vừa kể trên, chúng ta đều phải đa mang suốt cuộc đời, không thiếu sót một điều nào. Có ai khỏi sanh già bệnh chết? Có ai không xa lìa người thương, không gặp gỡ người mình ghét? Có ai cầu điều gì được điều nấy đâu? Tám điều khổ của con người là sự thật, không chối cãi được. Đau khổ là một lẽ thật không làm sao tránh được, nó luôn luôn theo dõi ép ngặt khiến chúng ta bất an. Nếu có gượng cười gượng vui, chỉ trong giây lát rồi cũng khổ. Ví dụ như khi gặp bạn bè vui tươi chốc lát, đến lúc về nhà đau chân, mỏi lưng… cảm thấy khổ thân. Như gặp người thân thì mừng rỡ, nhắc lại người xa cách thì than khóc. Gặp người mình thích thì tươi cười, gặp người mình ghét thì bực bội. Cả ngày vui buồn thay đổi luôn luôn, điều vui thì ít, đau khổ thì nhiều. Bản chất con người là đau khổ. Đức Phật gọi đó là Khổ đế: Khổ là một lẽ thật không chối cãi được.
Tám điều khổ do đâu mà ra? Gốc từ cảm thọ mà ra. Cảm thọ chia ra làm hai phần:
1. Cảm thọ sai biệt của sáu căn rồi chấp nê sanh đau khổ.
2. Cảm thọ do đuổi theo thú vui rồi giành giật sanh đau khổ.
Vì sao cảm thọ sai biệt của sáu căn gây nên đau khổ? Chúng ta ai cũng có sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Sáu căn này có những cảm thọ ngoại cảnh không giống nhau. Thí dụ như mắt chúng ta nhìn thấy sự vật, nếu vị nào có con mắt nghệ thuật, khi nhìn bình hoa đặt trên bàn thì trầm trồ khen hoa trưng đẹp mắt. Nhưng một người khác không có mắt nghệ thuật nhìn mấy nhánh hoa lưa thưa ngả nghiêng không có gì đẹp cả. Người bảo đẹp, người cho là xấu, hai người không đồng ý nhau rồi sanh bực tức tranh cãi. Con mắt xúc chạm với sắc trần, người thấy đẹp, người thấy xấu là do cảm thọ sai biệt mà ra. Như vậy ai đúng? Nếu không ai đúng thì sao lại tranh cãi? Thật là vô lý. Mỗi người có cái thấy không giống nhau. Do cái thấy khác nhau, rồi không đồng ý với nhau nên sanh cãi rầy. Nguyên do là vì chúng ta không có nhận xét đúng đắn.
Đến cảm thọ sai biệt của lỗ tai. Thí dụ hai ba người bạn ngồi chơi, một người kể chuyện phải quấy trong xóm, rồi nói: Những người nghèo thật đáng thương. Người bạn khá giả nghe nói như vậy thì vẫn bình tĩnh, trong khi người bạn nghèo cho rằng mình bị khinh khi. Cùng nghe một câu chuyện, mà một người thì không bị xúc phạm, còn một người thì bị tự ái, bị mặc cảm. Lời nói có giá trị bằng nhau, nhưng khi nghe rồi sự cảm thọ khác nhau, nên sanh vui buồn khác nhau. Một người cho rằng không có chỉ trích người nghèo, một người cho rằng mình nghèo nên bị khinh khi, hai người không đồng ý nhau nên sanh cãi vã. Đó là do sự cảm thọ sai biệt của lỗ tai.
Sự cảm thọ của mũi có giống nhau không? Như người miền Nam nghe mùi sầu riêng nói: thơm quá! Nhưng người miền Trung bảo: hôi quá! Cùng một mùi sầu riêng người nói thơm, người nói hôi. Như vậy ai đúng? Người nói mùi sầu riêng là thơm sẽ cãi với người kia. Người nói mùi sầu riêng là hôi sẽ cãi lại. Hai người sẽ đi đến ẩu đả nhau. Ai đúng? Ai sai? Người bàng quan ngoại cuộc nếu ở miền Nam thì cho rằng người ngửi thơm là đúng, nếu ở miền Trung thì cho người ngửi hôi là đúng. Do sự huân tập khác nhau nên sự cảm thọ có sai biệt. Sự tranh cãi đúng sai thật là vô ích, không khôn chút nào hết, lại làm buồn lòng nhau, chẳng phải nguồn gốc của đau khổ sao? Buồn giận nhau, không ngó mặt nhau, gọi là oán tắng hội, đau khổ từ đó mà sanh.
Sự cảm thọ của lưỡi cũng khác nhau! Thí dụ cô đầu bếp làm thức ăn. Cô nấu canh nêm nếm đàng hoàng rất là vừa ý. Nhưng vì cô quen ăn mặn nên những người quen ăn lạt chê là nêm canh quá mặn. Cô đầu bếp tức giận nghĩ mình nấu nướng kỹ lưỡng, nêm nếm vừa ăn lắm mà còn bị chê trách! Chung qui chỉ vì thói quen của cái lưỡi người quen ăn mặn, người quen ăn lạt mà thôi. Người quen ăn mặn cảm thấy vừa miệng thì người quen ăn lạt cho là mặn và ngược lại, người quen ăn lạt cảm thấy vừa ăn thì người quen ăn mặn cho là lạt. Như vậy lấy đâu làm tiêu chuẩn? Vì sao lại cãi nhau cho sự cảm thọ của mình là đúng? Mỗi người có khẩu vị khác nhau. Cùng một thức ăn, người khen ngon, người chê dở. Người thích món ăn này, người thích món ăn kia, vì mỗi người có cảm thọ riêng biệt theo thói quen của mình. Chẳng những chúng ta có thói quen đời này mà còn cả thói quen của đời trước nữa. Thí dụ có người khi cha mẹ sanh ra chỉ ăn chay lạt, không ăn thịt cá được. Vì lý do gì? Có phải là cảm thọ quá khứ còn lại, nên không thích mùi thịt cá. Lại có người cha mẹ bảo ăn chay, thì thích dùng thức ăn mặn. Như vậy là do thói quen của mọi người, hoặc ở hiện tại, hoặc đã huân tập trong quá khứ. Chúng ta không nên chủ quan bắt buộc người khác phải giống mình. Nhưng ở trên thế gian này phần đông chúng ta đều chủ quan muốn ai cũng giống mình, nhất là con cái trong nhà. Nếu con trong nhà làm khác ý cha mẹ, cha mẹ sẽ bực tức giận trách rầy la, tạo bao điều đau khổ trong gia đình. Tất cả cũng do sự cảm thọ sai biệt mà ra.
