Chủ Nhật 1/12/2024 -- 1/11/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Sách "Dụng Công Tu Thiền" - Phần phụ: Câu Hỏi Vận Dụng

 

¯ Câu số 1:

Ngay khi đang có vọng tưởng, có tánh này không? Làm sao nhận biết?

¯ GỢI Ý TRẢ LỜI:

¯ DẪN CHỨNG: Kinh Lăng Nghiêm, Phật dạy:

“Thể Bồ-đề Niết-bàn thanh tịnh từ vô thủy; tức là cái thức tinh nguyên minh nó hay sanh ra các duyên mà bị các duyên bỏ sót. Do chúng sanh bỏ sót cái bản minh này (sáng suốt sẵn có), cho nên phải chịu trôi vào các thú”.

Cho thấy, ngay khi đang có vọng tưởng, tánh này vẫn không thiếu, chỉ là chúng sanh sống trên nó mà bỏ sót.

¯ Làm sao nhận biết?

Nếu không có tánh này thì ai nhận biết đang có vọng tưởng? Nếu cho rằng, cái biết vọng tưởng vẫn còn là vọng giác thì ai biết đó là vọng giác? Chẳng phải là tánh này đang sẵn đó hay sao. Hãy buông luôn cái được cho là vọng giác ấy đi thì tánh này liền đó hiển hiện, bặt nghi ngờ.

¯ Câu số 2:

Ngay khi vọng tưởng, tánh này vẫn không thiếu vắng. Vậy, công phu nhận thẳng tánh này như thế nào?

¯ GỢI Ý TRẢ LỜI:

¯ DẪN CHỨNG: Thiền sư Hàm Thị nói:

Ngoài phân biệt vẫn lưu lại căn tánh để chờ đợi phát minh”.

¯ Phân biệt:Tâm phân biệt các pháp, có ra vọng tưởng.

¯ Căn tánh: Tự tánh giác sáng.

¯ Cụ thể ở đây:

  • Đang khi vọng tưởng, tánh này không thiếu.
    • Dù đang còn vọng tưởng, nhưng để yên, không can thiệp (không theo vọng, không trừ dẹp vọng, không khởi tâm để mặc kệ, mặc tình).
    • Ngay đây, dám tự tin nhận thẳng tánh giác sáng = LƯU LẠI CĂN TÁNH, là chân thật tu hành.
    • Chỉ vậy thôi. Việc còn lại là sẽ có lúc đủ duyên bừng sáng = CHỜ ĐỢI PHÁT MINH, chứ không phải ngồi đó chờ đợi để được ngộ.

¯ Nhận thẳng thế nào?

  • Không khởi cái biết, để biết về, biết theo vọng tưởng.
  • Không can thiệp hoặc làm gì thêm trên vọng tưởng hay các tướng.
  • Chỉ lặng lẽ, không mê là tự sáng biết. Nhưng không phải biết về hay biết theo gì.
  • Công phu như thế là khéo nhận thẳng, sống thẳng, khế hợp tự tánh.
  • Việc còn lại là thời tiết nhân duyên chín muồi, tánh này bất ngờ bùng vỡ.

¯ Câu số 3:

Hành giả hiểu và cảm nhận chân tâm, có khi vẫn còn trong tạo tác, chưa thực sự khế hợp chân tâm. Do đâu? Hoặc vì sao?

¯ GỢI Ý TRẢ LỜI:

¯ Do nhận sai: Thầm nghĩ, có một chân tâm như thế nào đó, ở đâu đó để nhận ra, hay ra. Từ đó, hiểu về, thầm nhận về chân tâm đó.

¯ Nguyên nhân, do rơi vào bẫy của căn thức mê mờ:

Chúng sanh còn mê, thấy biết theo tình thức, phan duyên, có vật mới biết cho nên luôn tìm một vật để thấy biết. Cụ thể, phải có một vật như thế nào đó, ở đâu đó để biết về vật đó, chứ không tự nhận ra tâm thể vốn tự sáng biết. Đây là cái biết của phan duyên, còn trong sanh tử. Nếu hành giả dụng công chưa rời phan duyên như thế thì vẫn còn trong tạo tác, chưa rời sanh diệt, chưa khế hợp tự tánh.

¯ Khéo nhận lại chân tâm:

Khéo mất hút các tướng, không một vết mê thì tâm tự sáng biết trùm khắp. Bởi lúc này muốn không biết cũng không được. Ngay đó, chân tâm hiện tiền, sáng rỡ.

¯ Câu số 4:

Giữa trần đời xuôi ngược dọc ngang, có khi khiến mệt nhoài, chúng ta đã đối diện như thế nào để được an ổn thực sự?

