Chủ Nhật 1/12/2024 -- 1/11/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Sách "Dụng Công Tu Thiền" - CHƯƠNG 2: CĂN BẢN DỤNG CÔNG TU TẬP THIỀN 1. THIỀN LÀ GÌ?

1. THIỀN LÀ GÌ?

1.1. Định nghĩa cơ bản.

 

 

 

Tiếng Phạn gọi là Thiền-na, Trung Hoa dịch là Tĩnh Lự. Nghĩa là làm lắng các tư tưởng, niệm lự xuống thì ngay đó là thiền.

 

Chữ Thiền-na là chỉ cho Thiền. Chữ tĩnh lự là chỉ cho định. Gộp hai nghĩa này lại, gọi là Thiền định. Ví dụ như lu nước chao động thì bị vẩn đục, gợn sóng lăn tăn, không thể soi bóng. Khi được để yên, lóng lại thì mặt nước phẳng lặng, trong trẻo, soi bóng rõ ràng.

 

Hơn nữa, chữ Thiền xưa kia dịch là tư duy, nay dịch là tĩnh lự. Theo nghĩa này, tư duy thuộc về quán, thuộc về tuệ; tĩnh lự thuộc về chỉ, thuộc về định. Do đây, Thiền còn có nghĩa là “Định tuệ gồm tu”.

 

 1.2. Nghĩa lý chuyên sâu.

 

 

 

 

a)    Tâm lặng mà sáng biết.

Quốc sư Phù Vân khai thị vua Trần Thái Tông.

Khi vua Trần Thái Tông lên núi Yên Tử gặp Quốc sư Phù Vân (Thiền sư Viên Chứng). Quốc sư hỏi:

Lão tăng ở chốn sơn dã đã lâu, xương cứng mặt gầy, ăn rau đắng, cắn hạt dẻ, uống nước suối, dạo cảnh núi rừng, lòng như mây nổi, theo gió đến đây. Nay bệ hạ bỏ địa vị nhân chủ mà nghĩ đến cảnh quê mùa rừng núi, hẳn là muốn tìm cầu gì ở đây cho nên mới đến, phải không?

Vua Trần Thái Tông nói:

Trẫm còn thơ ấu, sớm mất mẹ cha, chơ vơ đứng trên sĩ dân, không nơi nương tựa. Lại nghĩ, sự nghiệp đế vương đời trước, hưng phế bất thường, cho nên mới vào đây, chỉ muốn cầu thành Phật, chẳng muốn tìm gì khác.

Quốc sư nói:

Trong núi vốn không có Phật, Phật ở trong tâm. Tâm lặng mà sáng biết, đó là Phật thật. Nếu bệ hạ giác ngộ được tâm ấy thì tức khắc thành Phật, không cần đi tìm khổ nhọc bên ngoài.

Hằng ngày chúng ta sinh hoạt, làm nhiều công việc. Đêm về lắng lại thì liền nhận ra nhiều điều thiếu sót. Cho thấy, khi tâm lắng lại thì trí tuệ phát huy đúng mức của nó, ngay đó là thiền. Chỗ này Quốc sư Phù Vân chỉ thẳng, tâm lặng mà sáng biết, đó là Phật thật. Nếu ngộ được tâm ấy thì tức khắc thành Phật, không phải tìm cầu bên ngoài.

Qua đó, đúc kết lại: Tâm lặng mà sáng biết, đó là thiền; cũng chính là Phật thật, là bản tâm chân thật nơi mỗi chúng ta.

b)    Đối cảnh vô tâm, tâm thiền hiển hiện.

Lục Tổ nói: “Ngoài lìa tướng là thiền. Trong chẳng loạn là định.”. Đi đứng nằm ngồi, ở bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì, hành giả luôn thấy biết rõ ràng, suốt qua tất cả các cảnh, không dừng trụ trên bất kỳ một tướng trạng nào, ngay đó tâm thiền sáng rỡ đang hiển lộ. Bên trong vốn tự bình thường, không động, tâm ấy vốn đã tự tịnh tự định, chứ không đợi buộc niệm, chăn tâm.