Cảm thọ của thân như thế nào? Cũng riêng biệt tùy theo mỗi người. Thí dụ: Hai người ở chung một căn phòng, một người mập béo, một người gầy ốm. Căn phòng có một cửa sổ, khi trời vừa mát người gầy ốm cảm thấy lạnh vội đi đóng cửa sổ… Người mập béo nghĩ thế nào? Cảm thấy bực bội, khí trời nóng bức vừa dịu mát lại đóng cửa sổ, không giận sao được! Rồi hai người cãi vã nhau, có khi đi đến ẩu đả. Như vậy lẽ thật ở đâu? Đó là do cảm thọ sai biệt của thân nên người ta bất đồng ý với nhau rồi sanh bất hòa, đó là nguồn gốc đau khổ.
Thứ sáu là cảm thọ của ý. Điều này là quan trọng hơn hết. Cảm thọ của ý là gồm nghiệp của quá khứ và thói quen của hiện tại. Mỗi người chúng ta sống trong hoàn cảnh gia đình và xã hội khác nhau nên được sự giáo dục và hiểu biết khác nhau. Người thấy thế này là phải, người thấy thế kia là phải. Thí dụ: Một người sanh trong gia đình theo đạo Phật từ thuở bé, một người sanh trong gia đình theo đạo Chúa từ thuở bé. Hai người ngồi nói chuyện với nhau, do sự huân tập khác nhau nên có những cảm nghĩ khác nhau. Người tin Chúa cho đạo Chúa là đúng, không chấp nhận đạo Phật. Người tin Phật cho đạo Phật là hay, không chấp nhận đạo Chúa. Hai người tranh luận với nhau, có những quan điểm bất đồng, bực bội cãi vã lẫn nhau. Đó là nguồn gốc của đau khổ. Đến đời sống của vợ chồng trong gia đình cũng vậy. Người chồng có sự huân tập của người nam, lo việc rộng lớn ngoài xã hội, người vợ có sự huân tập của người nữ, lo việc tỉ mỉ trong nhà. Hai vợ chồng có hai huân tập khác nhau, nên thường không đồng ý kiến với nhau. Ai cũng thấy mình là đúng, người kia là sai, nên không ai chịu thua ai, cuối cùng đi đến ly dị, hậu quả là con phải chịu đau khổ! Nguyên do từ đâu? Chỉ do sự cảm thọ sai biệt, rồi chấp chặt cho quan niệm của mình là đúng, bắt người khác phải nghe phải thấy như mình, phải có những cảm nghĩ những hiểu biết như mình. Nếu không đồng ý nhau thì lắc đầu than thở: Sao không có ai là bạn tri kỷ với mình! Thử hỏi trên thế gian này có mấy người tri kỷ giống mình như một? Chắc là không rồi, vậy mà buộc lòng phải sống chung nhau thật là quá đau khổ!
Thế thì phải làm sao cho hết đau khổ! Chỉ đừng chấp nê là hết đau khổ! Cùng một mùi trái cây tôi ngửi cho là thơm cũng đúng, chị cho là hôi cũng đúng theo thói quen của mỗi người, như vậy hòa nhau, tránh được sự tranh cãi. Cùng một thức ăn chị nếm nghe mặn, tôi nghe lạt, cả hai đều đúng theo thói quen của cả hai, tất nhiên hòa nhau không có tranh cãi v.v… Nếu còn chủ trương sai biệt cho mình là đúng, người là sai, là còn tranh cãi, còn đau khổ. Nhận chịu sự đau khổ là khôn hay không khôn? Quả thật không khôn. Nhưng nếu ai bảo là mình ngu thì mình lại nổi giận lên, có phải là mâu thuẫn không? Nếu còn chấp nê là còn đau khổ. Hiểu như vậy rồi, chúng ta phải thông cảm với nhau, bỏ qua tất cả những sự sai biệt để sống hòa thuận với nhau từ trong gia đình đến ngoài xã hội. Nếu biết chấp nê là sai quấy thì phải mạnh dạn dẹp tự ái đến xin lỗi người, làm hòa với nhau thì cuộc đời sẽ bớt được nhiều đau khổ.
Những người đến tôi để thưa kiện, đều than không ai thông cảm với mình hết. Vì chấp sự cảm thọ của mình là đúng thì làm sao có người thông cảm với mình được! Nếu buông tất cả chấp nê thì mọi người đều thông cảm với mình. Chúng ta tu phải biết rõ lẽ thật đó, bỏ tất cả sự chấp nê do cảm thọ sai biệt, thì đau khổ tự dứt. Không phải cầu Phật ban cho điều gì, không phải cầu xin nơi miếu này lăng kia, mà phải biết rõ nguồn gốc của đau khổ là do sự cảm thọ sai biệt của sáu căn, rồi chấp chặt vào đó, rồi tranh đấu, giành giật, hơn thua với nhau, cuối cùng là đau khổ. Biết như vậy chúng ta buông xả tất cả sự chấp nê là chúng ta hết đau khổ.
Nguyên nhân thứ hai của đau khổ là đuổi theo thọ lạc. Hiện giờ chúng ta đang sống, ai cũng muốn cuộc đời được hạnh phúc. Thử hỏi quí vị cái gì là hạnh phúc? Chúng ta chỉ nói đến hạnh phúc mà không biết cái gì là hạnh phúc? Được ăn ngon, mặc đẹp là hạnh phúc chăng? Được nhiều tiền của, ở nhà to rộng là hạnh phúc chăng? Được những gì mình mong muốn là hạnh phúc chăng? Quí vị thử kiểm lại những điều đó có phải là hạnh phúc thật hay không? Con người ai cũng mơ ước hạnh phúc, mơ ước mãi mà không bao giờ toại nguyện. Vì sao? Thí dụ: Khi đang đói chúng ta nghĩ có một bữa cơm ngon, hạnh phúc biết mấy! Nhưng khi  được bữa cơm ngon, ăn đầy đủ rồi, hạnh phúc còn không? Hạnh phúc qua mất rồi! Như vậy hạnh phúc chỉ có trong chốc lát thôi, rồi qua mất không còn. Đang đi bộ, chúng ta nghĩ được một chiếc xe đạp đi, chắc là hạnh phúc lắm. Nhưng khi được chiếc xe đạp đi lọc cọc ba bốn hôm rồi nó hư, lúc đó có hạnh phúc không? Như vậy hạnh phúc không bền, không thật, mà thế gian cứ đuổi theo cho nó là bền là thật! Hạnh phúc qua rồi mất, đuổi theo cái qua rồi mất thì hạnh phúc ấy quả là không thật. Biết hạnh phúc không thật mà chúng ta mơ ước nó hoài, thì mơ ước đó trở thành hão huyền.
