Chủ Nhật 1/12/2024 -- 1/11/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Thoát Ra - PHÁT HUY GIÁ TRỊ THIỀN PHÁI TRÚC LÂM YÊN TỬ

 

 

PHÁT HUY GIÁ TRỊ THIỀN PHÁI TRÚC LÂM YÊN TỬ

 

Trúc Lâm Yên Tử là một dòng Thiền có nhiều đặc điểm nổi bật, lớn mạnh, đủ tư cách đại diện cho một Thiền phái Phật giáo Việt Nam. Các giá trị tuy nhiều, nhưng tựu trung đều nằm trong ba điểm độc đáo; đó là Tông chỉ ngộ tâm, Tông phong nhập thế và phương cách đào tạo tri hành hợp nhất, Thiền giáo song hành.

Đây là những đặc điểm mang tính cốt lõi, căn cơ, sâu xa; nơi lưu xuất vô vàn giá trị khác của Thiền phái thuần Việt. Đồng thời, nó còn mang tính quyết định để định hình và xác quyết các giá trị còn lại. Vì thế, ba đặc điểm này có giá trị hết sức thực tiễn và cần thiết.

Do vậy, trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ nêu phần cốt lõi trọng yếu của các giá trị. Phần còn lại, nếu ai muốn thể nghiệm thì cần phải học hiểu và thực hành, mới có thể tự mình nhận ra các giá trị còn lại một cách thiết thực, rõ ràng, đôi khi hơn cả sự mong đợi.

 

1)  DẪN NHẬP

Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do Phật Hoàng Trần Nhân Tông khai sáng trong khoảng thế kỷ 13. Sau khi làm tròn trách nhiệm của một bậc minh quân đối với đất nước, ngài trao ngai vàng lại cho con là Anh Tông, lên núi Yên Tử xuất gia tu hành, chứng đạo, sáng lập nên dòng thiền Việt Nam - Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Dòng Thiền đặc biệt mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, có Tông chỉ, Tông phong, phương pháp hành trì cùng nhiều điểm nổi bật độc đáo riêng có. Từ khi khai sáng, những đặc điểm này phù hợp với phong tục tập quán, tâm tư nguyện vọng và căn cơ người Việt Nam, nên dễ ứng dụng tu hành, có kết quả, do vậy, được nhiều người hưởng ứng quay về tu tập.

Theo sự thăng trầm biến thiên, dòng Thiền Trúc Lâm cũng có lúc thịnh rồi suy và chìm mất. Hiện nay, Thiền phái được Hòa thượng Thích Thanh Từ, Tông chủ Thiền phái Trúc Lâm tiếp nối phục hưng, khởi sắc. Những giá trị ấy đã được sống dậy, vẫn còn vẹn nguyên và được phát huy rực rỡ. Từ đó, nhiều người trong và ngoài nước biết đến, quan tâm nghiên cứu, ứng dụng, mang lại nhiều lợi ích thiết thực.

2)     GIÁ TRỊ TÔNG CHỈ CỦA THIỀN PHÁI TRÚC LÂM

2.1. Trở lại tâm mình – Tông chỉ

Thiền tông dùng tâm ấn tâm, hành giả ngộ tâm, liền suốt thông, đồng với tâm thể chư Phật, gọi là truyền tâm ấn. Tổ Ca-diếp ngộ tâm, được Phật truyền tâm ấn. Từ đó, Tổ Tổ trao truyền nhau cũng tâm ấn này. Cho thấy, kiến tánh, ngộ tâm là Tông chỉ của Thiền tông.

Buổi đầu học Thiền với ngài Tuệ Trung Thượng sĩ, có lần Thái tử Trần Khâm (Trần Nhân Tông) hỏi: “Thế nào là Tông chỉ của việc bổn phận?”. Thượng sĩ đáp: “Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc”[1]. Nghĩa là,xoay lại chính mình, không từ nơi khác. Thái tử ngay đó biết lối vào Thiền (tức, tỏ sáng tâm mình). Hòa thượng Tông chủ hiện nay nói: “Một khi chúng ta biết quay trở lại tâm mình thì sẽ thấy tâm mình tức là Phật”[2].

Thái tử hỏi “Tông chỉ của việc bổn phận”, Thượng sĩ khai thị “Xoay lại chính mình, không từ nơi khác”. Thái tử tỏ sáng tâm mình. Sống thẳng tâm tánh ấy là chân thật tu Thiền. Công phu đắc lực, chứng ngộ Thiền tủy, Phật Hoàng Trần Nhân Tông sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Khi ra giáo hóa, ngài cũng nêu cao Tông chỉ Phật tại tâm này. Từ đó, tinh thần “Phản quan tự kỷ, trực ngộ bản tâm”, chính là “Tông chỉ của việc bổn phận” đã trở thành Tông chỉ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Hiện nay, Tông chỉ này được nhiều người quen gọi một cách ngắn gọn, gần gũi: “Phật tại tâm”. Do đó, nói đến truyền thống tu học của Thiền phái Trúc Lâm là nhắc đến việc phản tỉnh, chuyên tu.

Sơ Tổ Trúc Lâm nói: “Miễn được lòng rồi, chẳng còn phép khác. Gìn tính sáng tính mới hầu an, nén niềm vọng niềm dừng chẳng thác”[3]. Ngài nói cốt yếu phải hướng bản tánh, ngộ bản tâm. Ngoài ra, không còn pháp nào hơn thế nữa. Trở lại tánh sáng thì diệu lực của tánh này mới cho chúng ta an được. Buông vọng tưởng, vọng không thêm, ngay đó trả lại tánh mình, đó là sự thật.

Thực tế, sau một đêm ngon giấc, buổi sáng thức dậy năng lượng đong đầy, tinh thần sảng khoái, chưa có việc gì lo nghĩ, tâm sẽ sáng suốt. Nhưng khi bắt đầu vào công việc với lắm sự rối ren, chúng ta không còn các giá trị ấy nữa mà thay vào đó là những áp lực, căng thẳng, đưa đến đau khổ, bất an. Sáng sớm thức dậy tinh thần tỉnh sáng mới chỉ là một thoáng ở tại ‘tâm ban đầu chưa thêm việc gì vào’ mà đã cảm nhận được giá trị độc đáo của Gìn tính sáng thì tính mới an. Huống nữa hành giả ngộ tâm, giá trị này vô tận. Đến để thể nhận, không thể nói hết bằng lời. Những giá trị cao sâu trong ngôi nhà giác ngộ giải thoát cho đến việc thành Phật đạo, cũng đã sẵn đủ trong tâm ấy. Nhị Tổ Pháp Loa nói: “Cửa giới cửa định cửa tuệ, ông không thiếu sót, cần phải phản quán nơi mình”[4]. Nhận được bản tâm này, tự nó có đủ diệu lực khiến cho hành giả tự tại tiêu sái. Tam Tổ Huyền Quang nói: “Cốc được tính ta nên Bụt thực, ngại chi non nước cảnh đường xa”[5]. Nghĩa là, một khi đã nhận được tánh mình là Phật thật thì cuộc sống này ngập tràn lạc an. Sống là tu, tu là sống về với tự tánh an vui ấy. Từ đây không còn thấy con đường sanh tử là xa xôi diệu vợi nữa, bởi nó chỉ là một sự hiện hữu trong tự tánh chánh định chính mình. Chúng ta thảnh thơi ngồi nhìn một chiếc lá thu rơi trong tâm thái lặng an giác sáng như thế nào thì hành giả ngộ tâm thấy sanh tử cũng tương tự, hoặc tự tại hơn như thế.

