Chủ Nhật 1/12/2024 -- 1/11/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Sách "Dụng Công Tu Thiền" - 2. Buông Xuống Hay Buông Bỏ

 

2.  BUÔNG XUỐNG HAY BUÔNG BỎ?

2.1.   Tại sao phải buông xuống?

2.1.1.   Các pháp vốn đã là huyễn hóa thì cần gì phải buông xuống?

Tất cả các pháp, bản chất nó là huyễn hóa, không thật. Tuy vậy, con người lầm chấp cho là thật cho nên bị vô minh, dính mắc, chi phối rồi tạo nghiệp. Từ đó càng thêm mê mờ, vọng động, che khuất bản tâm chân thật vốn sẵn nơi chính mình. Sanh tử, khổ não do đây mà có ra.

Hơn nữa, vọng tưởng tuy không thật có, nhưng theo nó thì thành sự. Các pháp, từ thân tâm sanh diệt này cho đến muôn sự muôn vật ở thế gian dù thảy đều huyễn hóa, nhưng nếu dính chấp thì phải chịu sanh tử khổ đau.

Vì hai lý do cơ bản trên, cho nên người biết tu hành thì trước tiên cần phải “muôn duyên buông xuống”.

2.1.2.   Buông xuống để không dính mắc, vọng niệm, tham sân không tràn bờ.

Có cô Phật tử đi chùa công quả và tu tập rất miên mật nhiều năm. Hôm nọ bất ngờ chùa có duyên sự đặc biệt cho nên các Phật tử phải tu ở nhà một thời gian. Khoảng vài tuần không đến chùa tu tập như thường ngày, cô cảm thấy hụt hẫng, chơ vơ, buồn man mát... Cố thêm tuần nữa thì mọi thứ trong tâm vượt quá sự kiểm soát, cô định tự tử. Cùng đường đến nỗi muốn tự vẫn mà không hiểu tại sao. Gọi điện thưa với quý Thầy. Lúc này cô ấy đã mất tinh thần do đó quý Thầy không nói thêm gì, chỉ bảo cô ngày mai lên lại chùa để quét dọn và tu tập thì sẽ nhận ra. Khi được lên chùa, cô tỉnh hồn lại mới nhận ra là lâu nay đi chùa tu tập, nhưng chưa rời tướng, do đó đã thầm bị dính mắc trên tướng của sự tu tập. Khi không đi chùa, tâm này thiếu tướng tu tập kia cho nên không chịu nổi, đến độ muốn chết. Cô thưa: “Bạch thầy, khi tu con cũng luôn nhắc với chính mình là phải buông xả, đừng dính. Nhưng con đã dính mắc từ hồi nào mà không biết, cho đến hôm nay mọi thứ đến độ nguy hiểm mới nhận ra?”. Quý Thầy hỏi: “Khi đến chùa làm công quả và tu tập cô có vui không?”. Cô thưa: “Dạ có”. Quý Thầy bảo: “Có vui là trước đó đã dính mắc rồi do đó mới cho mình biết là vui thích”.

Khi đang còn mê, chưa ngộ thì căn thức này tự nó dính mắc. Tự nó làm công việc của nó ngoài sự kiểm soát và nhận biết của mình (đó là sự dính mắc). Cho đến khi hiện thành kết quả rồi chúng ta mới kịp thấy trên thành quả ấy.

Khi đi chùa cảm thấy thích. Đây là do trước đó căn thức đã tự nó dính mắc rồi, cho nên mới cho mình thấy thích khi được đến chùa và khổ đau khi không được đến. Nếu không khéo dụng công thì vẫn bị dính mắc chính ngay trên việc tu hành đó chứ chưa nói đến ngũ dục thế gian. Vì dính mắc cho nên phải buông. Nếu không dính mắc thì vàng chỉ là vàng, cũng chỉ như sắt, kẽm, đất không khác, nào có gì lỗi, đâu cần phải buông nữa?

Không cố định, tùy theo công phu tu tập sâu hay cạn mà việc buông xuống sẽ có hai khả năng:

¯ Buông xuống để không dính mắc, vọng niệm, tham sân không tràn bờ.