Khi chúng ta mơ ước một điều gì, nghĩ rằng khi được nó hạnh phúc biết bao! Nhưng khi được rồi, còn hạnh phúc nữa không? Có gì hạnh phúc hơn, khi làm mệt nhọc được nằm nghỉ một chốc lát, hạnh phúc biết mấy? Nhưng nếu bị bắt buộc nằm một ngày, còn hạnh phúc hay không? Nếu nằm một ngày không được đi đâu, lúc ấy cũng bực bội. Thành thử hạnh phúc không có thật, nó chỉ có trong một giai đoạn nào thôi. Thí dụ chúng ta đang gánh gồng hết sức là nặng, nếu có ai đỡ gánh giùm mình, lúc ấy chúng ta cảm thấy nhẹ bổng lên, hạnh phúc biết mấy! Nhưng nếu hết gánh rồi đi một lúc, chúng ta không còn thấy hạnh phúc nữa. Như vậy hạnh phúc chỉ có trong chốc lát. Trong lúc khổ đau, qua được cơn khổ đau tạm gọi là hạnh phúc. Hạnh phúc là do qua cơn khổ đau, chớ nó không có thật. Cái không thật mà chúng ta tưởng chừng cả đời hưởng hoài thì làm sao có được.
Chúng ta hiện giờ mong mỏi ước mơ là mong mỏi ước mơ cái gì? Ước mơ hạnh phúc. Ước mơ hạnh phúc là ước mơ được: một là ăn ngon, hai là mặc đẹp, ba là được những nhu cầu sung túc, bốn là được tiền bạc dồi dào, năm là được gia đình sung sướng vui vẻ v.v… Những điều ước mơ đó được rồi mất, không còn nguyên vẹn mãi. Như vậy hạnh phúc có hay không? Chúng ta mong muốn những điều đó phải lâu bền mãi mãi, nhưng trên thế gian này đâu có điều gì lâu bền mãi mãi. Như vậy suốt cuộc đời mình bị chúng chỉ huy sai sử. Như mỗi sáng thức dậy, chúng ta chuẩn bị lo cho bữa ăn sáng, rồi đến bữa trưa và bữa chiều. Chúng ta chạy loanh quanh tìm kiếm những thức ăn cho vừa miệng, tức là suốt ngày chạy theo cái thọ lạc của lưỡi. Những thức ăn vừa miệng khi để vào lưỡi có cảm giác ngon, nhưng khi nuốt qua rồi cảm giác ấy không còn nữa. Như vậy mà chúng ta cứ chạy theo cái thọ lạc, chạy mãi không có ngày cùng, cho đến ngày nhắm mắt cũng chưa vừa ý.
Đến cảm thọ của lỗ mũi, lỗ tai, con mắt cũng vậy. Cái nhà nhìn thấy phải đẹp, chậu hoa, chậu kiểng phải vừa mắt v.v… Như vậy con người chạy tìm cái thọ lạc suốt cuộc đời không có ngày cùng. Thọ lạc là tạm bợ giả dối không thật. Đuổi theo thọ lạc tức là gởi gắm, hiến dâng đời mình cho cái giả dối. Vậy mà chúng ta thấy hài lòng chạy theo nó từ năm này sang năm khác, rồi cả một cuộc đời bị thọ lạc của sáu căn sai sử. Cả một cuộc đời chạy theo thọ lạc, nếu có ai ngăn chận thì nổi giận ngay. Thí dụ: Đi chợ thấy bó rau ngon, chúng ta vừa ngồi xuống lựa, chợt có người đến mua trước, thì cãi vã nhau liền. Có chậu kiểng đẹp chưa kịp hỏi giá, chợt có người khuân đi, chúng ta bực bội ngay. Chỉ vì thọ lạc của sáu căn mà chúng ta giành giật, hơn thua, tranh đấu với nhau cả đời không dứt. Có phải thọ lạc đã chỉ huy lôi cuốn cả cuộc đời mình không? Cũng vì thọ lạc mà chúng ta phải hận thù oán ghét lẫn nhau. Cảm thọ lạc nguyên là vô thường. Vì cái vô thường đó chúng ta lại gây chuyện hơn thua, phải quấy, tranh giành với nhau, có phải là việc làm đúng chân lý hay không? Vậy mà chúng ta bị nó chi phối hoàn toàn không còn giây phút nào rảnh rỗi. Quí vị thường nói: cả ngày tôi không rảnh, là tại sao? Chỉ vì đuổi theo thọ lạc: muốn ăn mặc vừa ý, muốn thấy nghe vừa ý v.v… rồi chúng ta xoay quanh hết ngày này đến tháng kia không rảnh phút nào. Cảm thọ đã chỉ huy cả một cuộc đời chúng ta, lại gây ra bao nhiêu hận thù đau khổ!
Ái cũng là nguồn gốc của khổ đau. Trong nhà Phật, ái chia làm ba thứ:
1. Ái ngã.
2. Ái thân thuộc.
3. Ái sự nghiệp tiền của.
Ái ngã là khổ. Có ai không tự thương mình đâu, dù mình có xấu đi nữa, con mắt lệch một bên hay lỗ mũi xẹp một chút, mình cũng thương mình. Nếu biết mình đẹp, thì mình càng thương mình hơn nữa, ái ngã chặt hơn nữa. Vì thương mình nên những gì mình muốn mà không được thì khổ. Như mình muốn trẻ nghe nói già là rầu, mình muốn khỏe mạnh mà bị bệnh hoạn là khổ, mình muốn sống lâu nghe nói sắp chết lại càng đau đớn. Vì quá thương mình cho nên bị bốn cái sanh già bệnh chết làm khổ. Ái ngã là gốc của bốn khổ vậy.
Ái thân thuộc có hai cái khổ. Một là ái biệt ly khổ. Vì quá thương người thân thuộc mà phải chia lìa nên chúng ta đau khổ. Có ái thì có tắng, tức là có yêu thì có ghét theo sau. Nên người nào yêu nhiều thì ghét cũng nhiều. Vì yêu nhiều nên người mình yêu mình thương tha thiết, người mình ghét mình cũng ghét đắng cay không muốn nhìn mặt. Vì vậy mình khổ với người mình thương bao nhiêu, mình cũng khổ với người mình ghét bấy nhiêu. Cho nên ái biệt ly khổ đi đôi với oán tắng hội khổ. Đó là hai cái khổ do ái thân thuộc.
Ái tài sản sự nghiệp cũng là nguồn gốc của đau khổ. Có ai muốn gia sản của mình càng ngày càng kiệt quệ đâu! Ai cũng muốn gia sản của mình càng ngày càng to lớn. Muốn mà không được như ý thì đau khổ, tức là cầu bất đắc khổ.
Như vậy quí vị thử kiểm điểm lại có phải tám cái khổ của chúng ta đều nằm trong ái mà ra: ái ngã, ái thân thuộc và ái sự nghiệp tiền của. Ái của mình cạn thì tám cái khổ theo đó mà chết.