Một nguyên thủ quốc gia điềm nhiên, cười rồi tỉnh và làm việc. Ngoài việc giữ phong cách ra, còn có một lý do chính nữa là nếu không giữ tâm như vậy thì không đủ năng lượng để tải được số lượng công việc khổng lồ. Một người bán hàng ngoài chợ đông đúc, nắng nóng, áp lực, vị ấy ngồi an lại một tí, sau đó xử lý công việc sẽ được trôi chảy, hiệu quả, trong người cảm thấy vui khỏe hơn là lăng xăng để thực hiện các công việc ấy. Người tu hành rộn ràng sẽ bất ổn và dễ sanh ra các tình tệ. Một hành giả ngộ tâm sẽ cười mãi không thôi, bởi lẽ nhịn cười không được. Tất cả chính là giá trị được phát xuất từ bản tâm. Muốn thành Phật đạo, cũng phải bắt đầu từ bản tâm chân thật này. Ai cũng có tâm, chỉ cần trở lại sẽ có vô vàn lợi lạc. Ít nhất là chúng ta được cân bằng, bình ổn được thân tâm trước những xuôi ngược cuộc sống. Cao xa hơn là tự tại giải thoát, thành Phật.

Ngày nay, Hòa thượng Tông chủ Thiền phái Trúc Lâm phát huy tinh thần này một cách cụ thể, ngài nêu cao Tông chỉ của Thiền phái Trúc Lâm. Chúng ta có thể nhận ra điều này qua các bài giảng dạy và trước tác. Ngài nói rõ Câu ‘phản quan tự kỷ bổn phận sự’, nhìn xuyên suốt từ đời tu của đức Phật qua giáo lý, đến các pháp thiền[6]. Hòa thượng khẳng định các pháp môn tu Phật đều phản quan. Đây là giá trị của Tông chỉ Thiền phái Trúc Lâm.

Hòa thượng Tông chủ đã phát huy giá trị này một cách thiết thực. Tự thân ngài đã phản quan lại chính mình, nhập thất chuyên tu, tỏ sáng bản tâm. Khi ra làm Phật sự cho mãi đến nay, mỗi mỗi việc làm và hành động của ngài đều không rời tự tánh giác sáng. Ngài nói, thấy, nghe, hiểu, biết, chân tâm luôn sẵn đó, hiện tiền.

Song song đó, Hòa thượng đã hướng dẫn Tăng Ni Phật tử tu theo Tông chỉ phản quan tự kỷ, trực ngộ bản tâm. Ngài giảng giải cho tứ chúng nắm vững một cách rõ ràng phản quan là gì, như thế nào? Ngài hướng dẫn Thiền sinh ứng dụng tinh thần phản quan vào việc tu học; hướng bản tánh để hạ thủ công phu. Ngài chủ trương các Thiền viện đều là nơi chuyên tu, bớt duyên, không hướng ngoại. Hòa thượng luôn nhấn mạnh, chú trọng đến việc phải ngộ tâm, hướng dẫn người học trở về nhận lại bản tâm chân thật nơi mỗi người. Việc làm này ngài đã nêu rõ trong Thanh quy Thiền phái Trúc Lâm hiện nay. Ngài đã khẳng định tinh thần này một cách cả quyết trong các trước tác và giảng giải được in lại trong bộ Thanh Từ toàn tập. Và thực tế hơn hết, đây là những giá trị hiện hữu, rất thật, ai cũng có thể nhận ra qua đời sống các Thiền sinh đang sinh hoạt tu hành tại các Thiền viện trực thuộc Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam hiện tại.

Tóm lại, đức Phật Thích Ca Mâu Ni tự ngài tu tập thiền định mà được chứng đạo; đó là “Phản quan tự kỷ”. Trọn đời từ khi tu hành cho đến thành đạo, ngài không cầu xin hay trông cậy vào bất cứ gì khác bên ngoài; chính là “Bất tùng tha đắc”. Thời Trần, chư Thiền Tổ Trúc Lâm đã nêu cao Tông chỉ “Phản quan tự kỷ bổn phận sự bất tùng tha đắc”. Hiện nay, Hòa thượng Tông chủ tổ chức nội chúng tu hành cùng một Tông chỉ này, chính là đã khế hợp tinh thần Phật Tổ đã kinh qua và chỉ bày.

2.2. Giá trị vô tâmtrong Thiền phái Trúc Lâm

a)     Vô tâm đúng nghĩa

Ngộ được Tông chỉ – tức đã ngộ tâm thì tâm tự rỗng thênh, không dính mắc; gọi là vô tâm. Cụ thể, Sơ Tổ Trúc Lâm nói: “Trong nhà có báu thôi tìm kiếm, Đối cảnh vô tâm chớ hỏi Thiền”[7]. Ngay câu trước đó, ngài đã nhắc: “Trong nhà có báu thôi tìm kiếm”. Tức là cần nhận lại của báu vốn sẵn trong nhà mình, chính là bản tâm (Tông chỉ) thì bản tâm ấy vốn đã tự không (rỗng rang – vô tâm), chứ không phải do cảm nhận được hay do tu để làm cho được không. Vì thế, câu liền sau đó ngài nói: “Đối cảnh vô tâm chớ hỏi Thiền”. Có nghĩa, ngộ tánh thì tâm tánh tự rỗng rang, chứ không phải làm cho được không. Hòa thượng Tông chủ hiện nay nói: “Chân tâm vô niệm”.

Lúc này, thấy biết vượt thoát căn và cảnh, suốt qua tất cả, không trụ vào bất cứ gì hay ở vào đâu, trong tâm vốn tự không dấy niệm. Trong ngoài suốt thông, vắng bặt, nhất như, không còn thấy có trong ngoài. Vô tâm như thế không nằm trong có và không, tự vượt thoát tất cả. Đây là vô tâm đúng nghĩa trong đạo Phật nói chung và nhà Thiền nói riêng; vô tâm chính là đạo. Chính diệu lực của ‘chân tâm vô niệm’ này mới cho hành giả tự tại, vô nhiễm.

b)     Vô tâm đúng nghĩa với việc trợ giúp xã hội

Vô tâm đúng nghĩa như trên vừa trình bày là không phải vô cảm, lãnh đạm, thờ ơ; chẳng phải ngồi không, buộc tâm, quay lưng, ngoảnh mặt; mà ngộ tâm thì tâm tự rỗng rang. Vô tâm như vậy, đối với việc trợ giúp xã hội sẽ như thế nào?

Nếu là có tâm phân biệt:Nếu có tâm phân biệt thì chưa thể rời bản ngã. Có ngã, trợ giúp xã hội qua bản ngã sẽ còn bị ngăn ngại. Thuận ý thì làm; trái với bản ngã, không vui hoặc bực tức sẽ thối tâm, không muốn giúp đỡ nữa. Hơn nữa, có tâm phân biệt sẽ thấy có mình làm được gì đó, có sở đắc, sẽ có lúc cảm thấy thỏa mãn nên ngừng nghỉ. Điển hình, thấy mình làm từ thiện nhiều rồi, tạm hài lòng với bản thân nên dừng bớt lại, hoặc không làm nữa. Cho thấy, có tâm phân biệt, sẽ thấy có sở đắc. Mà có sở đắc thì sẽ còn nằm trong giới hạn nhất định. Mặt khác, nếu làm trong phân tâm động niệm sẽ mất năng lượng. Do năng lượng có giới hạn cho nên sự tích cực cũng nằm trong chừng mực nhất định nào đó. Và cuối cùng, nếu còn phân tâm động niệm thì chưa có lực để làm chủ tuyệt đối bản thân. Như thế, hòa vào đời (nhập thế), nhưng bị chi phối, tan chảy. Làm việc trong tâm còn loạn động chưa có đại lực như vậy, trước mắt tuy thấy tốt, nhưng theo thời gian, khó đảm bảo tránh được những tình tệ. Từ những lý do thực tiễn trên cho thấy, nếu trợ giúp xã hội trong khi còn có tâm, sẽ phải có giới hạn nhất định.

