Thứ Năm 28/11/2024 -- 28/10/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Đều từ cái nhìn - ĂN CHAY

 

 

ĂN CHAY

1.  ĂN CHAY LÀ GÌ?

Ăn chay còn gọi là “Ăn chay lạt”. Ngược lại với ăn chay là “Ăn mặn”. Ăn mặn là chỉ cho việc ăn uống những món thuộc về động vật.

Ăn chay là ăn uống những đồ ăn thức uống có nguồn gốc từ thực vật. Không ăn uống những món thuộc về động vật (không ăn mặn). Vì vậy trong các Tự viện (nhà Chùa), ăn cơm gọi là Thọ Trai, hoặc Chứng Trai. Chữ “Trai” là chỉ cho những thức ăn chay lạt từ thực vật. Không phải ăn mặn.

2.  ĂN CHAY VỚI SỨC KHOẺ.

Với lý do nhằm bảo vệ sức khỏe cho thế hệ tương lai, toàn bộ 1,1 triệu học sinh tại các trường học trong thành phố New York, Mỹ đã có chương trình bữa ăn không thịt vào ngày thứ Hai hằng tuần.

2.1.  Dẻo Dai, Bền Bỉ, Mạnh Khoẻ.

Ở Nhật Bản đã nuôi thí nghiệm hai con chó. Một con cho ăn chay từ nhỏ và con còn lại thì ăn mặn. Khi lớn, cho hai con đấu với nhau. Ban đầu, con ăn mặn rất hung hãn, vồ vập, mạnh bạo. Trong khi đó con chó ăn chay thì thấy có vẻ khoan thai, điềm đạm, nhẹ nhàng. Một lúc sau, chú chó ăn mặn mệt lả. Chú ăn chay thì có sức bền cho nên chiến thắng. Vậy, sức mạnh nghĩa là bền bỉ với thời gian, không khuất phục trước mọi thử thách rồi sau cùng là chiến thắng; hay hung hãn nhất thời để rồi bỏ cuộc?

2.2.  Ăn Kiêng, Giải Độc.

Ăn chay cảm thấy nhẹ nhàng hơn, nhưng vẫn đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, không dư thừa để thành độc tố, sẽ tốt cho sức khoẻ. Hiện nay, nhiều người chưa có khái niệm về ăn chay, nhưng vẫn ăn kiêng như là ăn chay để giải độc. Có nhiều người phương Tây họ chỉ ăn thực vật để bảo vệ sức khoẻ. Ăn thực vật tức là ăn chay.

3.  ĂN CHAY VÀ TRÍ TUỆ.

Cơ thể nhẹ nhàng sẽ thông thái hơn khi trong người nghe nặng nề, khó chịu. Khi ăn nhiều dầu mỡ, sẽ nghe cơ thể có vẻ ì à ì ạch, lờ mờ, không sáng. Nếu dùng những thức ăn bằng rau, củ, quả, hạt... sẽ cảm thấy nhẹ nhàng, sáng suốt hơn. Cho thấy, khi ăn thực vật đủ chất, sẽ có trí tuệ hơn ăn những thức ăn nặng nề. Đồng nghĩa, ăn thức chay, cơ thể sẽ nhẹ nhàng, trí tuệ sẽ sáng suốt hơn ăn thịt. Một minh chứng sống là từ khi đi tu, ăn chay, quý Thầy cảm thấy thông minh hơn lúc mình còn ở đời ăn mặn.

4.  ĂN CHAY VÀ VIỆC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG.

Hiện tại, nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới tuyên bố, ăn chay sẽ giảm bớt khí thải từ chăn nuôi, góp phần bảo vệ môi trường.

Trường trung học cơ sở Swan ở Summertown, Oxford ở Anh Quốc chỉ phục vụ thực đơn chay vào bữa trưa, cấm học sinh mang đồ ăn từ ngoài vào. 