Thấy rõ gốc của đau khổ, chúng ta phải làm cách nào nhổ cái gốc đó lên. Trong nhà Phật dạy muốn nhổ gốc của đau khổ, nghĩa là muốn dứt khổ, chúng ta phải thấy rõ bản chất của thọ và ái cho tường tận. Thử hỏi quí vị cảm thọ khổ và cảm thọ vui có thật hay không? Cảm thọ của sáu căn qua rồi mất, đâu có thật! Thí dụ một bài hát thật là hay, khi nghe qua lỗ tai rất là thích thú, nhưng nghe hát qua rồi mất, đâu còn mãi bên tai. Một thức ăn ngon ăn rất vừa miệng, nhưng khi qua lưỡi rồi cũng mất, có còn mãi đâu v.v… Bản chất của tất cả cảm thọ là vô thường, tức là tạm bợ giả dối. Biết rõ cảm thọ là vô thường giả dối, chúng ta ưng làm tớ đuổi theo nó, hay muốn làm chủ không lệ thuộc vào cảm thọ? Nếu giành được quyền làm chủ cảm thọ thì vui, nếu bị cảm thọ làm chủ thì khổ. Quí vị nên can đảm chọn quyền làm chủ cảm thọ thì trọn một năm nay nhất định quí vị hết khổ, hoàn toàn an lạc.
Bản chất của ái có thật hay không? Ái là thương, thương yêu là nghĩ tới thân này nó lâu dài bền bỉ, nhưng bản chất của thân là vô thường. Thương yêu nó chỉ là thương yêu cái tạm bợ mà thôi. Thương yêu sự nghiệp cũng vậy, sự nghiệp là vô thường, thương yêu thân thuộc, thân thuộc cũng là vô thường. Những điều mình thương yêu đó đều vô thường, không có bền lâu. Chúng ta lại thương yêu những cái vô thường hay sao? Hay là chúng ta thương yêu cái gì lâu dài vĩnh cửu? Thí dụ khi đi chợ mua những vật cần dùng quí vị chọn những thứ bền tốt hay những thứ tạm tạm xài vài ba hôm rồi lại hư? Dĩ nhiên chúng ta lựa những vật dùng bền tốt, những gì tạm tạm chúng ta không mua. Cũng như vậy, biết thân là vô thường, sự nghiệp là vô thường, những người thân thuộc là vô thường, chúng ta ôm ấp thương yêu chúng nó để làm gì? Khi những giọt mưa từ mái nhà rơi xuống nổi lên những bong bóng lóng lánh, quí vị thương chúng nó hay không? Nếu thương, chúng nó bể thì sao? Bong bóng nước cũng lóng lánh, hạt kim cương cũng lóng lánh, cả hai đều lóng lánh, quí vị thương cái nào hơn? - Thương hạt kim cương hơn, tại sao? Vì nó lâu bền. Chúng ta thương cái gì lâu bền. Như vậy thân này vô thường, sự nghiệp vô thường, những người thân thuộc của mình cũng vô thường thì mình phải thương hay không? Mình thương cái nào không vô thường, cái giải thoát không sanh tử, đó mới là cái mình thương. Những cái vô thường chúng ta thương hoài cũng không được gì, vì chúng nó sẽ hoại và sẽ mất. Chúng ta đeo đuổi cưu mang cái vô thường, hay đeo đuổi cưu mang cái thoát khỏi vô thường? Có một cái thoát khỏi vô thường chúng ta không thương, lại thương cái vô thường làm gì?
Chúng ta học đạo phải dùng trí nhận xét thấy cái gì bản chất là vô thường là tạm bợ thì cái đó không có giá trị, qua rồi mất mà có giá trị gì! Đã không giá trị, chúng ta đeo đuổi, cưu mang nó làm gì? Cái làm cho mình được mãi mãi an vui tự tại giải thoát, cái đó mới là chân thật. Biết cái vô thường rồi, chúng ta phải xoay lại cái chân thật vĩnh cửu. Khi trước, chúng tôi hay kể câu chuyện “Cô Công chúa nũng nịu”. Thuở xưa có cô Công chúa rất được vua cha yêu quí. Một hôm nhân buổi trời mưa, Công chúa ngồi nhìn những giọt nước từ mái nhà rơi xuống, làm nổi lên những bong bóng rất đẹp, Công chúa thích quá nhưng không nói, vì bản chất hay làm nũng Công chúa vào phòng nằm, mặt mày ủ dột. Nhà vua có Công chúa là con duy nhất, thương con vô cùng. Đến giờ cơm, thấy con không ra dùng bữa, nhà vua nóng ruột vào phòng thăm hỏi: Con ốm hay sao, không ra dùng cơm? Công chúa không trả lời. Đến lượt Hoàng hậu vào năn nỉ, Công chúa cũng không đáp lại. Hỏi han nài nỉ mãi, sau cùng Công chúa nũng nịu thưa: “Con muốn có xâu chuỗi bong bóng nước đeo vào cổ, con mới hết bệnh.” Vua cha chiều con rất mực. Nghĩ mình là vua muốn gì lại chẳng được, nhà vua bèn ra lệnh cho tất cả quần thần: “Ai kết được xâu chuỗi bằng bong bóng nước cho Công chúa đeo thì sẽ được phong quan tước, chia đất đai cho.” Đăng bảng lâu ngày mà không ai dám lãnh. Sau cùng có một ông lão đến gỡ bảng, nhận xâu một chuỗi bong bóng nước cho Công chúa đeo. Ông lão được giới thiệu với Công chúa. Nàng rất đỗi vui mừng nói: “Nếu lão xâu cho tôi chuỗi bong bóng nước để đeo, tôi sẽ hết bệnh ngay.” Ông lão nói: “Thưa thật với Công chúa, tôi già, con mắt lờ, nên lựa không được những hạt bong bóng đẹp. Vậy ngày mai, khi trời mưa, tôi mời Công chúa ra mái hiên chọn những hạt bong bóng nào đẹp nhất, Công chúa lượm đưa tôi xâu cho.” Sáng hôm sau, trời mưa, ông lão và nàng Công chúa ra mái nhà, những giọt mưa từ trên rơi xuống nổi bong bóng, Công chúa đưa tay vớt lấy…, vớt mãi đến trưa mà không được hạt nào! Ông lão đứng chờ, chờ mãi không có hạt bong bóng nào để xâu! Cuối cùng, quá mệt mỏi Công chúa nói: “Thôi, tôi không thích bong bóng này nữa.” Nhà vua mừng quá bảo: “Để ta cho con xâu chuỗi bằng kim cương con đeo.”