Do hành giả chưa thể một buông liền sạch cho nên việc buông xuống vẫn chưa rời tạo tác, còn có tướng để tu. Tuy vậy, nhưng nếu không buông thì vọng tưởng, trần lao phiền não đầy dẫy, tràn bờ, chôn vùi, che lấp tự tánh thì không thể tỏ ngộ, cho nên phải buông. Trong trường hợp này, buông xuống là phương án trước mắt, có tính đối trị tạm thời để ngăn ngừa, hạn chế vọng tưởng, tham sân si... không cho tràn bờ, để được giác sáng. Buông để giác sáng. Và giác sáng mới khế hợp tự tánh, mới là việc chính yếu mang tính căn cơ lâu dài.

¯ Khả năng thứ hai là tiến thẳng, “Buông xuống để rỗng suốt, sẽ vỡ vụn và thể tánh hiện tiền”.

2.1.3.   Buông xuống để rỗng suốt, sẽ vỡ vụn và thể tánh hiện tiền.

Khi nghe nói buông thì ai cũng vội buông theo quán tính chứ tâm chưa thấu suốt. Cái gì bỏ được thì buông, cái gì chưa bỏ được thì giữ đó. Trong âm thầm không rõ ràng như vậy tự nó lập trình cho mình một chữ buông như thế, chứ chưa phải đã thấy rõ để biết buông. Chính vì thế cho nên buông một thời gian mà không có kết quả tiến đạo, tham sân vẫn nhiều thì sanh chán nản.

Tu hành trước tiên phải biết buông là đúng. Nhưng phải hiểu cho tường tận, bằng cách nào để một buông liền sạch, hay buông xuống để làm gì... Chính những câu hỏi này khiến cho chúng ta thấu suốt tường tận, sẽ giúp cho mình vững niềm tin, nhận ra việc làm ấy phải từ chính mình chứ không từ người khác tác động hay khuyên bảo mình buông bỏ. Được vậy thì công phu mới đắc lực và có kết quả tốt.

Buông xuống ở đây là để rỗng suốt, sẽ vỡ vụn và thể tánh sẽ hiện tiền. Biết rõ định hướng rành rẽ rõ ràng như vậy rồi bắt đầu đi vào dụng công một cách cụ thể.

Một buông thì tất cả buông, chứ không phải buông tay trên rồi giữ tay dưới. Từ thân này, tâm sanh diệt nghĩ ngợi, ngoại cảnh, cho đến cả sự cảm nhận..., tất cả nhất thời buông xuống, rũ sạch để đạt đến rỗng suốt. Khi rỗng suốt sẽ có lúc thình lình tất cả như rơi rụng, vỡ vụn tan biến, hoặc bỗng dưng bất chợt mất hút tất cả. Ngay đó thể tánh hiện tiền.

Tất nhiên phải khéo léo buông rũ xuống cho rỗng rang, vỡ vụn từ trong tâm cho đến bên ngoài, chứ không phải tưởng tượng có một tướng rỗng lặng. Nếu như thế thì đã bị cái tướng rỗng lặng ấy làm ngăn ngại, không thể có lúc vỡ vụn, rơi rụng, mất hút và thể tánh hiện tiền.

Sơ Tổ Trúc Lâm nói: “Buông xuống, buông xuống, cái buông chẳng được chính là kẻ ấy”.

Những gì buông được thì buông xuống hết đi. Những gì có thể buông được thì không phải là cái thật chính mình. Khi buông sạch sành sanh rồi; thân, tâm, cảnh cho đến tất cả cảm thọ, suy nghĩ đều sạch, nhưng nghe gọi liền biết dạ, gió thoảng liền biết mát, thấy cảnh mỗi mỗi rõ ràng mà không cần phân biệt hay khởi biết. “Cái ấy” buông cũng không được, bỏ cũng không xong; mới là cái chân thật chính là mình. Tổ nói: “Chính là kẻ ấy”.

Tăng hỏi Thiền sư Triệu Châu: “Khi một vật chẳng mang đến thì thế nào?”. Ngài bảo: “Buông xuống luôn đi!”.

Đã là một vật cũng không còn để mang đến thì còn cái gì để hỏi? Còn hỏi thì rõ ràng trong tâm vẫn còn một vật. Vì vậy ngài Triệu Châu bảo: “Buông xuống luôn đi!”. Khi buông không được nữa thì mới biết “Khi không còn một vật để mang vác đến đây thì thế nào?”. Ngay đó sống thẳng, “Chính là kẻ ấy”.

Những lời dạy trên một lần nữa khẳng định cho chúng ta thấy rõ kỹ thuật dụng công buông xuống này. (Xem thêm đầy đủ cụ thể tại 3.1.2, mục 3, chương 3).