¯ GỢI Ý TRẢ LỜI:

Không cần hết mệt, cũng chẳng phải muốn còn mệt. Chẳng khởi tâm mong qua nhanh, cũng chẳng phải muốn nó còn. Ngay đó, lặng xuống, trở lại tự tánh, liền an, liền đó được nghỉ ngơi tuyệt đối.

Sơ Tổ Trúc Lâm nói: 

“Gìn tính sáng tính mới hầu an,

Nén niềm vọng, niềm dừng chẳng thác”.

Cho thấy, chỉ có tánh này mới cho chúng ta an ổn tuyệt đối.

¯ Câu số 5:

Thiền sư Cảnh Sầm nói “Chớ bảo vô tâm gọi là đạo”; tức là vô tâm chưa phải là đạo. Nhưng Sơ Tổ Trúc Lâm nói “Đối cảnh vô tâm chớ hỏi Thiền”; vô tâm là đạo, là thiền. Cùng là vô tâm, nhưng mang hai ý nghĩa khác nhau. Qua lời dạy của hai vị tôn đức, chúng ta thấy ra gì về vô tâm?

¯ GỢI Ý TRẢ LỜI:

Thiền sư Trường Sa Cảnh Sầm nói:

Chớ bảo vô tâm gọi là đạo,

Vô tâm còn cách một lớp rào.

Như vậy, vô tâm chưa phải là đạo.

Sơ Tổ Trúc Lâm Việt Nam thì nói:

Trong nhà có báu thôi tìm kiếm,

Đối cảnh vô tâm chớ hỏi Thiền.

Ở đây, vô tâm chính là đạo. Cùng là vô tâm, nhưng có hai nghĩa khác nhau. Chúng ta thấy ra gì về lời dạy vô tâm của hai bậc tôn đức.

¯ Vô tâm chưa phải đạo.

Thiền sư Trường Sa Cảnh Sầm bảo vô tâm chưa phải là đạo, bởi hai lý do. Khi dụng công thì hạ thủ công phu trong tạo tác, kềm tâm buộc niệm, làm cho được vô tâm. Đã có công phu tương đối thì lập phần hạn, thấy có một cái tâm rỗng không để chấp giữ. Vô tâm này chưa khế đại đạo.

Thiền sư Phật Nhãn nói: “Không nên ở trong chỗ rỗng không, không bờ mé mà lập phần hạn. Nếu lập phần hạn, tức đó chỉ là cái rỗng không, không bờ mé, bèn bị rơi kẹt”. Lập phần hạn là làm cho được vô tâm, thầm thấy có một cái rỗng không, có một cái tâm không rồi chấp vào đó. Đây chính là chỗ vô tâm mà Thiền sư Cảnh Sầm đã nhắc, chớ bảo đó là đạo.

Cụ thể, Thiền sư Cảnh Sầm nói: “Chớ bảo vô tâm”, tức là ngài thấy đang có người cảm nhận về vô tâm, đồng nghĩa, có một cái tâm không. Từ nhân duyên thực tiễn, ngài nói như vậy để nhắc thức những người này. Đã là có thì dù có cái gì đi nữa (kể cả cái tâm không) cũng không phải bản tâm chân thật vốn không một vật sẵn vậy nơi chính mình. Cái vô tâm ấy là làm cho được vô, chứ không phải bản tâm vốn tự rỗng thênh, không một vật. Ngài gọi đây là đầu sào trăm trượng, cần phải vượt qua, vươn lên nữa. Do đó, trong một bài kệ khác, ngài nói:  

Đầu sào trăm trượng thêm bước nữa,

Mười phương thế giới hiện toàn chân.

¯ Vô tâm là đạo.

Sơ Tổ Trúc Lâm nói:

Trong nhà có báu thôi tìm kiếm,

Đối cảnh vô tâm chớ hỏi Thiền.

Ngay câu trước đó, Ngài đã nhắc: “Trong nhà có báu thôi tìm kiếm. Tức là cần nhận lại của báu vốn sẵn trong nhà mình, chính là bản tâm thì bản tâm ấy vốn đã tự không (Rỗng rang), chứ không phải do cảm nhận được hay do tu để làm cho được không. Cho nên, đến câu liền sau đó ngài nói: “Đối cảnh vô tâm chớ hỏi Thiền.

Ngộ tánh thì tâm tánh tự rỗng không, chứ không phải làm cho được không.

Thấy biết vượt thoát căn và cảnh, suốt qua tất cả, không trụ vào bất cứ gì hay ở đâu. Trong tâm vốn tự không dấy niệm. Trong ngoài suốt thông, vắng bặt, nhất như, không còn thấy có trong ngoài. Vô tâm như thế không nằm trong có và không, tự vượt thoát tất cả. Đây là vô tâm đúng nghĩa trong đạo Phật nói chung và nhà Thiền nói riêng; vô tâm chính là đạo.