Ý nghĩa câu chuyện vừa kể như thế nào?
Tất cả chúng ta có phải là Công chúa đó không? Chúng ta cứ nắm bắt những ảo ảnh vô thường, nắm bắt mãi cả đời mệt nhoài mà chẳng được gì. Rồi chúng ta vào chùa cầu xin Phật cứu con. Đức Phật sẵn lòng từ bi cứu độ, cho chuỗi kim cương thứ thật. Chúng ta chỉ chịu nhận thứ thật khi nào chúng ta đã mệt nhoài với những thứ tạm bợ hư dối. Đức Phật tuy lấy ví dụ một câu chuyện rất trẻ nhỏ nhưng đúng với bệnh của chúng sanh. Chúng ta giống y nàng Công chúa đó. Khi chúng ta thức tỉnh biết trở về với Phật, Phật sẽ chỉ cho chúng ta cái chân thật. Nếu chúng ta sống được với nó, cái chân thật ấy còn mãi, không bao giờ mất.
Người Phật tử muốn hết khổ phải thấy rõ bản chất của đau khổ không có thật. Bản chất của đau khổ là ái và thọ, cả hai đều không thật. Càng đuổi theo chúng càng đau khổ thôi. Nếu biết dừng lại, đau khổ sẽ bớt từ từ cho đến một ngày nào chúng ta lìa hẳn nó, không còn đau khổ nữa.
Nhân nghe câu nào trong kinh Kim Cang mà Lục Tổ ngộ đạo? Trong kinh Kim Cang, Phật dạy phương pháp an trụ tâm: “Bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm, ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm.” Ngay đây Lục Tổ ngộ, rồi từ đó về sau Ngài hết khổ luôn. Muốn sanh tâm cầu Vô thượng Bồ-đề thì đừng dính với sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Sáu trần không dính là an trụ tâm. Đó là hạnh phúc tuyệt vời. Nếu còn dính với sáu trần là còn bất an, còn đau khổ. Nếu chúng ta không kẹt không chấp vào cảm thọ của sáu căn, tức là chúng ta được giải thoát.
Cũng chính trong kinh Kim Cang đức Phật có dạy: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai.” Những gì có tướng đều là vô thường, vô thường là tạm bợ, hư dối. Nếu thấy các tướng không phải tướng là thấy Phật. Tại sao? Tỉ dụ hiện giờ thấy một món vật đẹp, chúng ta biết rõ nó là duyên hợp hư dối; một vật gì quí, nó là duyên hợp hư dối, một thức ăn ngon, nó là duyên hợp hư dối. Biết rõ được như vậy, đó là có trí tuệ giác ngộ. Trí tuệ giác ngộ tức là Phật. Thấy tất cả tướng không phải tướng tức là thấy tất cả vật đều không thật, tất cả đều là duyên hợp hư dối. Thấy rõ như thế là thấy Phật, không phải tìm Phật ở đâu xa. Nếu thấy Phật thì hết khổ.
Để kết luận chúng tôi xin nhắc tất cả quí vị, nếu muốn hết khổ chúng ta phải biết rõ bản chất của thọ và ái là vô thường, hư dối. Chúng ta phải diệt hết, nhổ sạch gốc của thọ và ái, thì ngang đó chúng ta được an lạc. Niềm vui không phải từ bên ngoài đem đến, không phải do sự giàu sang sung sướng lắm tiền nhiều của, mà vui vì biết phá bỏ những mê chấp sai lầm. Buông bỏ những sai lầm, đó là trí tuệ tỉnh giác, đó tức là Phật. Tu theo Phật cốt để giác ngộ. Giác ngộ cho nên không lầm không mê, tức nhiên không khổ. Hết ngu mê là sáng suốt, sáng suốt tức là hết khổ.
Nhân ngày đầu xuân năm Đinh Mão, tất cả quí vị đến đây lễ Phật và chúc mừng quí Thầy, quí Thầy cũng chúc tất cả quí Phật tử sang năm mới này hãy can đảm bỏ đi những chấp thọ và buông đi những ái trước. Chấp thọ và ái trước buông bỏ thì nguồn đau khổ cạn, gốc đau khổ được bứng tung lên, ngang đó quí vị sẽ hết khổ. Vì vậy chúng tôi chúc quí vị một năm mới hoàn toàn an lạc sau khi bứng tận cội gốc khổ đau.
 
HOÀ QUANG ĐỒNG TRẦN
Tất niên Đinh Mão - 1988
Hôm nay là ngày hai mươi chín tháng chạp, ngày tất niên của Thiền viện chúng ta. Trong buổi tất niên này, chúng tôi có bổn phận phải nhắc nhở những ưu khuyết điểm trên đường tu của chúng ta. Đặc biệt những khuyết điểm thường được nhắc nhiều hơn để chúng ta tu sửa, làm sao mỗi một năm qua ta dứt sạch những bệnh hoạn, chuẩn bị cho năm tới có sức mạnh tiến tu, không còn bệnh hoạn nữa.
Đề tài chúng tôi giảng hôm nay là Hoà quang đồng trần. “Hoà quang” là hoà ánh sáng, “đồng trần” là đồng với bụi bặm, tức là trộn lẫn ánh sáng vào với bụi bặm. Tại sao chúng tôi giảng đề tài này? Gần đây một số Tăng Ni cũng như Phật tử có bệnh: Thấy mình trong sạch, thấy mình tu nhiều, thấy mình tốt hơn mọi người. Vì thấy như vậy nên trở thành bệnh hoạn. Trong cách thấy đó chia ra hai thứ bệnh:
Bệnh thứ nhất, chính mình không trong sạch mà tưởng mình trong sạch, rồi cho mọi người là bẩn thỉu nhơ nhớp, chỉ có ta trong sạch thôi. Nếu không trong sạch mà tưởng mình trong sạch, đó là bệnh quá lớn. Tại sao vậy? Bởi vì mình không biết điểm khuyết điểm dở của mình, mà chấp điểm khuyết điểm dở của bạn bè huynh đệ. Như vậy tự mình không sửa được, lại còn oán trách những người chung quanh. Người mang bệnh này, bản thân đã không tu tiến được, còn làm cho huynh đệ phiền não. Đó là bệnh rất nặng, rất đáng chê trách. Kinh Phật và chư Tổ thường dạy chúng ta, người tu tại gia hay xuất gia, phải thấy được lỗi của mình và quên lỗi của người khác. Nếu chúng ta không trong sạch mà tự thấy mình trong sạch, đó là không thấy lỗi mình. Đừng thấy lỗi người, mà chúng ta cứ thấy người này xấu người kia dở, đó là chúng ta trái hẳn với lời Phật Tổ dạy. Ai mang bệnh này là một bệnh trầm trọng nhất, khó tiến trên đường tu. Người mang bệnh này có bằng lòng ai đâu! Vì thấy mình trong sạch, mọi người đều xấu dở, cho nên không bằng lòng ai hết.