Vô tâm đúng nghĩa: Nếu một người đã đạt đến vô tâm đúng nghĩa, sẽ vô ngã. Vì không còn quan trọng bản thân do đó mọi hành xử và việc làm không thông qua bản ngã cá nhân, sẽ là một sự bố thí, cho ra thực sự, không ngăn ngại. Quý ngài chỉ biết cho ra; còn lại, mọi người đối xử như thế nào cũng được. Hành giả vô tâm đúng nghĩa, sẽ vô sở đắc. Vì không thấy mình đã làm được gì, chỉ biết khi nào mọi người còn cần thì mình làm thôi, cho nên không tự mãn. Do vậy, tích cực trong công việc, vô hạn, không thấy thỏa lòng rồi ngừng nghỉ. Đồng thời, làm việc trong tâm rỗng rang, không động, năng lượng sẽ tràn đầy, do vậy quý ngài sẵn sàng tích cực cho ra một cách vô biên. Hơn hết, quý ngài hòa vào đời làm lợi ích chúng sanh, nhưng vô nhiễm, không tan biến, vì thế công việc chắc chắn tốt, không phát sanh tình tệ. Cho thấy, hành giả đạt đến vô tâm đúng nghĩa, vào đời trợ giúp xã hội, làm lợi ích chúng sanh, sẽ đạt đến vô hạn, vô biên, thuận đạo và hiệu quả.

3)  GIÁ TRỊ ĐẶC ĐIỂM HÀNH TRÌ VÀ ĐÀO TẠO CỦA THIỀN PHÁI TRÚC LÂM

3.1. Đặc điểm hành trì – Thiền giáo song hành

Một trong những đặc điểm nổi bật, độc đáo của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là Thiền giáo song hành. Chư vị Tổ sư, các Thiền sư đời Trần tu hành ngộ đạo, đạt suốt lý thiền, từ đó các ngài vận dụng linh hoạt, siêu xuất. Gặp căn cơ phải kích phát thì chư vị Tổ đức liền ứng cơ, lưu xuất cơ Thiền để khai thị. Cần giảng Kinh Luận thì quý ngài tùy duyên nói pháp, giảng Kinh.

Cụ thể, Sơ Tổ Trúc Lâm đã giảng Truyền đăng lục cho đại chúng trong mùa an cư tại chùa Vĩnh Nghiêm. Ngài cũng đã giảng Truyền đăng lục cho ngài Pháp Loa tại am Tử Tiêu, giảng Đại Huệ ngữ lục cho ngài Pháp Loa tại am Thiên Bảo Quan... Đồng thời, ngài đã sai Quốc sư Đạo Nhất giảng Kinh Pháp Hoa tại chùa Vĩnh Nghiêm. Nhị Tổ Pháp Loa đã giảng các Kinh Pháp Hoa, Lăng Già, Niết Bàn. Đặc biệt ngài đã nhiều lần giảng thuyết Kinh Hoa Nghiêm, có lần pháp hội tại chùa Báo Ân thính giả lên đến trên 1000 người. Không những thế, chính ngài đã in ấn Đại Tạng Kinh đầu tiên tại Việt Nam trong suốt 24 năm. Tam Tổ Huyền Quang đã từng giảng Kinh Lăng Nghiêm...

Tiếp nối và phát huy đặc điểm này, Hòa thượng Tông chủ Thiền phái Trúc Lâm hiện tại chủ trương Thiền giáo đồng hành. Diễn văn Khai giảng khóa 1 Tu viện Chơn Không, ngài nói: “Trong tu viện áp dụng phương pháp “Thiền giáo đồng hành”. Nghĩa là học kinh để chứng minh sự tu thiền, tu thiền để thấu rõ lời Phật dạy trong kinh. Sự tu hành không bao giờ dám sai lạc đường Phật Tổ đã đi hiện còn lưu truyền lại trong kinh luận”[8].

Muốn đi, trước tiên phải mở sáng đôi mắt, mới tránh các hầm hố hiểm nguy và đến đích. Muốn tu, trước hết phải học thông, nắm vững đường hướng và phương pháp dụng công. Học hiểu lời Phật Tổ chỉ dạy để biết đường hướng ứng dụng tu hành, không bị sai lạc, đây là sự thiết yếu, cũng là lợi ích thiết thực trong tinh thần Thiền giáo đồng hành của Thiền phái Trúc Lâm.

Nói là song hành tức là tu và học đồng thời chứ không phải có trước sau. Tu mà có học cho nên không bị lầm đường lạc lối, tránh được tà kiến lệch lạc, mang lại kết quả như nguyện. Học mà có tu nên không dính kẹt văn tự, lý thuyết suông; không rơi vào thức tưởng, tăng thêm tưởng tượng, suy lý, che lấp sự giác ngộ. Học luôn soi sáng tâm mình. Tu cũng hướng tiến bản tâm, ngộ bản tánh. Học và tu tuy hai mà một, có sự tương quan trong nhau như thế mới không sai lệch tinh thần thiền giáo song hành.

Tóm lại, học thông mới nương được trí tuệ Phật Tổ dẫn đường. Quyết tu mới chuyển những điều đã học trở thành sức sống thường nhật, mới có lúc nhận ra và sống bằng ông chủ chính mình. Diệu lực ấy mới cho hành giả vô nhiễm, vượt thoát, nhẹ tênh. Học và tu như vậy, chính mình mới không lầm đường lạc lối, mới có phương tiện thiện xảo để giáo hóa độ sanh. Đạt suốt cả hai mới viên thông, hay vào tục đế, chân đế mà không rời đệ nhất nghĩa đế để giáo hóa, làm lợi ích quần sanh một cách thuận đạo, hiệu quả, được quần chúng nhân dân đón nhận. Đạt đến đây mới vượt trên quan niệm của thiền và giáo, nhưng hay tự tại ra vào thiền giáo mà vẫn không thấy có tướng ra vào. Có vậy mới phát huy đúng mức đặc điểm độc đáo Thiền giáo song hành riêng có của Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam.

3.2. Đặc điểm đào tạo – Tri hành hợp nhất

“Tri hành hợp nhất” là sự thấy biết và thực hành, ứng dụng vào đời sống hằng ngày phải tương ưng, hợp nhất, không sai khác, không phạm vào lỗi: “Nói một đàng, làm một nẻo”. Hành giả “Tri hành hợp nhất” sẽ không còn thấy việc hạ thủ công phu tu tập và học pháp khác với đời sống sinh hoạt. Tu là ngay chỗ đang sống, sinh hoạt và học tập. Sống, học tập cũng chính là đang tu. Nói điều mình làm chứ không nói điều mình hiểu; đã nói thì phải nỗ lực làm cho bằng được. Nói được làm được, đây chính là thực lực của một người có năng lực, cũng là lẽ sống của Thiền sinh để tiến đến khế hợp lời Phật Tổ dạy “Hạnh giải tương ưng”.

Không phải học hiểu vừa chừng để thực hành vừa sức mình, như thế là còn trong phàm tình hoặc trong giới hạn của sở kiến. Cần phải nỗ lực học, quyết chí thực hành cho bằng được để suốt tột đến diệu chỉ Phật Tổ chỉ bày, mới đạt đến giác ngộ giải thoát thực sự.

