Chủ Nhật 1/12/2024 -- 1/11/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Sách "Dụng Công Tu Thiền" - 4. Thực Chất Việc Tu Hành

 

4.  THỰC CHẤT VIỆC TU HÀNH.

Tu hành đạt đến ngộ tánh, hành giả cần lưu ý hai điều trọng tâm: Không sai và phải đúng, để khế hợp tự tánh, mới có lúc tánh này bừng ngộ.

¯ Không sai - Tránh sai lầm.

Cụ thể là không theo các tướng. Không rơi vào tướng dụng công để phải rơi vào tạo tác. Không tạo thành dấu vết của tâm (Lập phần hạn của tâm).

¯ Phải đúng - Dụng công đúng.

Tức là phải khế hợp tự tánh. Cụ thể, hướng tánh tu tập, bặt các tướng, mất hút dấu vết, không một vết mê, ngay đó tự khế hợp tự tánh sẵn vậy chính mình.

¯ Vì sao chúng ta chưa ngộ tánh, phải chịu khổ đau?

Do nhận những thứ huyễn giả bên ngoài mà bỏ quên tự tánh. Thực tế mỗi người chúng ta ai cũng sẵn đủ Phật tánh (tự tánh), nhưng do bỏ sót, quên nhận lại cho nên bị mây mờ vô minh che lấp. Từ đó, nhận thân tâm sanh diệt làm mình, mê lầm, sống trong vọng tưởng, thấy biết theo sáu trần, dính mắc, bị trói buộc, tạo nghiệp, khổ đau.

  • Lý do trước mắt.

Do sống theo vọng tưởng cho nên bị loạn động, khiến con người thiếu nội lực, mất năng lượng, bị áp lực, căng thẳng, đưa đến khổ đau. Khi tiếp duyên xúc cảnh thì thấy biết theo trần cảnh do đó bị trần cảnh trói buộc, sai sử, không tự chủ được bản thân, bao nhiêu đau khổ từ đây mà có.

Chúng ta thường nghe nói, giá như trước kia hành xử như thế thì tôi đã khá hơn. Đó là nói lên việc thiếu tự chủ trước đó của chúng ta, hậu quả đưa đến sự đau khổ bây giờ khiến mình hối tiếc. Nguyên nhân chính ở đây đều do thiếu tự chủ. Mà thiếu tự chủ là do bị dính mắc, trói buộc. Sống theo vọng tưởng, dính mắc trần cảnh sẽ đưa đến khổ đau là vậy.

  • Nguyên nhân sâu xa.

Chúng sanh tạo nghiệp, theo nghiệp thọ sanh vào các nẻo luân hồi chịu các khổ não. Nhưng nghiệp bắt đầu từ một niệm có ra. Do thấy vọng niệm là thật cho nên niệm nghiễm nhiên tồn tại. Từ đó sống theo niệm, tạo thành chủng tử nghiệp thức trong đầu. Đối trước các cảnh duyên cũng tương tự. Thấy cảnh là thật liền bị dính mắc, tạo các nghiệp. Có nghiệp thì bị nghiệp đẩy đi thọ sanh, chịu các đau khổ.

Nếu trên cảnh, ngay niệm, thấu tột bản chất huyễn hóa, không khởi thêm niệm thì không lưu dấu của niệm trong tâm, sẽ không có nghiệp. Không nghiệp thì không bị câu thúc, chúng ta mới được thảnh thơi, tự tại. Đây chính là sự tu tập. Cụ thể hơn, tu như thế nào? Bằng cách nào?

4.1.   Chặt thẳng cội nguồn.

4.1.1. Đốn ngộ.

Hành giả ngay đây đốn ngộ, nhận thẳng tự tánh, liền xong. Ngay đó sống thẳng tự tánh là chân thật tu hành. Tất cả chỉ như cũ, bình thường, sáng ngời, không dấu vết.

4.1.2. Đốn tu.

Bởi chưa ngộ nên còn phải tu. Nhưng lại không rơi vào tướng của phương pháp, tướng dụng công hoặc dấu vết của tâm; không trải qua các thứ bậc như tiệm tu cho nên tạm gọi là đốn tu.

Cụ thể, ngay niệm, ngay cảnh, khéo suốt qua, không can thiệp mọi thứ, sống ngay sức giác sáng. Lực giác càng mạnh thì vọng niệm và các cảnh duyên tự mất sự chi phối. Theo thời gian, công phu đắc lực, không trước không sau, căn thức mê dứt bặt, tánh tự bừng ngộ, vọng tự vắng bặt, không còn. Cách dụng công này chỉ là không mê, mất hút các tướng chứ không làm thêm gì cả. Bặt tướng – không mê – giác sáng là đang tu hành miên mật. Nhưng không tạo tác thêm gì, không có tướng tu hành cho nên lại như là không tu gì cả. Khéo tu trong vô tu như thế, đạt đến vô công dụng hạnh, gọi là đốn tu.