¯ Câu số 6:

Vô tâm đúng nghĩa có liên quan thế nào đến việc trợ giúp xã hội?

¯ GỢI Ý TRẢ LỜI:

1)    VÔ TÂM ĐÚNG NGHĨA.

a)     Không phải vô cảm, lãnh đạm, thờ ơ.

Đạo Phật là đạo Trí tuệ - Từ bi. Tức là từ trí tuệ giác ngộ, cảm thương cho cái mê của chúng sanh, rộng lòng cứu giúp. Thực tế, khi năng lượng dồi dào, lòng người tự rộng mở, sẽ dễ dàng cảm thông với mọi người và sẵn sàng giúp đỡ tất cả trong khả năng cho phép. Một hành giả đã ngộ tâm (trí tuệ giác ngộ) thì nội lực tràn đầy cho nên tự mình có sự thông cảm và từ bi rộng lớn. Với người mới học đạo, sẽ được Phật Tổ chỉ dạy trong Kinh Luận, được thiện hữu tri thức hướng dẫn trực tiếp để hiểu về người khác, cảm thông, để từ đó có sự quan tâm đúng mực, có lòng từ bi rộng lớn. Do đó, người tu Phật đúng nghĩa, sẽ không vô tâm theo kiểu vô cảm, lãnh đạm, thờ ơ.

b)     Không phải cột tâm, quay lưng, ngoảnh mặt.

Nếu kềm tâm, làm cho được vô tâm rồi chấp vào chỗ trống không, không ngằn mé đó, Thiền sư Cảnh Sầm nói chưa phải là đạo. Vì vậy, hành giả tu Phật đúng pháp, sẽ không rơi vào chỗ vô tâm cây khô tro lạnh này.

c)     Ngộ tâm, tâm tự rỗng rang.

Như trên vừa nêu, Sơ Tổ Trúc Lâm dạy, nhận lại bản tâm thì tâm ấy tự rỗng rang, thênh thang, trùm khắp (tâm tự không). Hành giả ngộ tâm này, niềm lạc an ngập tràn. Có trí tuệ thấu hiểu và cảm thông với người khác. Có tâm từ bi và lòng nhiệt huyết tích cực cứu giúp hết thảy. Do đó, sẽ hết lòng trong việc trợ giúp xã hội, nhưng vẫn thanh thoát, cao nhàn, thuận đạo, hiệu quả. Đây là vô tâm đúng nghĩa trong đạo Phật nói chung và nhà Thiền nói riêng.

2)    VÔ TÂM ĐÚNG NGHĨA VỚI VIỆC TRỢ GIÚP XÃ HỘI.

a)    Nếu là có tâm phân biệt.

Nếu có tâm phân biệt thì chưa thể rời bản ngã. Có ngã, trợ giúp xã hội qua bản ngã sẽ còn bị ngăn ngại. Thuận ý thì làm. Trái với bản ngã, không vui hoặc bực tức, sẽ thối tâm, không muốn giúp đỡ nữa.

Hơn nữa, có tâm phân biệt, sẽ thấy có mình làm được gì đó, có sở đắc, sẽ có lúc cảm thấy thỏa mãn nên ngừng nghỉ. Điển hình, thấy mình làm từ thiện nhiều rồi, tạm hài lòng với bản thân nên dừng bớt lại, hoặc không làm nữa. Cho thấy, có tâm phân biệt, sẽ thấy có sở đắc. Mà có sở đắc thì sẽ còn nằm trong giới hạn nhất định.

Mặt khác, nếu làm trong phân tâm động niệm sẽ mất năng lượng. Do năng lượng có giới hạn cho nên sự tích cực cũng có giới hạn.

Và cuối cùng, nếu còn phân tâm động niệm thì chưa có lực để làm chủ tuyệt đối bản thân. Hòa vào đời (nhập thế), nhưng bị chi phối, tan chảy. Do đó, việc làm tuy thấy tốt, nhưng theo thời gian, khó tránh khỏi những tình tệ kéo theo.

Từ những lý do thực tiễn trên cho thấy, nếu trợ giúp xã hội trong khi còn có tâm, sẽ phải có giới hạn nhất định.

b)   Vô tâm đúng nghĩa.

Nếu một người đã đạt đến vô tâm đúng nghĩa, sẽ vô ngã. Vì không còn quan trọng bản thân do đó mọi hành xử và việc làm không thông qua bản ngã cá nhân, sẽ cho ra thực sự, không ngăn ngại. Quý ngài chỉ biết cho ra. Còn lại, mọi người đối xử như thế nào cũng được.