Tổ Đạt Ma dạy: “Hạnh giải tương ưng, danh vi viết Tổ”[9]. Nghĩa là chỗ thấy hiểu và hành động, việc làm, đời sống tương ưng nhau, được gọi là Tổ. “Giải” phải khế hợp ngôi vị Tổ. Chỗ thấy hiểu như thế nào, đến đâu mới được gọi là Tổ? Thiền tông chủ trương “Trực chỉ nhân tâm, Kiến tánh thành Phật”. Do đó, chữ “giải” ở đây là phải tỏ ngộ bản tâm bản tánh chính mình. Quốc Sư Thông Biện, Việt Nam nói rõ chỗ này: “Rõ biết tâm tông của Phật, hạnh và giải tương ưng, được gọi là Tổ”[10].Cho thấy, chữ “giải” ở phương diện này phải là ngộ tột bản tâm, mới thông suốt và khế với tâm tông của Phật Tổ. Đến đây rồi hành giả còn khéo bảo nhậm; đời sống, hành hoạt không rời tự tánh, mới có lúc thấu triệt chân nguyên, đạt đến diệu huệ vô thượng chiếu soi không cùng. Lúc này, tức tướng tức tánh; làm việc, sinh hoạt, tất cả động dụng, nhúc nhích đều là tánh này, không khác. Hạnh và giải tương ưng như vậy, mới xứng ngôi vị Tổ.

Thế nào là hạnh giải không tương ưng? Thiền sư Linh Nguyên Duy Thanh nói: “Phàm nhơn bình cư nội chiếu, tắc đa năng hiểu liễu. Cập thiệp sự ngoại trì, tiện quai hỗn dung”[11]. Thông thường hàng ngày luôn luôn phản tỉnh, soi chiếu thì phần đông ai cũng có thể sáng biết rõ ràng. Đến lúc gặp việc nhiều phải giải quyết thì chỗ thấy và làm, sự và lý không được dung thông. Đây chính là chỗ hạnh và giải chưa tương ưng. Do vậy, hành giả cần phải thực học, chuyên tu, có đời sống tri hành hợp nhất mới đạt đến cốt tủy Phật Tổ muốn chỉ bày, mới có phần tự do tự tại, không bị các trần sai sử, sanh tử chi phối.

Chư thiền Tổ Trúc Lâm xưa kia đã lấy tri hành hợp nhất làm kim chỉ nam đào tạo hành giả. Cụ thể sau khi sáng đạo, khai sáng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, Sơ Tổ Trúc Lâm đã sống đời hạnh giải tương ưng của ngôi vị Tổ. Như người đến đỉnh thấy rõ mọi lối về, ngài đã thấy ra rất rõ việc dụng công, đời sống hằng ngày của một hành giả phải như thế nào thì mới đạt đến ngộ tánh, giác ngộ. Từ đó, Sơ Tổ đã vận dụng phương châm tri hành hợp nhất vào trong việc đào tạo và hướng dẫn hành giả tu tập. Cụ thể, phần lớn chư Tăng có khả năng tu hành miên mật, ngài sắp xếp ở trên sơn môn Yên Tử hoặc những tùng lâm có khung cảnh tu hành thanh tịnh. Ngài giảng dạy hướng dẫn cho chư vị thông suốt Kinh Luận để ứng dụng vào công phu tu tập. Học để thông suốt nghĩa lý Phật Tổ chỉ bày, tu để nhận ra nghĩa lý ấy nơi chính mình, biến đạo lý thành đời sống sinh hoạt, đạt đến kiến tánh. Sơ Tổ đã đào tạo như vậy cho nên mới có được những bậc long tượng nối nắm mạng mạch Phật Tổ.

Đến thời Thiền sư Pháp Loa kế ngôi vị Tổ, làm chủ sơn môn Yên Tử, ngài cũng đã kế thừa tinh thần tri hành hợp nhất này để đào tạo Thiền giả. Cụ thể, tại chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) và một số tự viện khác, ngài đã hướng dẫn pháp học và pháp hành, vừa học vừa ứng dụng thực tập công phu cho suốt thông, thuần thục. Sau đó, Nhị Tổ cho hành giả vào những chốn tùng lâm u tịch để chuyên tâm hạ thủ miên mật, rồi mới cho ra làm Phật sự. Một trong những điểm điển hình như vậy là Hồ Thiên, một miền thâm u tịch mịch trong quần thể Yên Tử.

Hiện nay, Hòa thượng Thiền sư thượng Thanh hạ Từ đã tiếp nối phục hưng Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam. Nối gót chư vị Thiền Tổ Trúc Lâm, ngài đã đặt nền tảng “Tri hành hợp nhất” làm cốt lõi trong việc đào tạo Thiền sinh tu học. Hòa thượng Tông chủ Thiền phái Trúc Lâm hiện nay đã cụ thể hóa tinh thần này một cách thiết thực vào trong việc đào tạo tổ chức tu hành nội chúng.

Hầu hết các Thiền viện Thiền phái Trúc Lâm hiện nay đều có ba khu vực chính: Khu ngoại viện, khu nội viện và khu thiền thất. Khu ngoại viện là nơi dành cho khách thập phương đến tham quan, lễ Phật, nghiên cứu. Nội viện là nơi chuyên tu của các Thiền sinh, ở vị trí thanh tịnh, cách biệt với thế giới bên ngoài, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Thiền sinh ở trong nội viện không được phép đi ra ngoài; du khách bên ngoài cũng không được đi lại tham quan trong khu vực nội viện. Cảnh quan trong này bình dị, gần gũi. Các công trình đơn giản, chỉ vừa đủ để phục vụ nơi ăn chốn ở và những sinh hoạt tối giản cho đời sống tu hành, không phí phạm. Sâu trong nội viện là khu thiền thất, là nơi Thiền sinh được sắp xếp thay phiên nhau nhập thất (bế quan). Vào thất, hành giả có được điều kiện thanh tịnh tối ưu để dồn toàn tâm vào việc hạ thủ công phu miên mật.

Vào nội viện là vào nơi để được tu học, là còn trong thời gian đào tạo, Thiền sinh sẽ được tạo điều kiện tốt nhất để chuyên tâm vào việc tu tập cao độ. Không có tài sản riêng, chỉ có những vật dụng cần thiết do Thiền viện sắm cho. Không được giữ tiền riêng, không sử dụng điện thoại, không xem báo, nghe đài, không có Ti-vi, không mạng Internet. Tất cả tài sản, tiền bạc đều giao cho vị có trách nhiệm (Thủ bổn) giữ gìn. Khi có duyên sự bệnh nặng phải đi trị bệnh, hay những duyên sự khác thì Thiền viện sẽ tạo điều kiện và phương tiện đầy đủ. Thiền sinh không đi đám tiệc, không tiếp khách, không tiếp cận bất kỳ thông tin gì bên ngoài... Mọi việc cần thiết đã có Ban Lãnh đạo lo chu toàn. Những điều kiện này không ngoài mục đích giúp Thiền sinh dành trọn thì giờ trong việc tu hành, tránh khỏi những lỗi nhỏ hoặc vô tình hay cố ý.

Chư vị Thiền Tổ Trúc Lâm xưa kia đã đào tạo hành giả bằng phương châm tri hành hợp nhất. Hòa thượng Tông chủ hiện nay tiếp nối, kế thừa.