Kể từ mùa thu năm 2015, ngôi trường tiểu học mang tên MUSE ở Calabasas, bang California, Mỹ sẽ hoàn toàn chuyển sang thực đơn ăn chay. Mặc dù trước đó đã có nhiều trường học thực hiện ăn chay (chỉ vào ngày thứ Hai hằng tuần), nhưng MUSE là trường tiểu học đầu tiên tại Mỹ cung cấp thực đơn chỉ thuần là đồ ăn chay tại căng-tin trường.

Bên lề Hội nghị Khí hậu thế giới diễn ra ở Tây Ban Nha, một số tổ chức đã vận động ăn chay nhằm bảo vệ môi trường sống và giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Đã hơn 10 kỳ Hội nghị Khí hậu thế giới, mỗi năm tại một nước khác nhau, nhóm tình nguyện viên vận động ăn chay đã phân phát bữa ăn thuần chay miễn phí trong suốt 2 tuần đàm phán, với thông điệp: "Ăn chay giúp bảo vệ khí hậu Trái đất". Lượng khí thải ngành chăn nuôi tạo ra chiếm tới gần 15% tổng lượng khí gây hiệu ứng nhà kính làm cho Trái đất nóng thêm. Càng giảm tiêu thụ thịt động vật, lượng khí thải chăn nuôi sẽ càng giảm. Liệu có thể cụ thể hóa điều đó trong cam kết quốc tế hay không? Đó là mục tiêu các nhóm vận động ăn chay hướng tới khi có mặt ở các kỳ Hội nghị Khí hậu thế giới, cùng hàng trăm tổ chức dân sự khác.

Ở quy mô quốc gia, vận động ăn chay đã mang lại một số kết quả cụ thể. Ví dụ tại Pháp, từ ngày 4/11 vừa qua (năm 2019), luật của Pháp bắt buộc căng-tin các trường học mỗi tuần phải có một bữa trưa thuần chay. Và hiện tại, thanh niên của người dân Pháp thường xuyên ăn chay và xem đây là chuyện tốt, rất bình thường, không có gì trở ngại cho đời sống sinh hoạt.

Đến nay 2020, trào lưu ăn chay hiện đang nở rộ tại các lễ trao giải danh giá nhất của Hollywood. Như Quả Cầu Vàng 2020, chuỗi tiệc ăn mừng Oscar (2020) được phục vụ bởi nhà hàng thuần chay danh tiếng Nic’s on Beverly.

Nói vậy để thấy, xã hội càng văn minh tiến bộ, càng nhận ra việc ăn chay của nhà Phật là đúng đắn, hợp lý, cần được nhân rộng để mang lại lợi ích cho con người và xã hội. Qua đó thấy được, ăn chay hiện nay không còn giới hạn trong một tôn giáo, ở nhà tu hành mà đã lan tỏa rộng rãi trong xã hội và khắp nơi trên thế giới, như là sự lan tỏa hiển nhiên của một lợi ích chính đáng, thiết thực.

5.  ĂN CHAY VÀ LÒNG TỪ BI.

Con người thường lấy bản ngã của mình làm tâm điểm của vũ trụ để phán xét mọi thứ thông qua mình một cách rất chủ quan. Có người quan niệm rằng “Vật dưỡng nhơn”, nghĩa là các con vật sinh ra để nuôi dưỡng con người. Vậy thì con cọp nó cũng cần ăn mình cho nên nói “Nhơn dưỡng hổ”, con người có chấp nhận không? Có ai tự nguyện sẵn sàng đem thân mình đến miệng con hổ đói xé xác, làm thức ăn cho nó hay không? Nếu có thì người thân có cho phép không? Khi chúng ta đối trước miệng hổ sẽ bị hoảng loạn, đau đớn như thế nào thì những con vật đối trước mình nó cũng bị những nỗi đau và hoảng sợ tương tự. Vì không chủ quan đề cao bản ngã, biết đặt mình vào người khác và muôn loài để cảm thông. Mình đau thì nó cũng đau, mình sợ hãi thế nào khi mất mạng thì con vật cũng thế. Vì có lòng từ bi sâu sắc thương cho nỗi đau và hoảng sợ của những con vật cho nên chúng ta không nỡ làm ngơ để ăn nó.

