Chủ Nhật 1/12/2024 -- 1/11/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Đều từ cái nhìn - VỚI NGƯỜI ĐANG TRẢ QUẢ BÁO, NÊN GIÚP HAY KHÔNG

 

 

VỚI NGƯỜI ĐANG TRẢ QUẢ BÁO, NÊN GIÚP HAY KHÔNG

 

 

 

Có người đặt vấn đề, nếu ai đó trong quá khứ lỡ làm ác, tạo nghiệp xấu, không biết tu tập để chuyển hóa, đến khi quả báo chín muồi thì phải nhận lấy báo ứng không lành. Trong nhân gian có nhiều người cho rằng, nên để người đó chịu khổ để trả quả báo, nếu cứu họ thì quả báo xấu ấy sẽ về mình. Vậy chúng ta phải ứng xử như thế nào cho đúng?

 

Virus của máy tính sẽ không thể lây lan truyền nhiễm gây bệnh sang con người và súc vật. Người khác bị ngứa nơi cánh tay, chúng ta gãi giúp đúng cách (không để lây nhiễm) thì họ sẽ hết ngứa và cánh tay của chúng ta không hề bị ngứa. Anh A bị bệnh nhập viện thì anh A phải tự đau nhức. Người thân có thương đến đâu cũng không gánh giúp nỗi đau ấy. Tất cả là những ví dụ tương tự để hiểu về nghiệp báo. Không có nguyên lý người này gánh giúp được nghiệp báo của người khác. Người thân đến đâu cũng chỉ biết cảm thông và trợ duyên, chứ không thể thay thế nghiệp báo giúp cho nhau được. Thân thích mà còn như thế, huống nữa mình không sẵn sàng lãnh dùm nghiệp báo cho người khác thì làm sao nó có quyền chuyền sang cho mình.

 

Quan niệm nêu trên là của một số ít cá nhân suy nghĩ như thế chứ chưa phải đúng. Hiểu nghiệp theo kiểu lập trình mặc định, đã tạo ác thì phải chịu chứ chưa hiểu đúng lời Phật dạy. Nếu nói về nguyên lý của nghiệp là như thế. Nhưng Phật nói lên nguyên lý có thật đang diễn tiến để chỉ dạy cho chúng ta thoát ra khỏi nguyên lý ấy, chứ không phải bó tay chấp nhận. Một là không mê mờ tạo nghiệp xấu ác. Suy nghĩ, hành động theo hướng hiền thiện và thanh cao để không phải gánh chịu những quả báo xấu. Hai là nếu đã lỡ tạo thì nên sám hối, làm các công đức lành, tu tập thiền định để tiêu dung và chuyển hóa nghiệp. Nếu nghiệp nhẹ, công đức tu tập lớn thì được tiêu trừ, không bị trả quả báo. Nếu nghiệp nặng (định nghiệp) thì nhờ vào công đức tu hành và thiền định mà xảy ra nhẹ nhàng hơn. Như vậy, trong cái nguyên lý nghiệp báo dường như đã cố định, vẫn có cái linh hoạt, uyển chuyển, vận dụng, tác động bởi duyên lành và công phu tu tập để có thể thay đổi được, chứ không nhất thiết phải cố định như thế.

 

Vậy thì trong trường hợp trên, chúng ta nên nhìn lý nghiệp báo theo hướng tích cực để giúp người mê biết cách chuyển hóa; chứ không nhìn theo nguyên lý mặc định, gần như trách cứ, nguyền rủa người trót lỡ lầm. Cụ thể, mình là người ở ngoài nghiệp của người khác cho nên tỉnh táo, trí tuệ sáng suốt, mạnh mẽ hơn thì trước tiên nên có lòng từ bi cảm thông và cứu giúp người bị nạn. Có thời gian cho quý vị đó tỉnh táo, nhận ra chân lý rồi chúng ta dần dần chuyển hóa sau. Đó là biết cách giúp đỡ để người bị nghiệp biết sám hối, sống tốt, tu tập, chuyển hóa dần để trở thành người tốt, chứ không phải bảo họ chạy trốn nghiệp để nghiệp nó chuyền sang mình.

 

Như người ngủ say, nằm mơ, nói mớ thì chính người ấy bị đau khổ bởi giấc mơ của chỉ riêng họ, không liên quan gì đến người đang tỉnh, không ngủ. Những lời nói bậy của người ngủ say kia không có giá trị gì với người đang thức. Và người đang tỉnh, ngồi uống trà cũng không có tâm buồn hay giận gì anh chàng đang ngủ mê nói mớ kia. Chỉ là thương họ đang khổ trong một giấc mơ không có thật cho nên đánh thức tỉnh dậy thì mọi thứ trong mộng liền tan, người kia hết khổ. Đồng thời, nỗi khổ trong cơn ngủ say cũng không thể chạy sang được cho người tỉnh đã có công gọi anh chàng mơ ngủ kia tỉnh dậy bao giờ.

 

Tương tự, vì mê muội cho nên mới làm chúng sanh. Gốc của chúng sanh là mê muội. Người đang ngủ say, nằm mộng, nói mớ, có khổ đau thì bản thân người ấy không thể tự biết và chấp nhận rằng tôi đang mê và mộng. Chỉ khi nào tỉnh dậy rồi mới nhận biết. Sự si mê của chúng sanh cũng vậy. Là chúng sanh luôn đang trong cơn mê muội triền miên thì không thể nhận ra mình mê muội mà ngược lại thường cho mình là cao cả, luôn đúng, có khi đến mức cố chấp, ngông cuồng, làm khổ cho mình và người khác. Cho đến khi được giác ngộ rồi mới nhận ra. Giống như người đang tỉnh táo, nhìn thấy người bên cạnh mình ngủ mê nói mớ mà không hề hay biết vậy.

 

Già rồi mới biết lúc trẻ là sai lầm. Lúc mê lầm thì suy nghĩ và hành động thường ít khi được đúng, mà sau khi làm rồi, tỉnh lại mới nhận ra. Đôi khi được người khác nhắc thức, nhưng nếu sự mê muội quá sâu dày cũng chưa chắc đã chịu nhận, có khi còn kháng cự, oán trách. Nếu là bậc giác ngộ, tỉnh giác, sẽ tự thấy rằng, đang mê, trong vô minh thì không có gì thật và giá trị cả. Cãi vã, buồn phiền, tham sân… cũng vậy. Chính vì có cái nhìn đầy trí tuệ và từ bi này cho nên bậc giác ngộ không có mảy may trách cứ chúng sanh, mà còn thương cho cái khổ do mê lầm của họ cho nên phát nguyện vào đời để giáo hóa, cứu giúp. Và đối với trường hợp bị quả báo khổ đau trong câu chuyện trên, chúng ta cũng nên dùng trí tuệ, lòng từ bi và một chút kiên trì với thời gian để khéo léo cứu giúp họ nhận ra ánh sáng, thoát khỏi bóng tối đêm đen, các khổ theo đó cũng không còn.

 

 

 

 

 

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

1226545
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
2238
2628
2238
1199158
2238
109310
1226545