4)     GIÁ TRỊ TÔNG PHONG NHẬP THẾ CỦA THIỀN PHÁI TRÚC LÂM

4.1.    Nhận diện Tông phong

Tông phong Thiền phái Trúc Lâm là tinh thần nhập thế. Tinh thần này được nhận diện qua hai yếu tố: Một là vào đời làm lợi ích chúng sanh nhưng vô nhiễm (hòa mà không tan); hai là được quần chúng nhân dân đón nhận. Việc làm này được thể hiện qua hai phương diện: Giáo hóa, giảng dạy Phật pháp và các việc phúc thiện xã hội.

Sau khi tu hành sáng đạo, thành lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, song song với việc hướng dẫn Tăng Ni chuyên sâu, Sơ Tổ Trúc Lâm còn vào nhân gian dạy người dân thực hành Thập thiện. Đồng thời ngài tuyên dương các việc công ích khác. Cư trần lạc đạo phú, Hội thứ 8, Sơ Tổ nói:

Công danh mảng đắm, ấy toàn là những đứa ngây thơ.

Phước tuệ kiêm no, chỉn mới khá nên người thật cốc.

Dựng cầu đò, giồi chiền tháp, ngoại trang nghiêm sự tướng hãy tu.

Cương hỷ xả, nhuyễn từ bi, nội tự tại kinh Lòng hằng đọc.[12]

Làm lợi ích, nhưng không đắm công danh. Xây dựng cầu đò, chùa tháp, nhưng phải sáng tâm, mới đúng nghĩa trang nghiêm sự tướng chứ không phải chỉ là những việc làm trong tạo tác sanh diệt tầm thường. Các Thiền sư đời Trần đi vào đời giáo hóa độ sanh mà thần thái vẫn thanh thoát, cao nhàn, không chút mảy may vướng bận. Từ triều đình cho đến đông đảo người dân đều hưởng ứng, đón nhận, khiến cho Phật giáo bấy giờ phát triển mạnh mẽ.

Tiếp nối Tông phong này, sau khi tỏ ngộ diệu chỉ sắc không, tâm Thiền sáng rỡ, Hòa thượng Tông chủ Thiền phái Trúc Lâm hiện nay đã tùy duyên thành lập các Thiền viện để dạy Thiền. Ngài tích cực trong các Phật sự hoằng hóa, giảng dạy khắp nơi trong và ngoài nước không nề lao nhọc. Từ đây, nhiều Tăng Ni và Phật tử biết đến Thiền tông Việt Nam hướng về tu học, đạt được an vui nhất định.

Ngoài ra, Hòa thượng Trúc Lâm đã cho thành lập Ban Văn hóa Tông môn để kết tập lại những dịch phẩm, trước tác và các bài giảng của ngài. Đến nay đã ghi lại thành một bộ toàn thư lấy hiệu Thanh Từ toàn tập, gồm 49 quyển, mỗi quyển từ 800-1000 trang, giúp cho Thiền sinh có tài liệu để tu học. Đồng thời, chư Tôn đức môn hạ đệ tử của ngài cũng có nhiều sáng tác, dịch thuật, đóng góp nhiều tác phẩm có giá trị vào trong gia bảo Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam.

Song song với việc giáo hóa, ngài còn tùy duyên lập Tuệ Tĩnh Đường chữa bệnh cho bà con miễn phí (Tuệ Tĩnh Đường Linh Chiếu, Long Thành, Đồng Nai). Ngài khuyến khích các Phật tử tùy nghi làm các việc phúc thiện trong khả năng cho phép... Ngoài ra, ngài còn tùy duyên làm nhiều việc lợi ích khác. Điển hình như hưởng ứng đóng góp vào công việc từ thiện chung của Giáo hội; tùy khả năng của mình để giúp đỡ những nơi bị thiên tai bão lũ, dịch bệnh…

Giáo hóa độ sanh, làm nhiều việc công ích xã hội, được quần chúng hưởng ứng, đón nhận. Tuy vậy, Hòa thượng luôn sách tấn các Thiền sinh không để đánh mất công phu trên mọi hoàn cảnh. Đối duyên xúc cảnh hay làm bất cứ công việc gì, Hòa thượng Trúc Lâm luôn đề cao việc phản quan, tu tập. Không theo trần cảnh, phải sáng tánh mình, như thế mới có nội lực để được vô nhiễm (hòa mà không tan).

4.2.    Xác định Tông phong “Hòa mà không tan”

Trước một chiếc điện thoại thông minh hạng sang vừa mới ra đời, chúng ta có thích hay không? Nếu thích thì rõ là đã bị tan chảy, không có trí tuệ xứng đáng để người khác học hỏi, noi theo. Nếu không thích, quay lưng với nó thì bị lạc hậu, cũng không có trí tuệ gì để quần chúng quan tâm, để mắt. Vậy phải làm sao? Tương tự, trước một thời đại văn minh đang từng ngày phát triển đến choáng ngợp; nếu dấn thân vào thì bị vòng xoáy nhấn chìm; nếu quay lưng thì bị đào thải, ai nuôi sống mình và những người chung quanh? Chưa có câu trả lời thích đáng thì cuộc đời vẫn còn đó nhiều điều chưa có hướng giải quyết. Nếu có một trí tuệ đủ lớn để thấu rõ, chủ động và có vô vàn cách để giải quyết mọi chuyện một cách nhẹ nhàng thì chúng ta liền học được tinh thần nhập thế của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Một Thiền phái Việt Nam do vị Tổ sư là người Việt Nam sáng lập, lớn mạnh, đã từng là quốc giáo của đất nước Đại Việt, được hình thành cách đây đã hơn 700 năm. Nhưng đến nay, một xã hội văn minh, phát triển hiện đại, tinh thần nhập thế ấy vừa rất văn minh và hiện đại, lại vừa hết sức gần gũi và thiết thực, bởi nó rất cần để giải quyết câu chuyện cuộc sống của mỗi người hiện nay. Vật chất và tri thức hiểu biết có thể đang rất cao, nhưng trí tuệ và bản lĩnh sống của chúng ta có đang theo kịp hoặc cao hơn như thế hay không là ở đặc điểm nhập thế này. Nếu nhận ra thì sự phát triển sẽ được hoàn hảo, trọn vẹn. Muốn thế, cần phải có sự tu tập, sáng tâm mới đủ diệu lực, đối cảnh không tâm, cho chúng ta hòa vào, nhưng tự vượt thoát tất cả.

Do vậy, chư Tổ đời Trần đào tạo hành giả phải có thời gian tu, sau đó mới đủ tư cách hòa quang đồng trần. Hiện nay, Thiền phái Trúc Lâm cũng có khu nội viện để tạo điều kiện cho Thiền sinh thực học chuyên tu. Khi đủ nội lực, mới cho ra làm Phật sự. Hòa thượng Tông chủ nói: “Có nhiều vị hỏi tôi ‘Chư Tăng, chư Ni vào Thiền viện tu bao lâu thì ra?’. Tôi nói: ‘Chừng nào có ai sáng đạo, đủ lòng tin đối với Tam Bảo và có khả năng làm lợi ích chúng sanh, tôi sẽ cho ra. Trừ những trường hợp bất thường, có người xin rút lui vì không chịu đựng nổi khuôn phép Thiền viện, hay bệnh hoạn không thể trị hết thì ra lúc nào cũng được. Nếu tôi thấy xứng đáng lãnh trách nhiệm ở đâu, cho ra làm Phật sự là kết quả tốt. Còn hai trường hợp kia là kết quả xấu’”[13]. Tự ý xin rút lui, có nghĩa là chưa đạt đến tiêu chí đủ tư cách nhập thế. Vì vậy, Hòa thượng Tông chủ và chư Tôn đức Thiền phái Trúc Lâm không chứng minh.