2.2.   Buông xuống chứ không phải buông bỏ.

Một ngại thì tất cả đều còn ngăn ngại. Đã thông thì tất thảy đều suốt thông. Một vật ở trước mắt, nếu chúng ta đã vô ngại, bình thường; có nó và không có cũng thế, cất đi hay để đó giống nhau, tâm mình không khởi thêm gì thì nói là phải buông bỏ hay không cần buông bỏ đều là việc thừa. Nếu còn muốn bỏ và buông là do còn chướng ngại. Dù là một vật nhỏ không ra gì, nhưng nếu còn bị nó làm cho mình chướng ngại thì chúng ta sẽ bị ngăn ngại bởi tất cả các vật khác, chưa thể thoát ra. Cho hay, nếu còn thấy có một pháp ngăn ngại để “buông bỏ” thì còn ngại tất cả, chưa hợp đại đạo vốn tự trùm khắp, suốt thông, tự tại không ngăn ngại. Vì vậy, “buông xuống” để không dính mắc; để rỗng suốt – vỡ vụn, rơi rụng; sẽ an nhiên –tánh tự giác sáng, tất cả hiện bày; chứ không phải để “buông đi, vứt bỏ” hay nắm giữ bất kỳ một pháp nào. Đây là điểm đặc biệt của đại đạo.

2.3.   Chỉ là không theo - tỉnh giác - bình thường; không cần phải dẹp bỏ.

Lục Tổ dạy: “Không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”. Vọng tưởng chỉ là những bóng dáng trong đầu, không có thật. Khi nó hiện khởi, hành giả chỉ cần giác rõ, không theo, chứ không cần phải trừ dẹp. Hơn nữa, khởi tâm dẹp bỏ cũng là đã thêm một tâm tưởng khác, trên vọng thêm vọng, chỉ càng làm cho hành giả căng thẳng, rối ren.

Đây là nói thẳng đến công phu tu tập. Chúng ta đã biết rất rõ và xác định xong, vọng tưởng, các pháp vốn không, theo nó thì mới thành sự. Vì vậy không cần phải dẹp bỏ, mà chỉ là không theo, tỉnh giác, bình thường thì công phu sẽ nhẹ nhàng, sáng suốt, đắc lực.

Tương tự, mọi thứ từ thân này, tâm sanh diệt, vạn vật, hoàn cảnh, tình huống, nỗi khổ, niềm đau, phiền muộn... gom hết lại và quy về một mối. Tất cả chỉ là một pháp (một vật) đang đối diện trước mặt mình, bị mình biết, là thứ bên ngoài mình chứ không phải thật là mình, giống như chúng ta đang nhìn một chiếc lá rất đỗi bình thường, không khác. Mỗi thứ tuy có khác nhau, nhưng nó cùng chung một tính chất rỗng tuếch, tầm thường, không có gì, đến mức tất cả vốn chỉ như thế, không hơn không kém. Chỉ là chúng ta nhìn nó, đối diện với nó như thế nào mà thôi. Tâm bất ổn, trí không sáng, năng lượng sống bị tuột mất, tinh thần hoang mang hay mệt mỏi thì chuyện gì cũng có thể làm cho mình lo lắng và rối tung lên được. Nếu hằng ngày khéo tu tập, biết buông xuống, an nhiên, giác sáng thì tâm lực, trí lực sẽ lớn mạnh. Dù có chuyện gì xảy ra đến đâu đi nữa thì lực này cho mình có khả năng bình ổn, tự động thấy bình thường, như nhiên. Đây là nhờ vào lực tu thì tâm tự nó như thế, chứ không thể dùng phàm tâm động niệm để cố gắng hay liều mạng mà có thể đạt được.

Mới hay ra, tất cả các pháp tuy muôn hình vạn trạng, nhưng nó cũng đồng một tính chất tầm thường như nhau. Nếu tâm thiếu định tĩnh, thiếu trí lực, nhìn theo cảm xúc thì bị nó chi phối, sai sử mình, là bị cảnh chuyển. Nếu tâm đủ năng lực, thấy bình thường thì tất cả cũng chỉ là bình thường, không có gì đáng để bị chi phối cả, là đã chuyển được cảnh. Kinh Lăng Nghiêm, Phật nói: “Nếu hay chuyển vật, tức đồng Như Lai”.

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

1226291
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
1984
2628
1984
1199158
1984
109310
1226291