Bệnh thứ hai, mình thật sự trong sạch rồi chê mọi người nhơ nhớp xấu xa. Lẽ ra mình trong sạch biết mình trong sạch, người khác nhơ nhớp xấu xa thấy họ nhơ nhớp, xấu xa, đó là thấy đúng lẽ thật, vì sao lại nói là bệnh? Vì khi chúng ta trong sạch, thấy mình trong sạch rồi cho mọi người nhơ nhớp xấu xa thì chúng ta muốn gần họ hay không? Mình sạch quá mà gần người dơ xấu thì bị nhiễm làm sao! Vì vậy không muốn gần ai. Nếu không muốn gần ai thì làm sao sống được với người chung quanh. Đó là bệnh. Trên đường tu, chúng ta cố gắng trong sạch bản thân rồi, thấy mọi người đều nhơ xấu nên muốn tránh. Muốn tránh mọi người thì đi đâu đây? Vô núi chăng? Vô núi không ở được thì đi đâu nữa? Vô rừng. Vô rừng không ở được thì đi đâu nữa? Chẳng lẽ lên mây xanh? Chính vì nhìn thấy người xấu xa nhơ nhớp mà chúng ta không thể hoà được, rồi tự khu biệt mình. Sống giữa rừng người mà giống như ở trong sa mạc. Trong nhà Phật gọi đó là bệnh thanh tịnh.
Vào đầu thế kỷ thứ ba ở Trung Hoa có ông Khuất Nguyên là quan Tam lư, Đại phu nước Sở, học rộng có tài nhưng vì thấy mình trong sạch quá nên không hoà được với mọi người, khinh rẻ mọi người. Vì vậy ông làm mất lòng vua Sở, bị vua Sở đày xuống Giang Nam. Ở Giang Nam, ông có quen với một ngư phủ là một ẩn sĩ có tài. Khi hai người nói chuyện với nhau, ngư phủ phục Khuất Nguyên về văn học, Khuất Nguyên nể ngư phủ là người thấu đáo việc đời. Một hôm thấy Khuất Nguyên tỏ vẻ buồn bực khổ não, ngư phủ mới hỏi: “Ngài vì sao đến nông nỗi như vậy?” Khuất Nguyên trả lời: “Người đời đục cả chỉ mình ta trong, người đời say cả, chỉ mình ta tỉnh, vì thế mà ta bị đày tới đây.” Khuất Nguyên thấy người đời đục cả chỉ mình ông trong, người đời say cả chỉ mình ông tỉnh. Bởi ông trong, ông tỉnh nên ông bị đày! Khi đó ngư phủ mới nói: “Người đời đục thì Ngài cũng không nên giữ mình trong sạch, người đời say thì Ngài cũng nên uống vài chén cho say luôn thể.” Nghe nói thế Khuất Nguyên bực bội: “Ông nói sao vậy? Không thể nói trắng thành đen hay đen thành trắng được, đá không thể nói là ngọc, ngọc không thể là đá được. Cho đến người trượng phu không thể là kẻ tiểu nhân, kẻ tiểu nhân không thể là trượng phu. Ông nói như vậy thật là lộn lạo!” Ngư phủ mới nói: “Ngài đã một lòng cứu nước, cứu dân, lẽ ra phải trà trộn vào đám tiểu nhân, dần dần cảm hóa họ. Ngài định thay đổi cuộc đời, phải dấn thân vào chỗ tối tăm làm cho sáng. Cớ sao lại cho cuộc đời là bẩn thỉu, người đời là nhơ nhớp?” Khuất Nguyên đáp lại: “Kẻ đã tắm gội thay quần áo, không thể lại nhảy xuống bùn.” Ông cho rằng mình như người tắm gội sạch rồi, mà bắt nhảy xuống bùn, ông không thể làm được. Khi ấy ngư phủ thấy không thể khuyên được nên than bằng những câu hát:
Nước sông Thương Lang trong thay!
Nước sông Thương Lang đục thay!
Nước trong thì ta giặt giải mũ,
Nước đục thì ta rửa chân.
Hát xong, ông chèo thuyền đi. Khuất Nguyên vì quá trong sạch, không chịu đựng nổi, phải ôm viên đá gieo mình xuống sông Mịch La tự tử, nhằm ngày mùng năm tháng năm. Người dân Trung Hoa ăn Tết ngày mùng năm tháng năm để tưởng nhớ ngày Khuất Nguyên trầm mình chết.
Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy Khuất Nguyên bị bệnh gì? Bệnh thanh tịnh. Vì ông trong sạch nên không muốn hoà với những người nhơ nhớp xấu xa. Nếu không hoà thì mình sống được không? Cuối cùng phải đi tự tử! Như vậy Khuất Nguyên và ngư phủ, ai là người biết sống hơn? Ông ngư phủ là người biết sống. Nếu nước trong thì mình giặt giải mũ, nếu nước đục thì mình rửa chân. Đòi hỏi nước trong, khi nước đục, mình sẽ không dùng được việc gì.
Trở lại việc đạo, đức Phật đã dạy, nếu chúng ta tu hành được thanh tịnh sáng suốt, thì phải thương và nghĩ tới những chúng sanh đang mê lầm, chìm đắm trong biển khổ, lao mình vào đó để cứu độ chúng sanh. Được như vậy mới là người thật tình vì Phật pháp. Nếu cứ nghĩ mình trong sạch, còn thiên hạ xấu xa nhơ bẩn, rồi không muốn gần họ. Không gần với họ thì chính mình tự cô lập mình, không làm lợi gì cho ai được. Trong chúng ta nếu ai đã lỡ bị “bệnh trong sạch”, phải sửa bỏ để vui vẻ hoà nhịp với mọi người.
Chúng tôi vừa chỉ thuốc trị bệnh, nhưng không khéo thuốc cũng thành bệnh. Tại sao? Hoà mình với người là khi mình trong sạch, đem trong sạch ra hoà với những người nhơ nhớp để giáo hóa, chuyển hướng họ trở thành trong sạch như mình. Đó là dùng thuốc trị bệnh. Nếu mình chưa trong sạch mà muốn hoà với người thì kết quả sẽ ra sao? Hoà quang đồng trần, “quang” là ánh sáng, là trong sạch, “trần” là bụi bặm, là nhơ nhớp. Mình sáng, mới đem ánh sáng lại chỗ nhơ nhớp để chuyển nó thành sáng. Nếu mình đang là bụi, đang là nhơ nhớp mà hoà với nhơ nhớp nữa thì kết quả sẽ như thế nào? Thuốc trở thành bệnh. Vì vậy khi dùng thuốc trị bệnh chúng ta phải dè dặt. Nếu mình thật thanh tịnh, phải thương người chưa thanh tịnh, hoà với họ để giáo hóa họ. Chớ thở than rằng mọi người xấu quá làm sao giáo hóa được, mọi người mê quá làm sao cho họ tỉnh được. Mình đã tỉnh, phải tìm mọi cách làm cho người mê được tỉnh; mình đã sạch, phải tìm mọi cách làm cho người nhơ được sạch. Như vậy mới đúng tinh thần của người học đạo, mà cũng chính là nghĩa tự giác giác tha trong nhà Phật.
