Thứ Năm 28/11/2024 -- 28/10/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Sách "Dụng Công Tu Thiền" - 4.Thiền Là Chân Lý Hiện Thực

 

4.  THIỀN LÀ CHÂN LÝ HIỆN THỰC.

Không chỉ là một pháp môn tu Phật, bản thân Thiền là chân lý hiện thực. Hành giả tu theo pháp môn nào của đạo Phật, đều phải đạt đến đích Thiền định mới đạt được giác ngộ giải thoát.

4.1.    Thiền là một chân lý.

Một chân lý được xác định qua các tiêu chí căn bản: Không bị biến đổi bởi thời gian (quá khứ, hiện tại, vị lai); không bị thay đổi bởi không gian (đất nước này, hoặc đất nước khác, các cõi cũng vậy).

Thiền vốn là danh từ chỉ cho bản tánh sẵn vậy nơi mỗi người, không sanh không diệt. Do đó, ngàn xưa cho mãi đến ngàn sau, tánh này không biến đổi (thời gian). Dù đi đâu, đến bất kỳ cõi nước nào, tánh này vẫn vậy (không gian). Do đó, Thiền là một chân lý.

4.2.    Thiền là một chân lý hiện thực.

Nghe, liền biết; thấy, liền nhận ra… Nhờ cội nguồn sẵn tự sáng biết của tâm thiền bên trong, cho chúng ta có khả năng tự thấy nghe biết như vậy. Dù chúng ta bỏ quên, chưa nhận ra, tâm Thiền cũng đang sẵn đó nơi mỗi người. Không phải do làm nên, không do tạo tác làm thành, tâm tánh (thiền) vốn sẵn vậy lâu lắm rồi. Khi ngộ là nhận lại tâm này. Còn mê, chỉ là quên tâm này chứ nó không mất đi đâu cả. Không cần quan niệm về Thiền, bất kỳ ai thực hành đúng cũng đều được thừa hưởng lợi lạc từ thiền. Nó luôn luôn tồn tại, có mặt, không thiếu vắng. Cho thấy, Thiền là một chân lý hiện thực.

4.3.    Sự thực.

Thiền là cội nguồn sống của mỗi người, luôn cho chúng ta sức sống. Khi yên lắng thì tâm sẽ an lặng, trí sáng, năng lượng đong đầy, cho chúng ta tràn đầy nhựa sống. Một nguyên thủ quốc gia không có khái niệm tu thiền, nhưng trên các công việc, quý vị luôn vui nhẹ, điềm nhiên, ngay đó cội nguồn năng lượng được hồi phục. Sống và làm việc như vậy tức là đã đồng với việc thực tập Thiền. Có nhiều người khác khi đối diện với nhiều công việc quá tải, bị áp lực, quý vị tỉnh lặng lại, năng lượng hồi phục. Sau đó tiếp tục công việc của mình thì mang lại hiệu quả tích cực, cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Thực hành như vậy, vô tình đã khế hợp với việc tu thiền. Cho thấy, không cần quan niệm tu thiền. Ai thực hành đúng, cũng đều đạt được lợi lạc nhất định từ Thiền mang lại.

4.4.    Với người tu Phật.

Tu Phật có nhiều pháp môn, nhưng tất cả đều phải đạt đến Thiền định (giác ngộ), mới có kết quả.

Cụ thể, như trên đã nói, ai tu Phật cũng tu Tam vô lậu học. Khi đạt đến rốt ráo của giới định tuệ, sẽ hay ra bản tánh định tuệ bình đẳng, tức là Thiền định. Đạt được Thiền định là đạt đến cội nguồn giác ngộ, từ đó cho chúng ta thấy biết giác ngộ (đúng như thật). Lúc này đã no đầy thượng vị thiền định. Từ diệu lực này, các pháp không chạm đến được, cho hành giả được tự tại giải thoát.

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

1217540
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
2092
4135
18382
1175483
102543
118095
1217540