Nếu ai đã có kinh nghiệm trong sức sống chân tâm thì thấy ra một cách dễ dàng, bởi hằng ngày đối duyên xúc cảnh, quý vị đã sống như vậy. Thấy ra từ sức sống của mình chứ không phải do học hiểu. Với một người đang trên sa mạc đói khát gần chết thì cốc nước lã mới là cần thiết và trở thành quan trọng. Nhưng người đang ở thành thị đã no đủ món ngon thượng vị rồi thì cốc nước lã muôn đời vẫn chỉ là một cốc nước lã. Cũng thế, chúng ta đang để bụng mình đói khát món ngon thượng vị an định, trí sáng, an lạc của tự tâm cho nên những thứ của nước lã lợi danh, tham vọng, vật chất, được mất, bại thành... đua nhau hấp dẫn, kéo lôi, dày vò, căng thẳng đến điên loạn. Nếu đã ngộ tâm, tâm tự không, có đại trí, năng lượng sẽ tràn đầy; lòng ta an định, bản lĩnh có thừa; niềm an vui lại ngập tràn khó tả xiết. Lúc này tâm mình không còn chỗ cho những thứ trong đời chen chân chi phối. Mọi việc chỉ là bình thường mà sống động, phi thường; thì nói làm gì đến việc quay lưng với cuộc đời hay hòa vào mà bị tan chảy? Ngay đây, ngay tại tất cả tình huống, hoàn cảnh trong đời mà tự được vượt thoát, thấy biết rõ ràng, tùy thời làm lợi ích cho mọi người mà như là đang nghỉ ngơi chưa từng làm gì cả. Sống được như vậy, tự khắc hay ra tinh thần nhập thế của Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam đang hiển hiện rờ rỡ, rõ ràng, tại đây, bây giờ, chưa từng bị chìm mất.

Từ ngàn xưa cho đến hôm nay, hoặc đến tận mãi sau này, bạc tiền, lợi danh, tiện ích, đến cả nỗi khổ, niềm đau, được mất, thành bại..., đều không khác nào một chiếc lá đang rơi trước mắt mình. Bởi tất cả là thứ bị mình biết, chỉ là một thứ đang đối diện thôi, không phải thật là mình. Nếu quên đi sự lặng yên sáng suốt để nhìn theo chúng thì sẽ thấy chiếc lá khác với nỗi khổ, niềm đau, liền bị nó chi phối đến não lòng, đau đớn. Nếu không nhìn biết theo tất cả, dám mạnh dạn buông xuống, lặng yên, sức sống sẽ được hồi phục, mọi chuyện trở nên tươi mới; sực hay ra, mọi thứ vốn bình thường, không có quyền chi phối mình lớn đến như vậy.

Vật chất không có lỗi, nhưng nếu con người không đủ sức tự chủ thì bị nó chi phối, mới có lỗi, đưa đến sai lầm, khổ đau. Nếu nhận ra trí tuệ cội nguồn rộng lớn sẵn sáng nơi chính mình, hành giả sẽ tự vượt thoát tất cả mà hay bao dung tất cả, liền học được tinh thần nhập thế của Thiền tông Việt Nam.

5)     TỔNG QUAN: Tông phong, Tông chỉ và tu tập hành trì tương quan mật thiết với nhau

Như đã xác định ở trên, Tông chỉ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là “Phản quan tự kỷ, trực ngộ bản tâm” (hay còn gọi là Phật tại tâm). Ngộ tâm thì tâm tự rỗng thênh, là tông chỉ. Từ đây mới có diệu lực cho hành giả vô nhiễm, hòa mà không tan; đây là Tông phong. Do đó, Tông phong phải đi liền với Tông chỉ, tức là thực hiện các việc lợi sanh nhưng không ngoài bản tâm. Nếu rời bản tâm để làm bất cứ việc thiện nào cũng chưa khế hợp Phật sự. Kinh Hoa Nghiêm, Phật dạy: “Vong thất Bồ-đề tâm, tu chư thiện pháp thị danh ma nghiệp”[14]. Nghĩa là: “Quên mất tâm Bồ-đề mà tu hành các thiện pháp, gọi là hành động của ma”.Sự thật, không ngộ bản tâm thì tâm tự loạn động, chưa khỏi mê mờ, thiếu tự chủ bản thân cho nên dễ sanh các tình tệ, quỷ ma sẽ có ra từ đó.

Đôi khi chúng ta có lòng tốt, làm nhiều việc giúp người, cứu đời và tự cho đó là thực hành hạnh Bồ tát. Chúng ta cần xác quyết rõ ràng: Những vị thực hành hạnh Bồ tát cứu đời, giúp người, và một người bình thường ở đời cùng làm một công việc như vậy, có gì khác nhau? Nếu không thấy ra thì hành hạnh Bồ tát đồng với người chưa biết tu hành gì, vô lý. Thử hỏi, ngay khi làm việc lợi ích chúng sanh, cái gì là chất liệu Bồ tát trong ấy? Nếu thấy người khó khổ thì cứu giúp, không nghĩ gì; đó là không thấy biết rõ ràng, đồng với vô minh. Mà cụ thể là ai cũng có thể làm và không nghĩ gì như thế, đâu cần Bồ tát? Và kết quả của việc ‘không nghĩ gì’ ấy chỉ là một quán tính, tập lâu thành quen chứ chưa có trí tuệ chiếu phá sanh tử, thì lấy đâu để gọi là hành Bồ tát hạnh vượt thoát sanh tử?

Không suy nghĩ gì thì chưa khỏi vô minh; có suy nghĩ là phàm phu phân biệt, còn mê, chưa biết tu hạnh Bồ tát; cuối cùng, phải làm sao mới phải, mới đúng là tu hạnh Bồ tát? Nếu không xác quyết rõ ràng thì chúng ta đang bị chính mình lừa gạt. Nghĩ là đang tu hạnh Bồ tát, nhưng thực tế thì không biết gì, chưa tu gì về hạnh giác ngộ ấy cả. Thực ra, mới chỉ làm từ thiện, tạo phước trời người. Chỉ là tạo phước trời người mà ngỡ mình tu hạnh Bồ tát; để rồi khi già, lực giác của Bồ tát không có, phải bị các khổ hoành hành, mới biết trước đây bị lầm, làm sao quay lại thời trẻ để sửa đổi! Thiệt thòi cho mình. Do đó, cần phải xác quyết ngay từ ban đầu cho thật rõ ràng.

Muốn thực hành hạnh Bồ tát, trước tiên phải biết Bồ tát là gì? Bồ tát là hữu tình giác (một người giác ngộ) và giác hữu tình (cứu giúp, độ cho người khác cũng được giác ngộ như mình).

Hữu tình giác: Chính mình phải sáng đạo, tức giác ngộ. Hoặc chưa như thế thì hướng tánh tu tập, tức là hướng đến sự giác ngộ. Đây là trọng tâm. Muốn được như thế thì phải tu tập Thiền định mới đạt đến kiến tánh, giác ngộ. Bởi tu bất cứ pháp môn nào của đạo Phật mà chưa đạt đến Thiền định thì xem như chưa có kết quả. Nếu đã đạt suốt thì chính là đang sống trong chân trời giác ngộ của thiền định rồi. Đây là “Hữu tình giác”, một bậc giác ngộ.