4.2.   Đối diện, nhìn thẳng.

4.2.1. Khái quát.

Theo cách trên, có nhiều vị thấy mình không tu hành gì cả, dễ rơi vào miên man, không chịu được, do đó mới nói thêm cách đối diện, nhìn thẳng. Phương pháp này cũng không qua thứ lớp phương tiện nên cũng là đốn tu, nhưng hành giả thấy có hạ thủ công phu tu tập.

Cụ thể, nếu chưa ngộ, còn vọng niệm thì một cách dụng công nữa là Đối Diện - Nhìn Thẳng. Nếu chúng ta cố tình lảng tránh hoặc chạy trốn vọng niệm, đồng nghĩa đã thấy vọng niệm là thật và quan trọng, nên mới quay lưng để trốn. Nhưng khi vừa thấy niệm là quan trọng thì nó đã in bóng trong đầu rồi, không lìa được. Phải khéo ngay niệm nhìn thẳng, thấu tột trước khi niệm khởi vốn không niệm, liền được vô niệm.

4.2.2. Áp dụng hạ thủ công phu tu tập.

Không quay vào trong để kềm giữ tâm. Không nhìn theo vọng niệm hay các cảnh duyên. Không biết theo, biết về vọng niệm và các pháp. Tức là không làm thêm bất cứ gì cả. Chỉ nhìn thẳng đến trong lặng, không phân biệt, tâm tự sáng biết.

Ví dụ trước đây có tức giận ai đó. Cố tu tập, thấy hết giận. Nhưng thời gian sau gặp lại người ấy thì thấy cái giận vẫn còn. Lý do là thấy cái giận thật, từ đó nó đã tự khắc in dấu trong đầu. Muốn chế ngự cho nên tìm cách tu tập như thế nào đó. Đó là cố tình lảng tránh, chạy trốn và đè nén chứ chưa phải tu tập đúng pháp. Vì vậy tu tập nhiều năm, nhưng gặp lại vẫn thấy còn sự tức giận hoặc xúc cảm.

Cụ thể, áp dụng công phu trong phương pháp này là không chạy trốn hay làm thêm gì cả. Nhìn thẳng cho đến khi nó tự trong lặng, tất cả sẽ trở nên bình thường, tự vô hại, không còn giá trị. Sẵn một chân trời tự tánh lặng trong, sáng ngời cho cái giận mặc tình trôi trên đó. Hành giả không tác ý theo nó để phân tích hay làm thêm gì. Sẽ đến lúc lực của nó tự yếu, tánh chúng ta tự  mạnh thì tất cả dù còn, nhưng trở nên lặng trong, bình thường, vô hại. Chúng ta không cần hết mà nó tự lặng mất bao giờ cũng không quan thiết.

Có khi tất cả tự ngưng đọng, trong lặng, sáng rỡ, cái “đang là” hiện tiền. Còn thấy có bất kỳ một vật gì dù đó là cái “đang là” đi chăng nữa, cũng chưa thật là bản tánh vốn tự sáng biết không vật chính mình. Hành giả không dừng trụ chấp vào đó mà phải vượt suốt qua cái “đang là”. Bằng cách, không khởi thêm gì, không tìm xem nó như thế nào, chỉ khéo mất hút dấu vết, sẽ có lúc bất ngờ tánh tự bùng vỡ, mới thấu tột.

4.2.3. Lưu ý.

Cố nhìn chằm chằm là mặt khác của việc can thiệp trên vọng, kềm giữ tâm, sẽ bị căng đầu. Nếu cố cho được trừng lặng, sẽ hiện tướng lạ. Nếu cố lờ qua là do còn sợ vọng, vô tình đã in dấu trong đầu, là đã rơi vào tạo tác. Nếu thấy có một cái “đang là” để sống, chăn giữ, là chưa rời tướng của tâm, còn dấu vết, không khế tự tánh. Chủ yếu là sáng biết rõ ràng. Tất cả đều buông thư, bình thường, nhưng lặng trong, rõ ràng rành mạch, không động, không dấu vết là tốt.

Cứ thế công phu, khéo suốt qua mọi thứ. Niệm và cảnh tuy đang có, nhưng vẫn như không. Theo thời gian, công phu thuần thục, sẽ sáng tột đến chỗ không còn gì, tâm tự vô niệm. Lưu ý, trong đầu không khởi mọi thứ, chứ không phải đòi hỏi vọng niệm hay các cảnh phải không. Được vậy, đối duyên xúc cảnh, sinh hoạt... mọi thứ vẫn vận hành, nhưng tự trong lặng. Như thế, sinh hoạt, vận hành, đối cảnh, nhưng không huân chủng tử nghiệp thức. Khi chết, đối trước mọi cảnh duyên hiện ra, cũng một cái thấy biết trong lặng như vậy, sẽ tự chủ. Đây là cách dụng công trong khi vọng niệm vẫn còn.