Trong, không tâm để chăn giữ. Ngoài, không tướng để dừng trụ. Trong ngoài suốt thông, thấy biết như thị, vượt cả năng và sở, có và không. Ngay đó tâm vốn tự rỗng rang mà biết khắp. Sơ Tổ Trúc Lâm nói:

... Trong nhà có báu thôi tìm kiếm,

Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền.

Nhận lại, hay ra của báu vốn sẵn nơi mình, chính là bản tâm chân thật của mỗi người. Tâm ấy tự vô (tự không), chứ không phải làm cho nó được không. Lúc này, nhìn bất cứ cảnh tượng gì, đối trước bất kỳ hoàn cảnh nào, ánh sáng giác ngộ hay sức sống thiền sẵn đó, bàng bạc, trùm khắp, không thiếu vắng bao giờ.

c)    Thiền là thiền.

Ly tứ cú, tuyệt bách phi, vượt lên trên nhị nguyên, ngay đó tâm thiền hiển hiện rõ ràng, sáng rỡ.

Thiền sư Tông Mật nói: “Chỉ chúng sanh mê chơn hiệp trần gọi là tán loạn, trái trần hiệp chơn gọi là thiền định. Nếu nói thẳng về bản tánh tức phi chơn phi vọng, không trái không hiệp, không định không loạn, gọi cái gì là thiền?”.

Chúng sanh loạn động (vọng) nên đi tìm thiền định (chơn). Tuy có đạt được, nhưng chưa rời hai tướng chơn và vọng cho nên vẫn chưa suốt tột tâm thiền. Thông thường hành giả đến tham học đều mang tâm trạng muốn dừng loạn động để mong đạt được an định. Thấy có một điều để đạt được là đã có chỗ cho căn thức phan duyên. Khi nghe các Thiền sư nói: “Không định, không loạn” liền giật phắt mình, không còn chỗ cho tình thức bám vào để sanh hiểu biết. Ngay đây khéo nhận thẳng, tâm thiền liền sống dậy, hiện bày. Vì vậy Thiền sư Tông Mật nói: “Nếu nói thẳng về bản tánh tức phi chơn phi vọng, không trái không hiệp, không định không loạn, gọi cái gì là thiền?”.

Đây là cách khai thị đặc biệt của Thiền sư. Đối mặt vạch bày, chỉ thẳng, đẩy vào, hành giả ngay đó thình lình nhận ra tâm thiền nơi chính mình, như mê chợt tỉnh, không qua ngôn ngữ. Do đó, thiền là thiền, không là gì cả.

1.3.   Tóm lại.

Tâm thiền này ai ai cũng có, mọi người đang sống trên nó mà bỏ sót, lãng quên. Người mới thực tập, lắng tâm được phần nào thì cảm nhận được thiền tương ưng như thế. Tuy vậy, lúc này năng lực phát huy chưa đầy đủ, mới cảm nhận phần nào cho nên vẫn còn bị ngoại duyên chi phối. Hành giả siêng năng công phu miên mật, tỏ ngộ bản tâm. Tiếp tục sống và chuyên sâu, sẽ đạt đến triệt ngộ, chứng ngộ, mới phát huy đúng mức sức sống tâm thiền. Từ tâm thiền này sẽ đầy đủ định lực, tuệ lực, vô biên lực. Tự có đầy đủ năng lực, diệu dụng, không còn bị bất cứ gì chi phối. Các pháp vốn bình thường như thế. Lúc này như người nắm được hạt châu như ý vô tướng trong tay, làm bất cứ gì hay nói nín gì cũng phải, diệu dụng không thể nghĩ bàn. Do đây, tùy vào tính chất và diệu dụng của tâm thiền mà thiền có nhiều tên gọi hoặc định nghĩa khác nhau.

Không phải hiểu qua kiến giải chữ nghĩa; mà phân tích, nói rõ nhiều nghĩa qua nhiều tầng bậc từ cạn đến sâu như trên là bằng vào thực tiễn của công phu, để hướng cho hành giả tiến sâu dần, tột đến tâm thiền một cách rốt ráo.

 

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

1226559
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
2252
2628
2252
1199158
2252
109310
1226559