Nếu thấy người quá xấu xa, chúng ta thở dài chán nản, không bằng lòng ai hết, đó là bệnh. Để trị bệnh này, chúng ta không học gương ông ngư phủ mà phải học gương ngài Bồ-tát Thường Bất Khinh. Bồ-tát gặp ai cũng bái và nói: “Tôi không dám khinh các ngài vì các ngài đều sẽ thành Phật.” Dưới mắt của Bồ-tát Thường Bất Khinh, ai cũng có thể thành Phật. Như vậy có người nào đáng để mình khinh chê đâu. Đáng chê chăng là tự chê mình không có tài, không có phương tiện chuyển hóa người từ mê thành giác. Bồ-tát Thường Bất Khinh lúc nào cũng lạc quan, vì Ngài thấy mọi người đều sẽ thành Phật. Noi gương Ngài, chúng ta gặp ai cũng phải kính nể vì tin rằng ai rồi cũng sẽ thành Phật. Với niềm tin đó, chúng ta cố gắng chuyển hóa mọi người để cùng thành Phật với mình. Dù người không bằng lòng, có đánh mắng, chúng ta vẫn cam chịu và giữ vững niềm tin. Chúng ta cố gắng làm lợi mình, lợi người trong mọi hoàn cảnh. Đó mới đúng tinh thần của người học đạo.
Tranh Thiền tông “Thập mục ngưu đồ” hay “Mười bức tranh chăn trâu”, bức thứ tám là không còn người không còn trâu, bức thứ chín là lá rụng về cội, chim bay về tổ, nước chảy về nguồn, danh từ nhà thiền gọi là nhập Phật giới. Từ chỗ không ngã không pháp (bức tranh thứ tám) bước qua một chặng nữa mới thể nhập được Pháp thân thanh tịnh tràn đầy của chúng ta, gọi là nhập Phật giới (bức tranh thứ chín). Khi chúng ta thể nhập được Pháp thân thanh tịnh rồi, nếu hài lòng ẩn trú trong cảnh tịnh đó là chưa đủ công đức giáo hóa lợi tha. Vì vậy sau khi nhập Phật giới rồi liền phải bước vào ma giới (bức tranh thứ mười). Trong mười bức tranh chăn trâu, bức thứ mười vẽ một Thiền sư đóng cửa am trên núi, tay cầm gậy, tay xách xâu cá chép với bầu rượu đi xuống chợ, gọi là “Nhập triền thùy thủ” tức là buông thõng tay vào chợ. Chính chỗ đó trong nhà thiền gọi là vào ma giới. Khi được thanh tịnh rồi, chúng ta phải lăn mình vào trong chợ đời để cảm hóa chúng sanh, hoà mình với mọi người còn đang mê muội, còn đang xấu xa mà không bị lầm lẫn, không bị hoen ố. Trong nhà thiền còn dùng danh từ là “đầu tro mặt đất”, tức là chúng ta bị bụi bặm nhem nhuốc vì làm lợi ích chúng sanh, chớ không phải chính mình bị bụi bặm làm nhơ nhớp. Giai đoạn này gọi là “hoà quang đồng trần”, tức trộn lẫn ánh sáng trong bụi bặm. Ánh sáng và bụi bặm tuy hoà lẫn, nhưng là một hay là hai? Ánh sáng không là bụi bặm được, ánh sáng bao giờ cũng là ánh sáng. Như vậy chúng ta phải thể nhập được Phật giới rồi mới đi vào ma giới. Nếu chưa vào Phật giới mà đi vào ma giới sớm quá, kết quả sẽ ra sao? Vì vậy sau khi ngộ đạo rồi, ngài Huệ Khả mới đi vào chợ đời, đến quán rượu, nhà hát v.v… Các Phật tử thấy vậy hỏi Ngài: “Hoà thượng tu hành, sao lại đến nơi này?” Ngài đáp: “Ta thử tâm ta, có liên hệ gì đến ông!” Đây là lúc Ngài vào ma giới.
Chúng ta phải thấy rõ là khi nào nên vào ma giới, khi nào không nên. Như chúng ta hiện nay chưa thấy đạo mà vào ma giới là bệnh. Khi chúng ta nhập được Phật giới rồi mới nói đến việc vào ma giới. Nhiều người chưa biết Phật giới, muốn vào ma giới sớm quá, bắt chước các bậc đạt đạo vào chợ đời, ngồi quán rượu và nói “tôi đây vào ma giới, buông thõng tay vào chợ”. Đó là những người dùng ngôn ngữ nhà thiền, ngôn ngữ Phật Tổ để che đậy lòng tham dục của chính mình, chớ không phải người tu chân thật.
Rõ được bệnh, chúng ta phải biết dùng những loại thuốc nào đúng lúc đúng lượng mới mong hết bệnh. Nếu không biết cách dùng thuốc, bệnh không hết mà lại tăng thêm. Trên đường tu hành chúng ta phải biết nên làm gì ở mỗi giai đoạn. Đang lúc nỗ lực tiến tu, buông bỏ các phiền não xấu xa, dù có ai rủ vào ma giới, chúng ta cũng không dám vào, vì việc tu chưa xong. Khi nào chúng ta thật tình thanh tịnh, hoàn toàn không còn nhiễm ô nữa, lúc ấy nếu có ai rủ vào ma giới, chính là lúc mình vào. Phải biết mình cho thật rõ, việc làm mới có lợi ích.
Chúng tôi vừa chỉ cho quí vị biết đâu là thuốc, đâu là bệnh, dùng thuốc đúng thời thì có lợi, nếu sai thời có hại. Vì vậy người tu phải rất thận trọng. Có nhiều người ban đầu tu hành rất hay, sau trở thành dở, vì sử dụng thuốc không đúng thời.
Nói vào ma giới, chúng tôi xin dẫn bài kệ “Nhập Trần” của Tuệ Trung Thượng Sĩ như sau:
Thiều thiều khoát bộ nhập trần lai,
Hoàng sắc mi đầu đỉnh đỉnh khai.
Bắc lí ưu du đầu mã phúc,
Đông gia tán đản nhập lư thai.