Tóm lại, chỉ một cái nhìn tổng trì, nhưng tự thấy và sáng biết tất cả. Không phải khởi nhiều cái biết để nhìn theo đuôi từng vọng tưởng hoặc cảnh duyên. Nhìn thẳng, giác sáng, suốt tột tận nguồn tâm, sẽ có lúc tánh này bừng ngộ, niệm tự dứt bặt, các pháp tự trong lặng, thấy biết như thị.

4.3.   Biết rõ việc thực tập và chánh tu, không nhầm lẫn trong lúc dụng công.

Y cứ vào tự tánh, ngộ tánh để xác định đâu là việc dụng công của thực tập, đâu là chánh tu. Dụng công khế tự tánh mới có lúc tánh này bừng ngộ, đây là chánh tu. Nếu còn trong tạo tác sanh diệt, do chưa khế hợp thể tánh vô sanh, đây là nằm trong phạm vi tạm thời còn thực tập, chưa thể dụng thẳng đến vô tác, tạm gọi là thực tập.

4.3.1. Thực tập, đối trị tạm thời.

Hành giả chưa thể ngay đây hướng thẳng tự tánh, tu trong vô tu mà phải còn áp dụng một số phương tiện đối trị, điều phục; đây là trong giai đoạn thực tập cho thuần thục để đi vào hạ thủ công phu tu tập dễ dàng hơn. Điển hình ngồi thiền còn hôn trầm, đau chân, vô ký thì phải điều phục. Bước đầu thực tập phải thực hành pháp sổ tức, tùy tức để điều thân, điều hơi thở cho thuần thục. Nếu bị bệnh sân giận mạnh, không thể tức thời hóa giải thì cần phải quán từ bi để đối trị. Có vị nặng về chấp trước, không thể thẳng đó toàn không thì phải quán nhân duyên. Người tâm tu còn yếu, dễ bị các duyên trần lôi kéo thì phát tâm bồ đề dõng mãnh để tự điều phục thân tâm, vững tiến trên đường đạo… Và vô lượng phương tiện khác. Hễ dụng công còn trong tạo tác sanh diệt, mang tính điều phục và đối trị tạm thời, chưa dụng đến chỗ vô sanh thì thuộc về phạm vi tu hành còn trong quá trình thực tập cho được thuần thục.

4.3.2. Chánh tu.

Gọi là chánh tu, bởi dụng công khế tự tánh. Hành giả chưa ngộ tánh thì hướng tánh tu tập, không rơi vào tất cả tướng. Cụ thể, không rơi vào tướng của phương pháp, tướng của dụng công. Không lập phần hạn, chấp sở đắc hay rơi vào tất cả tướng hoặc dấu vết của tâm. Tóm lại, khéo bặt dấu vết, mất hút các tướng, nhưng không mê, tức đang sáng biết, chứ không thấy có tướng sáng biết nào khác để gìn giữ. Dụng tâm như thế sẽ khế tự tánh, mới có lúc bừng ngộ nên gọi là chánh tu.

Với hành giả đã kiến tánh thì khéo bảo nhậm, sống thẳng tự tánh là tu hành. Tùy duyên tiêu dung tập khí, nhưng không thấy có tập khí được tiêu dung. Đây thực sự là chánh tu, thẳng đến thành Phật.

4.3.3. Không nhầm lẫn trong lúc hạ thủ công phu tu tập.

Hành giả hạ thủ công phu tu tập, cần nhận ra đâu là thực tập đối trị tạm thời, đâu là chánh tu thẳng tự tánh. Không nhầm lẫn, khi đối trị thì nghi ngờ làm sao khế hợp tự tánh? Lúc chánh tu thì lại vụng về, hoặc đặt bày tạo thành tướng, rơi vào tạo tác sanh diệt.

Ví dụ, hành giả mới tu, chưa thuần thục, tập khí còn nặng, bị sân si, phải lo quán chiếu để đối trị thì nghĩ: “Sao tu nhiều mà chưa kiến tánh như huynh đệ?”. Được khuyên bảo nên hướng tánh, bặt dấu vết để tiêu dung tập khí thì thưa: “Tu sao mà như không làm gì cả”, không chịu. Đây là do nhầm lẫn giữa việc thực tập đối trị tạm thời với chánh tu, khiến mình tự mâu thuẫn, không tiến. Còn đối trị là còn trong tạo tác, chưa lìa sanh diệt cho nên chưa khế hợp tự tánh vô sanh thì làm sao ngộ được? Muốn có lúc tánh này bừng ngộ thì phải dụng công vô tác, thẳng đến chỗ vô sanh mới được, thì lại bảo giống như không tu, không chịu. Nếu nhận chân rõ ràng sẽ không bị mâu thuẫn trên, mới biết hướng để tu tiến.