Có người bẫy được chú chim và nhốt trong lồng. Đến bữa, bắt chú chim để làm thức ăn. Thấy chú sợ hãi và đau đớn quá, người này nghĩ rằng mình nên nhắm mắt lại để bắt thì nó sẽ không đau. Như vậy khi chúng ta nhắm mắt và mở mắt để bắt giết chú chim, sự đau đớn và hoảng loạn của con chim có khác hay không? Nhắm mắt là mình không thấy thôi, chứ con chim vẫn đang đau khổ. Vậy cho rằng, nhắm mắt lại, không nhìn thấy con chim để bắt nó, để cho con chim không bị đau khổ, trong khi đó con chim vẫn đang hoảng loạn, đớn đau. Đây là ý chỉ vừa nêu ở trên. Chân lý sẽ đúng cho tất cả và thuộc về chung của tất cả, không của riêng ai. Nếu thông qua ai hay của bất kỳ ai đều là thuộc về tính chủ quan, không còn là khách quan nữa. Không chủ quan lấy bản ngã của mình làm trung tâm để phán xét tất cả phải tuân theo. Cần biết đặt mình vào người khác, loài khác để cảm thông thì cuộc sống của chúng ta sẽ tự có đạo đức, lương tâm và trí tuệ đúng đắn. Khi lương tâm đạo đức và trí tuệ có mặt, nó sẽ không bao giờ cho phép chúng ta phớt lờ, làm ngơ, ngụy biện để được thỏa thích tham muốn, sân si qua bản ngã của mình và những thứ thuộc về mình (ngã và ngã sở).

Có lần trong buổi lễ hạ điền, đức Phật Thích Ca Mâu Ni lúc này còn là Thái tử Sĩ-đạt-ta tham dự. Khi người cày ruộng, côn trùng ngoi lên, chim sà xuống gắp. Thái tử ngồi dưới tán cây thấy thế liền nghĩ, sự sống của con này là nỗi khổ của con khác. Thái tử nhận ra, sanh là khổ (sự sống là đau khổ). Ngài liền nhập Sơ thiền.

Chỉ cần đặt mình vào người khác và con vật để cảm thông, biết được sự hoảng sợ và đau đớn của chúng sinh khi bị giết như thế nào, thì chúng ta sẽ không ăn dùng trên sự đau đớn của con vật khác.

6.  ĂN CHAY, CĂN LÀNH SẼ TĂNG TRƯỞNG.

Chiêm nghiệm sẽ thấy, ngày xưa khi còn ăn mặn thì mổ gà, giết vịt, cảm thấy bình thường. Cho đến khi ăn chay được một thời gian, nghe người khác nhắc đến việc cắt cổ nhổ lông thì lại cảm thấy rợn người, nổi gai ốc. Đó là dấu hiệu cho thấy, khi ăn chay, căn lành theo đó được tăng trưởng. Không chấp nhận những cảnh làm khổ con vật, cho nên khiến mình có cảm giác rùng rợn như vậy, không cho phép chúng ta có thể làm ác được.

Chưa nói đến trí tuệ hay ý thức, ăn chay lâu ngày tế bào trong cơ thể sẽ thay đổi khiến mình sống nhẹ nhàng, sống tốt, thiện căn tăng trưởng, lòng từ bi lớn thêm, tội nghiệp xấu ác được tiêu trừ. Nghiệp ác giảm bớt thì giảm bớt các họa ương, xui rủi; không bị đọa lạc, khổ đau. Căn lành lớn thêm thì vừa hóa giải được ác nghiệp; vừa giúp cho mình có được cuộc sống may mắn, tươi sáng, ngày càng thăng tiến, đi lên, không bị sa đọa.