Kim tiên đả sấn nê ngưu tẩu,
Thiết sách khiên trừu thạch hổ hồi.
Tự đắc nhất triêu phong giải đống,
Bách hoa nhưng cựu lệ xuân đài.
Dịch:
Vào vòng cát bụi
Vào vòng cát bụi nhịp chân đưa,
Vàng óng đầu mi rực rỡ đùa.
Xóm bắc rong chơi gieo bụng ngựa,
Nhà đông vui bước nhập thai lừa.
Roi vàng đánh đuổi trâu bùn chạy,
Dây sắt lôi về cọp đá thua.
Bỗng được một hôm băng giá hết,
Trăm hoa như cũ rộn xuân xưa.
Trúc Thiên dịch.
Ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ là một cư sĩ tại gia, mà đã nói được những câu siêu thoát như vậy! Sau đây là ý nghĩa của bài kệ:
Vào vòng cát bụi là vào ma giới.
Vào vòng cát bụi nhịp chân đưa: là chỉ hình ảnh vị Hoà thượng tay xách xâu cá chép đi vào chợ (Tranh Thiền tông thứ 10).
Vàng óng đầu mi rực rỡ đùa: tuy đi vào cát bụi nhưng đầu mi đầu mày của ngài vẫn rực rỡ, óng ánh chớ không nhem nhuốc đen tối. Câu này nói lên nghĩa “hoà quang đồng trần”, đem ánh sáng đến chỗ tối tăm (chớ không phải đem cái tối vào bóng tối).
Xóm bắc rong chơi gieo bụng ngựa: đến xóm bắc để nhập vào trong bụng ngựa thọ thai.
Nhà đông vui bước nhập thai lừa: nhập vào thai lừa ở bên nhà đông.
Hai câu này ý nói: Khi vào trong vòng cát bụi, không chọn nơi tốt, không tránh nơi xấu, nơi đâu cần làm lợi ích chúng sanh, các ngài cũng đến được. Không chọn lựa, không chê nơi xấu dở, các ngài vào những chỗ ấy để làm gì?
Roi vàng đánh đuổi trâu bùn chạy, dây sắt lôi về cọp đá thua: cầm roi vàng đánh con trâu đất, nó cũng chạy mịt. Nắm dây sắt kéo con cọp đá, cọp đá cũng phải đầu hàng. Trâu đất có biết chạy không? Cọp đá có phục ai không? Tại sao ở đây lại nói đánh trâu đất chạy, lôi cọp đá thua? Ý nói khi đến được thể thanh tịnh sáng suốt tròn đầy, chúng ta lăn mình vào cuộc đời để giáo hóa chúng sanh. Lúc ấy chúng ta diệu dụng, không phải là tầm thường, cho nên trong nhà thiền thường nói nắm đất hóa thành vàng, khuấy nước biển thành đề-hồ, tô-lạc. Khi con người đạt đến mức đó rồi, dù ở trong cảnh xấu xa bẩn thỉu cũng không bị vướng mắc, hay bị che lấp mờ lối đi. Hình ảnh đánh trâu đất chạy, lôi cọp đá thua là để chỉ diệu dụng không thể lường được của người đạt đạo.
Đến hai câu kết:
Bỗng được một hôm băng giá hết: công dụng giáo hóa được viên mãn (tức là băng giá đã hết).
Trăm hoa như cũ rộn xuân xưa: lúc đó là một mùa Xuân đầy đủ trăm hoa như thuở nào.
Đại ý bài kệ nói khi chúng ta lao mình trong cát bụi tuy làm những việc rất tầm thường, rất xấu xa mà đầy đủ diệu dụng, chớ không bị nhiễm, không bị ô uế. Làm tròn những việc ấy rồi, chúng ta cũng trở về với thể thanh tịnh sáng suốt như thuở nào, tức là trở về chỗ mùa Xuân ngàn đời, đầy đủ trăm hoa không thiếu loại nào.
Trên đường tu nếu ai cũng thể hiện được tinh thần đạt đạo thì cuộc đời đẹp biết dường nào! Đâu còn phải than vắn thở dài, thiên hạ xấu quá tôi không thể giúp gì cho họ được, trái lại ta thấy mỗi chúng sanh đều có thể giáo hóa được. Chúng ta nỗ lực tiến tu để đến chỗ viên mãn thanh tịnh. Được thanh tịnh rồi, chính trong chỗ ô uế, xấu xa chúng ta dùng những diệu dụng không lường cảm hóa họ. Được như vậy, chúng ta an nhiên tự tại an trú Niết-bàn, thể nhập Pháp thân, trở về mùa Xuân tràn đầy hoa thơm cỏ lạ.
Để kết luận, tất cả quí vị nên nhớ: Chúng ta có hai bệnh. Một là bệnh chưa thanh tịnh mà tưởng mình thanh tịnh, rồi chê hết mọi người, đó là bệnh nan y. Ai bị bệnh này, phải sám hối một ngày bốn lần, chớ một hay hai lần cũng chưa hết bệnh được. Hai là nếu thật tình tu hành chín chắn, giữ giới trong sạch, ngôn ngữ hành động đều thanh tịnh, tâm niệm rất sáng suốt, rồi nhìn thấy mọi người còn dở, còn xấu quá nên muốn tách rời họ, muốn tránh xa họ để sự thanh tịnh của mình được trọn vẹn, đó cũng là bệnh. Vì sao? Vì trên cuộc đời này, chúng ta đều có sự liên hệ với nhau. Nếu chúng ta chỉ thấy riêng có một mình, không chịu kết chung với mọi người để chuyển hóa họ, đó là chúng ta tách rời mình ra khỏi nhân loại, ra khỏi chúng sanh. Tách riêng ra như vậy, e rồi chúng ta rơi xuống biển sâu, không đứng trên thế gian, không đứng trên mặt đất được. Vì vậy chúng ta ráng đừng bị bệnh thanh tịnh này. Còn một bệnh nữa là bệnh chưa thanh tịnh mà xưng là thanh tịnh rồi xông pha mọi nơi. Càng xông pha càng nhiễm ô, rốt cuộc một ngày nào đó mình làm kẻ tệ hơn tất cả thiên hạ, không phương cứu chữa.
Chúng tôi mong rằng tất cả Tăng Ni và Phật tử biết tu phải ráng tỉnh sáng, biết đúng thời, đúng lúc dùng thuốc trị tâm bệnh của mình. Sạch được những bệnh trong tâm rồi, một ngày kia chúng ta mới có thể làm tròn bổn phận của người xuất gia, của người tu theo đạo giác ngộ giải thoát. Đó là điều mong mỏi cuối năm của chúng tôi. Mong tất cả quí vị nỗ lực cố gắng.

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

1217548
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
2100
4135
18390
1175483
102551
118095
1217548