Giác hữu tình: Tức là cứu giúp người khác cùng giác ngộ, sáng lại tánh này. Dù ban đầu có dùng phương tiện là lợi hành, phúc thiện, nhưng hướng tiến phải dạy tu Thiền định để đưa họ đạt đến giác ngộ, mới hết khổ, chứ không phải chỉ làm từ thiện suông.

Kinh Kim Cang, đức Phật dạy muốn thành Phật thì việc tu tập tối thiểu phải đạt được ba tiêu chí: Không rời tự tánh, tu các pháp lành và không rơi vào các tướng.

Không rời tự tánh: Hành giả tu tập, tâm thể lặng trong – Giác sáng – Biết khắp, rõ ràng, nhưng không động; là đang ở trong chân trời giác ngộ; là tự giác, là hữu tình giác.

Tu các pháp lành:Là hành hạnh lợi tha, giúp người giác sáng. Nhưng tất cả đều lặng trong; là giác tha; là giác hữu tình.

Không rơi vào các tướng: Cụ thể, vật cho, việc làm, mình, người, đều thanh tịnh, vô sở đắc. Thực hành được như vậy mới đạt đến “Tam luân không tịch”, đạt đến Bố thí Ba-la-mật, mới đúng là tu hạnh Bồ tát, mới mong tiến đến viên thành Phật đạo.

Tu hạnh Bồ tát là như thế. Bản chất rất khác với làm việc tốt, việc từ thiện thông thường, hoặc chỉ tu để hưởng phước hữu lậu trời người. Nếu nhầm, cứ ngỡ mình đang tu hạnh Bồ tát, nhưng chưa phải, sẽ không có định tuệ, không có năng lực để làm chủ sanh tử, vẫn còn khổ đau. Biết rõ để nỗ lực hướng tiến thì sẽ có ngày đạt được. Nếu bị nhầm, chưa phải mà ngỡ là đã phải thì ở mãi trong mê lầm, trôi lăn trong sanh tử không có ngày ra.

Bất luận tại gia hay xuất gia, ở chùa hay ở nhà, hễ tu hạnh gì thì phải biết rõ hạnh đó để hướng tiến. Ở hoàn cảnh nào thì tu trong hoàn cảnh ấy, đúng với hạnh tu mình đã chọn. Ít hay nhiều là do bản thân mỗi vị dụng công. Có dụng công thì chắc chắn sẽ được tiến bộ. Không để nhầm lẫn nhãn mác này, nhưng nội dung lại khác, phương hại đến mình.

Như vậy, sáng lại tánh mình, không động, là giác ngộ; là tỏ sáng Tông chỉ. Lúc này, trí tuệ được phát huy đúng mức của nó, hành giả sáng biết, không mê lầm. Chính khi ấy, bản tánh sáng ngời, vô tướng nên rời hai tướng động và tịnh. Muốn động cũng không thể được, nên thiền định rỡ ràng. Đã như thế rồi thì nội lực, năng lượng tràn đầy nên tích cực độ người trở về giác ngộ như mình đang sống. Càng thực hành như vậy, sức sống đạo càng sáng tỏ, diệu lực càng mạnh, hành giả càng thanh thoát lạ thường. Cứ thế tiến mãi, không gì ngăn cản được, cho đến ngày viên mãn. Như thế để tùy thời, tùy duyên thừa hành Phật sự, cứu đời, lợi người, không cần nhân danh Phật hay Bồ tát mà sức sống lạc an như quý ngài đều đã sẵn đủ trong ấy. Được vậy là vừa nêu cao Tông chỉ, đồng thời cũng vừa diễn xướng Tông phong. Một việc gồm tất cả việc, bởi trong thể đã sẵn dụng, là trong Tông chỉ đã sẵn Tông phong. Tất cả việc không khác một việc trước mắt hiện nay đây, do ngay dụng, thể đang toàn bày; là ngay Tông phong không rời Tông chỉ. Tinh thần nhập thế của Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam là Tông phong của một dòng Thiền lớn đại diện cho nước Việt đạt đến rốt ráo và viên dung là như thế. Vào đời làm lợi ích chúng sanh, nhưng phải đạt đến đạo lý giác ngộ giải thoát, chứ không phải nằm trong quan niệm thường tình. Đây là Tông phong không tách rời Tông chỉ. Thực hành được như vậy là đã nêu cao Tông chỉ ngộ tâm, diễn xướng Tông phong nhập thế, phát huy được các giá trị độc đáo của Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam. Tuy nhiên, không phải muốn là được mà phải có quá trình học hiểu, hành trì, mới từng bước đạt đến cứu cánh viên mãn.

Như vậy, học hiểu, hành trì là lộ trình hành giả phải đi. Tông chỉ là trọng tâm của việc tu, là đích đến của lộ trình đó. Tông phong là phát huy diệu dụng từ Tông chỉ (bản tâm) và lan tỏa, làm lợi ích quần sanh. Ba giá trị nòng cốt này phải được xác định rõ ràng để thực hành, không thể thiếu một.

Không khéo tu hành thì không thể ngộ và bảo nhậm được bản tâm (Tông chỉ). Không ngộ Tông chỉ thì hòa vào đời sẽ không đủ diệu lực, bị tan biến cho nên không đảm bảo được điều kiện ‘hòa mà không tan’ của Tông phong. Nếu không có Tông phong thì việc tu hành và ngộ tâm sẽ không đạt đến rốt ráo, dung thông, mà còn phiến diện hoặc đôi khi là tiêu cực, chưa khế hợp Phật đạo. Ba giá trị cốt lõi: Hành trì, Tông chỉ và Tông phong phải luôn luôn có mặt đồng thời trên một hành giả, không thể tách rời nhau thì mới đạt đến tự giác, giác tha và giác hạnh viên mãn để thành tựu Phật đạo.

6)     KẾT LUẬN

Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam có những đặc điểm nổi bật, như: Tông chỉ ngộ tâm, Tông phong nhập thế và phương cách đào tạo riêng để đạt đến Tông chỉ và Tông phong ấy. Tuy có nhiều điểm đặc biệt, nhưng tất cả được đặt nền tảng trên một trí tuệ nguồn giác ngộ. Từ nhất thể này để có ra và làm nên tất cả. Chính vì thế, tất cả các đặc điểm của Thiền phái có sự tương quan mật thiết và lô-gic với nhau trên một tự tánh.

Sơ Tổ Trúc Lâm nói:

Ở đời vui đạo hãy tùy duyên,

Đói đến thì ăn mệt ngủ liền.

Trong nhà có báu thôi tìm kiếm,

Đối cảnh vô tâm chớ hỏi Thiền[15].

Hai câu đầu ngài nói, ở đời muốn có niềm vui thì phải biết vui với đạo. Bởi chỉ có đạo lý chân thật mới đủ diệu lực cho chúng ta niềm vui thực sự. Mà muốn có đạo thì phải biết cách sống đạo, vui với đạo. Bằng cách, hoặc là khéo léo uyển chuyển để tu tập, hoặc là đã đạt ngộ để khéo tùy duyên. Tất cả các duyên dù có như thế nào thì hành giả cũng tùy duyên được như việc hằng ngày mình vẫn thường làm ‘đói thì ăn, mệt thì ngủ’. Muốn thế, phải có công phu tu tập hoặc sáng tâm mới có nội lực cho chúng ta dễ dàng tùy duyên. Cụ thể, phải có một cái ‘bất biến’ là bản tâm chân thật rồi ‘tùy duyên’ thì mới đạt được tiêu chí ‘hòa mà không tan’. Và tùy duyên được như thế mới khéo vận dụng đạo lý vào đời làm lợi ích chúng sanh mà vô nhiễm; đây là Tông phong của Thiền phái Trúc Lâm.