Hành giả vô tâm đúng nghĩa, sẽ vô sở đắc. Vì không thấy mình đã làm được gì, chỉ biết khi nào mọi người còn cần thì mình làm thôi, cho nên không tự mãn. Do vậy, tích cực trong công việc, vô hạn, không thấy thỏa lòng rồi ngừng nghỉ.

Làm việc trong tâm rỗng rang, không động, năng lượng sẽ tràn đầy. Do vậy, quý ngài sẵn sàng tích cực cho ra một cách vô biên.

Quý ngài hòa vào đời làm lợi ích chúng sanh, nhưng vô nhiễm, không tan biến. Do vậy, công việc chắc chắn tốt, không phát sanh tình tệ.

Cho thấy, hành giả đạt đến vô tâm đúng nghĩa, vào đời trợ giúp xã hội, làm lợi ích chúng sanh, sẽ đạt đến vô hạn, vô biên, thuận đạo và hiệu quả.

¯ Câu số 7:

Hành giả lợi căn, thoạt nghe liền ngộ. Vậy là bỗng nhiên tự ngộ, hay do trải qua thời gian huân tu thuần thục rồi mới được ngộ?

¯ GỢI Ý TRẢ LỜI:

1)    TU VÀ NGỘ.

Nếu không tu, tự nhiên được ngộ, đó là thiên nhiên ngoại đạo, bởi thực tế không có việc ấy. Nếu bảo do huân tu mới ngộ thì rơi vào tạo tác sanh diệt, không thể ngộ bản tánh vô sanh. Mặt khác, có nhiều vị ra đời không gặp Phật, nhìn lá rơi tự ngộ gọi là Độc Giác Phật; như vậy, chưa thấy quý ngài tu hành gì. Vậy thì, có tu mới được ngộ hay không tu vẫn ngộ?

2)    CÓ HUÂN TU HAY KHÔNG?

Ví như không khí đã sẵn, nhưng không quạt thì không tạo thành gió để mát. Phật tánh vốn sẵn, nhưng không có Thầy Tổ kích phát, không tu thì không thể tự nhiên thành.

Ai cũng sẵn tánh Phật, nhưng do vô minh vọng tập che đậy nên không phát huy. Do vậy cần phải huân tu. Tuy huân tu, nhưng không phải làm gì thêm trong ấy. Chỉ là không theo vọng niệm, hằng giác sáng. Thời tiết nhân duyên chín muồi, tánh tự bừng ngộ, mới thấy sức sống này đã sẵn, không dính dáng gì đến việc tu. Đây là sự thật. Chưa ngộ, cần phải khéo tu. Ngộ rồi, mới thấy việc tu trước kia không dính dáng. Thiền sư Hoài Nhượng nói: “Tu chứng tức chẳng không, nhiễm ô chẳng thể được”, là vậy. Do đó, phải khéo tu trong vô tu để khế hợp tự tánh, mới có lúc bừng ngộ.

3)    HUÂN TU NHƯ THẾ NÀO?

Phật dạy, nếu thực hành huân tu theo hạnh con heo thì thành con heo. Nếu muốn ngộ tánh mà quán chiếu thì chỉ hiển bày chân lý, không thể ngộ tánh. Ngộ tánh không phải là ngộ ra tự tánh như thế nào đó, mà khi công phu đắc lực thì tự trả lại chính nó, tánh tự bừng ngộ. Do đó, cần phải biết huân tu đúng pháp, khế tự tánh thì mới có lúc bừng ngộ tự tánh này.

4)    HUÂN TU ĐÚNG PHÁP, MỚI NGỘ.

Bản chất tánh tự vô sanh, cho nên cần phải biết thực hành công phu khế hợp tự tánh, mới ngộ. Cụ thể, thẳng đây, khéo nhận tánh này, sống thẳng đó là tu hành. Nếu chưa như thế thì hướng tánh tu tập. Dù có pháp, nhưng không kẹt vào tướng phương pháp. Không tạo thành tướng dụng công. Không dấu vết của tâm, không lập phần hạn, không thấy có sở đắc. Dụng công như thế là tu trong vô tu, khế tự tánh vô sanh, mới có lúc tánh tự bừng ngộ.

Hàng Độc Giác Phật ra đời không gặp Phật, nhìn lá rơi hoặc nhân duyên nào đó tự ngộ. Đó là do nhiều đời quý ngài đã huân tu, chín muồi, nay được ngộ chứ không phải tự nhiên.

 

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

1226283
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
1976
2628
1976
1199158
1976
109310
1226283