7.  ĂN CHAY ĐỂ KHÔNG GIEO OAN TRÁI HẬN THÙ.

Ai tát một tát tai, mình liền nổi sân muốn đáp trả lại hơn như thế. Ai xúc phạm quá đáng, chúng ta ôm hận suốt đời. Biết được ai xâm hại mạng sống người thân, bằng mọi giá con người sẽ đòi lại sự công bằng mới hả dạ. Chúng ta có cảm xúc, biết đau, loài vật cũng thế. Nếu giết chúng để ăn, chắc chắn chúng cũng có tất cả những nỗi sân hận, uất ức, muốn tìm cách trả thù như mình không khác. Cho nên, nếu có điều kiện ăn chay được, chúng ta sẽ không gieo rắc oan trái, hận thù, không mắc nợ mạng sống chúng sanh.

Dưới nhiều phương tiện khác nhau, chúng ta có thể tìm hiểu những sự việc này qua nhiều câu chuyện quả báo đòi nợ mạng sống. Điển hình như chuyện Vô Tâm Sát Sư, Thiền sư Thông Tuệ,  Hoàng hậu Hy Thị…

8.  ĂN CHAY ĐỂ TRỢ GIÚP ĐIỀU CHỈNH TÂM SINH LÝ.

Khoa học đã chứng minh, vào các ngày 14, 15, 30, 01 âm lịch, con người bị chi phối bởi hiện tượng sức hút của mặt trăng cho nên tâm sinh lý bị đột biến hơn bình thường. Nếu vui thì vui quá độ, buồn thì buồn thê thảm, ngông thì khó dừng lại, nổi giận thì giận dữ cũng khó lường. Vì bản thân không bình ổn, dẫn đến những phản ứng tâm lý thái quá, do đó con người khó giữ được sự cân đối như thường ngày. Dễ thấy nhất là vào những ngày này tai nạn giao thông nhiều hơn bình thường. Nhưng nếu vào chùa để tu tập thì cũng sẽ tiến bộ tốt hơn. Vì vậy, các tự viện từ xưa đến nay đều tổ chức cho Phật tử đến chùa tu tập vào những ngày ấy, đã trở thành thông lệ, truyền thống.

Để bớt sự chi phối của sức hút mặt trăng, các chuyên gia khuyên chúng ta không nên uống nước nhiều vào những ngày này. Và ăn chay, tu tập sẽ hạn chế sự chi phối tác động tâm lý, khiến cho thân tâm nhẹ nhàng, thơ thới. Qua đó cho thấy, ăn chay sẽ giúp con người điều chỉnh tốt tâm sinh lý. Những ngày bị sức hút của mặt trăng chỉ là một ví dụ nổi trội điển hình để chúng ta dễ dàng nhận ra. Còn lại hằng ngày, vì còn là chúng sanh, chúng ta khó tránh khỏi những tồn tại bất ổn. Nếu sắp xếp được điều kiện để ăn chay, cơ thể sẽ nhẹ nhàng, tinh thần thơ thới, sẽ tránh được những căng thẳng trước mắt và những điều đáng tiếc có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Cho thấy, ăn chay, tu tập, sẽ giúp điều chỉnh tâm sinh lý, bớt bị các tác động xấu khác, mang lại nhiều lợi lạc và tích cực cho bản thân cùng mọi người chung quanh.

9.  KHI ĂN CHAY, KHÉO ĐIỀU HÒA ĐỂ NGƯỜI KHÁC KHÔNG THẤY PHIỀN.

Nên giải thích cho mọi người hiểu và thông cảm khi mình ăn chay. Đồng thời, nếu có thể, theo thời gian, chúng ta khuyến khích để mọi người hưởng ứng và sẵn sàng, thích thú ăn chay cùng mình.