Như ở trên đã phân tích, hai câu sau ngài nói, nhận lại của báu trong nhà tức là bản tâm mỗi người thì đối cảnh tâm tự rạng ngời, rỗng thênh. Mà nhận lại bản tâm tức là Tông chỉ.

Như vậy, hai câu đầu Sơ Tổ nói rõ Tông phong nhập thế; hai câu sau ngài nêu lên Tông chỉ ngộ tâm. Qua bài kệ trên cho thấy, Sơ Tổ khẳng định: Muốn tùy duyên được; tức là Tông phong, thì phải có nội lực của ngộ thiền, nhận lại của báu vô giá ngay thân tâm này, là Tông chỉ. Và để đạt đến ngộ tâm, hành giả phải có sự tu tập, có công phu nhất định.

Nói là nhập thế thì phải tùy duyên được trên cả hai cảnh thuận và nghịch. Nếu chỉ tùy duyên trong cảnh vừa lòng, trong tầm kiểm soát của mỗi người thì đó là việc thường tình ai cũng làm được. Nhưng cuộc đời không dễ chìu lòng người. Nếu tìm sự nhập thế trên thuận cảnh thì đó chỉ là lý tưởng ngoài mong đợi, không có thực. Hơn nữa, còn tìm thuận nghịch thì chưa đủ trí tuệ và nội lực để nhập thế. Cho nên, muốn học theo tinh thần nhập thế tùy duyên, hòa mà không tan của Thiền phái Trúc Lâm, chúng ta phải có nội lực và trí tuệ vượt trên hai cảnh thuận nghịch, mới có được bản lĩnh này. Cụ thể đời Trần, lúc thịnh vượng hoặc gặp binh biến, vua Trần Nhân Tông cũng bình tĩnh, tự tại, tùy duyên mới có đủ bản lĩnh để chiến thắng[16]. Nội lực cho ngài có sức mạnh này chính là tâm thiền. Do ngài đã ngộ thiền lúc còn thái tử, sau này vừa làm vua vừa tu. Người không ngộ thiền, sẽ không đủ nội lực để có được bản lĩnh một cách trường kỳ như vậy. Ở trong đạo cũng như ngoài thế gian, bất kỳ ai muốn làm chủ cuộc sống để được an vui, phải có đủ bản lĩnh của trí tuệ và nội lực. Một nguyên thủ quốc gia luôn điềm tĩnh, sáng suốt mới có bản lĩnh lãnh đạo. Một Thiền sinh phải luôn phản tỉnh mới có bản lĩnh làm chủ sự cám dỗ. Một Thiền sư luôn sống bằng tự tánh chính mình nên tự tại, vượt thoát tử sanh. Tùy vào từng vị trí để có tên gọi khác nhau. Hoặc là bản lĩnh lãnh đạo, hoặc là làm chủ bản thân, siêu xuất hơn là vượt thoát sanh tử. Nhưng tất cả đều y cứ trên bản lĩnh của trí tuệ định tĩnh, có nội lực. Đây chính là sức sống từ tâm thiền. Muốn đạt được, chỉ cần định tĩnh mọi lúc mọi nơi. Ở vị trí nào, bất cứ đâu, ai ai cũng thực hành được. Đạt được sâu hay cạn, mạnh hay yếu còn tùy thuộc vào việc chuyên tâm thực hành liên tục không gián đoạn và thâm nhập. Dù nhiều hay ít gì cũng đều có tác dụng tốt cho cuộc sống và công việc của bản thân.

Và như thế, Tông chỉ, Tông phong của Thiền phái đã trở thành một sự thật nơi mỗi người, không còn là một quan niệm, quan điểm do cách tiếp cận mà có. Bất kỳ ai khéo vận dụng được, đều mang lại kết quả ngoài mong đợi.  

 

 

 

Mục Lục

 

THOÁT RA

1)     Dẫn Nhập

2)     Tầm Quan Trọng Và Giá Trị Của Chân Lý Thoát Ra

3)     Triết Lý Thoát Ra

4)     Triết Lý Chữ V

5)     Vận Dụng Vào Biểu Đồ Phát Triển Của Mỗi Người

6)     Ứng Dụng Vào Quy Trình Tu Tập Thiền Định

7)     Thực Hành

8)       Đạt Đến Siêu Việt, Ra Vào Tự Tại

9)      Kết Luận

 

CHÂN LÝ THOÁT RA VỚI SƠ TỔ TRẦN NHÂN TÔNG

1)    Dẫn Nhập

2)     Sự Cần Thiết

3)     Khái Quát Chân Lý Thoát Ra

4)     Chân Lý Thoát Ra Với Sơ Tổ Trần Nhân Tông

5)     Kết Luận

 

PHÁT HUY GIÁ TRỊ THIỀN PHÁI TRÚC LÂM YÊN TỬ

1)      Dẫn Nhập

2)     Giá Trị Tông Chỉ Của Thiền Phái Trúc Lâm

3)     Giá Trị Đặc Điểm Hành Trì Và Đào Tạo Của Thiền Phái Trúc Lâm

4)     Giá Trị Tông Phong Nhập Thế Của Thiền Phái Trúc Lâm

5)     Tổng Quan: Tông Phong, Tông Chỉ Và Tu Tập Hành Trì Tương Quan Mật Thiết Với Nhau

6)     Kết Luận

 

 



[1] HT. Thích Thanh Từ (1996), Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 63.

[2] HT. Thích Thanh Từ (2009), Ba vấn đề trọng đại trong đời tu của tôi, Sđd, tr. 72.

[3] HT. Thích Thanh Từ (2010), Thiền sư Việt Nam, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, tr. 339.

[4] HT. Thích Thanh Từ (2010), Thiền sư Việt Nam, Sđd, tr. 346.

[5] HT. Thích Thanh Từ (2010), Thiền sư Việt Nam, Sđd, tr. 378.

[6] HT. Thích Thanh Từ (2009), Ba vấn đề trọng đại trong đời tu của tôi, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, tr. 67.

[7] HT. Thích Thanh Từ (2010), Thiền sư Việt Nam, Sđd, tr. 340.

[8] HT. Thích Thanh Từ (2022), Tông môn cảnh huấn, tập 1, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 56-57.

[9] HT. Thích Thanh Từ (2015), Thanh Từ toàn tập, tập 16, “Sáu cửa vào động thiếu thất giảng giải”, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, tr. 136.

[10] HT. Thích Thanh Từ (2018), Thanh Từ toàn tập, tập 35, “Thiền sư Việt Nam giảng giải”, Sđd, tr. 254.

[11]Sa môn Tịnh Thiện (2018), Thích Thiện Phước dịch và phụ chú, Thiền lâm Bảo huấn hợp chú, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 512.

[12] HT. Thích Thanh Từ (2014), Tam Tổ Trúc Lâm, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 190.

[13] HT. Thích Thanh Từ (2003), Phụng Hoàng cảnh sách, tập 1, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, tr. 19-20.

[14] HT. Thích Thiện Hoa (1957), Tài liệu nghiên cứu và diễn giảng, tập 1, “Phát tâm”, Phật Học Đường Nam Việt xuất bản, tr. 13.

[15] HT. Thích Thanh Từ (2010), Thiền sư Việt Nam, Sđd, tr. 340.

[16] Điển hình, vua Trần Nhân Tông đã bình tĩnh để họp Hội nghị Diên Hồng và Bình Than, rồi thuận theo nhân duyên của các tướng lãnh và bô lão trong hội nghị.

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

1227076
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
2769
2628
2769
1199158
2769
109310
1227076