Pháp đối trị chỉ áp dụng cho những ai thấy là cần thiết và chỉ áp dụng trong một thời điểm nhất định nào đó. Muốn giác ngộ, phải hướng tánh vô sanh, mới có lúc bừng ngộ tự tánh. Y tánh tu hành là nhân vô sanh, mới viên thành quả vị Phật đạo vô sanh, không thể khác.

  1. 5.  TỔNG QUAN NGUYÊN LÝ DỤNG CÔNG TU TẬP THIỀN.

Nói thẳng đến việc tu hành là kiến tánh khởi tu. Nếu đã tỏ tâm thì sống ngay tự tâm giác sáng đó là tu hành chứ không tạo tác thêm gì khác. Hơn nữa, khi giác sáng là sáng lại tự tâm nơi chính mình đang sẵn đủ, chứ không phải làm thêm gì. Do đó, tu mà như thể là không tu. Tuy vậy, nhưng đang sống bằng tâm giác sáng thì đã là tu hành rồi; cho nên không tu mà tu. “Tu mà không tu, không tu mà tu”, đó là khéo dụng công tu hành đắc lực.

Nếu chưa kiến tánh, còn tu theo thứ lớp thì nên biết đây chỉ là việc tạm thời để hướng đến ngộ tánh, chứ không quan trọng, không dừng kẹt trên những phương tiện công phu. Tuy có dụng công, nhưng do đã biết rõ là tạm thời do đó không chấp vào việc dụng công, không rơi vào tướng của công phu; cho nên dù có tu mà như là không tu hành gì. Tuy vậy, nhưng vẫn đang hạ thủ công phu miên mật; do đó cũng là đang tu. ‘Tu mà không tu, không tu mà tu’, khéo léo dụng công tu tập như vậy mới đích thực tu hành, công phu mới tiến bộ thực sự. Nếu không như thế thì rơi vào tạo tác, là chỉ đi loanh quanh bên ngoài, không khế hợp đạo lý chân thật.

Tóm lại, chương này nhắm đến việc xác định nguyên lý dụng công tu tập. Ngàn xưa, tất cả chúng ta đang ở trong tự tánh. Do thoạt bất giác, căn thức mê mờ liền sanh, vọng tưởng liền có. Từ đây căn thức mê mờ duy trì cho vọng tưởng tồn tại và mạnh thêm. Bây giờ tu hành thì điều trước mắt dễ nhận thấy nhất là hàng phục vọng tưởng. Nhưng vọng tưởng nó không chịu hết thì phải đi tìm xem thứ gì đã nuôi dưỡng cho vọng tưởng này còn mãi như vậy, mới biết đó là căn thức. Ngay căn thức này mà trị thì vọng tưởng tự hết chứ không thèm can thiệp trên vọng nữa, chỉ cần không theo nó thôi.

Trị căn thức này như thế nào? Vừa làm gì thì ngay đó chính là căn thức, nó lại càng mạnh thêm. Nếu không làm gì hết là vô minh, thì nó cũng càng thêm mạnh. Không thể can thiệp trực tiếp thì phải tìm một nhân tố mà căn thức này không chịu được, đó là giác. Khi giác sáng thì căn thức sẽ bị yếu, cho nên chỉ giác thôi chứ đừng làm gì trực tiếp đến căn thức cả (tức là không khởi tâm diệt trừ nó). Trên các hoàn cảnh, luôn khéo sống giác sáng như vậy thì căn thức sẽ yếu đi. Tu tập như vậy cho đến khi sức giác sáng lớn mạnh tột cùng thì căn thức sẽ yếu tột độ. Nhân duyên chín muồi, không trước không sau, tự tánh giác sáng bùng vỡ, căn thức liền tan, vọng tưởng không còn, tâm thể hiện tiền, sống ngay đó là tu hành.

Thấy ra nguyên lý tu hành một cách rõ ràng như vậy thì mới tự tin và an tâm, mới hết lòng một bề quyết chí hạ thủ công phu, thẳng tiến. Nhất là các hành giả đã từng nhập thất có tiến bộ thì nhận ra việc này rất rõ.

Thẳng tự tánh giác đã bừng ngộ đó mà sống là sống bằng Phật nhân, là “tự giác”. Không rời tánh ấy để tùy duyên hành hạnh lợi tha gọi là làm Phật sự; là “giác tha”. Trải qua nhiều kiếp, sống và tu hành như vậy cho đến khi công viên quả mãn, tức là “Tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn” thì sẽ thành Phật quả. Đó là nguyên lý tu hành.

 

 

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

1226369
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
2062
2628
2062
1199158
2062
109310
1226369