Không để vì việc ăn chay mà phiền não, sân si, phản tác dụng. Ví dụ ngồi ăn cùng một mâm cơm, bên chay, bên mặn. Người thân vô tình dùng đôi đũa ăn mặn để gắp vào tô canh rau, chúng ta nổi sân giận dữ như là mình đã bị phạm giới. Như thế đã rơi vào cố chấp, không còn ý nghĩa tốt. Tuy không cố ý, nhưng hành động đó đã vô tình khiến cho người thân nhận thấy mình ăn chay là trong sạch, cao thượng và họ là nhơ bẩn, thấp hèn, do đó sẽ bị tổn thương. Hành động phản ứng sau đó dù là lặng thinh, nói lại hay làm bất cứ gì cũng đều bất ổn, rất thương tâm. Ăn chay như thế là chưa khéo cho nên bị kết quả ngược, không tốt.

10.  ĂN CHAY PHẢI LÀ TỰ TÂM MÌNH CÓ NIỀM VUI THÍCH ĂN CHAY.

Có nhiều vị ăn chay, nhưng lại thích làm giả thức ăn giống như những hình thù món mặn, như là tôm, gà... Hoặc đi chợ thấy miếng thịt thèm quá cho nên mua về để dành trong tủ lạnh, ngày mai ăn. Như vậy là miệng ăn chay, nhưng tâm hồn thì chưa chay trọn vẹn. Sẽ thiếu cơ hội để cảm nhận được sự thanh cao, hoan hỷ và vui thích khi được còn có điều kiện hiểu biết để ăn chay.

11.  BỊ BẮT BUỘC SÁT SANH THÌ PHẢI LÀM SAO?

Giả sử mình là người ăn chay. Nếu về làm dâu trong gia đình chưa biết ăn chay, đến ngày giỗ kỵ, buộc mình phải giết gà thì phải ứng xử thế nào?

Trước tiên phải dùng hết tâm sức của mình, khéo léo nói cho mọi người cảm thông. Nếu hiện tại chưa được thì cũng kiên nhẫn hy vọng ngày sau trong gia đình sẽ hiểu, sẽ nhận ra chứ không bỏ cuộc.

Trong nhất thời không còn cách nào khác và buộc mình phải làm trách nhiệm giết mổ. Theo sách Sadi Luật Giải, trước tiên phải kiểm tra và bảo đảm chắc chắn rằng, mình không có tâm niệm vui thích để giết mổ. Kế đến phải có lòng từ bi thương cảm cho những người ra lệnh giết mổ, bởi sau này họ sẽ khổ. Đồng thời thương con vật bị giết mổ đau đớn khôn tả xiết. Sau đó, khuyên con vật hướng về Tam Bảo phát khởi thiện tâm để gieo trồng căn lành, kiếp sau không bị làm súc sanh khổ sở như vậy nữa. Luôn bằng nhiệt tâm thương cảm và khuyến khích như thế, thần thức con vật thoát ra thân xác sẽ cảm được và không sân hận đòi trả thù. Từ đó sẽ bớt những tai hại, mọi việc sẽ tốt hơn cho tất cả.

Việc này trong luật Phật có ghi rõ. Như mẩu chuyện trong bài kinh Độ Cẩu. Hoặc chuyện Tôn giả Xá Lợi Phất đã cứu con chó bị chủ chặt bốn chân bỏ vào sọt rác. Tuy không qua khỏi, nhưng nhờ sức chú nguyện của Ngài mà sau khi chết, con chó trở lại làm người. Gặp ngài Xá Lợi Phất, xin xuất gia. Vì mới 7 tuổi cho nên ban đầu làm chú Sa Di có pháp hiệu là Hiền Trí. Tuy còn nhỏ như vậy, nhưng đã tu hành chứng đắc thánh quả A La Hán. Biết được kiếp trước của mình cho nên chú Sa Di này phát nguyện không thọ Đại giới, nguyện sống như vậy để tu hành và làm thị giả suốt đời để trả ơn Thầy mình. Nhân duyên này được chép trong sách Sa Di Luật Giải.

 

 

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

1217524
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
2076
4135
18366
1175483
102527
118095
1217524